Mỗi lần khởi tạo một bài báo khó nhất là tìm kiếm ý tưởng, có ý tưởng rồi thì khó nhất là tìm cách nhập đề. Người không được đào tạo viết văn, viết báo chuyên nghiệp nên có phần lúng túng, mất nhiều thời gian. Viết rồi xóa, xóa rồi viết lại, đôi khi vài ba lần. Giống như tựa quyển sách “Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”, bước chân đầu tiên đi đúng hướng thì mới đến được đích cuối cùng. Đầu có xuôi thì đuôi hy vọng mới lọt, mà có khi cũng chưa chắc đã lọt.
Trong cuộc sống bao nhiêu là câu chuyện bắt gặp trên mỗi bước chân hằng ngày trên đường từ nhà đến công sở, bước xuống thửa ruộng, vào trong mảnh vườn, ngồi cạnh bờ ao, lên rừng xuống biển. Rồi biết bao thông tin hằng ngày, thậm chí hằng giờ, trên các phương tiện truyền thông cần suy tư, nghiền ngẫm. Rồi bỗng gặp ai đó chia sẻ những trăn trở việc này việc nọ, kèm theo những câu hỏi: Tại sao như vậy? Vì đâu nên nỗi? Làm sao bây giờ đây?,… Mỗi câu hỏi cần một câu trả lời, một lời lý giải. Nhưng trả lời câu hỏi này lại được đặt câu hỏi tiếp, lý giải rồi lại phải lý giải tiếp.
Bất kỳ một ngành hàng nông sản nào cũng liên quan đến con người: nông dân, ngư dân, diêm dân, doanh nhân, thương lái, Giám đốc Hợp tác xã, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia,… Mỗi người một công việc, một mục đích, một suy nghĩ, một cách sống. Sự phong phú, đa dạng nên đôi khi viết đúng với người này lại không đúng với người khác, thậm chí gây tranh cãi không có hồi kết. Tiếp cận một ngành hàng bền vững không thể không liên quan đến yếu tố con người, mà con người là một thực thể "động" chứ không "tĩnh".
Càng đến gần ngày 21/6 càng nghĩ về những người làm báo đã và đang phục vụ cho ngành nông nghiệp nước nhà. Biết bao áp lực đặt lên một ngòi bút nhỏ, một cái khẽ chạm tay vào bàn phím. Phản ánh điều tốt đẹp thì được khen, đề cập đến những điều chưa tốt thì đôi khi bị quở trách.
Một bài báo dù bất kỳ thể loại nào cũng là một sản phẩm, một tác phẩm cần phải biết chăm chút. Hôm nay chưa thật tốt thì ngày mai làm sao cho tốt hơn, hôm sau đã tốt hơn rồi thì ngày kia làm tốt hơn nữa. Mỗi bước chân dấn thân vào đời sống xã hội sẽ có bao nhiêu chuyện cần viết, cần kể lại, tích hợp dần sẽ tạo thành một tác phẩm báo chí.
Không có thất bại mà chỉ là đang tiến đến thành công! Nhiều triết gia đã tổng kết như vậy. Vấn đề là hãy viết bằng cả con tim và khối óc ngay khi bắt đầu khởi tạo một sản phẩm báo chí. Trước khi khởi tạo ý tưởng, hãy nghĩ về cảm xúc của người đọc, họ là ai, họ đang cần gì. Nhà báo phản ánh hiện thực khách quan hay thông qua những câu chuyện để gửi gắm vào đó cả một tấm lòng trắc ẩn đối với đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Mỗi một ý tưởng là sự suy tưởng, hồi tưởng, sắp đặt những câu chuyện hằng ngày, trong đó có những điều bức xúc nhưng đôi khi mình không vô can. Mỗi một bài báo là hướng đến sự thay đổi theo hướng tích cực hơn, “Sau cơn mưa trời lại sáng”.
Mỗi một câu từ là sự trăn trở về con người với lòng trắc ẩn: “Ở đây một hạt cơm rơi. Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng”.
Mỗi một thuật ngữ là dịp tìm hiểu trau dồi kiến thức, trau chuốt kỹ năng. Mỗi câu chuyện kể bằng sản phẩm báo chí hướng đến làm sao để mọi người có tình yêu với thiên nhiên và góp phần bảo vệ thiên nhiên.
Nền nông nghiệp nước nhà mang lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Để hóa giải lời nguyền phải đến tư duy hợp tác, liên kết trong hệ sinh thái ngành hàng. Hợp tác, liên kết không chỉ dựa trên sự cân bằng lợi ích, mà còn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Mỗi bài báo phải hướng tới mục tiêu tạo dựng sự gắn kết mọi người trong chuỗi giá trị vốn thường dễ bị cắt rời do xung đột lợi ích. Vậy, nhà báo nếu không là nhà tâm lý học cũng cần đọc nhiều sách về tâm lý, cảm xúc con người.
Đất nước chia ra 6 vùng sinh thái nên nông nghiệp mỗi vùng có đặc điểm riêng. Miền núi và trung du khác với đồng bằng, thượng nguồn khác với hạ du, hải đảo khác với đất liền. Nông nghiệp hướng đến sản xuất hàng hóa lớn không có nghĩa tất cả đều là cánh đồng lớn, trang trại lớn.
Nông nghiệp quy mô nhỏ nếu biết chăm chút sẽ tạo ra những đặc sản mà nông nghiệp quy mô lớn không thể có được. Mỗi dân tộc đều có cách làm nông nghiệp theo tập tục riêng. Vậy, nhà báo nếu không phải là nhà dân tộc học cũng cần tìm hiểu thêm những giá trị liên quan đến các dân tộc.
Nông nghiệp không chỉ là ngành kỹ thuật, liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn. Nông nghiệp còn gắn với xã hội, tri thức bản địa. Nông nghiệp gắn với văn hóa nông thôn, cộng đồng dân cư, tâm lý tập quán, văn hóa sản xuất và văn hóa tiêu dùng. Vậy, nhà báo cần nghiên cứu liên quan đến xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ.
Nông nghiệp là một ngành kinh tế tăng trưởng theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị. Nông nghiệp ngày nay hướng đến những mô hình tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái, tái sinh, mô phỏng thiên nhiên, du lịch nông nghiệp nông thôn… Những mô hình tích hợp đó sẽ giúp tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Nông nghiệp chịu nhiều tác động nên tư duy tuyến tính không đủ cách giải quyết mà cần đến tư duy phi tuyến tính. Vậy, nhà báo cũng cần tìm hiểu thêm về những khái niệm mới để định hướng cho bà con nông dân.
Mỗi một bài báo không chỉ phản ánh hiện tượng mà cần đào sâu suy nghĩ tìm kiếm những không gian tư duy mới. Muốn vậy, người viết báo không chỉ nhìn, nghe, mà còn ngồi lại tương tác với người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý. Tương tác càng nhiều thì sản phẩm báo chí càng đa chiều.
Một bài báo có thể khiến ngành hàng kết nối tạo thành một sinh thái bền vững. Ngược lại, một bài báo cũng có thể tạo ra tâm lý đám đông theo kiểu “giậu đổ, bìm leo”, doanh nghiệp bị tổn thương. Con người thường chú ý đến một chấm đen nhỏ trên tờ giấy mà không nhìn ra màu trắng trên tờ giấy đó.
Nông nghiệp hướng tới đa chức năng, đa mục tiêu, đa giá trị, thì người làm báo cũng cần đa kiến thức. Không ai sinh ra là biết tất cả. Những điều dạy trong trường học không theo kịp xu thế thay đổi của tư duy con người và sự chuyển động của thế giới. Do đó, tự học là phương pháp tốt nhất để người làm báo có không gian tư duy mới mẻ hơn, sản phẩm báo chí có sức thuyết phục hơn. Nông nghiệp là vun trồng: vun trồng đất, vun trồng người, vun trồng tương lai. Người làm báo cũng là người vun trồng bằng một ngòi bút nhỏ. Mục đích sống quyết định mục đích làm việc, mục đích làm báo sẽ giúp những câu chữ không phải viết ra từ ngòi bút mà từ trái tim!