CEO ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo: Tôi bộc trực, táo bạo và thích phá cách

 

 

Đọc tiểu sử của ông kể từ khi trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam, tôi thấy ông từng làm tạp vụ, làm công nhân trong trại lợn  rồi chuyển sang lĩnh vực giống cây trồng. Đâu là động lực khiến ông bám đuổi nghề nông suốt hơn nửa thế kỷ như vậy?

Tôi đã ấp ủ sự nghiệp của mình gắn với nông nghiệp từ khi còn rất nhỏ, chứ không phải sau khi đi bộ đội về. Vì tôi là con lớn trong gia đình 10 người con, luôn phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn do bối cảnh chiến tranh chống Pháp. Đến 8 tuổi phải dắt giẽ trâu, 10 đã tập cày và 13 tuổi đã làm được tất cả công việc của nhà nông.

Năm 1961, bố mẹ tôi dắt nghé, dụng cụ, cày bừa vào hợp tác xã để tham gia sản xuất theo phong trào kinh tế tập thể, nhưng nghèo đói vẫn đeo đẳng. Thấy bố mẹ quá ư vất vả. Đêm bố phải đi ra biển đánh cá, đánh tôm bằng đôi khoeo tự làm bằng tre; lưới thì tự đan và chẳng có thuyền bè gì cả.

Vào một đêm cuối thu đầu đông, trời trong vắt không một gợn mây. 01 giờ đêm, mẹ tôi gọi tôi dậy đi nấu cơm cho bố ăn. Ăn xong, bố gánh theo lỉnh kỉnh đồ nghề ra bờ biển cách nhà 500m. Dưới ánh trăng non, tôi cứ ngồi nhìn cho đến khi không còn thấy bóng bố đâu nữa. Lúc đó, tôi rất muốn làm điều gì đó để thay đổi công việc nông nghiệp, vốn đã quá vất vả và đói nghèo cho những người nông dân như bố mẹ tôi đỡ khổ.

Bởi vậy, khi trở về từ chiến trường với mảnh đạn găm trên trán, dù được ưu tiên đi học tại một trường của Bộ Thương binh Xã hội để sau này giải quyết chính sách hậu phương của quân đội, nhưng tôi từ chối để theo nghề nông nghiệp, làm gì cũng được.

Công việc đầu tiên của tôi là làm công nhân nuôi lợn 5 tháng ở trạm truyền giống lợn xã Minh Khai (huyện Hưng Hà). Làm ở đó được 5 tháng thì chuyển sang làm tạp vụ cho Giám đốc Công ty giống cây trồng Thái Bình.

Có lần, ông giám đốc đi công tác tỉnh ngoài về, chẳng biết vì sao mà ông ấy nói là cái phòng khách bẩn, gọi tôi lên mắng tới tấp. Tối hôm đó tôi nằm khóc. Một người lính đã chấp nhận cái chết ở chiến trường trở về mà phải khóc thì anh biết là khủng khiếp thế nào rồi.

Nhưng, tôi không bỏ cuộc. Tôi tự an ủi mình rằng bác ấy phải yêu quý mình thì bác mới chỉ cho mình, đó là điều tốt nên quyết định vẫn làm tạp vụ ở đó.

Có lẽ, thấy tính tôi kiên trì và mê nông nghiệp nên sau này bác giám đốc đã tạo điều kiện cho tôi được học nâng cao. Sau khi học xong Đại học nông nghiệp và phân công về làm trại phó, trại trưởng, Phó giám đốc rồi Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị - chức vụ cao nhất của công ty này.

 

 

Tính cách nào giúp ông từ một anh tạp vụ trở thành người đứng đầu một doanh nghiệp lớn của tỉnh Thái Bình?

Tôi không biết là tốt hay xấu, nhưng rõ ràng bản tính của tôi là bộc trực, táo bạo và thích phá cách. Lại nhớ câu chuyện năm 1989, khi ấy chưa có khái niệm doanh nghiệp làm công tác nghiên cứu khoa học. Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng (khi đó là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp) về làm việc tại Thái Bình và đi cùng ông Bí thư Tỉnh ủy xuống thăm trại lúa cấp 1 Đông Cơ, Ông Bí thư tỉnh ủy thấy tôi đang mặc quần đùi xây bờ ruộng để liền hỏi: “Chú em đang làm gì vậy?”. Lúc đó, tôi không biết ông Hoàng là Thứ trưởng.

Tôi trả lời: “Em xây bờ ruộng để khảo nghiệm giống lúa mới. Nếu không thì không biết giống nào phù hợp với tỉnh Thái Bình. Ý tưởng này em đã nung nấu trước thời kỳ đổi mới rồi”, ông Hoàng vỗ vai tôi bảo: “Chắc chắn sau này cậu sẽ rất thành công”. Mãi sau này tôi mới biết đó là Thứ trưởng bộ Nông nghiệp.

Nhiều khi ngồi kiểm nghiệm lại cuộc đời, tôi không thể lý giải được vì sao có những lúc tôi quyết định kỳ cục mà chính xác như vậy.

Còn nhớ sau khi tôi được điều động về Tiền Hải, đêm ngày 6/9/1986, cơn bão số 5 làm đổ sập toàn bộ trại Đông Cơ. Tỉnh giao cho tôi phải khôi phục lại nhà ở cho công nhân trong vòng 2 tháng, nhưng không cho một tấc sắt, một viên gạch, một hòn đá, một hạt cát. Tôi sinh hoạt cùng 40 người dưới một mái tôn chỉ cao 2,1m mà không hề có vách ngăn, cùng anh em dùng sức người dựng lại khu tập thể.

Nhưng quyết định đó chưa phải là lớn. Tôi đã vẽ logo của công ty ngay từ năm 1989, chỉ sau một buổi học mót tiếng Anh dành cho cán bộ ngân hàng. “Gold là vàng, nó bắt đầu từ chữ “G” (Phụ âm đầu của chữ “Giống”), đó là cảm hứng để tôi vẽ logo.

Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi là người đầu tiên xây dựng cửa hàng bán lẻ thóc (đóng trong túi 5kg hoặc 10kg) giống tại trại Đông Cơ để đẩy mạnh thương mại hóa, là tiền đề cho hệ thống bán lẻ rộng khắp của ThaiBinh Seed bây giờ.

 

Nhiều người vẫn nhắc đến chuyện nếu không có ông Trần Mạnh Báo thì các giống lúa thuần sẽ mãi mãi trở thành “kẻ vô danh”, “cha chung không ai khóc” vì không có bản quyền. Chính “con hổ ngành giống” Trần Mạnh Báo đã nâng giá trị của lúa thuần lên đỉnh cao?

Tôi thành lập trung tâm, rồi viện nghiên cứu nghiên cứu cây trồng đầu tiên trong ngành nông nghiệp không trực thuộc Bộ NN-PTNT, rồi quyết định thành lập phòng thử nghiệm quốc gia trực thuộc doanh nghiệp đầu tiên trong làng giống cây trồng Việt Nam.

Đó là những quyết định rất táo bạo, mục đích cũng chỉ để chọn tạo, phát triển giống cây trồng Việt Nam, đặc biệt là cây lúa. Tôi là người đầu tiên đem giống lúa thuần đi xin công nhận bản quyền, đó là TBR-1.

Trước đây, trong một hội nghị ở Phó Thủ Tướng Nguyễn Công Tạn đã từng phê bình tôi, Thái Bình bảo thủ không chịu đưa lúa lai vào mà cứ làm lúa thuần.

Không thể trách bác Tạn, bởi khi đó cấy lúa lai đang là xu thế rất đúng vì nhân dân đang thiếu ăn. Rồi ở một hội nghị ở Phú Thọ sau khi nghe tôi phát biểu, một cán bộ của một doanh nghiệp lớn đứng ngay dậy nói “bây giờ cả nước làm lúa lai chỉ có ThaiBinh Seed làm lúa thuần thì nói làm gì”?

Nhưng sau này, chính những người phê bình tôi ở Phú Thọ khi ấy bây giờ lại hợp tác với chúng tôi để làm lúa thuần.

Rõ ràng khi chúng ta đang khó khăn, chúng ta chưa làm lúa thuần một cách bài bản. Việt Nam phải dựa vào lúa lai để thổi bùng năng suất lên, khiến nó trở thành một trào lưu từ thập kỷ 90 cho đến năm 2010. Nhưng chính trào lưu đó đã kìm hãm sự phát triển trong nghiên cứu, phát triển lúa thuần.

Tôi là người đầu tiên thương mại hóa và đưa lúa thuần về đúng giá trị của nó. Không chỉ riêng tôi, ở Tây Nam bộ có Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long chỉ nghiên cứu lúa thuần thôi, không có lúa lai.

Ông là người đưa giá trị của lúa thuần lên tầm cao mới. Vậy khi đó ông có chịu sự chỉ trích của những người làm trong ngành giống cây trồng, vốn chỉ quen nhập khẩu từ Trung Quốc rồi bán để lấy lợi nhuận không?

Rất nhiều người có ý kiến với tôi, tại sao lúa thuần lại đắt như vậy. Nhưng trước khi phán xét hãy nghe tôi kể một câu chuyện vào khoảng năm 2004. Lúc đó, người chứng kiến câu chuyện là anh Hoàng, bây giờ làm cho Công ty Mahaco (bấy giờ làm cho Công ty Bioseed).

Anh ấy dẫn hai chuyên gia người Mỹ và Ấn Độ đến phòng làm việc của tôi mà không liên hệ trước. Tôi nói là tôi xin lỗi vì đang họp, xin mời các chuyên gia xuống thăm Trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm hàng loạt giống lúa của công ty.

Lúc đó quy mô của trung tâm nghiên cứu còn nhỏ, chưa đến 1ha gieo cấy toàn lúa lai, chỉ có một giống lúa thuần ở trong đó tôi chủ đích không đánh tên.

Sau khi xem xong, họ về làm việc với tôi và chỉ xin làm việc 10 phút để trao đổi. Tôi trả lời họ hai vấn đề. Thứ nhất, giống lúa thuần theo khái niệm của tôi là được chọn lọc tự nhiên từ các giống lúa cổ truyền tổ tiên để lại, giống như lúa Dự, lúa Tám...

 

 

Còn các giống lúa của chúng tôi bây giờ là giống lúa lai, nhưng tôi không sử dụng ưu thế lai ở đời F1 mà sử dụng ưu thế lai của những dòng có tính ổn định nhất. Cho nên chúng tôi có một hệ thống chọn dòng siêu nguyên chủng.

Cái này trên thế giới làm rồi, nhưng ở Việt Nam chưa ai làm một cách bài bản. Và thực tế Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long vẫn làm thành công theo cách này, có cần lúa lai đâu. Khi họ nghe ra thì bảo: “Ơ, đúng rồi!”.

Câu chuyện thứ hai, đó là vụ mùa 2007 hai chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI đến làm việc tại trại giống Đông Cơ (bây giờ là Viện nghiên cứu của ThaiBinh Seed). Chúng tôi chỉ vào ô gieo cấy lúa TBR1 và ra câu đố cho các chuyên gia: “Đây là lúa lai hay lúa thuần”.

Họ xem xong trả lời là lúa thuần. Tôi lại hỏi họ năng suất lúa ước đạt bao nhiêu? Họ bỏ rằng năng suất ít nhất đạt 7,5 tấn/ha. Mà 7,5 tấn/ha ở vụ mùa đâu phải chuyện đơn giản. Họ bảo như vậy chúng tôi cũng phải nhận thức lại.

Tất nhiên lúa lai có thế mạnh của nó. Nó có sức chống chịu tốt theo ý tưởng lai tạo từ bố mẹ. Và người kinh doanh giống thích bán giống lúa lai vì người nông dân không sử dụng được giống cho các vụ sau, nên lợi nhuận cao hơn.

Đó chính là lý do người ta phản ứng với chúng tôi. Còn tôi thì vẫn tiếp tục lai tạo giống lúa từ đó cho đến bây giờ. Hiện nay, cơ cấu sản phẩm của ThaiBinh Seed là 90% là giống lúa thuần.

 

 

Hình như trên cương vị Tổng giám đốc ThaiBinh Seed, ông chưa ký quyết định đuổi việc bất cứ nhân viên nào, cho dù người đó trình độ năng lực không cao. Phải chăng ông là hình mẫu của một doanh nhân duy tình?

Từ ngày tôi làm Tổng giám đốc đến nay 20 năm. Tôi chưa bao giờ ra quyết định đuổi việc một ai, thậm chí có những người theo luật lao động thì có thể sa thải luôn.

Nhưng tôi vẫn tạo cơ hội, kể cả những người không còn làm ở đây nữa cũng không bao giờ coi thường ứng xử của tôi, cái lối sống có nhân bản, có tình, có nghĩa, có trước, có sau.

Quan điểm của tôi là thương thì cho roi cho vọt, ghét thì cho miếng ngon miếng ngọt, trong điều hành tôi rất dứt khoát, kiên quyết và rõ ràng, thậm chí đôi lúc nóng tính, không bao giờ nịnh nhân viên rồi ngươi ta muốn làm gì cũng được.

ThaiBinh Seed và cả cá nhân tôi có được thành công như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp của các thế hệ những người lãnh đạo của công ty, những người làm công nhân đầu tiên không biết chữ, phải điểm danh bằng điểm chỉ ngón tay, tôi đều phải học họ.

Sau này trở thành người đứng đầu ThaiBinh Seed, tôi vẫn bỏ kinh phí để đào tạo lại họ.

Có những người học từ cấp 1 đến cấp 3, thậm chí là đại học rồi mới về hưu. Bản thân tôi từ một người lính, giờ cũng đang học cao học. Con người sinh ra không ai giỏi ngay từ đầu. Muốn giỏi và không tụt hậu thì phải học tập suốt đời.

Năm 2000, tôi quyết định tự mình xây dựng chiến lược của ThaiBinh Seed trong vòng 3 năm (2001- 2003) mà không có cố vấn. Chiến lược đó dựa trên ba trụ cột: nguồn nhân lực con người, thứ hai là khoa học công nghệ và thứ 3 là quan hệ hợp tác.

Bởi vậy, từ năm 2002 chúng tôi đã gia nhập Hiệp hội Giống cây trồng Châu Á – Thái Bình Dương, trước cả khi Việt Nam gia nhập APEC. Khi đến đó, chúng tôi học tập được rất nhiều. Ngay cả những mô hình mà tôi bố trí đều do học được khi đi thăm các mô hình của nước ngoài. Quan hệ hợp tác chính là chìa khóa để phát triển. Nếu Việt Nam không mở cửa hợp tác quốc tế sâu rộng như bây giờ thì liệu đất nước có được như vậy không?

Trong lĩnh vực chọn tạo giống, có rất nhiều chuyên gia chọn tạo giống giỏi, nhiều năm lăn lộn với đồng ruộng nhưng kết quả họ đạt được còn khiêm tốn. Vậy, từ một người bước vào ngành giống cây trồng từ “con số 0”, ông đã làm cách nào để có được những bộ giống phổ quát trên đồng ruộng như BC15, TBR225, TBR1...?

Trước khi nghiên cứu bao giờ cũng phải xác định mục tiêu. Tôi nghĩ rằng các nhà khoa học của Việt Nam rất giỏi, thậm chí không kém các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, môi trường của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Các chuyên gia có ý tưởng nhưng họ không có cơ sở vật chất đầy đủ. Nhiều khi không được làm theo cách của mình mà làm theo chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị mình công tác. Họ chỉ theo đề tài một thời gian nhất định, đề tài hết, không có tiền làm nữa thì không ai nối tiếp.

 

 

Chỉ khi nào ý tưởng sáng tạo được đưa vào thực tiễn thì mới tạo ra được sản phẩm tiêu dùng mang hàm lượng trí tuệ và thực sự có giá trị. Còn nghiên cứu xong mà đút vào ngăn kéo, thì đó mới là sản phẩm khoa học, chưa phải sản phẩm tiêu dùng.

Cho đến ngày hôm nay, tôi là tác giả và đồng tác giả (với anh em làm việc tại ThaiBinh Seed) của 15 giống cây trồng mới. Mỗi giống có một đặc tính riêng để đáp ứng nhu cầu người sử dụng.

Ví dụ, giống TBR-1 rất dễ tính, trồng vụ nào cũng được, chân đất nào cũng sinh trưởng (tùy vào điều kiện thâm canh khác nhau sẽ cho năng suất khác nhau chứ ít khi mất mùa). Khi làm việc với 21 Đại sứ quán các nước Châu Phi và Châu Mỹ tại Việt Nam, tôi gửi những hạt giống TBR-1cho họ dùng thử, họ nói rằng giống đó đưa sang trồng rất tốt.

BC15 cũng vậy, nếu trồng vụ mùa thì cho năng suất, chất lượng cực cao, được bình chọn là “hoa hậu của lúa”, nhưng hoa hậu thì rất đỏng đảnh. Nó bị phân ly cực kỳ mạnh. Tôi mua vật liệu của một người bạn cùng học đại học rồi chuyển từ khu trại giam Thái Bình đem về chọn lọc ở trại Đông Cơ. Người chọn lọc là cô Hiền, Phó giám đốc Chi Cục BVTV mới nghỉ hưu. Từ vật liệu ban đầu, nó phân ly ra 54 dạng hình khác nhau, tôi chỉ chọn ra một dòng.

Sau này, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình xuống thăm và nói rằng: “Khi tôi xem vật liệu chọn tạo thì không thể chấp nhận được. Giờ không ngờ nó đẹp đến mức độ như vậy”.

Theo điều tra của chúng tôi, thời điểm cao nhất có 700.000ha trên toàn quốc cấy lúa BC15, gần tương đương 10% tổng diện tích gieo trồng lúa tại Việt Nam.

 

 

 

Khi chúng tôi đi địa phương, nhiều người thắc mắc tại sao ông Báo lại in hình của mình lên bao giống. Nếu giống kém chất lượng, bà con cầm bao giống giày vò để trút giận thì sao?

Có ít nhất 2 người khuyên tôi không nên làm điều đó, trong đấy có anh Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt. Khi còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, anh Quốc cũng sợ như bạn nói. Nếu sản phẩm có lỗi thì sao? Thứ hai là vợ tôi, bà ấy nói nếu người ta dùng bao thóc giống để làm chuyện bậy bạ thì sao?

Tôi trả lời là, dù người ta lấy bao thóc đó để đóng phân chuồng chở ra ngoài đồng thì đó cũng là điều hạnh phúc, mặc dù trên bao bì đó có ảnh của tôi. In cái ảnh ra ra không phải để tự khoe mình, mà chúng tôi muốn khẳng định với bà con nông dân và khách hàng rằng chúng tôi chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm đó. Chứ chúng tôi không có ý tưởng gì quảng cáo.

Nhiều công ty thường in hình nghệ sỹ hay người nổi tiếng lại là chuyện khác, vì người nổi tiếng mới có tính lan tỏa trong xã hội. Còn tôi không phải là người nổi tiếng.

Chỉ những giống lúa nào chúng tôi tạo ra thì chúng tôi mới in hình, còn các giống đại trà, không phải bản quyền của chúng tôi thì chúng tôi không in hình. Quy định bất di bất dịch như vậy rồi.

Có một nhà quản trị của một doanh nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng, ông in ảnh lên bao bì như vậy mỗi năm công ty phải trả cho ông bao nhiêu tiền, chắc đó là khoản thu rất lớn? Tôi nói rằng ‘không một xu nào hết’.

Anh ta nói, ông chỉ cần lấy 1 đồng (VNĐ) cho một gói thóc giống thôi, thì từ ngày ấy đến bây giờ ông có thể có mấy chục tỷ đồng. Nhưng tôi không lấy đồng nào trong đó, tôi thấy hạnh phúc là đủ.

Một lần trên đường từ Vinh ra huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), tôi thấy bà con xếp hàng đông nghịt trong một cửa hàng bán giống cây trồng. Tôi thấy chuyện lạ nên dừng xe vào xem.

Bà con nói rằng cho tôi mua cái gói thóc có cái ông đeo kính. Đó chính là niềm tin của người nông dân dành cho sản phẩm của tôi, dù họ không biết tên tôi là Trần Mạnh Báo.

ThaiBinh Seed lúc nào cũng chia sẻ với nông dân. Năm 2013, khi BC15 bị lép hạt do thời tiết gặp nhiệt độ xuống thấp ngày 22/4 tại 11 tỉnh miền Bắc. Tôi quyết định bỏ ra 1.063 tấn thóc để hỗ trợ nông dân.

Khi đó, đại diện vốn Nhà nước của công ty phản đối, tôi nói rằng cho dù công ty này có phá sản tôi cũng phải chia sẻ với nông dân, cho dù đó là thiệt hại do thiên tai gây ra chứ không phải chất lượng sản phẩm.

Trước khi từ trần khoảng 2 tháng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đi trên đường cao tốc, ông gọi điện cho tôi và bảo: “Tao thấy mày tài quá đi”. Tôi nói rằng: “Báo cáo bác, chúng cháu là nông dân có gì đâu mà tài”.

Bác bảo, khi Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin về BC15 mất mùa, ông Nguyễn Trí Ngọc - khi ấy là Cục trưởng Cục Trồng trọt có bảo: “Anh Báo có lần này chết, ThaiBinh Seed có thể sẽ tan”, thế mà bây giờ công ty phát triển ầm ầm thế này, quảng cáo trên cả cao tốc mấy trăm triệu mỗi năm thế này thì thực sự tài giỏi.

Đọc thông tin về ông Trần Mạnh Báo trên các phương tiên truyền thông, hầu hết ông nói về nông nghiệp, về khát vọng trên những cánh đồng. Dường như, ông không muốn chia sẻ về gia đình, về người vợ và những đứa con?

Câu chuyện này có hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là cơ quan truyền thông ít khi hỏi tôi về vấn đề gia đình. Cho nên tôi không chia sẻ, tôi có bao giờ đi quảng cáo tôi đâu.

Thứ hai, các bạn xem trên trang cá nhân facebook của tôi, tôi viết cái gì, chia sẻ cái gì đều đem lại lợi ích cho xã hội, rất ít khi tôi đưa hình ảnh của gia đình tôi lên mạng xã hội. Vì đó là câu chuyện riêng của một gia đình. Nhưng một con người nếu không có hậu phương vững chắc thì không bao giờ thành đạt.

Rất nhiều người thành đạt do một cơ may nào đó, trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó cộng với sự phấn đấu của anh. Nhưng nếu gia đình anh mà không bền chặt thì không bao giờ thành công.

Gia đình tôi là một gia đình tuyệt vời. Bà vợ tôi là một giáo viên, mà đã là giáo viên thì có quan điểm sư phạm rất rõ ràng.

Tất cả các thời kỳ tôi đi học đại học, vợ tôi vừa dạy học vừa nuôi ba đứa con trong điều kiện hết sức khó khăn. Tôi biết ơn bà ấy điều đấy.

Tôi không bao giờ sao nhãng chuyện gia đình, đi đâu thấy có một chút gì đó ngon, nó hay thì bao giờ tôi cũng đem về nhà, từ con tôm, con cá.

Người ta bảo “sao mà ông đảm đang thế” chưa bao giờ Ngày Giáo viên mà tôi không tặng quà cho vợ. Nếu không như vậy thì sao bà ấy yên tâm nuôi những đứa con tôi trưởng thành như ngày hôm nay.

Ở quê, dòng họ của tôi rất lớn, 51 người tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Có hai con đường mang tên tôi và bố tôi, trước cả khi nhà nước phát động phong trào xây dựng NTM, nhưng mình làm điều đó đâu phải để khoe.

Người phụ nữ nào cũng muốn được ở gần chồng, nhưng ông cứ đi biền biệt như thế, không biết vợ ông có chạnh lòng không?

Có nhiều người cũng nói với tôi câu đấy. Trong tự truyện của tôi, điều tôi ân hận nhất trong cuộc đời là dành quá ít thời gian cho gia đình, gia đình của tôi trước đây là cả bố mẹ tôi. Nhưng ông trời chỉ cho mỗi người 24 tiếng một ngày, mình muốn được cái nọ thì phải mất cái kia. Nếu quá nặng về gia đình thì không ai thành đạt.

Tôi đi học đại học, vợi tôi sinh con phải nhờ chị em giáo viên ở trường đưa vào bệnh viện. Ở nhà bố mẹ và các con tôi phải lo. Nhiều khi con tôi ốm đưa đi cấp cứu từ trường học vào bệnh viện huyện, lúc đó tôi đang ở Tiền Hải. Vậy mới nói, thành công trong sự nghiệp của mình được xây đắp từ sự hy sinh của gia đình.

Có một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại rất hay: “Không yêu được họ hàng, sao yêu nổi nhân dân”. Tôi không bao giờ quên điều đó, nhưng tôi phải chia thời gian của cuộc đời mình, của năm, của tháng, của ngày.

Khi nhắc đến ThaiBinh Seed, dường như người ta nhắc đến thương hiệu cá nhân, người “thủ lĩnh tinh thần” Trần Mạnh Báo. Vậy sau này, ai sẽ tiếp nối ông và người đó là người như thế nào? Ông có trăn trở về thế hệ kế nhiệm ông không?

Không trăn trở lo lắng có nghĩa là người vô cảm. Ai là người đi trước cũng lo cho thế hệ sau nhưng tôi có một niềm tin là những người yêu quý ThaiBinh Seed thì sẽ kế nghiệp tôi.

Và về cơ bản thì ThaiBinh Seed đã chuyển giao xong thế hệ lãnh đạo. Chúng tôi chỉ cầm trịch và giúp đỡ cho những bạn trẻ, còn những vị trí then chốt của ThaiBinh Seed đã được chuyển giao cách đây 2 năm và về cơ bản đã được định hình.

Giá trị tinh thần mà tôi hướng tới cho những người lao động của ThaiBinh Seed là đừng bao giờ quên mình được ngồi ở đây là ai xây dựng lên. Đó là truyền thống 50 năm của rất nhiều người lao động đã vun đắp nên mà thành. Quan trọng nhất là đừng bao giờ lừa dối nông dân trong kinh doanh. Đừng bao giờ sống bất tình bất nghĩa.

Minh Phúc- Hoàng Anh
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Đinh Tùng
Minh Phúc- Quang Dũng