Người miền Tây dường như ai cũng khoái khẩu với món chuột đồng nổi tiếng. Trong suốt chiều dài quá trình khẩn hoang, người miền Tây đã sáng tạo nhiều phương thức bắt chuột và chế biến biết bao món ngon từ thịt chuột. Một chút vui, một chút tự hào khi người xứ lạ nhắc đến món chuột nơi đây: “Cần chi cá lóc, cá trê. Chuột đồng Cao Lãnh ăn mê hơn nhiều”.
Bâng quơ câu chuyện về con chuột đồng để mở đầu câu chuyện khác nói về "con chuột mà không phải con chuột". Đó là con chuột máy tính, một thiết bị ngoại vi của máy tính, cũng như tiếng Việt thì tiếng Anh đều gọi hai con chuột này là “mouse”. Có người nói vui rằng, nhiều người giỏi bắt chuột, ăn thịt chuột coi bộ ngon lành, nhưng lại sợ cầm lấy con chuột máy tính “hiền lành” kia! Đó là họ nói gần nói xa đến những người còn ngại ngùng khi sử dụng con chuột của máy tính, hay nói rộng ra là còn e dè sử dụng một thành tựu vĩ đại của nhân loại - công nghệ thông tin. Trong khi đó, đến nay thì không chỉ là thời đại của công nghệ thông tin nữa mà đã chuyển sang thời đại của chuyển đổi số rồi.
Có người cho rằng, nếu ví "cái cuốc" là biểu tượng của thời đại nông nghiệp, "nhà máy" là biểu tượng của thời đại công nghiệp, thì "cái máy vi tính" có thể được xem là biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức. Từ chiếc máy vi tính đến các thiết bị thông minh, con người lần lượt phát minh ra internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, nền tảng của chuyển đổi số. Chuyển đổi số đang làm thay đổi cách thức quản trị quốc gia. Chuyển đổi số thay đổi cách sống, làm việc, mua bán, học hành, chữa bệnh, … Chuyển đổi số đang tác động vào từng gia đình, công sở, hệ thống tổ chức. Đúc kết lại thì đây là thời đại của kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, và con người số.
Nghe kể rằng, khi mới phát minh ra công nghệ thông tin, các chuyên gia máy tính, lập trình phải chạy đôn chạy đáo tìm đối tác để ứng dụng vào một lĩnh vực nào đó. Sau đó thì ngược lại, bất kỳ ngành, lĩnh vực nào, người lãnh đạo quản lý đều phải tìm đến công nghệ thông tin để thúc đẩy sự phát triển. Và đến nay, như một tất yếu, mọi người đều tìm cách ứng dụng chuyển đổi số cho ngành mình, tổ chức mình, địa phương mình. Chuyển đổi số thúc đẩy công việc chính xác hơn, nhanh chóng hơn, cập nhật đồng bộ hơn. Nhờ chuyển đổi số, cùng một thời điểm, một người có thể nhanh chóng gửi, nhận và chia sẻ thông tin với nhiều người khác. Một tổ chức có thể kết nối với nhiều tổ chức khác và với cả thế giới rộng lớn. Nhờ chuyển đổi số, mỗi người, mỗi tổ chức dễ dàng tạo thành mạng kết nối mà không lệ thuộc không gian, thời gian. Trong thế giới chuyển đổi số, con người tạo ra những giá trị lớn lao hơn trăm, ngàn lần so với trước đây.
Cách làm việc "truyền thống" chồng chất giấy tờ, văn bản. Soạn thảo, in ấn, chuyển lên chuyển xuống, chuyển qua chuyển lại, rồi cất giữ vào kho. Bây giờ thì thế giới có thể thu nhỏ lại bằng một chiếc máy vi tính, một thiết bị thông minh nằm gọn trong lòng bàn tay mà vẫn làm được nhiều việc trong không gian bao la. Giảm giấy tờ, bớt họp hội chỉ bằng cách sử dụng công nghệ thông tin. Khi mỗi người có nhiều thời gian hơn nghĩa là sẽ có nhiều ý tưởng mới mẻ hơn. Như vậy, thay đổi cách quản trị nhờ tiếp cận chuyển đổi số mở ra không gian giá trị mới cho mỗi người. Chuyển đổi số không làm giảm vai trò của con người, chỉ cần mỗi người thích nghi để đảm nhận vai trò lớn hơn là “chỉ huy số”.
Con đường chuyển đổi số không phải là thay cách quản lý dữ liệu từ môi trường vật lý sang môi trường số, mà là thông qua đó chuẩn hoá hệ thống dữ liệu đang thiếu tính hệ thống và tính cập nhật. Trong thời đại số hiện nay, để quyết định sự phát triển của một tổ chức thì vốn con người và vốn tài chính thôi chưa đủ, cần phải tích hợp cả “vốn dữ liệu”. Vì vậy cần xác định dữ liệu là một loại vốn quý. Từ chuẩn hoá dữ liệu sẽ phát hiện những bất cập trong quy trình vận hành hệ thống, từ đó số hoá quy trình bằng tự động hoá và đồng bộ hoá. Mục tiêu cuối cùng là chuẩn hoá quy trình, đổi mới toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành.
Bây giờ “con chuột” đã dần dần bị thay thế bằng màn hình cảm ứng. Chỉ cần một cái chạm tay là bao nhiêu thông tin, dữ liệu, hình ảnh đa phương tiện hiện ra. Khi ấy tha hồ mà phân tích, dự báo, so sánh, đưa ra các tình huống, hướng tới các mục tiêu mới. Khi ấy khả năng tư duy trong mỗi người được kích hoạt. Khi ấy những sáng kiến sẽ được khởi tạo từ cách làm việc nhóm dùng chung hệ thống dữ liệu. Khi ấy con người như được cởi bỏ sự đơn điệu, trì trệ, trở thành mới mẻ hơn, thông minh hơn trong kỷ nguyên số. Động lực to lớn cho công cuộc chuyển đổi số chính là con người. Thế hệ trẻ, những người thường được gọi là thế hệ Y, thế hệ Z trở về sau, chính là hạt nhân của quá trình này. Hãy tạo mọi điều kiện tốt nhất ươm mầm cho thế hệ trẻ “mạnh dạn” chuyển đổi số.
Nền nông nghiệp đất nước đã có những thành tựu vượt bậc, đứng vào nhóm các quốc gia hàng đầu về xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức từ cấu trúc bên trong vì thông tin sự mù mờ, bất cân xứng. Chuyển đổi số sẽ giúp khắc phục những bất cập đó, chuyển sang một nền nông nghiệp minh bạch. Hệ thống dữ liệu thông minh trên nền tảng chuyển đổi số sẽ quản trị hiệu quả không gian biển, không gian rừng. Chuyển đổi số sẽ giúp quản trị rủi ro trong vận hành hệ thống thuỷ lợi, phòng chống hạn mặn, các hình thái thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chuyển đổi số sẽ giúp minh bạch trong quản trị mã vùng trồng, vùng nuôi, vùng an toàn dịch bệnh, khai thác thuỷ sản,.. .
Việc gì cũng vậy, trước lạ sau sẽ quen dần. Mặc dù chuyển đổi số là một phạm trù mới với rất nhiều khái niệm hiện còn lạ lẫm, nhưng cần diễn đạt dễ hiểu, kèm theo minh họa sẽ dễ tiếp cận hơn đối với cả cán bộ công chức hay bà con nông dân. Chuyển đổi số là một hành trình dài, chia nhỏ lộ trình sẽ thấy đường xa ngắn lại. Từ quen dần rồi sẽ thấy hào hứng khi khám phá những điều mới lạ, sẽ thấy tiếc nuối bao năm đã bỏ qua một công cụ làm thay đổi chính bản thân, tổ chức, hệ thống của mình. Người đứng đầu không dẫn dắt hệ thống đến những giá trị mới mẻ thì hệ thống sẽ đi về đâu?
Nền hành chính Singapore lấy số hóa là cốt lõi và phục vụ bằng trái tim, để chuyển hóa từ hành chính quản lý sang hành chính phục vụ. Malaysia xác định chuyển đổi số là một công cụ để tạo ra một xã hội công bằng hơn thay vì là một nguyên nhân gây ra bất bình đẳng, từ đó có chiến lược rút ngắn "khoảng cách" số giữa khu vực thành thị và nông thôn, không ai bị bỏ lại phía sau… Rất nhiều cách làm hay nữa mà chỉ cần muốn tìm hiểu là tự chúng ta sẽ khám phá ra vô vàn điều mới mẻ để học hỏi.
Thể giới đang chuyển đổi số, còn bạn có tự chuyển đổi mình không?