Từ nhiều năm trước, trà hoa vàng đã được người dân tại huyện miền núi Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) chọn tạo từ cây mọc tự nhiên trong rừng. Nhận thấy giá trị của trà hoa vàng, năm 2010, bà con đồng bào trên địa bàn huyện đã trồng thành vùng tập trung. Đến nay, trà hoa vàng được ví von là giống cây quý như vàng của người dân Ba Chẽ, với giá bán hoa khô dao động từ 12 - 13 triệu đồng/kg.
Cách thị trấn Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) khoảng 30 cây số, xã Đạp Thanh được xem là "thủ phủ" của cây trà hoa vàng ở huyện miền núi Ba Chẽ.
Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ) chia sẻ, cây trà hoa vàng là loài bản địa, mọc tự nhiên trên rừng, bên các khe, lạch.
Trước đây, có thời điểm thương lái tìm mua ráo riết cây trà hoa vàng, bà con đi rừng thường đào cây về bán cho các thương lái nước ngoài với giá khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/cây. Vì vậy, cây trà hoa vàng tự nhiên cứ thế ngày một ít đi và có nguy cơ biến mất.
Là người dân tộc Dao sinh ra và lớn lên ở huyện miền núi Ba Chẽ, nhiều năm trước, ông Trắng đã từng đi rừng tìm loại hoa này gom lại đem bán. Nhận thấy lợi ích to lớn mà cây trà hoa vàng đem lại, ông Trắng đã chọn cách trồng cây thay vì bán cây. Được biết, ông là một trong những người tiên phong trồng, khôi phục và bảo tồn cây trà hoa vàng.
Tuy nhiên, khi bàn bạc với gia đình, nhiều người thân đã tỏ ý lo ngại, không đồng tình. Nhớ lại thời điểm ấy, ông Trắng vẫn không thể quên phản ứng gay gắt của cụ thân sinh. “Bố tôi khi đó phản đối dữ dội lắm. Ông cụ bỏ ăn mấy ngày liền. Cụ mắng rằng mày không làm được thì phải để đất cho con cái mày làm. Đổi ruộng rồi lấy gì mà ăn?”.
May mắn thay, vợ ông là bà Nguyễn Thị Bảy đã ủng hộ và luôn động viên ông thực hiện mong ước của mình. Đầu năm 2009, ông Trắng bắt tay vào thực hiện dự án trồng cây trà quý với hành trang 3.000m2 đất của gia đình và toàn bộ vốn liếng tích cóp của hai vợ chồng trong nhiều năm trời, cùng với đó là tiền vay ngân hàng.
Hàng nghìn cây trà hoa vàng đã được ông Trắng mua lại từ người dân để đưa về trồng. Thời điểm đó, người đàn ông dân tộc Sán Chỉ lấy rừng là nhà, lấy gốc cây làm nơi ăn uống, nghỉ ngơi. Ngày ngày, ông cùng người thân dồn hết sức chăm sóc cho loại cây này, hi vọng chúng sẽ lớn nhanh, khỏe mạnh và ra nhiều hoa trà.
Hào hứng là thế nhưng trời không chiều lòng người. Do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật, đặc biệt, loại cây này vốn không ưa đất đồi mà chỉ phát triển khỏe mạnh khi mọc ở rừng, giáp khe sâu nên cây giống được ông Trắng trồng cứ yếu dần rồi chết.
“Có thời điểm, gần 50% số cây giống bị chết, phải đào lên vứt đi, nhìn mà xót xa. Lúc đó, tôi nản lắm, chỉ muốn bỏ cuộc. Nhưng vốn đam mê loại cây này, thêm vào đó, vợ tôi động viên rằng nếu bỏ dở giữa chừng thì phí công sức và tiền vốn đã đầu tư nên tôi vẫn quyết định sẽ chinh phục bằng được”, ông Trắng bồi hồi nhớ lại.
Có được sự đồng tình từ gia đình đã khó, làm chủ công nghệ trồng và chăm sóc trà hoa vàng lúc này với ông lại càng thử thách. Cây trà hoa vàng vốn ưa bóng râm, nay đưa lên đồi trồng lại phải cấp nước tưới cho cây, cây trồng đảm bảo khoảng cách, trồng dày quá cây cũng chết.
Quyết tâm đến cùng, ông Trắng đã ngày đêm tự mày mò để cứu rừng cây vừa ươm trồng của mình. Do chưa có ai trồng được loại cây này nên ông không có ai để chia sẻ kinh nghiệm. Ông bắt đầu từ vấn đề tạo độ ẩm, độ mát cho cây bằng cách sử dụng nhiều máy bơm, bơm nước nhiều và đều đặn mỗi ngày.
Quả nhiên, những cây trà này đã trở nên xanh tốt, lá cũng mọc lên nhanh hơn. Sau nhiều năm mất ăn mất ngủ, đến năm 2013, hàng nghìn cây trà hoa vàng của vợ chồng ông Trắng đã có nụ. Ngày ấy, gia đình ông vui như đào được vàng.
Bà Nguyễn Thị Bảy kể lại, khi cây trà có nụ rồi trổ hoa vàng rực rỡ, hai vợ chồng không giấu được sự xúc động. “Từ lúc ấy, tôi đã nghĩ rằng hai vợ chồng có thể ăn ngon, ngủ yên rồi”, bà Bảy rưng rưng.
Bước đầu thành công, nhưng với 3.000m2 và hơn 1 nghìn cây trà năm đầu tiên cũng chỉ cho 15kg hoa. Bài toán về năng suất lại cần ông Trắng giải quyết. Ông mày mò tìm hiểu làm sao để chăm sóc loại cây này có hiệu quả hơn nữa. Một mình ông Trắng phải tự đi khắp các tỉnh rồi sang Trung Quốc học hỏi kỹ thuật.
Đồng thời, ông tìm hiểu xem ngoài phần hoa thì lá loại cây này có thể sử dụng được không? Sau khi loại lá này được các nhà chuyên môn xác định có công dụng tốt như tiêu mỡ máu, điều hòa huyết áp, ông Trắng đã hái, thái nhỏ, sao lên và đóng thành túi lọc để bán cùng hoa.
Không chỉ làm chủ kỹ thuật trồng, ông Trắng cũng hoàn thiện quy trình sản xuất sấy thăng hoa để hoa trà giữ nguyên màu sắc, mùi vị và dược tính. Ông cũng chuẩn hóa quy trình sản xuất trà từ khâu tuyển chọn đến đóng gói.
Theo ông Trắng, hiện giá hoa trà khô được bán ra thị trường là 12-13 triệu đồng/kg; một hộp lá trà nhúng có giá 60 ngàn đồng. Ngoài thu nhập từ hoa trà, lá trà, ông còn ươm thành công 10 vạn cây trà giống và bán với giá 35.000 đồng/cây.
Từ một loại cây rừng mọc dại, trà hoa vàng được khôi phục, trở thành cây trồng chủ lực tại Ba Chẽ. Với giá bán cao và ổn định, loài hoa được ví như vàng đã và đang mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người trồng, giúp họ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Trà hoa vàng Ba Chẽ giờ đây đã là sản phẩm OCOP được chứng nhận 4 sao. Không dừng lại ở đó, sản phẩm này cũng đang hướng đến trở thành sản phẩm OCOP quốc gia.
Hiện nay, loại cây quý này đang phát triển tốt từ cây giống đến sản phẩm chế biến sâu. Trà hoa vàng vừa là thức uống giá trị cao, vừa là dược liệu quý hiếm, ngày càng đứng vững trên thị trường.
Sản phẩm Trà hoa vàng Ba Chẽ được trồng, chăm sóc, chế biến, nhân giống đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe. Quá trình sơ chế, chế biến đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến HACCP và ISO 9001:2015, với công nghệ sấy thăng hoa giúp giữ nguyên được hương vị thuần khiết và nhiều dưỡng chất quý giá vốn có của trà hoa vàng.
Sự “thăng hoa” của cây trà hoa vàng trên mảnh đất Ba Chẽ không chỉ là câu chuyện của những nông dân tiên phong, dám nghĩ, dám làm như ông Trắng mà còn là minh chứng cho sự đúng đắn từ chủ trương biến Ba Chẽ thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh Quảng Ninh.
Hiện diện tích trồng cây trà hoa vàng của huyện Ba Chẽ đã phát triển lên đến gần 300ha. Nghề trồng cây dược liệu quý này không chỉ tạo sinh kế, giúp người dân làm giàu mà còn tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc, là nền tảng để huyện miền núi Ba Chẽ phát triển cả dịch vụ du lịch.
Nhằm góp phần nâng cao giá trị kinh tế của cây trà hoa vàng, Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh đã hỗ trợ thu mua hoa của bà con dân tộc thiểu số huyện Ba Chẽ. Từ đó, chế biến thành sản phẩm, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Hiện nay, toàn huyện có khoảng trên 200ha trà hoa vàng, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Đồn Đạc, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn và Lương Mông. Sản lượng thu hoạch hoa trà hoa vàng tươi bình quân 20 tấn/năm; lá trà hoa vàng tươi 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng trên địa bàn huyện đạt khoảng trên 20 tỷ đồng mỗi năm.
Với giá trị kinh tế của cây trà hoa vàng, cùng với sự hỗ trợ từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135, sau hơn 10 năm phát triển, trà hoa vàng đã góp phần nâng cao đời sống cho bà con vùng cao của huyện Ba Chẽ. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 17,5 triệu đồng, đến năm 2022 đạt 55 triệu, tăng trên 37 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Quảng Ninh, hiện đơn vị đã xây dựng đề án trồng cây trà hoa vàng theo hướng hữu cơ trình UBND tỉnh với tổng mức kinh phí 800 triệu đồng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt năm 2022, trà hoa vàng Ba Chẽ đã được cấp mã số vùng trồng. Đây được xem là "vé thông hành" để trà hoa vàng có thể cập bến thị trường quốc tế.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Ninh cho biết thêm, các hộ tham gia trồng trà hoa vàng theo hướng hữu cơ sẽ được hướng dẫn quy trình chăm sóc, cung cấp các loại phân bón hữu cơ đã được cấp chứng nhận. Bên cạnh đó, người trồng cần ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, thực hiện đúng quy trình đã được hướng dẫn để đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Trà hoa vàng những năm qua đã trở thành sản phẩm OCOP có thương hiệu của huyện Ba Chẽ nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, được thị trường đánh giá cao. Vì thế, việc quan tâm tạo nguồn nguyên liệu, vùng trồng cho sản phẩm này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững.
Theo đánh giá, từ sản phẩm thảo dược mang lợi thế địa phương, trà hoa vàng dần trở thành một sản phẩm OCOP chất lượng, được quan tâm đầu tư nâng cấp, tạo uy tín trong người tiêu dùng. Ngoài được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận, năm 2018, UBND tỉnh cũng phê duyệt đề tài khoa học Nghiên cứu thành phần, tác dụng của trà hoa vàng.
Hiện nay, các sản phẩm OCOP trà hoa vàng liên tục được đầu tư, nâng cao chất lượng sản lượng sản xuất, tiêu thụ. Theo đó, ngoài sản phẩm trà hoa vàng truyền thống, nhiều sản phẩm mới như: Bột mát-cha trà hoa vàng, sản phẩm trà túi lọc... cũng được đầu tư nghiên cứu, sáng tạo.
Các doanh nghiệp cũng đã tập trung nâng năng lực sản xuất qua đầu tư công nghệ, trang sắm máy sấy công nghệ cao và thiết bị phụ trợ để đạt tổng công suất 10 tấn hoa tươi/vụ 3 tháng thu hoạch... Theo thống kê, hiện sản lượng thu hoạch hoa trà hoa vàng tươi bình quân 20 tấn/năm, lá trà hoa vàng tươi 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng hằng năm trên địa bàn huyện khoảng trên 20 tỷ đồng.
Để thúc đẩy hơn nữa dự án trồng cây trà hoa vàng, huyện Ba Chẽ đã củng cố lập hồ sơ, mở rộng vườn giống; đầu tư nâng công suất nhân giống và chất lượng cây giống bằng hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới phun mù, thoát nước; định hướng và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản phẩm chủ lực thông qua liên kết với người dân.
Ngoài phát triển vùng trồng, nâng diện tích trồng, huyện rà soát các hộ trồng cây trà hoa vàng trong huyện và các vùng lân cận, thành lập tổ hợp ký hợp đồng với Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư đồng thời bao tiêu nguyên liệu...
Đồng thời, huyện Ba Chẽ đã kêu gọi thu hút, vận dụng cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trong lĩnh vực phát triển, chế biến dược liệu. Nhờ đó, huyện đã thu hút được các doanh nghiệp vào xây dựng dự án, quy hoạch chi tiết, dự kiến sẽ nâng cấp công nghệ chế biến cây trà hoa vàng sau thu hoạch, từ đó nâng cao thương hiệu, tính cạnh tranh trên thị trường, hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ra quốc tế.