‘Cây hy vọng’ ở Tây Nguyên

LTS: Những năm đầu 1980 có thể coi là cột mốc lịch sử phát triển của cây cao su tại Tây Nguyên khi Tổng cục Cao su (nay là Tập đoàn Cao su Việt Nam - VRG) triển khai chương trình trồng mới, thay thế những rừng cao su già cỗi được trồng từ trước Giải phóng theo Quyết định số 5382. Đây là quyết định bản lề khai sinh ra những nông trường Quốc doanh cao su đầu tiên trên vùng đất đỏ bazan.

Năm 1996, Quyết định số 86 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng quan phát triển ngành cao su cả nước, trong đó xác định vùng Tây Nguyên sẽ trồng mới từ 180 nghìn ha (PAI) đến 330 nghìn ha (PAII). Đến năm 2005, Tây Nguyên đã trồng mới thêm trên 100 nghìn ha cao su, đạt 60% mục tiêu đề ra của phương án một (PAI). Cũng năm 2005, hàng ngàn ha cao su tiếp tục được trồng mới tại các huyện Sa Thầy (sau tách thành lập thêm huyện Ia H’Drai đều thuộc tỉnh Kon Tum), Chư Păh (Gia Lai)... để hình thành các công ty cao su Chư Mom Ray, Sa Thầy.

Trải qua gần 5 thập kỷ, với các quyết sách, chiến lược dành cho cây cao su ở Tây Nguyên, các vùng cao su trọng điểm, tập trung đã được hình thành trải dài trên địa bàn 5 tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum của vùng bazan trù phú.

Theo thời gian, các nông trường cao su quốc doanh đã vươn mình trở thành những công ty quy mô lớn với bề dày lịch sử. Tán rừng cao su đã phủ xanh những vùng biên giới, phủ xanh những cánh rừng, đã xanh lại những vùng đất hoang sơ, đất trống đồi trọc.

Ở Tây Nguyên, cao nhất là mái nhà Rông sừng sững, uy nghi lưu giữ linh hồn của những buôn làng Jrail, Bahnar, Êđê… Ở Tây Nguyên, xanh nhất là những rừng cao su trùng điệp trải từ cao nguyên này sang cao nguyên khác: cao su xanh các huyện vùng biên Ia H’Drai, Sa Thầy (Kon Tum), Chư Prông (Gia Lai)…, xanh vắt qua Chư Sê, Chư Păh, xanh bất tận qua Ea H’Leo, Ea Đrăng, Buôn Hồ, Đak Đoa, Đức Cơ… (Đắc Lắk, Lâm Đồng), xanh thân thuộc trong mắt của bà con đồng bào, trở thành một phần cuộc sống của họ.

Dưới tán cây cao su, một “hệ sinh thái” được hình thành: những khu dân cư, những thị tứ, thị trấn được thành lập mới, đầy sức sống; những buôn làng đồng bào ngày thêm trù phú, ấm no; góp phần vững chãi phên dậu Tổ quốc mỗi ngày.

Ở Tây Nguyên, đồng bào gọi cây cao su bằng một cái tên khác, giản dị và trìu mến hơn, đó là “cây hy vọng”.

Năm 2015, huyện Ia H’Drai được thành lập mới gồm 3 xã vùng biên Ia Tơi, Ia Đal, Ia Dom tách ra từ huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Thời điểm này, những lô cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray cũng bước vào giai đoạn sung sức, đang cho khai thác lứa mủ đầu tiên!

Đầu tháng 7. Tây Nguyên vừa bước vào mùa mưa khoảng vài tuần trước ngày chúng tôi đến. Nhưng, những cơn mưa đầu mùa dường như đều có hẹn trước, chỉ ào xuống vào cuối ngày. Vì thế, phần lớn thời gian trong ngày, trời cao nguyên xanh ngắt, trong veo.

Quốc lộ 14C nối hai huyện Ia Grai và Ia H’Drai, hai bên, màu xanh bạt ngàn nối tiếp nhau. Rất dễ để phân biệt những lô cao su với những loại cây khác nhờ hàng lối thẳng hàng, đều tăm tắp. Trên mỗi thân cây, một máng che bằng nhựa với hai màu chủ đạo trắng - đen, nhìn xa giống như một vành mũ. Phía dưới mỗi máng che, cách khoảng 2 gang tay, một chiếc xô nhựa hay một chiếc bát sứ được đặt ngửa để hứng mủ. Thi thoảng, có thể sẽ nhìn thấy một dòng nhựa trắng tứa ra từ vết cạo mủ, rịn xuống loang lổ lớp vỏ cây xám sẫm, hay loang trên nền đất có lớp lá cao su mục đang phân hủy giúp tơi xốp thêm và làm dịu bớt màu đỏ đặc trưng của đất bazan.

Bài liên quan

 

Chạm cầu Sê San, ông Trần Xuân Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray yêu cầu xe dừng lại. Trỏ tay chỉ vạt xanh sẫm nổi bật bên kia cầu, ông Thịnh nói đầy tự hào: “Đất cao su của Chư Mom Ray bắt đầu từ khoảng xanh đó, bên này cầu là địa giới của huyện Ia Grai”.

Cây cầu bê tông đẹp đẽ bắc qua dòng Sê San huyền thoại vô tình trở thành chiếc đòn gánh gánh hai đầu là hai khoảng xanh ngút ngàn. Xuôi theo dòng chảy, khúc phía trên cầu chừng một quãng, đập thủy điện Sê San sừng sững án ngữ như một bức tường thành. Sông Sê San đầu mùa mưa đã kịp chuyển đục ngầu, dòng nước ùng ục đổ xuống hạ lưu, mải miết như người đang có việc vội, không có thời giờ dềnh dàng, thậm chí một cái ngoái đầu nhìn lại… 

“Ông chủ vườn” Trần Xuân Thịnh khơi gợi trong chúng tôi một cảm xúc gần gũi, thân quen trước khi đặt chân lên những vườn cao su Chư Mom Ray 16 năm tuổi đang đợi bên kia cầu - tuổi sung nhất của cây cao su, bằng một câu chuyện rủ rỉ...

Thành lập năm 2007, cái tên “Cao su Chư Mom Ray” là một cái tên đẹp đẽ ở Ia H’Drai, cùng tên với Vườn quốc gia Chư Mom Ray. “Bộ khung” lãnh đạo của công ty non trẻ được lấy từ công ty cao su Mang Yang sang, là những người giàu kinh nghiệm, hiểu biết về cây cao su, và đều ăm ắp một bầu nhiệt huyết. Đơn vị kế bên - công ty Cao su Sa Thầy cũng được “khai sinh” cùng năm 2007 với Chư Mom Ray; những lô cao su cũng cùng năm xuống giống, trồng mới trên mảnh đất vùng biên, bên kia là Đun Mia, Tà Veng – hai huyện của tỉnh Ratanakiri (Campuchia).

“Ban lãnh đạo khi đó cũng băn khoăn tìm tên cho công ty. Nếu lấy tên xã Mo Rai (xã cũ thuộc Sa Thầy trước khi tách ra để thành lập huyện mới), có ý kiến cho rằng địa danh đó hơi mang tính địa phương, lại là cấp cơ sở. Lấy tên “Nam Sa Thầy” sẽ trùng lặp với tên của các đơn vị khác. Vậy là “Chư Mom Ray” được lựa chọn. Nó là tên một vườn quốc gia, nhưng nó cũng là tên một đỉnh núi: núi Mom Ray”, ông Thịnh chậm rãi.

Câu chuyện đặt tên mà ông Thịnh nói, tôi hiểu, trong đó ẩn chứa cả một khát vọng về chỗ đứng cho một loài cây, về tầm nhìn và khát vọng phát triển của một đơn vị nhà nước đi làm nhiệm vụ kinh tế ở vùng biên đầy khó khăn, gian khổ…

16 năm trước. Thực hiện chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su của Chính phủ, Kon Tum giao cho Công ty Cao su Chư Mom Ray lập dự án phát triển cao su trên địa bàn xã Mo Rai (huyện Sa Thầy cũ) với tổng diện tích chuyển đổi trên 6.440ha, giáp với biên giới của Campuchia. Mặc dù là xã nhưng Mo Rai có diện tích tương đương diện tích của tỉnh Thái Bình, ngược lại, dân số chỉ bằng một thôn của một xã dưới đồng bằng.

Thuở hoang sơ, khó khăn ấy, nhìn đất đai bạt ngàn nhưng con người thì một nhúm, không có lao động, ai cũng hốt hoảng. Các đợt tuyển dụng lao động bắt đầu: Công ty cử người về vùng núi Bắc Trung bộ, miền Trung như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An… để tuyển công nhân. Đây là những tỉnh có khoảng cách gần hơn về địa lý, và quan trọng nhất, đối tượng tuyển dụng là bà con dân tộc thiểu số có kinh nghiệm, đã quen với việc nông lâm, trồng rừng, chăm sóc rừng…

Khi đó, công việc ở Chư Mom Ray chủ yếu là trồng cây cao su giống, sau đó chăm sóc để cây phát triển. 5 năm tiếp theo, khi các lô cao su bắt đầu khép tán, thân cây phát triển cỡ chừng bắp đùi, thoát thân khoảng hai mét rồi phân cành…, đó là thời điểm sinh học cây cao su cho mủ, và bước sang giai đoạn mới: cạo mủ cây tơ.

Những tốp công nhân đầu tiên từ vùng núi Bắc Trung bộ đến với Tây Nguyên. Công ty làm nhà tập thể tại các nông trường cho công nhân ở; chu cấp lương thực, thực phẩm, ứng lương cho công nhân trong những tháng đầu. Các chế độ, chính sách không những phải đủ nuôi sống công nhân, mà còn phải giữ được chân người lao động…

Khi đó buồn lắm. Ia Tơi, Ia Dom, Ia Dal đi từ đầu xã đến cuối xã, đường chim bay lên tới hàng chục km, đi mỏi chân mới gặp một vài nhà dân. Những con đường hoang sơ, khởi thủy là những con đường đất, chưa đổ bê tông hay thảm nhựa. Mùa mưa Tây Nguyên, không nói các bạn cũng biết, cơn nọ nối tiếp cơn kia cả ngày không dứt. Đất đỏ quện lại, dẻo, sánh như mật, dẫm cái ủng vào không nhấc được chân lên. Mùa khô là chuyện thiếu nước sinh hoạt. Khó nữa, đó là những người lần đầu đi làm ăn xa, họ nhớ nhà, nhớ quê, nhiều cặp vợ chồng gửi con lại cho cha mẹ ở nhà nuôi, nhớ con…, thế là được dăm ba tháng bỏ về. Tuyển người đã khó, giữ người càng khó.

Ông Thịnh nói chuyện như tự thoại. Đó là câu chuyện vừa mới đây, là những ngày tháng đầu năm 2000 chứ đâu có xa xôi…

Vậy mà, bây giờ những lô cao su đã lên bời bời. Những hàng cao su thẳng tắp như mặc đồng phục: vết cạo mủ đã sang mặt cạo thứ hai. Mặt cạo thứ nhất, lớp vỏ mới đã đùn ra, lấp đầy, sẵn sàng cho lứa cạo mới.

16 năm hình thành, phát triển, Chư Mom Ray đã trở thành một trong 12 đơn vị trọng điểm của VRG tại Tây Nguyên, đã nhanh chóng có mặt trong “Câu lạc bộ 2 tấn/ha” của Tập đoàn, đang là đơn vị bứt phá với nhiều thành tích nổi bật về các mặt.

Điều này, 16 năm trước, khi cây cao su giống đầu tiên được cắm rễ trên đất Mo Rai (nay là xã Ia Tơi), ông Thịnh và nhiều người khác chưa dám nghĩ đến. Đó là chưa nói tới quy mô, hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật của công ty ngày càng khang trang, mở rộng, với các nông trường trồng - chăm sóc - khai thác mủ; dây chuyền chế biến cao su Chư Mom Ray; trụ sở điều hành chung của công ty... Tất cả đều bám trụ, cắm rễ bền sâu ở huyện mới Ia H’Drai 8 năm tuổi, và bền bỉ xanh trên mảnh đất biên giới.

Chư Mom Ray, Sa Thầy là hai công ty non trẻ trong hệ thống 12 đơn vị cao su của Tập đoàn Cao su Việt Nam ở Tây Nguyên. Tính từ thời điểm thành lập năm 2007, tính theo tuổi những lô cao su trồng mới hoàn toàn đang bước sang mùa khai thác cạo mủ lần 2 (từ năm 2012 tới nay), sự hiện diện của hai đơn vị này trên vùng biên giới tiếp giáp với Campuchia là 16 năm tròn. Với đặc thù đó, thế hệ công nhân, người lao động tại Chư Mom Ray, Sa Thầy hầu hết đều rất trẻ, đều là thế hệ F1 với độ tuổi trung bình trên dưới 30. Cũng như cây cao su ở Kon Tum, họ đang ở độ tuổi sung sức nhất.

Trong lô cao su đối diện với Nhà máy chế biến cao su Chư Mom Ray xây dựng trên xã Ia Tơi, Đậu Quang Trung, chàng thanh niên quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) mặc bộ quần áo bảo hộ còn rất mới, trên tay là dụng cụ cạo mủ được chế tạo với hình dáng đặc thù: tay cầm dài chừng 40cm, nhỏ gọn như một thanh sắt; lưỡi sắc bén bẻ gập vuông góc với tay cầm. Với dụng cụ này, một tay cầm chắc phía cán, tay kia ấn sát vào vị trí đường vạch đã được kỹ thuật viên vạch sẵn trên thân vỏ cây cao su, Trung vừa đẩy, vừa miết…

 

Theo hướng lực vừa đẩy vừa miết, lớp vỏ cây được rạch thẳng và dứt khoát tạo thành một đường mỏng dài chừng 30cm, độ dày kỹ thuật cho phép là hơn 1mm (từ 1,1 - 1,5 ly), tựa như một sợi bánh đa. Từ vết rạch trên thân cây, lớp nhựa màu trắng rịn ra, ban đầu như một vết thương rỉ máu. Sau chừng vài giây, mủ tứa ra nhiều hơn, dồn lại thành một dòng nhỏ, rồi men theo đường rạch từ cao xuống thấp có chủ ý, rỏ thành giọt xuống chiếc thìa hứng mủ bằng inox được ghim phía dưới.

Những giọt mủ màu trắng đục như sữa bò tiếp tục nhỏ từ chiếc thìa hứng mủ, rơi xuống chiếc ca nhựa được đỡ trên một chiếc đai sắt cột phía dưới, cách vị trí vết rạch khoảng 2 gang tay. Mảnh ni lông có sẵn nối từ chiếc máng che bằng nhựa mà trông xa giống như phần lưỡi trai của chiếc mũ đội đầu được kéo xuống, giống như hành động buông mành. Để mảnh ni lông không bị gió xô đẩy, người cạo mủ đã túm phía dưới nó một viên gạch nhỏ tạo trọng lượng, khiến nó thẳng căng và cố định sát với thân cây…

Công đoạn cạo mủ đối với một gốc cao su chỉ diễn ra trong nửa phút, sau đó tiếp tục sang một gốc cây khác, cách đó đúng 3m chẵn chặn. Đây là khoảng cách kỹ thuật khi trồng hàng lối đã được nghiên cứu của ngành cao su, hàng nọ cách hàng kia 5m, cây nọ cách cây kia 3m để bảo đảm cây đủ nắng để quang hợp, tán cây không đè vào nhau. Việc này giúp cây cao su sinh trưởng, mọc thẳng, thoát thân rồi mới chia tay cành. Chi tiết này cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và năng suất mủ cũng như việc chăm bón, vệ sinh cho các lô cao su sau này.

Những điều này lần đầu tiên tôi được giải thích tường tận, và mới hiểu vì sao những hàng cao su thẳng thớm, đều tăm tắp hai bên đường, và trồng theo hướng nắng chứ không hề tùy tiện theo ý thích.

Đậu Quang Trung vừa cạo mủ, vừa di chuyển, vừa giải thích, vừa thực hiện các thao tác thật chậm rãi để tôi kịp chụp ảnh đuổi theo những động tác em làm. Trong chốc lát, tôi gần như liên tưởng những công nhân cạo mủ cao su như Trung giống như một bác sỹ nội khoa đang thực hiện đường rạch bằng con dao mổ sắc lẹm, vết rạch cũng yêu cầu phải thẳng, dứt khoát, và ngọt lịm, để sau đó tiến hành ca phẫu thuật. 

Ngày hôm sau, tại rừng cao su của Nông trường Thống nhất (Công ty cao su Chư Prông), anh Trần Văn Tiến - Phó Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn công ty trong lúc trò chuyện với tôi về những người công nhân cạo mủ, anh Tiến gọi họ là “những người thợ kim hoàn”: tỉ mẩn, chi tiết, chính xác và phải có tính thẩm mỹ!

“Vết rạch không được phép quá dày, không được phép quá sâu, phải giữ được lớp màng bảo vệ lớp gỗ (lớp lõi của cây). Nếu phạm vào lớp màng đó, cây sẽ đùn nhựa, chỗ đó kéo sẹo thành một cục nu, sần. Chỗ nu, sần đó sẽ không cho mủ trong lần cạo lần sau”, Trung giải thích rồi chỉ cho tôi những cây cao su không cạo đúng kỹ thuật, lớp vỏ tái sinh lỗ chỗ những cục u như vết sẹo. Ngược lại, những cây cạo đúng kỹ thuật, lớp vỏ mới tái sinh đùn lên phẳng lỳ, nhẵn thín, hệt như một chị thợ may đảm nghề vá khéo léo chiếc áo bị rách mà không ai nhận ra.

Những người thợ cạo mủ tay nghề cao, tiêu chí chấm điểm xếp bậc thợ giỏi hàng năm ngành cao su, thời gian cạo mủ cho 100 cây cao su là 20 phút. Có những người lành nghề, chưa đến 20 phút đã cạo mủ xong 100 cây. Tổng giám đốc Trần Xuân Thịnh cung cấp thêm thông tin khiến tôi càng thêm cảm phục, xuýt xoa. Nói theo Mạc Ngôn – nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc trong Tiểu thuyết “Đàn hương hình”, thì “nghề nào cũng có trạng nguyên”, người nào cũng có một chỗ đứng và có một giá trị riêng trong lĩnh vực mà anh lựa chọn!

Trời chuyển sang trưa. Mặt trời đứng bóng. Đứng dưới rừng cao su 16 năm tuổi đang khép tán, cành lá hàng nọ đã chạm vào hàng kia như những bàn tay đan vào nhau, mặt đất phía dưới chỉ còn những đốm li ti nắng.

Không biết có phải, vì những rừng cao su đã khép tán kín tới mức không còn khoảng trống để tôi ngắm bầu trời Ia H’Drai lúc chính Ngọ xem nó xanh cỡ nào, hay bởi những tán rừng cao su vừa qua mùa thay lá, lớp lá bánh tẻ xanh nhễ nhại gần như bóng nhẫy át cả nền xanh của trời cao nguyên?

Lấy mảnh vải xẻ dọc cất sẵn trong túi áo từ trước, Đậu Quang Trung lau lưỡi dụng cụ cạo mủ rồi quấn lại cẩn thận trước khi bỏ vào chiếc túi dết bên hông. Dựa vai vào gốc cao su đang tí tách rỏ mủ, Trung khoe: “Vợ chồng em vào công ty Chư Mom Ray được 5 năm, mỗi đứa được giao phụ trách cạo mủ và chăm sóc 2000 gốc. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng được trên dưới 30 triệu đồng.

Năm 2022, công ty cấp cho vợ chồng Trung một ô đất rộng 500m2 để làm nhà ở, ứng thêm 30 triệu tiền lương, huyện cấp bìa đỏ ô đất để sở hữu lâu dài. Cùng với 600 triệu đồng tích luỹ, Trung đã xây cất được ngôi nhà khang trang trên đất Ia Tơi. Công ty tiếp tục cho gia đình em mượn thêm một ô đất lô thủy (tương đương vài ngàn m2) để canh tác trồng ngô, sắn, café…

Những trường hợp như vợ chồng Trung ở Chư Mom Ray rất nhiều. Những khu dân cư, khu quần cư của công nhân cao su tại các xã Ia Tơi, Ia Dom, Ia Đal trên huyện mới Ia H’Drai đã định hình, như những cái cây đã ăn rễ sâu, bền chặt vào vùng đất mới.

Tôi gọi, đó là những “hệ sinh thái” hình thành dưới những tán rừng cao su, giống như ở Kon Tum, ở Gia Lai, ở Đắk Lắk, Đắk Nông, hay ở Lâm Đồng… nhiều năm về trước.

Nhìn người công nhân trẻ thoăn thoắt cạo mủ, ông Trần Xuân Thịnh chỉ im lặng, không nói, nhưng gương mặt ông giãn nở, có những khoảnh khắc bừng sáng gần như là tự hào, giống như ánh nhìn của ông trên cầu Sê San khi chỉ cho chúng tôi về vạt xanh ngút ngàn, “bên kia cầu là đất cao su Chư Mom Ray!”.

Khi cây cao su của Chư Mom Ray đã đi vào ổn định, quy trình chế biến mủ cao su cũng đã vào nếp, người lao động được đóng bảo hiểm đầy đủ, có chế độ ưu đãi…, cây cao su tự nó khẳng định được giá trị của mình giữa vùng đất đỏ bazan.

“Có bữa ngày đầu tháng, công nhân đi làm có người mặc nguyên chiếc áo phông mới, sau áo in tên một tiệm vàng mở bán trên thị trấn. Tôi đoán công nhân mình lãnh lương, rồi đi mua vàng tích lũy nên bước qua đùa, “hôm qua vợ chồng đi mua được mấy chỉ vàng?” thì người đó mặt đỏ bừng…

Nói vậy chớ mình mừng lắm. Công nhân cao su có tiền đi mua vàng tích lũy chứng tỏ họ có của ăn, của để, không còn thiếu thốn như giai đoạn đầu. Trước năm 2010 khi cao su chưa cho cạo mủ, công nhân được hỗ trợ độc hại, công đoàn mua sữa, đường… phân chia. Sau, họ lên đề xuất xin đổi sang các thực phẩm khác như mắm, muối, mì chính… Vì khó nên phải nhịn ăn nhịn tiêu, chắt chiu từng đồng, tui thương mấy đứa như con cái mình. Bây giờ, tuy vẫn còn khó khăn nhưng lo cho được mỗi người thu nhập trên dưới chục triệu đồng/tháng, mình đỡ mất ngủ hơn”, “ông chủ rừng” cao su Chư Mom Ray Trần Xuân Thịnh trải lòng.

Kiên Trung
Trọng Toàn
Kiên Trung
Duy Học