Nếu cách đây hàng chục năm, câu chuyện về hệ thống thủy lợi chủ yếu xoay quanh nhiệm vụ tưới tiêu, thoát úng thì ngày nay, sự khó lường của biến đổi khí hậu, nhu cầu gia tăng về nguồn nước sản xuất, sinh hoạt đã đặt sứ mệnh của thủy lợi vào một tình thế khác trước, không chỉ đơn thuần là “trị thủy”.
Theo chân cán bộ Công ty khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đến thăm Hồ chứa nước Cầu Mới (Long Thành) những ngày này, trước mắt chúng tôi là một công trình hồ nước trong xanh, phẳng lặng, in bóng đủ loại cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày. Toàn bộ hồ chứa được bao bọc bởi hệ thống đê đã được kiên cố hóa, cạnh đó là nhà máy nước hiện đại đưa nước sạch đến từng ngõ ngách, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân huyện Long Thành và các cụm, khu công nghiệp tại địa phương.
Ông Phạm Văn Hào, Trưởng trạm khai thác công trình thủy lợi huyện Long Thành cho biết, sau khi công trình hồ Cầu Mới hoàn thành, hoạt động về phòng, chống thiên tai thì Trạm là đơn vị trực tiếp tham gia điều phối. Vào đầu mùa mưa, Trạm điều tiết mực nước thấp để cắt lũ, khi nước dâng lên đến cao trình gần tràn thì Trạm sẽ thông báo về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của huyện và của tỉnh, cấp xã, xã vùng hạ du để chủ động ứng phó. Về mùa nắng, Trạm cũng có trách nhiệm cấp nước sản xuất, và sinh hoạt để chủ động ứng phó hạn hán.
“Hiện tại công trình đang cấp khoảng 20 triệu mét khối nước cho công nghiệp, sinh hoạt, đồng thời cấp nước tưới cho vùng sản xuất nông nghiệp khoảng 15.000 ha. Trước đây, vào mùa khô thường xảy ra tình trạng hạn hán, do nguồn nước khó khăn, thiếu thốn từ đó xuất hiện tình trạng tranh chấp nước tưới nông nghiệp ở một số nơi. Tuy nhiên, từ khi xây hồ Cầu Mới đến nay thì hạn hán từng bước được đẩy lùi, tình trạng thiếu nước không còn xảy ra, người dân cũng lấy nước tiết kiệm và yên tâm lao động sản xuất”, ông Hào chia sẻ.
Hồ chứa nước Cầu Mới được đầu tư xây dựng năm 2004 và đưa và vận hành khai thác năm 2008, là một trong hồ chứa lớn nhất do tỉnh Đồng Nai đầu tư xây dựng, quản lý. Hiện hồ có sức chứa 30 triệu m3 nước. Bên cạnh việc đảm nhiệm điều tiết lũ vào mùa mưa, hồ còn có vai trò quan trọng cấp nước sản xuất, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp.
Trong 3 năm gần đây (2019 – 2021), tại Đồng Nai xảy ra 2 đợt hạn hán, 2 đợt xâm nhập mặn, 29 trận mưa lớn kèm theo dông lốc, ngập úng; thiên tai làm chết 7 người, 235 ngôi nhà bị tốc mái, 2.372 ngôi nhà bị ngập, 1.045 hộ phải di dời, 178.000 con gia cầm, 326 con gia súc bị chết, cuốn trôi; ngập lụt 407 ha ao cá, 205 lồng bè, 11.000 tấn cá chết và hàng ngàn ha đất trồng nông nghiệp bị ảnh hưởng… Ước tổng thiệt hại trung bình mỗi năm khoảng 256 tỷ đồng.
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, trong những năm qua, việc đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới các công trình thủy lợi được xem là một trong những giải pháp trọng tâm của tỉnh Đồng Nai. Theo đó, trên địa bàn tỉnh này hiện có 137 công trình thủy lợi đang hoạt động gồm 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 39 trạm bơm, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ…
Dễ nhận thấy, sau nhiều năm nỗ lực đầu tư cho mạng lưới thủy lợi, ngày nay, từ huyện khô hạn nhất như Xuân Lộc, đến vùng đồi như Vĩnh Cửu, vùng đô thị như Long Thành nơi nào có hồ thủy lợi, có kênh dẫn nước, ở đó có sắc xanh của hoa màu, cây ăn quả như cam, bưởi, dưa lưới… cùng nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế khác. Đó chính là nhờ vào việc phát huy vai trò, lợi thế của hệ thống thủy lợi giúp diện mạo nông thôn mới dần đổi thay, cuộc sống người dân ngày càng đi lên.
Nằm hạ du thủy lợi Sông Mây và Hồ Trị An, với địa hình phức tạp, Vĩnh Cửu là một trong những huyện thường xuyên hứng chịu hầu hết các loại thiên tai điển hình tại Đồng Nai từ hạn hán vào mùa khô, ngập lụt vào mùa mưa. Từ khi được Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng thủy lợi, cùng giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, tần xuất “thiên tai ghé thăm” tại đây cũng ngày càng giảm dần, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Ông Đinh Quốc Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân An phấn khởi khẳng định, những năm vừa qua, được ngành nông nghiệp quan tâm về hạ tầng thủy lợi, hiện hệ thống kênh mương thủy lợi tại địa phương cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của bà con. Để phát huy hiệu quả nguồn nước, bà con đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả, trong đó phát triển mạnh diện tích cây có múi. Nhờ vậy, giá trị sản phẩm nông nghiệp của xã hiện đạt 200 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 64 triệu đồng/năm. Xã hiện không còn hộ nghèo, đời sống người dân ngày một nâng cao.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Trần Phước Lộc cũng cho biết, Vĩnh Cửu hiện có tổng diện tích cây có múi trên 1.700 ha. Để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động người dân cải tạo đất vườn cây không có giá trị kinh tế để tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là tập trung phát triển cây ăn quả có múi tại địa phương. Qua đó, tạo ra vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, khối lượng sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tương tự, tại huyện Tân Phú, tận dụng nguồn nước thủy lợi từ hồ Đa Tôn, địa phương đã phát triển nhiều vùng trái cây ngon thuộc vào hàng đặc sản, trong đó có cây bưởi da xanh đang phủ xanh những khu vườn của người dân ở các xã Tà Lài, Núi Tượng, Phú Lộc, Phú Thịnh… theo hướng chuyên canh. Tổng diện tích trồng bưởi da xanh trên địa bàn huyện đạt trên 1,4 ngàn ha, năng suất trung bình 17,3 tấn/ha, sản lượng đạt trên 12,4 ngàn tấn. Riêng vùng chuyên canh tập trung ở các xã Phú Lộc, Trà Cổ, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh có diện tích 950 ha, chiếm 66,8% tổng diện tích huyện Tân Phú.
Theo ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, đối với công trình thuỷ lợi, tỉnh luôn triển khai tốt công tác duy tu bảo dưỡng, xây mới, đảm bảo công tác an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ, không để xảy ra tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động từ các công trình đạt 21.218 ha; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tiêu chủ động từ công trình đạt 7.463 ha; tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt 60%; tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước đạt 40%.
Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất nông nghiệp, ông Sỹ cho rằng, giải pháp trọng tâm nhất hiện nay là phải quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, như tăng tỷ lệ giống ngắn ngày; sử dụng các loại giống bản địa đã phục tráng; sử dụng giống bản địa làm gốc ghép, giống lai có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống chịu với điều kiện bất thuận (hạn, mặn, đổ ngã…); ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng, chọn tạo giống đáp ứng yêu cầu.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tỉnh thuộc Top đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nông thôn. Giai đoạn 2008-2021, tổng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn của tỉnh trên 930 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn từ nguồn ngân sách khoảng 66,5 ngàn tỷ đồng, chỉ chiếm 7,15%; vốn doanh nghiệp là 338,5 ngàn tỷ đồng, chiếm 36,5%; vốn trong dân hơn 72 ngàn tỷ đồng, chiếm 7,8%...
Đối với công trình thuỷ lợi, nước sạch nông thôn, tỉnh luôn triển khai tốt công tác duy tu bảo dưỡng, xây mới, đảm bảo công tác an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ, không để xảy ra tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới chủ động từ công trình đạt 21.218 ha; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tiêu chủ động từ công trình đạt 7.463 ha; tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt 60%; tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước đạt 40%.
Ngoài ra, để thích ứng biến đổi khí hậu, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, sản xuất nông nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về sử dụng nước tưới, phân bón, luân canh, xen canh, che phủ đất, hạn chế dòng chảy, quản lý dịch hại và ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên cần được chú trọng.
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có trên 170 ngàn ha cây lâu năm, tăng 188 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng chủ yếu tập trung trên một số cây ăn trái chủ lực như chuối, xoài, sầu riêng, mít, bưởi. Căn cứ trên cơ sở khảo sát đánh giá lại chất lượng đất nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế rủi ro do tác động thiên tai gây ra tại các địa phương.
“Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và giảm quy mô diện tích một số cây trồng hiệu quả kinh tế không cao. Cụ thể, sẽ chuyển sang cây trồng hàng năm khác khoảng 680 ha, chuyển sang cây lâu năm gần 865 ha, chuyển sang trồng lúa kết hợp với nuôi thủy sản khoảng 109 ha… Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ chuyển 1.850 ha cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế không cao như điều, cao su, mía, cà phê... sang cây ăn quả”, ông Cao Tiến Sỹ cho biết thêm.
Với phương châm “phòng” là chính, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai ngay từ đầu năm. Trong đó, công tác tuyên truyền được đặc biệt quan tâm với nhiều nội dung: Vận động người dân tham gia nộp Quỹ Phòng chống thiên tai; bảo vệ nguồn nước, môi trường; không lấn chiếm, trồng cây và đổ rác thải xuống kênh mương, sông suối gây cản trở dòng chảy...
Đơn cử tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, qua theo dõi Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh nhận thấy thường xảy ra các loại hình thiên tai như ngập lụt, lốc xoáy, sét; điển hình như ngày 8/5/2022, do ảnh hưởng của vùng áp thấp và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, gây mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn sông thao chảy về đã làm ngập 30 căn nhà sâu từ 0,3 đến 1 m; 50 ha ao cá và 50 ha lúa của dân bị ngập úng, gây thiệt hại không nhỏ. Với phương châm “4 tại chỗ”, địa phương đã huy động lực lượng quân sự, công an, ban, ấp, trang thiết bị vật tư hỗ trợ nhân dân ứng phó, hướng dẫn đảm bảo an toàn lưu thông; tổ chức di dời 30 hộ dân đến nơi an toàn.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân An Đinh Quốc Sơn cho biết, địa bàn xã Tân An nằm cách địa bàn huyện Vĩnh Cửu khoảng 25 km về phía Tây Nam, cứ vào dịp tháng 8 hằng năm thường bị ảnh hưởng khi nhà máy Trị An và hồ Sông Mây xả lũ thì gây ngập úng, ngập lụt cục bộ, nhất là ở khu vực ấp Cây Xoài, xã Tân An. Khu vực này cũng được xác định là khu ngập sớm nhất tại địa phương.
Nguyên nhân do lượng mưa lớn cùng một lúc đổ về và ảnh hưởng; hơn nữa những năm vừa qua một số hộ dân đã xây dựng lấn chiếm ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước kịp thời. Hiện nay chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị lên huyện để có sự khảo sát thực tế nhằm giải quyết vấn đề này không để ngập úng trong những năm tiếp theo. “Khi có diễn biến ngập úng gây ảnh hưởng đến người dân thì lực lượng “4 tại chỗ”, công an, quân sự, cùng các lực lượng tham gia di dời các hộ dân bị ảnh hưởng, đưa về những nơi an toàn, cụ thể như nhà văn hóa ấp. Còn tài sản của bà con nông dân thì được chúng tôi cứu hộ cứu nạn đưa lên cao và đưa về những nơi an toàn một cách nhanh nhất, trong thời gian nhanh nhất”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, trước mùa mưa lũ, với trách nhiệm của chính quyền địa phương đã khuyến cáo cho bà con ngư dân phải tranh thủ chằng chống nhà cửa, đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra. Còn khi có tình trạng mưa lụt ngập úng thì vật nuôi hoa màu cũng phải giải quyết trước thời điểm xảy ra thiên tai, như nuôi cá thì thu hoạch khoảng tháng 8 trước những trận mưa lớn, mưa lũ kéo dài. Trong thời gian tới địa phương mong muốn nhận được sự quan tâm của tỉnh, tạo điều kiện khơi thông lại một số suối, những nơi lâu ngày bị bồi lắng, cây mọc 2 bên gây ảnh hưởng đến dòng chảy.
Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Đồng Nai cho biết, Ban đã đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trên cơ sở đó, Ban tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Trong đó, xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn và các đối tượng dễ bị tổn thương để đưa vào phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa bàn. Các ngành chức năng, địa phương rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.
“Từ năm 2020 đến nay, qua những biện pháp cụ thể như thế thì trên địa bàn xã không còn tình trạng ảnh hưởng đến tài sản của người dân. Chỉ còn một vài hộ dân bị úng ngập thì chúng tôi cũng đã kịp thời di dời các hộ đó ra nơi an toàn và sau khoảng 2 ngày nước rút các hộ dân lại ổn định cuộc sống bình thường!”, ông Đinh Quốc Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân An nhấn mạnh.
Tương tự, thành phố Biên Hòa có nhiều khu vực là “điểm nóng” ngập nước mỗi khi bước vào mùa mưa bão. Nhất là tại khu vực ngã ba Trảng Dài (giao giữa đường Bùi Trọng Nghĩa với đường Đồng Khởi), trong nhiều năm qua cứ mỗi khi mưa lớn kéo dài khoảng 30-45 phút lại ngập nặng, khiến các phương tiện lưu thông bị ùn tắc hàng cây số.
Để chủ động phòng, chống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, thành phố Biên Hòa đã đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể; trong đó, chú trọng vai trò trách nhiệm của chính quyền các huyện, thành phố. Đặc biệt, trong việc rà soát, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chống ngập, thoát nước; kiểm tra, khơi thông hệ thống cống, mương thoát nước trên các tuyến đường, khu dân cư. Đồng thời, thường xuyên cảnh báo sớm, liên tục cho người dân; cắt cử lực lượng ứng trực, điều tiết giao thông, hỗ trợ người dân khi có sự cố thiên tai xảy ra.
Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa Nguyễn Thành Trưởng cho hay, UBND thành phố Biên Hòa đã giao Công an thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết phân luồng giao thông trên địa bàn khi có ngập lụt xảy ra; xây dựng kế hoạch điều tiết giao thông cụ thể, rõ ràng. Đội Cảnh sát giao thông bố trí 5 tổ tại “5 điểm nóng” là những khu vực thường xảy ra ngập nước, ùn tắc giao thông sau mưa lớn, kéo dài như: ngã tư Cầu Hang, khu vực ngã ba Chợ Sặt, khu vực ngã tư Tam Hiệp, khu vực quốc lộ 51. Đồng thời, bố trí 2 tổ phối hợp tuần tra, giải tỏa ách tắc giao thông trên các tuyến đường nội thành.
Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý các hồ, đập tràn được yêu cầu chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả các công trình thủy lợi, nhất là chú trọng đến các công trình hồ chứa trong mùa mưa lũ, duy trì hoạt động phục vụ sản xuất ổn định sau mùa mưa. Đặc biệt, ngay trước mùa mưa năm 2022, các đơn vị quản lý đã tiến hành kiểm tra đánh giá lại tình trạng và năng lực của từng công trình để có kế hoạch tu sửa.
Để ứng phó với thiên tai, biến đổi khi hậu, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã ký ban hành kế hoạch triển khai gần 80 chương trình, dự án. Trong đó, việc đầu tư hạ tầng thủy lợi và tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một trong những vấn đề hàng đầu được đặt ra.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ thực hiện 41 chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có: Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững; Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Rà soát, đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới; Lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, nước là nguồn tài nguyên quan trọng, địa phương nào có nguồn nước dồi dào sẽ có lợi thế lớn. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai yêu cầu các địa phương phải phát huy tối đa giá trị của mặt nước, hồ nước để vừa là nguồn cung cấp nước vừa là điểm du lịch, không gian sinh thái phục vụ nhân dân, phục vụ kinh tế của địa phương. Cần quan tâm công tác giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn nước của người dân, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi ảnh hưởng đến nguồn nước, những vi phạm cần phải được xử lý nghiêm.
Sang giai đoạn 2025-2030, tỉnh dự kiến sẽ thực hiện 18 chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và 11 chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đồng thời, trong giai đoạn 2030-2050, trên cơ sở kết quả đạt được của giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giám sát và đánh giá biến đổi khí hậu (BĐKH) của tỉnh; đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH và an toàn trước thiên tai; thực hiện lồng ghép thích ứng với BĐKH trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tập trung xây dựng các chương trình, dự án liên quan đến thích ứng với BĐKH cho từng ngành, từng lĩnh vực, góp phần vào việc ứng phó với BĐKH hiệu quả. Đẩy mạnh hoạt động sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng. Tăng cường ứng dụng công nghệ mới ít phát thải khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nhiên liệu phát thải carbon thấp. Ứng dụng sâu rộng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất. Giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Câu chuyện về sự quan tâm, từng bước đầu tư cho hạ tầng phòng chống thiên tai cùng với các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sẽ từng bước góp phần hạn chế tác hại, ngăn xâm nhập mặn, tiêu thoát lũ.