Câu chuyện Kinh Bắc

Từ bao đời nay, sông Đuống lặng lẽ chảy trôi giữa đất Kinh Bắc, như mạch ngầm nối liền những lớp trầm tích văn hóa. Sông đã chứng kiến những chuyến đò tấp nập chở tranh Đông Hồ đi khắp các phiên chợ tết, những mẻ gốm Phù Lãng ra lò, ánh lên màu men cổ kính. Sông Đuống lặng nghe tiếng con trẻ ê a bài học, tiếng thợ gốm nện đất, tiếng dao khắc gỗ cặm cụi trên những bản mộc in tranh.

Mùa nối mùa, người nối người, nhưng có một điều không đổi thay: cái hồn của đất, của nghề truyền thống, của người Kinh Bắc vẫn ở đó, bền bỉ như dòng sông không bao giờ ngừng chảy.

Người ta nói, Kinh Bắc không chỉ có quan họ, mà còn có những người giữ lửa.

Ở làng Đông Hồ, nơi từng vang tiếng lụa phơi, giấy dó sột soạt, giờ chỉ còn vài nghệ nhân cuối cùng kiên trì bám trụ. Họ giống như những người gác đền, giữ lại những gì tinh túy nhất của một dòng tranh từng rực rỡ. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả, rồi đến thế hệ con cháu, vẫn lặng lẽ ngồi bên những bản khắc gỗ, miệt mài pha màu từ vỏ sò, lá chàm, hoa hòe - những sắc màu thiên nhiên mà tổ tiên đã truyền lại.

Ở bên kia sông, làng gốm Phù Lãng cũng từng trải qua những ngày trầm lắng. Nhưng rồi, trong một xưởng gốm nhỏ, có một bà cụ 94 tuổi vẫn hằng ngày chạm tay vào đất. Cụ Trần Thị Luận, người đã gắn bó với gốm hơn 80 năm cuộc đời, vẫn ngồi bên bàn xoay, đôi bàn tay vẫn còn chắc khỏe và ánh mắt vẫn rực cháy niềm đam mê.

Gốm không chỉ là đất và lửa, gốm là chuyện của thời gian, của những bàn tay gửi gắm linh hồn vào từng thớ đất…”, cụ Luận nhẹ nhàng nói, trong khi đôi tay vẫn xoay tròn một chiếc bình còn mềm. Những người như cụ không chỉ làm nghề, mà còn sống với nghề, như cây bám rễ vào lòng đất quê hương. Cụ là một biểu tượng của làng nghề gốm Phù Lãng và người Kinh Bắc.

Điều kỳ diệu là, truyền thống không hề chết đi, mà chỉ cần một làn gió mới, sẽ hồi sinh mạnh mẽ. Những người trẻ của Phù Lãng, của Đông Hồ không chỉ học nghề, mà còn dám sáng tạo. Họ đã khoác cho gốm Phù Lãng một lớp áo mới, bằng cách đưa những họa tiết tranh Đông Hồ lên những chiếc bình gốm.

Lần đầu tiên, hình ảnh Lợn đàn”, Gà đại cát”, Lý ngư vọng nguyệt” không chỉ xuất hiện trên giấy dó, mà còn hiện hữu trên những bình gốm nâu trầm, dưới lớp men rạn cổ kính. Tại sao tranh Đông Hồ chỉ có trên giấy? Tại sao gốm Phù Lãng không thể kể chuyện bằng những đường nét dân gian?, một nghệ nhân trẻ nói, ánh mắt sáng lên khi vuốt tay trên chiếc bình gốm vừa ra lò.

Những sản phẩm ấy nhanh chóng được đón nhận. Không chỉ trong nước, mà cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu cũng tìm đến, bởi họ nhìn thấy trong đó hơi thở của truyền thống, nhưng không cũ kỹ, mà đầy tính nghệ thuật đương đại.

Rồi bỗng một ngày, Kinh Bắc xuất hiện trên bản đồ văn hóa theo một cách không ai ngờ tới với lời mời của liền chị: “Mời anh về Bắc Ninh em chơi thăm. Lễ hội nô nức đông vui quanh năm”.

MV “Bắc Bling” ra mắt - một sản phẩm âm nhạc kết hợp giữa hip-hop hiện đại và chất liệu văn hóa dân gian. Trên những thước phim đầy màu sắc, hình ảnh tranh Đông Hồ, những chiếc bình gốm Phù Lãng hiện lên như một niềm kiêu hãnh. Chất liệu truyền thống được thể hiện theo một cách mới, táo bạo, mạnh mẽ, như chính cách mà những người trẻ Kinh Bắc đang mang văn hóa cha ông ra thế giới.

Sự kiện này khiến mọi người bất ngờ, và rồi một cơn sóng mới bắt đầu. Khách du lịch tìm đến Đông Hồ, đến Phù Lãng nhiều hơn, không chỉ để xem, mà để cảm cái hồn của đất, của người, của nghề đã được truyền qua bao thế hệ. Một nghệ nhân làng gốm Phù Lãng chia sẻ: “Kể từ có Bắc Bling, làng gốm lúc nào cũng đông vui khách thập phương, bác ạ”.

Một buổi chiều, trong làn không khí lạnh tràn về, cụ Trần Thị Luận ngồi bên hiên xưởng gốm, nhìn những người trẻ đang miệt mài vẽ tranh Đông Hồ lên bình gốm. Cụ mỉm cười, đôi mắt xa xăm, như thấy lại chính mình thời trẻ, ngồi bên lò gốm đỏ lửa, cẩn thận nặn từng đường nét.

Bên kia sông, tại Đông Hồ, một gia đình nghệ nhân đang in những bức tranh mới. Mùi giấy dó, mùi màu từ vỏ sò, gỗ xoan hòa vào không khí, như một lời nhắc nhở rằng truyền thống vẫn đang tiếp diễn.

Bởi vì, dù thời gian có trôi, dù thế giới có đổi thay, thì ở Kinh Bắc, đất vẫn còn, người còn, và hồn nghề vẫn còn. Xứ Kinh Bắc không chỉ có những câu hát quan họ vang vọng trên bến nước, mà còn có những người lặng lẽ giữ gìn linh hồn dân tộc, qua từng nét tranh, từng thớ gốm, từng bàn tay chạm vào đất, vào màu.

Từ xa xưa, những người nông dân, thợ thủ công, nghệ nhân dân gian đã tạo ra một kho tàng văn hóa phong phú mà đến nay vẫn là niềm tự hào dân tộc. Văn hóa sống động nhất khi nó được sinh ra, nuôi dưỡng và biến đổi trong đời sống thường nhật của người dân. Chính những người dân - với bàn tay, khối óc và tâm hồn - là chủ thể sáng tạo văn hóa, không chỉ gìn giữ mà còn thổi vào đó hơi thở thời đại, làm nên bản sắc dân tộc.

Người dân Kinh Bắc đã kể câu chuyện làng quê bằng làn điệu quan họ dạt dào, bằng những sản phẩm của làng nghề truyền thống. Và người Kinh Bắc hôm nay sẽ tiếp tục kể câu chuyện ấy, cho những thế hệ sau, như dòng sông Đuống vẫn kể từ bao đời nay… .

Trong bộn bề của cuộc sống đô thị, hồn quê vẫn còn đó, nông thôn vẫn là nơi đáng sống, đáng tìm đến và đáng trở về nếu được mọi người chung tay chăm chút. Nông thôn là nơi người dân sáng tạo văn hóa từ những sản phẩm làng nghề. Nhiều điểm cộng cho tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng.

“Anh đưa em về sông Đuống / Ngày xưa cát trắng phẳng lì / Sông Đuống trôi đi / Một dòng lấp lánh”. (Thơ Hoàng Cầm)

Lê Minh Hoan
Tiến Thành
Thành Phạm