Câu chuyện mắt lưới

Một hôm nhận được tin nhắn đầy trăn trở từ người quen ở một tỉnh duyên hải miền Trung: Sáng nay đi chợ sớm, thấy nhiều người bán các loại cá nhỏ, cá con, nghĩ thật xót thương vì vòng đời cá quá ngắn ngủi. Phải làm sao quy định thật chặt việc cấm đánh bắt tận diệt”.

Chợt giật mình, câu chuyện bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản hay nói không với các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, đều liên hệ sát sao với những điều tưởng chừng nhỏ nhặt như những con cá nhỏ, cá con.

Để quản lý xã hội trên một lĩnh vực cụ thể, cần đến quy định những điều không được làm, những hành vi bị nghiêm cấm, những biện pháp chế tài. Trong khai thác thủy sản, đã có Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn hẳn hoi. Nghề nào cấm, ngư cụ nào không được phép sử dụng tương ứng với từng vùng biển, nội địa, khu vực cấm khai thác, thời gian cấm khai thác... Nào là nghề lưới kéo, nghề lồng xếp, nghề đăng, đáy, xịch, xệp, xăm…

Rồi còn quy định cụ thể kích thước từng loại mắt lưới. Cả một bộ máy quản lý chuyên ngành nghiên cứu trong một thời gian dài để xây dựng dự thảo, tổ chức hội thảo lấy ý kiến từ cấp cơ sở, địa phương đến trung ương, tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế…

Hoàn chỉnh xong xuôi, trình ký ban hành, phân giao nhiệm vụ từng ngành, từng cấp chịu trách nhiệm thực thi, hướng dẫn thực hiện, triển khai cụ thể. Tưởng như đã quá chặt chẽ rồi, ấy vậy mà, ngày ngày những con cá nhỏ, cá con vẫn không cách nào thoát khỏi những mắt lưới!

Đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt làm suy thoái đa dạng sinh học, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên tự nhiên. Tài nguyên khan hiếm lại càng kích thích con người tiếp tục tranh giành. Ai nhanh chân thì còn, chậm chân thì mất, người này không đánh bắt thì người khác cũng đánh bắt, đó là của trời cho, đâu phải của riêng ai.

Biết thương hay biết giận trước lời phân trần: “Mặc dù biết là sai, nhưng do tôm cá ngày một ít, nên buộc phải dùng lưới mắt nhỏ để đánh bắt mới mong có vài ký để bán kiếm tiền mua gạo, nuôi con? Một vòng lặp không lối thoát: Cái nghèo cái khó đành “ngoảnh mặt làm ngơ” trước những hành vi vi phạm pháp luật. Vậy là những con cá nhỏ, cá con vẫn không cách nào thoát khỏi những mắt lưới!

Hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản diễn ra hàng ngày ở cơ sở, được quản lý đầy đủ bởi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan chức năng xã phường, thôn ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản… Ở cấp huyện, tỉnh thì có các lực lượng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành cấp trên, các cơ quan dân cử giám sát. Trong mỗi hộ gia đình, cũng có người là hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội. Một hệ thống được tổ chức chặt chẽ, nhưng những con cá nhỏ, cá con vẫn không cách nào thoát khỏi những mắt lưới!

Thiết chế quản lý xã hội đã có, công cụ quản lý xã hội cũng không thiếu, nhưng vẫn có “kẽ hở” trong từng mắt lưới” để “lọt” những vi phạm tồn tại ngày này qua tháng khác. Có phải vì còn những việc lớn lao hơn cần quan tâm, còn cá nhỏ, cá con chỉ là chuyện nhỏ, chuyện của ai khác? Có phải vì “trời sinh voi sinh cỏ”, cạn kiệt tài nguyên là chuyện của tương lai, hôm nay chỉ cần tính chuyện miếng ăn hàng ngày? Có phải đa dạng sinh học là chuyện của các nhà khoa học, của cơ quan quản lý cấp trên?

Để luật pháp, quy định đi vào cuộc sống, cần được truyền thông sâu rộng. Truyền thông chính sách khác với tuyên truyền pháp luật. Truyền thông có tính tương tác nhằm thay đổi nhận thức xã hội, nhất là những vấn đề đã ăn sâu vào tiềm thức, tập quán. Truyền thông không chỉ là phổ biến những điều không được làm, bị nghiêm cấm, mức độ chế tài nếu vi phạm.

Truyền thông, trước hết, và quan trọng hơn là giải thích tại sao phải như vậy, về mục tiêu, ý nghĩa dài lâu. Truyền thông, không chỉ một lần, bằng một phương thức duy nhất là phát văn bản, đọc văn bản, mà cần được giới thiệu thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức trực quan.

Không chỉ phổ biến trong nội bộ, mà cần truyền thông đến xã hội, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Một buổi sinh hoạt của đoàn thể cũng có thể lồng ghép nội dung phổ biến pháp luật vào.

Mỗi người dân đều sống trong một cộng đồng nào đó. Nếu cộng đồng có đủ năng lực, được trao quyền, sẽ tự điều chỉnh theo hướng tích cực. Cơ chế Cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản” khá thành công ở nhiều địa phương ven biển cần được nhân rộng. Khi cộng đồng ý thức được rằng, những con cá nhỏ, cá con không thể vượt qua mắt lưới, ảnh hưởng đến lợi ích chung, khi ấy cộng đồng sẽ lên tiếng. Lời nói của người xấu không nguy hại bằng sự im lặng của người tốt. Tin chắc rằng, số lượng những người có ý thức tuân thủ, thực hiện tốt các quy định chung, luôn nhiều hơn những người vi phạm.

Tất nhiên, để quản lý nghiêm minh, cần đến các công cụ xử phạt, chế tài, chứ không thể chỉ dựa trên việc nâng cao nhận thức. Đó là trách nhiệm thực thi của các đơn vị liên quan, trước hết là ở cấp cơ sở. Dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, hành lang pháp lý, ý thức của người dân, tuy nhiên việc thực thi đúng chức trách cần được quan tâm nhiều hơn. Nếu quản trị xã hội chỉ duy nhất dựa vào bộ máy công quyền, thì sẽ không bao giờ là đủ nhân lực, nguồn lực và luôn chậm hơn những tình huống vi phạm xảy ra hàng ngày.

Do đó, cần tạo dựng thiết chế phù hợp để người dân tham gia Cộng đồng đồng quản lý”, cùng nhắc nhở nhau, phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, có thể kết hợp sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông, song song với việc áp dụng các công cụ, thiết bị giám sát thông minh.

Những cá nhỏ, cá con không cách nào thoát khỏi mắt lưới, không thể xem là chuyện nhỏ. Một khi vi phạm nhỏ vẫn mặc nhiên tồn tại, thì dần sẽ dẫn đến vi phạm lớn hơn. Một xã hội mà luật pháp bị vi phạm, bị xem nhẹ, thì sẽ dẫn đến rối loạn trật tự, kỷ cương. Không thể cứ để cái khó cái nghèo là lý do biện minh cho hành vi vi phạm. Những vi phạm nhỏ, nếu cứ bỏ qua, sẽ làm nghèo, làm cạn kiệt tài nguyên đất nước.

Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt và tiếp cận sát sao, kiên trì, những tồn tại như “Đội tàu giã cào công khai ‘tàn sát’ môi trường”, tìm mọi cách né tránh lực lượng chức năng, mặc kệ sự “kêu gào” của ban quản lý, sẽ ngày càng nan giải.

Ở nhiều đất nước, ý thức bảo vệ, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên được lồng ghép vào các chương trình giáo dục. Ngay từ cấp học nhỏ nhất, các cháu đã hiểu giá trị của đa dạng sinh học, vai trò của thiên nhiên đối với sự sống của con người và nghĩa vụ của mỗi người trong tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chỉ cần một tiết giảng, một buổi tham quan thực tế cũng đã góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên của các cháu. Nhờ đó, sẽ dần hình thành một thế hệ tương lai biết sống có trách nhiệm với môi trường, với cộng đồng.

Gần đây khái niệm phát triển bền vững thường xuyên được nhắc đến. Phát triển bền vững nôm na được hiểu là: Thế hệ hôm nay tuyệt đối không vì lý do sinh tồn, mà lấy đi những gì có thể để lại cho thế hệ mai sau”Nói cách khác, đừng để “đời cha ăn mặn đời con khát nước”!

Phát triển bền vững, lồng ghép tuyên tuyên truyền và thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phải được thảo luận và đua vào Nghị quyết cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Kế hoạch hành động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở cấp cơ sở. Đó là công việc thực thi hàng ngày, phải “đến từng ngõ, gõ từng nhà” chứ không phải tập trung trong từng đợt “ra quân”, hoặc chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu “Toàn dân chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản”. “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi người, mỗi nhà”.

Đừng để đến thời con cháu mai này, “vị biển mặn đến quá chừng mặn chát”, vì cá tôm đầy ắp chỉ còn trong câu chuyện kể, lời hát, câu ca.

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ