Câu chuyện tôm, cá

Hằng ngày nhận nhiều thông tin liên quan đến ngành nông nghiệp cả nước, có tin vui, có tin nặng lòng. Giá cả nông sản quay đầu, vừa mới tăng lên bà con chưa kịp vui mừng thì lại giảm xuống trong sự ngậm ngùi. Dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản. Sản phẩm nhập lậu tác động đến ngành chăn nuôi, thủy sản. Môi trường bị ô nhiễm nơi này, nơi khác. Nắng nóng, mưa bão, hạn hán, xâm nhập mặn bất thường. Thất thường và bất thường có lẽ cũng là thuộc tính của ngành nông nghiệp.

Sự cố tôm, cá chết hàng loạt trong thời gian gần đây là một minh chứng:“Cá chết hàng loạt ở Hải Dương, người nuôi cá lồng chịu thiệt hại”, “Cá chết bất thường trên sông Mã ở Thanh Hoá”, “Cả trăm tấn tôm hùm, cá nuôi ở Phú Yên chết hàng loạt”,…

Đó là những tiêu đề trên báo chí, cơ quan truyền thông. Mỗi sự cố kèm theo là những con số thiệt hại của hàng trăm, hàng ngàn bà con ngư dân. Nước mắt đã rơi vì bao công sức, tiền của đổ ra với bao nhiêu kỳ vọng. Chính quyền, ngành chuyên môn, nhà khoa học vào cuộc truy tìm nguyên nhân.

Hình như vẫn do thời tiết cực đoan, diễn biến không theo quy luật bình thường. Hình như vẫn do mật độ nuôi quá dày làm môi trường bị ô nhiễm trầm tích tầng đáy trong nhiều năm. Hình như vẫn do bà con không làm theo khuyến cáo của cơ quan thủy sản địa phương. Tóm lại, “Nguyên nhân biết rồi, khổ lắm nói mãi!”. Nguyên nhân liên quan đến kỹ thuật có thể khắc phục bằng kỹ thuật. Nguyên nhân do thời tiết, môi trường có thể hạn chế bằng các giải pháp dự báo, cảnh báo. Nhưng còn một nguyên nhân thuộc về cấu trúc một vùng nuôi, một ngành hàng ít khi được nhìn nhận thấu đáo.

Từ trước đến nay, ngư nghiệp được xem là một ngành kỹ thuật liên quan đến nuôi trồng dưới nước. Với sự mặc định như vậy nên thường tập trung công tác lập quy hoạch, xây dựng các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, nghiên cứu giống, quy trình nuôi trồng, các giải pháp công nghệ.

Tuy nhiên, ngư nghiệp không thể phát triển bền vững nếu không định vị trong cấu trúc tổng thể “ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường”. Cấu trúc có bền chặt thì nuôi trồng mới bền vững. Cấu trúc lỏng lẻo thì ngành hàng dễ gặp nhiều rủi ro. Tựu trung lại, trong thủy sản thì có người làm nghề, người quản lý nghềngười tư vấn, hỗ trợ những người làm nghề.

Một là, người làm nghề là những là ngư dân, những người không đồng nhất với nhau về tuổi tác, giới tính, năng lực, kinh nghiệm…  Không đồng nhất nhưng lại cùng làm nghề chung trong một không gian mặt nước. Đã là chung đụng sẽ không tránh khỏi “chén trong sóng có ngày còn khua”, dẫn đến sự hợp tác với nhau lỏng lẻo. Đã là không hợp tác với nhau thì mỗi người thường có tâm lý nghĩ cho mình trước, nếu ai cũng nghĩ như vậy thì sẽ xung đột lợi ích với nhau, xung đột về môi trường, hệ sinh thái tự nhiên.

Cấu trúc cộng đồng, tinh thần hợp tác của những người chung một ngành nghề có tính quyết định. Hơn chục ngàn chiếc lồng bè chen chúc trong không gian mặt nước thì chắc cũng cả ngàn người làm nghề. Đã có bao nhiêu thiết chế cộng đồng được thành lập? Ai ở bên trong? Ai ở bên ngoài?

Kinh nghiệm nuôi tôm cá, ngư dân có thể tích lũy nhiều đời, nhưng hiểu biết sâu sắc về giá trị của môi trường và đa dạng sinh học bà con đã thực sự sâu sắc chưa? Mỗi người hoạt động trong bất kỳ ngành nghề nào cũng cần hiểu biết sự tác động do mình tạo ra đối với môi trường và cộng đồng chung quanh mình.

 

 

Hai là, người quản lý nghề, đó là cán bộ quản lý chuyên ngành thủy sản. Hệ thống thủy sản từ Trung ương đến địa phương được phân vai cụ thể. Cấp Trung ương nghiên cứu ban hành chiến lược, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình nuôi trồng. Cấp địa phương là quản lý, thực hiện chức năng giám sát, kiểm soát việc thực thi pháp luật để những người làm nghề vào những chuẩn mực.

Chức năng quản lý nhằm không tạo ra xung đột giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, để đưa những chuẩn mực đến tận từng chiếc lồng bè với đối tượng rộng không phải chỉ một hai buổi tuyên truyền pháp luật là xong. Do đó, theo triết lý quản trị xã hội, rất cần những thiết chế cộng đồng hoạt động đúng sứ mạng. Đó là cầu nối giữa chính quyền, ngành chuyên môn với cộng đồng những người làm nghề. Cơ quan thủy sản địa phương thường nhiều việc nhưng hạn chế về nhân lực. Do đó, các Tổ cộng đồng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản hay Tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản cần được lãnh đạo, ngành chuyên môn quan tâm nhiều hơn.

Ba là, người, đơn vị tư vấn. Đó là những nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ khuyến ngư và cán bộ đoàn thể, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở địa phương. Mỗi người một trách nhiệm nhưng đôi khi không hợp lực với nhau.

Nhà khoa học thủy sản nghiên cứu ương tạo giống, quy trình nuôi trồng để đạt năng suất, sản lượng cao hơn. Nghiên cứu được đưa về cơ quan quản lý thủy sản địa phương tổ chức thực hiện. Nhà khoa học chuyên sâu một lĩnh vực nên có thể ít chú ý đến những yếu tố khác. Đó là khoa học cần được đặt trong cấu trúc tổng thể “ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường”, trong tam giác phát triển: “kinh tế, xã hội, môi trường”. Nhà khoa học cũng cần đưa ra kịch bản rủi ro từ sự bất cập trong cấu trúc lỏng lẻo một vùng nuôi.

Bốn là, cấp chính quyền địa phương. 3 đột phá trong chiến lược phát triển đã được xác định: thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Phải chăng chúng ta tập trung nhiều cho xây dựng cơ chế chính sách, đầu tư hạ tầng mà không chú trọng đến yếu tố con người? Phải chăng chúng ta chú ý đầu tư “phần cứng” mà bỏ quên “phần mềm”, chỉ nghĩ “yếu tố tĩnh” mà không chú ý “yếu tố động”. Xu thế thị trường là người tiêu dùng quan tâm đến cách thức nuôi trồng có gây ảnh hưởng đến môi trường hay không. Người nuôi trồng sử dụng mặt nước từ sông suối, ao hồ, đầm vịnh là những tài nguyên thiên nhiên của chung mọi người.

Nguyên nhân tôm cá chết hàng loạt: môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm. Nguyên nhân đã rõ, nhưng chưa đủ. Theo phương pháp “5 tại sao”, cần đặt tiếp những câu hỏi “tại sao”. Tại sao môi trường ô nhiễm, trong khi đã có đầy đủ những quy chuẩn, quy định về môi trường? Nếu câu trả lời là do bà con không tuân thủ khuyến cáo, thì câu hỏi tiếp là: Tại sao bà con không tuân thủ trong khi những quy định đều mang lại lợi ích bền vững cho một vùng nuôi?

Truy tìm tận cùng căn nguyên phải chăng là do yếu tố con người, hay thiên tai một phần mà nhân tai phần lớn hơn?

Lê Minh Hoan - Trần Đình Luân
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ