Câu chuyện đời chợ đời người

Trong cuộc đời mỗi người thường có cơ duyên gắn bó với điều gì đó, nơi nào đó. Không biết từ bao giờ đã gắn với những ngôi chợ. Vài ba hôm, đôi ba tháng không đi chợ là thấy thiếu vắng. Đi thăm nơi này nơi kia cũng tìm đến chợ. Đến chợ quan sát và trải nghiệm, nhìn ngắm và ngẫm nghĩ về những người hàng ngày ngồi phía sau những quầy sạp mà mọi người thường gọi là tiểu thương.

Chợ theo tháng năm lịch sử đã nhiều thay đổi. Không biết ngôi chợ đầu tiên ra đời khi nào, ở đâu. Có lẽ chợ có từ khi con người bắt đầu thoát khỏi kinh tế tự sản tự tiêu, tự cung tự cấp, chuyển sang giao thương hàng hoá, người có bán cho người cần. Chợ dưới sông đến chợ trên bờ, chợ đầu hôm cho đến chợ sớm mai. Chợ từ làng đến chợ phố, chợ cóc chợ chồm hổm. Chờ từ truyền thống đến chợ hiện đại. Chợ từ bán lẻ đến chợ bán buôn, chợ đầu mối. Từ những ngôi nhà được gọi là chợ đến các cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại sang trọng.

Chợ là một góc của cuộc sống, mà cuộc sống vận động vô cùng phong phú, đa dạng tính cách con người. Chợ là nơi tương tác giữa người với người mà vật trung gian được gọi là tiền. Đã tương tác thì không tránh khỏi người này hơn thua, người kia nhường nhịn. Chuyện thường ngày ở chợ cũng là chuyện thường ngày cuộc đời. Người xưa có câu “Di thị nan”, di dời chợ đến nơi mới khó khăn vô cùng, khó vì nhiều người mà mỗi người mỗi tính mỗi nết, khách lạ mà bạn hàng cũng lạ.

Dẫn nhập đôi điều để giới thiệu về một ngôi chợ biết đến từ khi những cây tràm đầu tiên cắm xuống làm nền móng, rồi chứng kiến từng ngày vươn lên giữa những dãy phố chung quanh. Những quầy sạp, ki-ốt lần lượt được lắp đặt san sát phủ kín mặt bằng. Những tiểu thương từ nhiều nơi hội tụ lại bên nhà đầu tư trong niềm vui có chỗ buôn bán mới. Đó là một ngôi chợ nhỏ mang một cái tên thật ý nghĩa: ĐẸP VÀ GIÀU.

Có không ít ngôi chợ xây mới khang trang nhưng bà con vẫn bán bên ngoài, nhưng chợ này vừa hoàn thành thì bắt đầu họp chợ khai trương. Bà con tiểu thương quanh quần bên nhau thảo luận về quy chế hoạt động, về quyền lợi và nghĩa vụ, về cách thức mua bán sao cho văn minh,“vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Chợ là ngôi nhà chung của chung mọi người, mọi người cùng chịu trách nhiệm, từ chất lượng hàng hoá, an toàn thực phẩm cho đến vệ sinh môi trường. Chín người mười ý rồi cũng đồng thuận nhau.

Bắt đầu đồng thuận từ suy nghĩ “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đúng rồi, tìm xem có cửa hàng, quầy sạp nào bán “lời nói” đâu mà mua. Lời nói phát ra bằng miệng nhưng thực sự là từ trong tâm mỗi người.“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, việc mua bán lời lỗ lời qua tiếng lại khi ngã giá, lúc chào hàng, cũng là lẽ thường tình. Người dễ tính vui vẻ, chín bỏ làm mười. Người khó tính dễ cau có, đôi khi ấm ức trong lòng. Vậy nên ông bà mình nhắc nhỡ hãy “Uốn lưỡi ba lần trước khi nói” là vì vậy. Bà con tuy gia đình gia cảnh khác nhau nhưng sáng chiều kề cận bên nhau, vui buồn có nhau, có khi đến cuối cuộc đời.

Nghề mua bán coi vậy đâu đơn giản, cũng chịu thương chịu khó, cũng đầu tắt mặt tối, hối hả ngược xuôi. Hầu hết tiểu thương đều là người trung gian, mua của người này bán lại cho người kia. Nghề mua bán đâu chỉ cần sức vóc mà còn phải biết tính toán cân phân. Mua vào giá thấp quá thì mua không được, bán ra cao giá quá thì không bán được. Đã là nghề nhưng có mấy người được học nghề. Có ai dạy đâu mà học, có trường lớp đâu mà theo, có chăng xong buổi chợ cùng nhau sinh hoạt chỉ cách cho nhau, lâu lâu được tập huấn vài buổi về kỹ năng bán hàng.

Nhiều ngôi chợ không chỉ khang trang bề ngoài mà còn được chăm chút bên trong. Tiểu thương bày biện hàng hoá tươm tất, bắt mắt, niêm yết giá cả đàng hoàng. Cũng là con cá đó, miếng thịt đó, rau củ đó, nhưng khéo léo hơn một chút là khách muốn mua ngay. Cũng là những cái bánh dân gian truyền thống đó nhưng không sử dụng phẩm màu độc hại là khách an tâm. Cũng hàng hoá đó mà gói ghém cẩn thận, đẹp đẽ là khách mến liền.

Chuyện mua bán đâu phải bao giờ cũng thuận lợi, khi đắt hàng lúc ế ẩm, trời trong khô ráo thì mừng chứ mây đen kéo đến là lo. Kinh tế khó khăn thì sức mua giảm, đôi khi quầy sạp trống vắng. Chợ này còn phải cạnh tranh với chợ khác, các cửa hàng tiện lợi góc phố, siêu thị, khi cần cũng có người mang hàng đến tận nhà. “Trăm người bán vạn người mua” nên phải làm sao mỗi ngày một tốt hơn.

Nói như vậy để cảm thông khó khăn của bà con tiểu thương trong các chợ truyền thống, để trân quý hơn những người mang đến con cá, mớ rau vào bữa ăn hàng ngày mỗi gia đình. Chợ truyền thống đang chịu cạnh tranh với các mô hình kinh doanh hiện đại, nhưng chợ truyền thống có những khác biệt: tính tương tác, tình cảm giữa người với người, những đặc sản truyền thống, bánh trái quê nhà. Chợ và văn hoá chợ là văn hoá phi vật thể, là nơi giao tiếp gần gũi giữa người và người mà các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại không có được. Câu chuyện cho vay nặng lãi không hiếm ở các ngôi chợ, nhiều người bỏ sạp cũng có khi do vấn nạn đó. Đối với ngôi chợ này, Ban Quản lý lập ra Quỹ An sinh hỗ trợ bà con tiểu thương có đồng vốn quay vòng, có thêm điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh. Vậy là bà con an tâm gắn bó với ngôi nhà chung.

Người đi mua hàng ai mà không thích tiện lợi, mát mẻ, khỏi chen lấn; không thích những ngôi chợ sạch sẽ, tươm tất. Người mua hàng nào mà không thích sự đon đả, nhã nhặn mời chào, khỏi cảnh chèo kéo mất lòng. Vậy là bà con và Ban quản lý cùng nhau họp bàn làm sao “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, có như vậy người mua sẽ tìm đến và quay trở lại, có như vậy mới trở thành ngôi chợ đẹp và giàu.“Hãy nghĩ cho người khác bạn sẽ thành công”, văn hoá ở chợ đơn giản vậy thôi.

Sách Giáo khoa thư xưa có bài học mua bán, xin chép lại. “Anh Thương buôn bán lấy điều cẩn thận, thật thà làm đầu. Tuy thấy hàng hoá bán chạy, có nhiều người đến mua, nhưng anh không bao giờ giở trò gian ngoa để tham lấy nhiều lợi. Các bạn hàng thấy vậy, ai cũng tin cái bụng thật thà của anh mà đến mua rất đông. Bởi vậy cửa hàng của anh phát đạt và thịnh vượng lắm”. Nhiều người thường cảm thán “thiệt thà thường thua thiệt”, nhưng anh bán hàng trên vẫn phát đạt và thịnh vượng kia mà!

Đời chợ, đời người! Đến chợ để hiểu đời hơn, hiểu người hơn và thương người hơn, trân quý hơn một nghề như bao nghề cao quý đem lại cho mọi người một bữa ăn ngon, an toàn, sum vầy trong mỗi mái ấm gia đình!

Lê Minh Hoan
Tiến Thành