Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu ngao hàng đầu của Việt Nam, với hơn 80% sản phẩm có mặt tại nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Đồng thời, còn giữ vị thế top đầu nhà cung cấp ngao tươi sống cho hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm và chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn trong nước. Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Lenger Việt Nam luôn đau đáu với mong muốn tháo gỡ khó khăn, đưa ngao Việt Nam vươn tầm, xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.
Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, một thành viên của Tập đoàn Lenger Seafoods (Hà Lan), đã có hơn một thập kỷ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến và kinh doanh thương mại các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ như ngao, hàu. Thành công của Lenger Việt Nam được ghi nhận qua kết quả kinh doanh tích cực ở cả thị trường nội địa và quốc tế.
Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tiết lộ, dự kiến cả năm 2024, doanh thu xuất khẩu ngao của công ty có thể cán mốc 14 triệu USD hoặc cao hơn nữa. Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế toàn cầu, giá bán sản phẩm ngao giảm nên doanh thu chưa đạt như kỳ vọng, mặc dù sản lượng ngao xuất khẩu nhiều hơn so với các năm trước, năm nay ước trên 12.000 tấn.
Bên cạnh xuất khẩu, Lenger Việt Nam cũng đã đạt được những bước đi vững chắc tại thị trường trong nước. Doanh thu năm 2024 dự kiến đạt 55 tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể so với 48 tỷ đồng năm trước. Sự mở rộng hệ thống phân phối qua các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và chuỗi bán lẻ lớn cùng với nhà máy luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm đã giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh và tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng trong nước.
Một yếu tố khác góp phần vào thành công của Lenger Việt Nam là đa dạng hóa sản phẩm. Bên cạnh các sản phẩm chế biến từ ngao như: tươi sống, đông lạnh và đồ hộp, công ty đã đưa ra thị trường thêm các sản phẩm chế biến từ hàu như: hàu tươi sống, thịt hàu bảo quản mát và hiện đang chuẩn bị đưa ra thị trường các sản phẩm chế biến mới như ngao thưng, ngao sần từ vùng nuôi tại Vân Đồn, Quảng Ninh.
Lenger Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống như EU, phát triển sang những thị trường tiềm năng khác cũng như tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường trong nước.
Tuy nhiên, ông Nguyên nhấn mạnh, công ty tiếp tục đầu tư vào cải thiện chất lượng sản phẩm ngao, tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu chi phí nhằm để sản phẩm ngao Việt của mình có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
“Chúng tôi luôn hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo cung cấp những sản phẩm tốt nhất tới người tiêu dùng trong và ngoài nước”, ông Nguyên khẳng định.
Với những bước đi chiến lược và sự nỗ lực không ngừng, Lenger Việt Nam đang khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành thủy sản nhuyễn thể hai mảnh vỏ Việt Nam, góp phần đưa sản phẩm nhuyễn thể của Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới.
Ngao là một trong những sản phẩm thủy sản đang được ưa chuộng tại nhiều thị trường thế giới, đặc biệt là tại EU - thị trường xuất khẩu chính của Lenger Việt Nam. Mặc dù những năm gần đây, kinh tế suy thoái, giá bán có giảm nhưng nhu cầu ngao và các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ tại thị trường này vẫn luôn luôn cao.
Ông Nguyên cho hay: “Trong những năm tới đây, Lenger Việt Nam vẫn duy trì thị phần của mình tại các thị trường EU, đồng thời sẽ phát triển thêm những khách hàng và thị trường mới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để gia tăng doanh thu”.
Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng, thách thức lớn nhất đối với ngành ngao Việt Nam hiện nay là chất lượng ngao chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là nhu cầu tiêu thụ ngao cỡ lớn mà các thị trường ưa chuộng.
“Trước đây, cỡ ngao thương phẩm trung bình khoảng 30-40 con/kg, nhưng hiện nay chủ yếu chỉ đạt 80-100 con/kg, gây khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu thị trường”, ông Nguyên chia sẻ.
Với thị trường nội địa, theo ông Nguyên, hiện nay người tiêu dùng có nhu cầu lớn nhất về các loại thực phẩm tươi sống, sau là thực phẩm bảo quản mát. Ngoài ra, các sản phẩm đông lạnh và đóng hộp cũng đang có xu hướng ngày càng được quan tâm hơn do tính tiện lợi.
Công ty đã lên kế hoạch xây dựng trại sản xuất ngao giống công nghệ cao nhằm thuần chủng, chọn lọc giống ngao cỡ lớn. Đồng thời, cùng với Tập đoàn Lenger Seafoods, Hà Lan đưa công nghệ hiện đại vào nuôi trồng và chế biến.
Tại thị trường nội địa, Lenger không ngừng cải tiến sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối. Các loại ngao tươi sống và bảo quản mát được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng nhờ tính tươi ngon và chất lượng cao. Công ty đã áp dụng kỹ thuật bảo quản tiên tiến, giúp ngao giữ được độ tươi trong 5-10 ngày, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
“Chất lượng sản phẩm là yếu tố cốt lõi để xây dựng thương hiệu bền vững”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Ông Nguyên khẳng định, Việt Nam có tiềm năng nuôi ngao rất lớn, mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn hộ dân nuôi ngao, đóng góp lớn vào phát triển nông thôn vùng ven biển. Tuy nhiên, ngành nuôi ngao đang đối mặt với nhiều khó khăn lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Một là, thiếu quy hoạch tổng thể vùng nuôi ổn định và lâu dài. Hiện tại, nhiều vùng nuôi ngao chủ yếu phát triển tự phát, không có quy hoạch rõ ràng, dẫn đến xung đột giữa những người nuôi ngao với các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp khác.
Tại các tỉnh ven biển như Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình, những dự án lớn như khu đô thị sinh thái, nhà máy sản xuất thép, tổ hợp lọc hóa dầu… đã được xây dựng, phê duyệt, đang yêu cầu thu hồi hàng nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản. Điều này không chỉ khiến diện tích nuôi ngao giảm, mà còn làm gia tăng ô nhiễm môi trường và mất sinh kế cho nhiều người dân. Hơn nữa, nhiều dự án quy hoạch được xây dựng nhưng nhiều năm chưa triển khai thực tế, khiến đất đai bị lãng phí và người dân chưa được định hướng chuyển đổi nghề nghiệp, tái định cư hoặc tìm kiếm công việc mới.
Hai là, thời gian thuê diện tích mặt nước quá ngắn. Do nhiều nơi chưa có quy hoạch cụ thể về diện tích mặt nước nuôi ngao nên người nuôi phải đối mặt với nhiều thủ tục pháp lý rườm rà trong việc xin thuê mặt nước. Thời gian thuê thường chỉ kéo dài 1 năm, gây khó khăn trong đầu tư dài hạn và cải thiện năng suất. Một số hộ nuôi tự phát mà không có giấy phép, không đóng tiền thuê đất, làm tăng thêm những rủi ro người nuôi ngao phải gánh chịu.
Ba là, biến động môi trường và tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nuôi ngao. Nhiệt độ tăng cao làm giảm tỷ lệ sống của ngao non và thay đổi chu kỳ sinh sản của ngao, trong khi độ mặn tăng gây stress cho ngao, giảm sức đề kháng và tăng nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó, bão lũ lớn không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến các bãi nuôi mà còn làm mất diện tích nuôi do nước biển dâng cao.
Đồng thời, những bãi nuôi ngao là vùng nước mở nên tiếp nhận nhiều nguồn nước không được kiểm soát từ các vùng trồng lúa, rau quả sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật; nguồn nước thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp…
Ngoài ra, người dân cũng lo lắng rằng, việc chuyển đổi diện tích lớn đất bãi bồi, vốn được bảo vệ bởi rừng ngập mặn sang mục đích công nghiệp có thể làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm và mất cân bằng sinh thái, gây ảnh hưởng đến đời sống của ngao và các loài sinh vật thủy sản khác.
Bốn là, thiếu hỗ trợ kỹ thuật và con giống chất lượng. Nguồn cung cấp giống ngao hiện không ổn định, nguồn gen bị suy thoái, khiến kích cỡ ngao nhỏ hơn, năng suất thấp hơn. Chi phí con giống cao cũng làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Người nuôi ngao chủ yếu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chưa được hỗ trợ kỹ thuật bài bản, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao.
Đứng trước nhiều thách thức, để ngành ngao nước ta đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài, Tổng Giám đốc Lenger Việt Nam cho rằng, đối với vấn đề quy hoạch và quản lý, các tỉnh nên định hướng không gian dành riêng cho nuôi trồng thủy sản, cần có quy hoạch tổng thể cho các vùng nuôi ngao, phân bổ hợp lý diện tích, giúp người nông dân nuôi ngao có thể thuê lâu dài nhiều năm, đầu tư ổn định.
Việc xây dựng các khu công nghiệp, các đô thị sinh thái bên cạnh các vùng nuôi ngao và thủy sản cần có những vùng đệm làm giảm các tác động tiêu cực từ các hoạt động công nghiệp.
Xác định thời hạn các dự án công nghiệp, các quy hoạch bắt đầu triển khai để định hướng cho người nông dân nuôi ngao có thể tiếp tục sử dụng và đầu tư ổn định vùng nuôi.
Chính quyền địa phương thường xuyên đối thoại với những người nuôi ngao, lắng nghe giải quyết kịp thời những vướng mắc, thắc mắc của họ.
Đối với những vùng đất và nước nuôi ngao bị thu hồi, Nhà nước và chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ tái định cư và đào tạo nghề, hỗ trợ tài chính cho những người nuôi ngao bị ảnh hưởng, giúp họ ổn định cuộc sống, đồng thời có cơ chế bồi thường công bằng và thỏa đáng cho những người nông dân nuôi ngao bị ảnh hưởng.
Đối với những tác động của môi trường biến động và biến đổi khí hậu, cần tăng cường giám sát và quản lý môi trường giảm thiểu các tác động tiêu cực của các dự án công nghiệp đến môi trường nước và đất. Đánh giá kỹ lưỡng các báo cáo tác động môi trường, có yêu cầu và cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường và sinh kế của người nông dân nuôi ngao trước khi triển khai các dự án.
Đối với vấn đề con giống, cần xây dựng các trại giống công nghệ cao. Hiện nay với sự trợ giúp của các chuyên gia Hà Lan, Lenger Việt Nam đang có kế hoạch tiến hành xây dựng mô hình trại giống thích hợp ở Việt Nam, nhằm thuần chủng nguồn gen của ngao, cung cấp giống ngao cho người nuôi đạt tỷ lệ sống cao, nuôi có năng suất. Đồng thời, trại giống này sẽ sản xuất nhiều loại giống nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác như hàu, vẹm, ngao hoa, móng tay… là những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, tận dụng nhiều diện tích mặt nước.
Và giải pháp cuối cùng cần quan tâm, đó là nuôi ngao mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ven biển, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây cũng là một ngành tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn từ thiên tai, dịch bệnh đến những biến động môi trường khó lường.
Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính, đặc biệt cho vay vốn lãi suất thấp để người nuôi mua giống chất lượng tốt, đầu tư công nghệ tiên tiến và mở rộng quy mô nuôi trồng. Bên cạnh đó cũng cần xây dựng các sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt dành cho người nuôi ngao, với sự tham gia tích cực của các ngân hàng và tổ chức bảo hiểm. Chính sách này sẽ giúp người dân giảm thiểu rủi ro, yên tâm đầu tư dài hạn vào nghề nuôi ngao.