Câu chuyện Trà Vinh

 

 

Vậy là được trở lại vùng đất cuối trên dòng Mekong hùng vĩ, nơi nổi tiếng với những ngôi chùa cổ, xứ sở đặc sản dừa sáp. Nông thôn đang thay đổi từng ngày, hướng đến trở thành tỉnh nông thôn mới. Không có nguồn lực dồi dào, nhưng với sự quyết tâm của lãnh đạo và sự tham gia tích cực của người dân, mục tiêu đó đã đến gần trong sự mong chờ của hơn một triệu người trên xứ sở ngày xưa còn có tên là Trà Vang. Đặc biệt, ấn tượng khi Trà Vinh không bị ảnh hưởng nhiều tình trạng thiếu nước trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua nhờ sự chủ động trong nhiều năm.

Không có nhiều thời gian, không sinh ra và lớn lên ở mảnh đất yên bình này, nên vẫn chỉ là cách nhìn thoáng qua, chỉ là những câu chuyện nho nhỏ cảm nhận được. Một thành phố xanh với hơn 10 ngàn cây cổ thụ thẳng vút như tính tình người Trà Vinh thẳng thắn, bộc trực, lạc quan qua từng biến cố.

Những ngôi chùa cổ trăm năm, thậm chí ngàn năm tuổi theo Phật giáo Nam tông u tịch vẫn lay động lòng người với những bài hát độc xướng, những bản hòa tấu nhạc cụ truyền thống đầy bản sắc.

Những vườn dừa, đặc biệt là dừa sáp trăm năm tuổi, như một đặc ân thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất hiền hòa mà nhiều bạn trẻ đã chăm chút thành những sản phẩm OCOP và những điểm du lịch trải nghiệm.

Đến thăm một vài hợp tác xã nông nghiệp, thật vui khi biết được nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp và khu vực kinh tế tập thể đang được phát huy. Mặc dù quy mô thành viên chưa nhiều, dịch vụ còn ít, nguồn vốn huy động còn khó khăn, nhưng kinh tế tập thể bước đầu lan tỏa tinh thần hợp tác, liên kết trong chuỗi ngành hàng.

Đặc biệt, Trà Vinh là một trong ít địa phương sớm ra đời mô hình Liên hiệp HTX lúa - gạo với 9 HTX là thành viên, bước đầu đã chuyên môn hóa các HTX thành viên: sản xuất giống, trồng lúa, cung ứng dịch vụ, mua bán sản phẩm nông nghiệp, chế biến gạo và phụ phẩm...

Từ những HTX, Liên hiệp HTX hôm nay, quy mô kinh tế tập thể sẽ tăng dần. Nền nông nghiệp chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nhằm mở rộng không gian giá trị cho nông nghiệp. Muốn mở rộng không gian giá trị cần mở rộng không gian hợp tác. Không gian hợp tác và không gian giá trị là điều kiện cần và đủ, tỷ lệ thuận với nhau, tạo giá trị cho nhau. Ở nhiều đất nước phát triển cao, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn hôm nay khởi đầu từ những HTX, Liên hiệp HTX, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn vừa và nhỏ.

Cây tre là đặc ân của thiên nhiên, tự mọc và tự tái sinh, có thể tạo ra rất nhiều sản phẩm đa dạng, có giá trị cao. Đến thăm cơ sở làm nghề thủ công sản xuất đồ gia dụng từ cây tre, liên kết với các bà con nông dân chung quanh trở thành làng nghề. Từ làng nghề này, nếu được tham quan, học hỏi kinh nghiệm các làng nghề phía Bắc sẽ mở rộng quy mô, tăng thêm nhiều sản phẩm tinh xảo, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho bà con.

 

 

 

 

Hợp tác xã và làng nghề, cùng với sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp là trụ cột khu vực kinh tế nông thôn. Khu vực kinh tế nông thôn, ngoài tạo ra việc làm và sinh kế cho người dân, còn tăng tính cố kết cộng đồng, nhất là những nơi có nhiều bà con người dân tộc. Khu vực kinh tế nông thôn phát triển sẽ phần nào hạn chế tình trạng ly nông, ly hương.

Với diện tích khoảng 28.000ha, Trà Vinh là một trong những địa phương có diện tích dừa lớn thứ hai cả nước, trong đó có giống dừa sáp nổi tiếng như một báu vật. Trồng dừa hữu cơ, giảm phát thải đang là quyết sách của địa phương và đã đưa nhiều sản phẩm vào được các thị trường khó tính.

Từ những trái dừa, vườn dừa, những người con quê hương khởi nghiệp chế biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: kẹo dừa sáp, mật hoa dừa, đường hoa dừa, kem, thảm xơ dừa,… Những nông trại dừa bước đầu thu hút du khách trên hành trình trải nghiệm những ngôi chùa cổ, nhà cổ, bãi biển, sau đó tìm đến không gian xanh ngát những rặng dừa.

Với tỷ lệ 31,6%, Trà Vinh là một địa phương có đông đảo bà con Khmer, góp phần tạo ra bản sắc văn hóa vùng đất này. Văn hoá Phật giáo nói chung và Phật giáo Nam tông đã cùng đồng hành trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Viếng chùa Svay Siêm Thmây (Xà Xiêm Mới), được nghe Đại đức trụ trì chia sẻ câu chuyện bà con phật tử đồng hành xây dựng nông thôn mới với phương châm “Tận tâm vì đạo, vì đời”. Văn hóa, truyền thống lịch sử địa phương được xem là nguồn vốn vô hình, một khi được chăm chút, nối kết, lan tỏa sẽ làm tăng giá trị cho tài nguyên hữu hình luôn hữu hạn.

Con đường tiến tới mục đích nông thôn mới trở thành nơi đáng sống cần sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Người Trà Vinh đang trên hành trình lấy sức mạnh cộng đồng, trong đó có cộng đồng bà con Khmer, làm nền tảng, là trung tâm của những kế hoạch phát triển. Văn hóa tôn giáo hòa quyện với văn hóa lịch sử địa phương sẽ tạo ra sức bật mới, nguồn lực mới. Những bà con Khmer khá giả nhờ vào cây lúa, con cá, con tôm, khu vườn như các nông dân: Sơn Mười, Thạch Chane, Thạch Sanh, Thạch Thương,… sẽ là nguồn cảm hứng dẫn dắt bà con nông dân làm giàu trên mảnh đất quê nhà.

 

 

Trong các kế hoạch phát triển, cộng đồng được xem là nguồn lực quan trọng. Cơ chế chính sách giúp cộng đồng tự vươn lên, phát huy giá trị tài nguyên bản địa, không trông chờ, ỷ lại mới thực sự bền vững. Cộng đồng sẽ tự hồi sinh sức sống mới để nông thôn có diện mạo mới. Muốn thực hiện được điều đó, vai trò của cán bộ cơ sở, tổ chức nông dân, lực lượng khuyến nông cộng đồng có ý nghĩa quyết đinh.

Tri thức hóa nông dân, nâng cao năng lực HTX, không thể ngày một ngày hai, nhưng không thay đổi nông nghiệp sẽ không thay đổi, dù có ban hành bao nhiêu nghị quyết, chương trình hành động.

Rời Trà Vinh, nhớ mãi mùi thơm của tô bún nước lèo, món ẩm thực pha trộn tinh hoa giữa văn hóa Khmer, Hoa và Kinh; nhớ những quả trứng gà lộn rang muối nóng hổi, béo ngậy. Nhưng ấn tượng nhất vẫn nhớ đến câu khẩu hiệu “Tham vọng của Hợp tác xã Phú Mỹ Châu: trở thành một HTX tiên tiến, đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi giá trị gạo thông minh…”. Người Trà Vinh đang đặt tham vọng cao hơn, xa hơn trên con đường hướng đến một miền đất hạnh phúc.

Trong ngôn ngữ của bà con Khmer, Sok nghĩa là hạnh phúc. Trà Vinh đang trên con đường tạo lập những cộng đồng hạnh phúc, làng quê hạnh phúc, tiến đến xứ dừa sáp hạnh phúc!

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ