Câu chuyện doanh nông và ngày doanh nhân

Ngày doanh nhân 13/10 năm nay có một sự kiện mang lại nhiều niềm vui đối với nông nghiệp, nông dân nước nhà. Hiệp hội Rau quả Việt Nam và một số doanh nhân nông nghiệp - doanh nông, cùng nhau tham dự Sự kiện “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon” ngay trong ngôi chợ đầu mối lớn nhất của đất nước vốn là thị trường truyền thống của chúng ta.

Không gian trưng bày sản phẩm ấn tượng, thu hút nhiều đối tác quan tâm và đã có những bản hợp đồng thương mại dài hạn. Vui bội phần khi tư duy “đi cùng nhau” dần thẩm thấu vào cộng đồng doanh nông trên hành trình đổi thay. Cộng đồng là một tập hợp nhiều thành viên cùng chung mục tiêu, ước mơ, hoài bão, cùng hướng đến một giá trị chung. Triết lý “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì cùng nhau đi” dần lan toả trong cộng đồng doanh nông đất nước.

Nông nghiệp nước nhà đảm bảo cái ăn cho một trăm triệu dân trong bất kỳ biến động nào. Nhiều đất nước xa xôi mong muốn hợp tác với chúng ta trước thách thức bởi biến đổi khí hậu. Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm chuyển đổi nông nghiệp xanh trong hệ thống lương thực thực phẩm thế giới. Kỳ tích của nông nghiệp Việt Nam là câu chuyện đầy tự hào của bà con nông dân và lực lượng doanh nông đang hoạt động trên tất cả lĩnh vực trong chuỗi ngành hàng. Nông sản đến đâu hai tiếng Việt Nam thiêng liêng vang lên đến đó!.

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, con đường dấn thân từng doanh nông khác nhau, mô hình doanh nghiệp khác nhau. Có người tốt nghiệp trường đào tạo chính quy, có người vừa học vừa làm, vừa làm vừa học. Có người xuất thân từ những nông dân, người mua bán, nhờ ý chí nghị lực tự học hỏi vươn lên. Có người kế thừa doanh nghiệp thế hệ đi trước, có người tự khởi sự lập nghiệp. “Người chọn nghề” hoặc “Nghề chọn người”, tuy khác nhau nhưng giờ tất cả đều như nhau: đam mê, khát vọng, tận tâm, tận hiến.

Muốn đi cùng nhau cần trân quý nhau. Thật xúc động khi nghe một doanh nông nhắc về một doanh nông khác: “Anh đó giỏi lắm, có tâm lắm, sẵn sàng hỗ trợ mọi người và tôi đã học được nhiều điều từ anh ấy”. Một lời tâm sự khiến cả người khen và ngược được khen đều xứng đáng được tôn trọng. Biết tôn trọng người khác, người khác sẽ tôn trọng lại mình, biết nghĩ cho người khác, người khác sẽ nghĩ đến mình.

Muốn “đi cùng nhau” hãy nghĩ rằng mỗi người đều có thế mạnh khác nhau. Hãy nhìn vào những môn thể thao có tính đồng đội, một cầu thủ xuất chúng cũng không làm nên đội bóng xuất chúng. Hãy nhìn vào giàn nhạc hợp xướng, mỗi một nhạc cụ đều có cung bậc khác nhau mới tạo ra bản giao hưởng giàu cảm xúc. Không ai một mình là tất cả, mà tất cả “đi cùng nhau” sẽ tạo nên sức mạnh Việt Nam. Khi ấy chúng ta không còn quanh quẩn ao nhà mà tự tin vươn ra biển lớn với thương hiệu chung của ngành hàng, thương hiệu quốc gia.

Doanh nông phải có thần kinh vững vàng,“lao tâm khổ trí” mới có thể chống chịu các cú sốc kinh tế đến bất kỳ lúc nào. Bài toán kinh doanh là một phương trình bậc cao có quá nhiều biến số. Mỗi một biến số cần những cách tiếp cận khác nhau. Sớm một chút cơ hội chưa đến, trễ một chút cơ hội qua đi. Thừa một chút không được, thiếu một chút không xong. Đời kinh doanh giống như câu chuyện Damocles được ngồi trên ngai vàng vinh quang nhưng luôn có một thanh gươm treo lơ lửng trên đầu. Nhưng, “Đã mang cái nghiệp vào thân. Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa”. “Nghề” thì có lúc thế này khi thế khác, nhưng “Nghiệp” thì không thể bỏ được dù bao lần muốn rời xa “Yêu nghề và kính nghiệp” là vậy. “Khởi nghiệp và dưỡng nghiệp” là vậy.

Muốn trở thành cộng đồng không thể “đèn nhà ai nấy sáng”, mà cần có không gian chia sẻ những bài học thành công và thất bại, thời cơ và thách thức, những ý tưởng đổi mới sáng tạo đang nung nấu. Ý tưởng mới sẽ tạo ra không gian giá trị mới. Mọi người cùng phân tích đặc định văn hoá tiêu dùng, đặc điểm tiêu dùng của từng thị trường để tránh rủi ro bất trắc như đôi lần mắc phải. Mọi người cùng khuyến nghị chiến lược phát triển ngành hàng, từ nấc thấp nhất đến nấc cao nhất trong nấc thang giá trị của nền kinh tế. Tối thiểu hoá chi phí, tối đa hoá lợi nhuận chuỗi ngành hàng. Nông nghiệp còn nhiều không gian giá trị mới nếu vượt qua tư duy sản xuất, thương mại bình thường.

Trong các buổi sinh hoạt Hội, Hiệp hội, Câu lạc bộ, Hệ sinh thái, mọi người cùng nhau phân tích tư duy “đại dương xanh” về “những khoảng trống thị trường chưa được khai phá”. Thị trường không chỉ đòi hỏi chất lượng mà cần tạo ra dòng cảm xúc. Những cái tên nông sản nhiều ý nghĩa như cách người Thái đặt tên sầu riêng là Mong Thon có ý nghĩa là “gối vàng”, hoặc người Malaysia đặt tên sầu riêng Musang King - Miêu Sơn Vương dễ đi vào cảm xúc người tiêu dùng. Doanh nông Việt Nam cũng có thể tạo dựng những cái tên nhiều ý nghĩa như chúng ta đã có như: vú sữa Hoàng Kim, mận Hồng Đào, gạo Tài Lộc,… .

Những chuyến tham gia công tác xã hội như: trồng cây, thả cá, tặng sách,… là dịp cùng nhau chia sẻ những bài học nhân văn. Một doanh nhân cho rằng thành công là nhờ cách tạo cho nhân viên hạnh phúc, vừa mang tính nhân văn, vừa là cách tạo dựng thương hiệu. Đến đất nước “con chuột túi” nghe câu chuyện một nhóm người Việt cùng lập một trang trại nhỏ, mỗi thành viên một phần đất trồng rau, nuôi gà, thả cá. Cuối tuần mọi người trở về quây quần bên nhau, hoà mình với thiên nhiên, giúp cân bằng cảm xúc. “Có bầu, có bạn, can chi tủi. Cùng gió, cùng mây, thế mới vui!”. Niềm vui hoà với niềm hạnh phúc!.

Quỹ thời gian luôn hữu hạn với con người, đối với doanh nông càng hữu hạn hơn. Thời gian tham gia sinh hoạt cộng đồng sẽ bớt thời gian cho kinh doanh. Tuy nhiên, tư duy ngược cho thấy rằng “trừ đi một ít sẽ cộng được nhiều hơn”, “chia đi một chút để nhân giá trị lên nhiều hơn”, “chậm hơn một chút có khi lại nhanh hơn”. Nhiều cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cho rằng tạo lập vòng tròn mối quan hệ sẽ đảm bảo 80% sự thành công. Từ đó mới có triết lý “Buôn có bạn, bán có phường”, “Đồng hội, đồng thuyền”.

Trong bộn bề cuộc sống, doanh nông luôn đối mặt với những bất trắc của thị trường. Để vượt qua, không chỉ dựa vào nguồn vốn kinh tế mà cần có vốn văn hoá, vốn xã hội. Vốn xã hội giúp doanh nông sống trọn vẹn trong lòng xã hội. Vốn văn hoá giúp doanh nông kết nối được với mọi người và được mọi người tôn trọng. Khi ấy bà con nông dân sẽ càng thấm thía ý nghĩa câu “Có đắt hàng tôi mới trôi hàng bà”. Khi ấy doanh nông và nông dân “đi cùng nhau” trên con đường hiện thực hoá “Khát vọng và tự hào Nông nghiệp Việt Nam”.

Và, với “Khát vọng và tự hào”, những tập đoàn nông sản, thủy sản, lâm sản hùng mạnh vươn mình ra năm châu bốn biển mang theo lá “cờ đỏ sao vàng” thiêng liêng của Tổ quốc!

Together - We win!

Lê Minh Hoan
Tiến Thành