Những câu chuyện đã theo con người từ lúc mới lọt lòng. Đầu tiên là những câu chuyện cổ tích “Ngày xửa, ngày xưa" của mẹ, của bà. Khi lớn lên một chút thì được nghe, được biết, được học bao nhiêu là câu chuyện “ngụ ngôn" hàm ý những triết lý nhân sinh sâu sắc. Rồi trong cuộc sống ai mà không từng được nghe hoặc đã từng kể những câu chuyện phiếm, chuyện tiếu lâm, hài hước… để tạo không khí vui vẻ và cảm giác sảng khoái. Vậy là, con người lớn lên với những câu chuyện và gắn bó với nhau đôi khi cũng từ những câu chuyện.
Cuộc sống hằng ngày có biết bao câu chuyện chung quanh mình. Nếu không chứng kiến trực tiếp thì cũng đọc trên sách báo, nghe trên đài, hoặc nghe người khác kể lại. Câu chuyện kể tạo cảm xúc hơn, sức lan tỏa nhanh hơn những bài phát biểu hoặc những văn bản đầy chữ nghĩa.
Và có lẽ vì vậy mà ngày nay người ta tạo ra những câu chuyện và dùng chúng như là một cách thức giúp quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh cho một tổ chức, một địa phương, thậm chí là một đất nước. Những câu chuyện truyền đi như một thông điệp nhẹ nhàng, dễ nhớ và nhớ lâu hơn, từ đó thu hút đầu tư, quảng bá du lịch.
Đi tham quan ngành thủy sản ở một đất nước tiên tiến, trải nghiệm được đôi điều. Điều tâm đắc không phải là kỹ thuật họ chọn lọc giống chất lượng, kỹ thuật nuôi đạt hàm lượng dinh dưỡng tối ưu, cách thức làm thương mại cho sản phẩm... Điều ấn tượng nhất là cách thức họ tạo ra câu chuyện kể thật tự hào về một ngành thủy sản của một đất nước Bắc cực lạnh giá. Những câu chuyện của họ được kể bằng sách báo, phim ảnh, bằng internet… đi theo những sản phẩm đến với người tiêu dùng khắp thế giới với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Ngẫm lại đất nước mình cũng có biết bao nhiêu câu chuyện liên quan đến các ngành hàng. Nào là cá tra được xem là "quà tặng" của dòng Mê-kông, một ngành hàng chủ lực, là sinh kế của hàng ngàn nông dân, là lợi nhuận của hàng trăm doanh nghiệp. Chúng ta có thể tạo ra câu chuyện về con cá tra diệu kỳ đó không? Câu chuyện về những nông dân thông minh, sáng tạo đã biến con cá sinh sống tự nhiên thành con cá có thể ép nuôi nhân tạo. Câu chuyện về cộng đồng doanh nghiệp biến con cá bán ở "chợ làng" đã và đang có mặt trên các bàn ăn khắp thế giới. Câu chuyện về một ngành hàng có trách nhiệm với cộng đồng, với thiên nhiên và còn nhiều điều thú vị cần được "kể" hơn nữa.
Mà đâu chỉ là con cá tra, còn câu chuyện về “con tôm ôm cây lúa”, con tôm dưới tán rừng ở ven biển miền Tây. Câu chuyện kể về trái xoài Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Sơn La, Khánh Hoà… sẽ được "kể" như thế nào đây? Hương vị ngon như thế nào, và ngoài ngon thì còn giá trị dinh dưỡng gì nữa? Người nông dân biết trân quý, tự hào với thành quả của mình và gắn với trách nhiệm đối với người tiêu dùng thế nào? Những nông sản khác như vải thiều Thanh Hà - Hải Dương, Lục Ngạn - Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên đều gắn với những câu chuyện. Cao nguyên đại ngàn Tây Nguyên với cà phê, sầu riêng và nhiều sản vật khác. Ngược lên vùng núi phía Bắc với những nương chè, những ruộng bậc thang, có những câu có chiều sâu, được truyền thông giúp sức để "kể" cho người tiêu dùng. Những góc nhìn cận cảnh với những giọt mồ hôi, nụ cười hào sảng, những lời lẽ mộc mạc của người nông dân có thể tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh đến người tiêu dùng.
Rồi còn biết bao câu chuyện kể giàu cảm xúc về rừng vàng, về biển bạc, về nghề muối duyên hải, nghề nuôi ong trên rừng, câu chuyện về các làng nghề truyền thống như: gốm, đúc đồng, thủ công mỹ nghệ, dệt lụa, khăn rằn, thổ cầm, đan lát, chạm trổ, các câu chuyện về cách tạo ra những sản phẩm OCOP,… Ngày nay, người ta không chỉ mua sản phẩm mà mua cách tạo ra sản phẩm, mua cảm xúc từ những câu chuyện. Niềm tin tạo sự kết nối. Kết nối tạo ra giá trị, giá trị tạo ra thu nhập, thu nhập tạo ra hạnh phúc…
Nhiều nơi, người ta làm du lịch không chỉ bằng cách xây dựng kết cấu hạ tầng, mà bằng cách tạo ra câu chuyện kể để thu hút khách. Khách đến một địa phương được trải nghiệm cái hay, cái đẹp, cái nhân văn từ những tài nguyên bản địa và mang về những câu chuyện đẹp để lan truyền đến với bạn bè, người thân. Món quà lưu niệm, đặc sản địa phương rồi cũng sẽ sử dụng hết nhưng câu chuyện kể thì sẽ mãi còn. Câu chuyện càng "có hồn", càng có chiều sâu nhân văn của cộng đồng cư dân, của những người làm du lịch, lại càng là một lợi thế không nhỏ để thu hút khách, chứ không chỉ là cảnh đẹp, món ăn ngon.
Câu chuyện cũng là hữu ích để xây dựng hình ảnh của một tổ chức. Câu chuyện về một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, mẫn cán, thân thiện, biết tự hào khi được phục vụ cho tổ chức của mình, hạnh phúc và tự hào khi được phụng sự quê hương, đất nước. Câu chuyện về giá trị của văn hóa được chuyển hóa thành thái độ phục vụ từ đội ngũ lãnh đạo cho đến các thành viên trong công sở, thậm chí cho đến những người phục vụ, bảo vệ, giữ xe...
Câu chuyện cũng là cách thức tạo dựng hình ảnh địa phương. Câu chuyện về một đội ngũ lãnh đạo năng động, cầu thị, luôn mong muốn tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ để làm mới mình. Câu chuyện về người dân biết luôn sống có nghĩa, có tình, có trách nhiệm, mỗi người đều biết làm tốt bổn phận của mình và luôn biết tự hào về điều đó. Câu chuyện về cộng đồng doanh nghiệp khát vọng làm giàu từ những thương hiệu sản phẩm vượt ra khỏi không gian địa phương với những giá trị gia tăng không chỉ là công nghệ mà còn là giá trị văn hóa, nhân văn, từ tinh thần dấn thân, sự tử tế.
Mỗi người hãy cùng nhau góp phần làm nên "câu chuyện" và kể “câu chuyện" về sản phẩm của quê hương, xứ sở tươi đẹp của mình nhé! Mà câu chuyện kể phải sao cho chạm được vào sâu thẳm trong cảm xúc của mọi người!