Câu chuyện nước nôi

Có những thứ từ lúc chào đời cho đến khi trưởng thành tưởng chừng đã biết rõ nhưng đôi khi không phải như vậy. Thật là “điều mình biết chỉ như hạt cát, điều chưa biết là cả đại dương bao la”.

Một trong những thứ đó là nước. Nghe nói nước, nguồn gốc sự sống, chiếm hơn 70% bề mặt Trái đất, ngay cả xương trong cơ thể con người cũng chứa nước. Ông bà mình cũng thường lấy các yếu tố liên quan đến nước để nhắc đến: đất nước, nước nhà, non nước, còn nước còn tát,…

Ngược dòng lịch sử khẩn hoang đất phương Nam, những di dân mới đến thích nghi dần với thiên nhiên khác biệt quê nhà. Xuôi theo dòng nước, chọn nơi thuận tiện lên bờ định cư, đào đất đắp nền dựng nhà.

Nơi đất lấy đi trở thành hầm ao chứa nước, nuôi cá, tưới cây. Ngoài đồng thì có những khoảng đất trũng tự nhiên chứa nước, được gọi bằng các phương ngữ: lung, đìa, bưng, bàu, láng, khém, dứt,… Sông ngòi chằng chịt dọc ngang. Nước đủ cho con người tồn tại. Chín dòng sông xuôi về biển tạo thành vùng đất chín Rồng, từng tự hào nước ngọt quanh năm, làm nên những cánh đồng lúa chín vàng, vườn cây trái xanh ngát. Mùa nước nổi hằng năm trở thành hình ảnh đặc trưng.

Nhờ nước mà người Đồng bằng biến mảnh đất hơn 40.000km2 thành vùng nông nghiệp trọng điểm cả nước. Nhờ nước thu hút dòng người đổ về khẩn hoang, lập ấp để đến nay dân số đã gần 18 triệu người.

Con người ngày càng sinh sôi nảy nở, sản xuất lo đủ ăn còn dư thừa thì nghĩ đến chuyện xuất khẩu. Tư duy thị trường đến sớm ở vùng này nhờ quy mô sản xuất và mùa vụ quanh năm, nhưng cũng để lại không ít hệ lụy.

Mặt nước bị thu hẹp dần chuyển thành đất trồng lúa, làm nương rẫy. Làm ba vụ phải có đê bao ăn chắc. Nước đổ về nước lại trôi nhanh vì không còn chỗ chứa tự nhiên. Chất lượng nước bị ô nhiễm do nông nghiệp lạm dụng hóa chất, phân thuốc vô cơ… và do cả nguồn thải sinh hoạt của con người sống bám theo sông ngòi, kênh rạch. Dòng nước thượng nguồn kém dần về số lượng lẫn chất lượng.

Vậy là bao nhiêu lời cảm thán bắt đầu đổ xuống mảnh đất này. Giao thông cách trở, chất lượng nhân lực thấp, vùng trũng giáo dục, ly nông ly hương. Tất cả do nhiều nguyên nhân, bên ngoài lẫn bên trong, thiên tai và nhân tai, cấp vi mô đến tầm vĩ mô,…

Vùng châu thổ gồng mình trước hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, tất cả đều quy ra do nước. Nước về suy giảm, mực nước xuống thấp dẫn đến xói lở. Nước mặt thiếu thì khoan nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún. Nước biển thâm nhập sâu vào các cửa sông, dẫn đến xung đột mặn - ngọt.

Khô hạn, thiếu nước gây khó cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết đề xuất nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.

Xây hồ lớn trữ nước phục vụ liên vùng, làm đường ống dẫn nước từ thượng nguồn đưa về, chuyển đổi mùa vụ, thay thế cây trồng vật nuôi, áp dụng tưới nhỏ giọt như nơi này, xứ kia.

Có những ý kiến vẻ ra viễn cảnh bi quan nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên biến thách thức thành cơ hội. Mỗi ý tưởng đều có lý lẽ riêng, đều trăn trở cho Đồng bằng.

Khó ta thì cũng khó người. Các chuyên gia khẳng định thế giới đang trong Kỷ nguyên khô hạn, mỗi quốc gia và từng người dân phải thích ứng một cách chủ động và thông minh. Không thể tiếp tục sử dụng nước như của trời cho vô hạn. Nước là tài nguyên, mà tài nguyên luôn hữu hạn, phải sử dụng một cách thông minh. Việt Nam không còn là quốc gia dư thừa nước, do đó phải có cách tiếp cận mới về nước cả về số lượng, chất lượng và cách thức phân phối, sử dụng.

Cách tiếp cận đầu tiên: Mọi kế hoạch không chỉ tiếp cận từ trên xuống mà quan trọng hơn là tiếp cận từ dưới lên. Bắt đầu từ mỗi nhà, mỗi cộng đồng, mỗi làng xóm. Cấp vĩ mô đầu tư hạ tầng trữ nước tập trung, xây dựng cơ chế vận hành điều tiết mặn ngọt cùng với dự báo sớm, hành động sớm. Cấp vi mô ứng dụng tri thức bản địa với những cách trữ nước truyền thống.

Trong mùa hạn, mặn vừa qua, nhiều nơi không bị ảnh hưởng nhờ chủ động nạo vét, mở rộng hệ thống thủy lợi nội đồng, các kênh mương, mặt nước tự nhiên, chuyển dịch thời vụ… Đặc biệt, cần kết hợp giải pháp công trình và phi công trình. Đó chính là cách thích ứng thông minh mà ông cha chúng ta đã làm hàng trăm năm trước.

Thứ hai: Chuyển nền nông nghiệp thâm dụng tài nguyên, trong đó có tài nguyên nước, sang nền nông nghiệp khan hiếm nước. Đây không chỉ do thời tiết cực đoan một vài năm mà là chiến lược dài hạn, vì các thế hệ tương lai. Văn hóa tiết kiệm nước phải được đưa vào tài liệu giáo dục địa phương phù hợp từng cấp học. Văn hóa tiết kiệm nước phải có trong các bản quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nước phải được cân đối chi phí đầu vào sản xuất như: phân, thuốc, công lao động,...

Thứ ba, đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, các giải pháp hữu ích tái chế, tuần hoàn nước để người dân dễ tiếp cận với chi phí hợp lý. Từng bước xem xét đến chuyển đổi mùa vụ, cây trồng vật nuôi phù hợp. Quy hoạch không gian sống và không gian sản xuất gắn với quy hoạch hệ thống thủy lợi và cung cấp nước sạch nông thôn. Trên hành trình khẩn hoang, yếu tố nước góp phần định hình không gian sống cho dòng người di dân. Trong tương lai cũng cần kế thừa kinh nghiệm cha ông thích ứng bối cảnh mới.

Thứ tư, các tiếp cận về nước bắt đầu từ rà soát quy hoạch hệ thống thủy lợi cấp vùng, liên vùng, tiểu vùng. Không tạo ra sự xung đột, cắt khúc hệ thống thủy lợi với phương châm “lấy nước làm động lực góp phần tạo ra sự liên kết Vùng”. Kết hợp hệ thống thủy lợi cấp vùng với cấp tiểu vùng. Kết hợp đầu tư hạ tầng thủy lợi đa mục tiêu, “thích nghi có kiểm soát và không hối tiếc” với vận hành thống kết hợp công nghệ quan trắc, viễn thám, trí tuệ nhân tạo (AI), kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data). Hình thành “Trung tâm kết nối dữ liệu nước và sáng kiến cộng đồng cấp Vùng”.

Trước thách thức của biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đang thầm lặng hành động, kết nối nguồn lực, phục hồi kinh nghiệm cộng đồng phù hợp điều kiện mới. Hằng năm, cần xem xét tôn vinh những giải pháp trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, kết hợp tạo sinh kế cho cộng đồng.

Trong bất kỳ đất nước nào, xã hội luôn rộng mở hơn bộ máy quản lý. Những sáng kiến và hành động trong xã hội luôn gắn với thực tiễn cuộc sống. Chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan truyền thông, hãy đến với cộng đồng lan tỏa cách tiếp cận: “Nước là tài nguyên hữu hạn”. Thay vì bi quan, mọi người hãy chung tay hành động.

Câu chuyện có tính ngụ ngôn “Cái cốc nửa đầy, nửa vơi” có thể hàm ý cho tư duy về nước trong tương lai. Người tự tin nhìn vào phần nước phía dưới cốc và nghĩ cách sử dụng sao cho hiệu quả. Người thiếu tự tin nhìn vào phần nửa trên chiếc cốc và mong muốn được rót tiếp để chiếc cốc đầy nước. Hãy sử dụng hợp lý nửa cốc nước hiện có thay vì chỉ trông chờ cốc nước được rót đầy.

 

 

Lê Minh Hoan - Nguyễn Tùng Phong
Trương Khánh Thiện
Tùng Đinh - Lê Hoàng Vũ