Câu chuyện khuyến nông và khuyến khích nông dân học tập

Thật vui khi cảm nhận được công tác khuyến nông gần đây có nhiều hoạt động năng động, mới mẻ. Khuyến nông Nhà nước hợp tác với khuyến nông doanh nghiệp, đồng hành cùng các doanh nghiệp đến với bà con nông dân. Lực lượng khuyến nông cộng đồng được các địa phương quan tâm ủng hộ. Khuyến nông viên có mặt trên từng thửa ruộng, mảnh vườn, bờ ao, chuồng trại. Sự năng động của khuyến nông đã góp phần to lớn vào sự chuyển mình nông nghiệp nước nhà.

Theo tư duy mới, người làm khuyến nông không còn giới hạn trong nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ giúp bà con nông dân sản xuất tốt hơn. Khuyến nông còn có sứ mạng rộng lớn hơn nhiều là khuyến khích nông dân học tập, góp phần tri thức hóa người nông dân. Tri thức hóa là giúp bà con cải tiến quy trình sản xuất để năng suất lao động cao hơn. Tri thức hóa là giúp bà con nhận biết yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Tri thức hóa là giúp bà con nhận biết vai trò và sức mạnh khi làm ăn tập thể, những rủi ro gặp phải khi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

Nông nghiệp đang chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế. Như vậy, để tương thích, khuyến nông cũng phải chuyển từ giúp bà con nông dân gia tăng sản lượng sang gia tăng giá trị nông sản. Gia tăng giá trị tạo ra lợi nhuận cho nông dân khi biết tối thiểu hóa chi phí sản xuất và tối đa hóa doanh thu.

Khuyến nông chuyển giao cho nông dân không chỉ là vấn đề kỹ thuật, công nghệ, quy trình, mà còn cả về phân tích chi phí, lợi nhuận trong điều kiện bình thường và trong điều kiện rủi ro để nông dân lựa chọn phương án sản xuất tối ưu nhất. Đa phần người làm khuyến nông được đào tạo chuyên môn liên quan nhiều đến yếu tố kỹ thuật. Như vậy, muốn phân tích được chi phí, doanh thu, lợi nhuận, người làm khuyến nông cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về kinh tế.

Người nông dân bao đời gắn bó với mảnh đất của mình, từ đó có những kinh nghiệm nhận biết thời tiết, thủy văn, dịch bệnh. Những kinh nghiệm đó chính là kho tàng tri thức bản địa. Tri thức bản địa được người nông dân trải nghiệm và đúc kết qua sự chọn lọc trong quá trình vận động của cuộc sống, thích nghi với đặc điểm văn hóa, xã hội và môi trường. Nó luôn được làm giàu qua việc tích hợp các kinh nghiệm mới hoặc tri thức mới có được từ quá trình tiếp biến văn hóa. Những tập quán, tập tục của cộng đồng tổng hợp thành văn hóa bản địa.

 

 

Người làm khuyến nông cần lắng nghe, học hỏi từ tri thức và văn hóa bản địa của người nông dân, từ đó đưa những tri thức mới vào phù hợp với đặc điểm vùng miền, năng lực từng nhóm nông dân. Người làm khuyến nông cần kế thừa và kết hợp tri thức bản địa với tri thức mới. Người làm khuyến nông cần trang bị các kỹ năng quan sát, lắng nghe, tương tác, thúc đẩy, kết nối, tổ chức, để tạo ra những cộng đồng cùng thay đổi.

Người làm khuyến nông cũng cần có kỹ năng làm bạn để thấu hiểu và đồng cảm với người nông dân, đặt mình vào vị trí người nông dân để hiểu được những gì người nông dân cần. Những tài liệu mới cho thấy khuyến nông là giúp người nông dân thay đổi. Người nông dân thay đổi giúp nông trại thay đổi. Nhiều nông trại thay đổi, nền nông nghiệp sẽ thay đổi.

Muốn giúp người nông dân thay đổi, trước hết giúp người nông dân tự tri thức hóa mình, tự mình tìm kiếm kiến thức mới, kỹ năng mới, thái độ làm việc chuyên nghiệp, cách giao tiếp, ứng xử thân thiện với môi trường, cộng đồng. Nông dân ở các đất nước có nền nông nghiệp tiên tiến đa phần là những người có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo cơ bản về kinh tế nông nghiệp, về xã hội, có hiểu biết những đặc điểm của thị trường thông qua mối quan hệ cung - cầu và những tác nhân khác như tâm lý người tiêu dùng, biết phân tích rủi ro.

Có dịp tìm hiểu kinh nghiệm ở một vài đất nước, cảm nhận được người ta chú trọng đến công tác phát triển cộng đồng. Những người làm khuyến nông có thể vừa là những nhân viên phát triển cộng đồng. Trước khi chuyển giao khoa học kỹ thuật, họ chú trọng tập hợp nông dân cá thể thành những tổ chức nông dân. Từ đó, họ đưa tri thức mới, mô hình mới, công nghệ mới, giải pháp hữu ích mới để thay thế cái cũ không còn phù hợp. Sứ mạng của khuyến nông là tạo ra những cộng đồng, tổ chức nông dân để thực hiện sự thay đổi dựa trên những giá trị mình có mà chưa nhìn ra hoặc chưa tạo ra giá trị cao. Đó chính là phương pháp phát triển nông thôn dựa trên nâng cao năng lực cộng đồng.

Người làm khuyến nông về với các cộng đồng, tổ chức nông dân mang theo sách vở, tài liệu truyền tải những tri thức mới. Thông qua đó, người làm làm khuyến nông giúp bà con so sánh giữa cách làm cũ và cách làm mới, giữa cách chúng ta đang làm và cách các đất nước khác đang làm.

Người làm khuyến nông phải là người đọc nhiều sách, từ sách kỹ thuật chuyên ngành cho đến sách về chính trị, xã hội, môi trường, tôn giáo, dân tộc, lịch sử địa phương,… . Đọc nhiều thể loại sách sẽ làm phong phú thêm cách truyền đạt đến với bà con, thấu hiểu bà con. Phần đông bà con nông dân mình đều ham học hỏi, nếu biết cách khuyến khích, động viên, bà con đọc sách và sẽ mau chóng thay đổi.

 

 

Người làm khuyến nông cần có kỹ năng “chuyển thể” các tài liệu nặng tính hàn lâm, khoa học thành những thể loại dễ hiểu, dễ nhớ, như tờ bướm, tờ rơi, sổ tay kèm theo hình ảnh đồ họa giàu cảm xúc. Người làm khuyến nông cũng cần có kỹ năng “chuyển ngữ”, chuyển các ngôn ngữ chuyên gia thành những ngôn ngữ đời thường, thành những phương ngữ phù hợp với đặc điểm vùng miền.

Như vậy, khuyến nông còn có nhiệm vụ lan tỏa tinh thần khuyến học dựa trên nền tảng khuyến đọc trong các cộng đồng, tổ chức nông dân. “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông. Ở đâu có khuyến nông, ở đó có Khuyến nông đọc sách cùng nông dân”. Một danh nhân từng chia sẻ: “Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách mà gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trên những luống cày vậy”. Chúng ta cùng đem sách đến người nông dân để rồi mai này sẽ gặt được những vụ mùa bội thu.

Chúng ta đã có “Tam nông”: Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn.

Chúng ta sẽ có “Tam khuyến”: Khuyến nông - Khuyến đọc - Khuyến học.

Lê Minh Hoan - Lê Quốc Thanh
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ