Bà con mình gọi là “mùa nước nổi” không biết tự bao giờ? Chắc có lẽ từ ngày những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất hoang sơ “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh”. “Rằm tháng Bảy, nước nhảy khỏi bờ”, ngủ một đêm sáng dậy thấy nước bốn bề, mỗi ngày dâng lên một chút cho đến khi cánh đồng trắng xóa, cây tràm chỉ còn chơ vơ những đọt xanh đong đưa trên mặt nước. Vậy là nước nổi lên rồi, mùa nước nổi tới rồi!
Những bậc tiền hiền khai khẩn năm xưa dần thích nghi cuộc sống ở vùng đất mới. Nước nổi lên, thì kê nhà cao lên theo con nước, cao lên nữa, thì kê lên thêm nữa. Kê hoài mất công, chi bằng ước lượng chiều cao mực nước hằng năm, rồi dựng lên ngôi nhà sàn, nước cao hơn thì leo lên gác, hoặc trổ nóc chờ nước rút.
Nước nổi lên cao, thì trồng lúa mùa tương tự như cây lúa ma, lúa trời. Nước lên tới đâu, lúa vươn mình tới đó. Nước nổi lên cao, chuồng trâu ngập khắp bề, thì tìm chỗ gò len đi tá túc, chờ nước rút lại dẫn trâu về. Vậy là con người, nếp nhà, con trâu đều thích nghi với quy luật tự nhiên, mà ngày nay gọi là sống thuận thiên.
“Ruộng đồng mặt nước láng te. Một đàn gà nước bay về kiếm ăn”. Ông trời coi vậy mà đâu có hà khắc với con người. Nước nổi lên, tuy có khó khăn, bất tiện trong việc sinh sống, đi lại, sản xuất, nhưng bù lại có bao nhiêu sản vật tự nhiên quanh nhà, ngoài đồng cũng theo con nước mà đổ về, vươn lên. Mà cũng lạ, tới mùa nước nổi là có đủ bữa cơm bình dị: canh chua cá linh bông điên điển, bông súng, tai tượng, cù nèo, lục bình, rau muống, niêu cá rô kho tộ, nồi lẩu cá lóc, cá lòng tong…
Sản vật mùa nước nổi cũng nhắc nhở về sự nhường nhịn, sẻ chia: “Canh chua điên điển cá linh. Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”. Sản vật mùa nước nổi đều nuôi sống những con người hào sảng vùng sông nước bao đời.
Nhờ vậy mà ông bà mình gắn bó với từng mùa nước nổi. Chỉ cần chiếc xuồng, vài ba tay lưới, vài cái đăng cái đó, cái nôm cái trúm, mà vùng đất nghĩa tình ngày thêm trù phú, nhộn nhịp. “Trời sinh voi trời sinh cỏ”, ông bà mình sống lạc quan bao đời. Quay đi quay lại, điều kiện sống có phần thuận lợi, “trên cơm dưới cá”, “đất lành chim đậu”, dân số càng ngày càng đông đúc. Đất trồng cấy ngày càng ít dần nên phải tiếp tục khai hoang phục hóa, thau chua rửa mặn. Kênh mương xẻ dọc xẻ ngang, những mùa màng tăng vụ trên mảnh đất này. Điều kiện sống và sản xuất lại dần khó khăn hơn.
Sản lượng rồi cũng tới ngưỡng, năng suất dần chạm trần sau bao lần tăng vụ. Nhìn xuống đất, thấy đất chai cằn. Nhìn xuống sông, thấy sông vơi dần tôm cá. Nhìn lên trời, thấy trời vắng những đàn chim. Còn đâu phù sa nước ngọt quanh năm. Còn đâu “đất lành chim đậu”. Tất cả do ông trời gây nên cũng có, mà do con người bạc đãi với thiên nhiên cũng có. Lấy đi của đất mà không bù lại dinh dưỡng cho đất. Lấy đi của nước mà để dòng nước ô nhiễm dần.
Rồi bà con quê tôi tỉnh thức. Trời không thay đổi, thì con người phải thay đổi để thích ứng, đừng để “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Mùa nước nổi đã nuôi sống con người vài trăm năm trước, thì mùa nước nổi hôm nay sao không thể làm giàu cho mình và con cháu. Vậy là, những mô hình sản xuất “thuận thiên” được bà con cùng nhau mần thử: lúa xen với cá, với tôm, với vịt, với sen. Ven bờ đắp đập tận dụng mùa nước nổi trữ cá trên đồng. Cây lúa sống khỏe hơn khi đất được bổ sung dinh dưỡng tự nhiên nhờ nuôi tôm cá.
Nước nổi mênh mông cả một cánh đồng, đâu còn ranh giới phân biệt ruộng người này với ruộng nhà kia. Mỗi người tự ven lưới trên ô ruộng của mình thì tốn kém, và đâu thể kiểm soát những người vẫn còn tư tưởng “chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn”. Vậy là ra đời mô hình Cộng đồng đồng trữ cá mùa nước nổi. Tất cả họp lại cùng làm, cùng quản lý, cùng hưởng. Nước tràn đồng, thì tôm cá ùa vào theo. Rồi nước rút dần, thì cùng nhau khai thác, cá lóc cá trê thì gạn lại đưa xuống hầm trữ tiếp chờ được giá sẽ bán. Gần trăm người như một, có quy chế hẳn hoi, không để xảy ra chuyện “mếch lòng”. Chính quyền, ngành chuyên môn vào cuộc, đồng hành với cộng đồng.
Câu chuyện sinh kế mùa nước nổi thật ra là điều không mới. Bao đời nay, mỗi khi nước nổi lên, bà con đã biết sắm chiếc xuống, đem theo can nhựa phòng thân, bơi ra giữa đồng nước là có cái ăn, còn hơn ngồi bó gối nhìn con nước than trời, trách đất. Nhưng điều mới ở đây, là bà con hòa mình hợp lại trở thành một cộng đồng, không phải ba cây chụm lại mà hàng trăm cây chụm lại để làm kinh tế mùa nước nổi. Như vậy là đạt được mục tiêu kép rồi, vừa làm kinh tế vừa tạo ra sự hài hòa giữa những người nông dân quê tôi.
Mô hình cộng đồng đồng trữ cá mùa nước nổi còn hướng tới sản xuất thuận theo tự nhiên, bảo vệ môi trường. Bà con quê tôi đâu biết mình đang thực hiện đúng xu thế mà thế giới gọi là phát triển bền vững. Vẫn là hạt gạo đó, con cá đó, bà con tạo nên câu chuyện giàu cảm xúc. Vẫn hạt gạo đó, con cá đó, tạo nên thương hiệu “sản phẩm mùa nước nổi”, trên bao bì có cả 3 vòng tròn: kinh tế - môi trường và xã hội. Sản phẩm khác biệt sẽ tương xứng với giá trị khác biệt.
Tuy nhiên, để hạt gạo, con cá ra đến thị trường với giá tốt nhất, lại cần đến vai trò của cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn, sự dẫn dắt của chuyên gia, doanh nghiệp, và cơ quan truyền thông. Hãy kể câu chuyện khởi đầu từ vài trăm năm trước của những người đến khai hoang mảnh đất này. Hãy kể câu chuyện những người nông dân hôm nay không khuất phục trước cái nghèo cái khó, đang vươn mình như cây lúa ngoài đồng, viết tiếp câu chuyện mùa nước nổi. Hãy kể câu chuyện về người dân, về cộng đồng cư dân vùng nước nổi, cũng chân chất, hiền hòa như cách nước lên.
Không xa lắm đâu, sẽ có dòng người nô nức về thăm quê tôi để được trải nghiệm sự mênh mông của mùa nước nổi, để tìm hiểu vì sao mà “nước không chưng (chân) sao gọi nước đứng, cá không thờ sao gọi cá linh”. Không xa lắm đâu, các cháu học sinh, sinh viên sẽ về với mùa nước nổi để khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, của đàn tôm cá. Không xa lắm đâu, nơi đây sẽ trở thành cánh đồng hạnh phúc, những người nông dân quê tôi hạnh phúc bên nhau, bên những cây ô môi tím cả góc trời, sen súng đủ sắc màu dưới nước, bởi bông điển được mệnh danh là “mai vàng mùa nước nổi” đong đưa trước gió. Không xa lắm đâu, mọi người có thể cảm nhận và thấu hiểu sâu sắc hơn về câu ca dao: “Ở đây một hột cơm rơi. Ngoài kia bao hột mồ hôi thấm đồng”.
Mùa nước nổi không chỉ đến và đi theo thời điểm trong năm, mà từ lúc nào đã hòa vào niềm thương, nỗi nhớ, vào đời sống văn hóa, tinh thần của bà con quê mình. Mùa nước nổi như một người thân, năm nào chưa về thăm nhà, thì ai ai cũng “đỏ mắt” đi tìm, khắc khoải ngóng trông. Mùa nước nổi như một người thầy, ân cần gửi gắm những bài học về hành xử chan hòa, san sẻ, thuận tự nhiên.