Câu chuyện Hội quán quê mình

Dẫu bộn bề công việc như thế nào, vẫn có khoảng lặng nhớ về quê hương. Trong nỗi nhớ mang tên “chín chiều”, có nỗi nhớ về không gian cộng đồng mang tên Hội quán.

Mỗi lần có dịp về thăm quê, dù bận bịu thế nào cũng ráng thu xếp thăm một vài Hội quán, hòa mình cùng với những bà con chân chất, hiền hòa, được “nói nhau nghe, nghe nhau nói”.

Lại thêm một niềm hạnh phúc khi vừa xem đài truyền hình quê mình đưa tin hoạt động đọc sách đang được nhiều Hội quán nhiệt thành hưởng ứng.

Câu chuyện đọc sách tưởng chừng như là chuyện nhỏ, nhưng nghĩ tới nghĩ lui hóa ra không hề nhỏ, nhất là người đọc sách lại là những người nông dân. Nhiều người cho rằng người Việt mình ít chịu đọc sách, văn hóa đọc chưa thật sự được xã hội quan tâm.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều Hội quán đã có tủ sách, nhiều nông dân cầm trên tay quyển sách và chia sẻ cảm nghĩ từ nội dung đã đọc quả thật mang lại quá nhiều cảm xúc.

“Tủ sách” và “Đọc sách” chính là con đường hiện thực hóa phương châm “Học tập suốt đời” hay triết lý về một “Xã hội học tập”. Hai khái niệm đó không phải là khẩu hiệu hình thức mà là tư tưởng phổ quát của nhân loại trăm năm qua.

“Học tập suốt đời” là khái niệm chỉ hình thức học tập do chính mỗi người nhằm hướng đến mục tiêu hoàn thiện bản thân, tự mang đến cơ hội phát triển cho mình. “Học tập suốt đời” nghĩa là không phải học một lần là xong, học một lớp là kết thúc, tốt nghiệp một trường lớp, một ngành nghề là đã đủ.

“Xã hội học tập” là ai ai cũng học, không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ, cán bộ công chức hay người dân, nông dân hay công nhân, doanh nhân hay tiểu thương,… . Khi và chỉ khi thấu hiểu đầy đủ giá trị của hai khái niệm đó mới thấy hết giá trị của tủ sách Hội quán và cảm xúc trước hình ảnh nông dân đọc sách.

Đọc sách là nền tảng góp phần định hình cho việc học tập. Giữa đọc và học có quan hệ chặt chẽ với nhau. Muốn học thì cần phải đọc, muốn đọc thì phải hiểu mục đích cuối cùng của đọc là để học. Đọc sách là một sự thay đổi, có khi thay đổi cả cuộc đời con người, do đó không nên xem là việc nhỏ. Việc gì được xem là nhỏ thì thường dễ bị bỏ qua trong muôn vàn công việc hằng ngày.

Mỗi sự thay đổi thực ra trước hết là thay đổi một thói quen. Lần đầu cầm trong tay quyển sách có thể còn ngại ngùng, giở những trang sách đầu tiên có thể còn e ngại. Điều đó cũng bình thường, chỉ cần kiên trì vượt qua rồi dần dần trở thành thói quen.

Có người phân bua, cũng muốn đọc lắm nhưng mỗi khi cầm sách lên là mắt muốn híp lại. Khi híp mắt lại, bạn sẽ không nhìn thấy được sự thay đổi chung quanh mình. Khi híp mắt lại, bạn sẽ không nhìn thấy chân trời mới mà nhiều người đang rạo rực hướng tới. Khi híp mắt lại, bạn sẽ chỉ còn một mình đối mặt với một mình, tự chọn lối sống cô độc trên những nẻo đường phía trước.

Vậy thì, mỗi ngày hãy tranh thủ đọc vài ba trang sách cũng được, quan trọng là đều đặn mỗi ngày, từng ngày. Đọc lúc rảnh rỗi khi hưng phấn, đọc vào buổi sáng khi mở mắt đón bình minh cũng được, đọc trước khi chìm vào giấc ngủ cũng được. Từng trang, từng trang, từng trang, rồi cũng sẽ đọc xong cả quyển sách.

Nhiều chuyên gia về văn hóa đọc chia sẻ bí kíp: đọc sách cũng giống như ăn buffet vậy, món nào thích thì ăn nhiều, thích ít thì ăn ít, không thích thì chưa ăn. Cầm quyển sách lên, mở phần giới thiệu nói xem sách viết về nội dung gì, sau đó giở mục lục coi chỗ nào lý thú thì đọc trước để dẫn dụ cảm hứng. Khi có cảm hứng sẽ trở thành niềm vui vượt qua sức ì quán tính.

Có câu chuyện ngụ ngôn trong sách mỗi người hãy cùng nghiền ngẫm. “Có một con ếch sống trong một cái giếng nước. Ở đáy giếng nhìn lên, nó thấy bầu trời cũng bé bé, không lớn lắm. Cả cuộc đời này chỉ có một mình nó sống cô đơn nơi đây. Cho đến một ngày chán chường, nó mon men mò lên thành giếng. Cứ trèo, trèo, rồi thì cũng vượt ra bên ngoài. Từ đó, cả một cuộc sống mới rộng mở trước mắt nó với bao điều kỳ thú”.

 

 

 

 

Đọc sách là cách để mỗi người thoát ra khỏi đáy giếng, nhìn bầu trời bao la với biết bao điều kỳ thú mà mình chưa chạm tới. Nếu không nhìn thấy thế giới rộng mở sẽ đi theo lối mòn của chủ nghĩa kinh nghiệm, trong khi người khác đang chọn con đường phát triển bằng tư duy đột phá.

Thường làm điều gì cũng cần có nguồn lực, đôi khi không đeo đuổi đến cùng cũng vì bế tắc nguồn lực. Có một câu danh ngôn khá hay: “Người thành công tìm giải pháp, người thất bại tìm cách biện minh”.

Giải pháp nguồn lực đang có sẵn ở đâu đó, có khi bên cạnh chứ không xa vời. Trong thời gian qua, Hội Khuyến học có chương trình khuyến học, khuyến tài, cũng đã trang bị nhiều tủ sách cho Hội quán. Vậy giải pháp nguồn lực đầu tiên đã có.

Trong thời gian tới, Hội Khuyến học có thể kết hợp với thư viện, các trường đại học, cao đẳng, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh là có thêm nguồn lực dồi dào.

Chúng ta đã có nhiều cách làm rất hay, huy động được nguồn lực khá lớn từ xã hội để phục vụ công tác an sinh xã hội. An sinh xã hội là nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Về mặt nào đó, trang bị tủ sách cho Hội quán cũng cần được xem là đóng góp cho an sinh xã hội vì cũng mang lại đời sống tinh thần cho người dân. Chỉ cần lãnh đạo “phát” là xã hội sẽ “động” ngay thôi.

 

 

 

 

Trang bị kệ tủ không khó, đặt sách vào trong đó cũng không khó, nếu nhận thức đúng mục tiêu, hiểu hết giá trị. Sách hóa nông thôn góp phần tri thức hóa nông dân, thay đổi người nông dân, hướng đến chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn. Quan trọng hơn là làm sao những quyển sách không nằm ngủ yên trong các kệ tủ. Đó là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và những ai tâm huyết với văn hóa đọc, biết yêu thương bà con nông dân. Đời thay đổi khi mỗi người thay đổi. Nông nghiệp thay đổi khi mỗi người nông dân thay đổi. Nông dân đọc sách là sự thay đổi dẫn đến những sự thay đổi diệu kỳ.

Đồng Tháp quê mình là địa phương duy nhất cả nước có 2 thành phố được ghi danh vào mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO. Sau khi được nhận bằng vinh danh, rồi sao nữa? Hãy bắt đầu trả lời câu hỏi đó bằng hành động thật cụ thể, bằng niềm vui và hạnh phúc qua hình ảnh những nông dân với đôi tay chai sạm cầm trên tay những quyển sách.

Người nông dân khi mở quyển sách ra đọc cũng chính là mở cửa tâm hồn mình, là hành trình khai mở, khai trí, khai tâm ở mỗi người. Một quyển sách có thể khai mở một con người, một tủ sách có thể khai mở một cộng đồng, một làng quê. Đơn giản vậy thôi!

 

 

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ - TL