'Chảo lửa' Ninh Thuận, nơi nuôi cừu lấy thịt duy nhất ở Việt Nam

 

 

Theo tài liệu chuyên đề cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm thịt cừu tại Ninh Thuận của Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Thuận, thì cừu Ninh Thuận được du nhập từ hàng trăm năm nay vào Việt Nam bởi các nhà truyền đạo từ Ấn Độ, Pakistan và Châu Phi. Và, theo người dân bản xứ, đàn cừu có mặt trên dải đất Ninh Thuận đã hơn 100 năm do người Chà Là (Ấn Độ) mang tới.

Tuy nhiên cũng có thông tin là do những giáo sĩ người Pháp mang tới cho giáo dân. Trải qua một thời gian dài được nuôi thử nghiệm ở nhiều địa phương trong cả nước, đến nay có thể khẳng định giống cừu đã thích nghi với điều kiện khí hậu nắng nóng, khô hạn khắc nghiệt ở vùng “chảo lửa” Ninh Thuận.

Giống cừu Ninh Thuận cho chất lượng thịt khá ngon, khả năng chống chịu bệnh tật tốt, chịu được kham khổ, hiền lành, dễ nuôi. Cừu Ninh Thuận có khả năng sinh trưởng tốt trên những cánh đồng nghèo thức ăn và khô cằn.

Mặc dù có nhiều địa phương trong cả nước có nuôi cừu, tuy nhiên cừu Ninh Thuận được xem là giống cừu đặc trưng duy nhất ở Việt Nam hiện nay, bởi vì ngoài những đặc điểm sinh học thích nghi của cừu đối với khí hậu ở Ninh Thuận, sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận còn được đánh giá là có chất lượng ngon, sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường về bổ dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chính yếu tố về điều kiện tự nhiên của vùng đất Ninh Thuận, cùng với đặc tính sinh học đặc trưng của giống cừu kết hợp với tập quán chăn thả của người nuôi đã làm nên danh tiếng cho sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận.

Năm 2004, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận nhập về 2 giống cừu hướng thịt gồm 15 con giống Dorper và 15 con giống White Suffolk nguồn gốc từ Australia.

Kết quả sau thời gian nuôi thử nghiệm 2 giống cừu này thể hiện tính thích nghi với điều kiện khí hậu Ninh Thuận, con lai ưu thế tăng trưởng trên 10-15% so với giống cừu bản địa Ninh Thuận.

Với khả năng sinh trưởng tốt, trọng lượng cao, chất lượng thịt ngon, khả năng chống chịu bệnh tốt, nên hiện nay cừu lai giữa cừu bản địa Ninh Thuận với cừu Australia chiếm đến 85-90% tổng đàn hiện nay.

 

 

Hiện ở Ninh Thuận có 4 giống cừu.

Một là, cừu bản địa Ninh Thuận có đặc điểm đáng chú ý là đuôi của giống cừu này không bao giờ vượt quá khuỷu chân, lông của cừu không nhiều và ngắn thích nghi với điều kiện nắng nóng, khô hạn.

Đa số có sắc lông trắng (80%), một số có sắc lông nâu trắng hoặc nâu đen (20%), lông kim ngắn và lông phơ xoăn dài. Trọng lượng trưởng thành con cái 34kg, con đực 42kg.

Hai là, cừu lai là giống lai giữa cừu bản địa với cừu nhập từ Australia, bao gồm 2 giống là Dorper và White Suffolk.

Đây là giống cừu được nuôi phổ biến hiện nay tại Ninh Thuận, về hình dáng bên ngoài cừu lai không khác nhiều so với cừu Úc hoặc cừu bản địa, nhưng cừu lai thường lớn hơn cừu bản địa, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn, cừu có 4 chân thẳng.

Dựa vào đặc điểm lông người ta chia cừu lai thành 2 nhóm: nhóm lông tơi và nhóm lông bện.

 

 

Trong đó, nhóm lông tơi có lông bụng xốp, dài mềm, mượt, luôn duỗi thẳng, các lông không dính vào với nhau không tạo mảng, lông dài đổ rẽ sang 2 bên sườn. 

Lông thường có màu trắng ngà vàng, một số đốm sáng hoặc nâu, một số ít có màu xám. Cừu có ngoại hình cân đối đầu cổ, chân bình thường, không dị tật bầu vú và dịch hoàn cân đối.

Còn nhóm lông bện có lông xoăn nhiều nếp gấp, lông thường thô, ráp và xoắn lại với nhau tạo những mảng lông lớn và dày trên cơ thể.

Lông cũng tương tự như nhóm cừu lông tơi, cũng có 3 màu, chủ yếu là màu trắng ngà vàng, trắng đốm nâu hay xám và màu xám.  Cừu có ngoại hình cân đối đầu cổ, chân bình thường, không dị tật bầu vú và dịch hoàn cân đều.

 

 

Ba là, cừu Dorper (Australia) có ngoại hình: Đầu to, lưng thẳng, bụng thon gọn, mình phủ lông kim ngắn, mịn, màu trắng, đuôi ngắn. Bốn chân thẳng săn chắc. Cừu cái trưởng thành nặng 44kg, cừu đực trưởng thành 75kg.

Bốn là, cừu White Suffolk (Australia) có mặt và 4 chân màu trắng, mình phủ lông xoăn dài trắng nhạt, đầu to, thô, tai to trung bình và thẳng, bốn chân thẳng, săn chắc. Là giống cừu hướng thịt, cừu có khả năng tăng trọng tốt, cừu cái trưởng thành 54kg, cừu đực trưởng thành 95kg.

 

 

Nghề chăn nuôi cừu ở Ninh Thuận hiện nay chủ yếu theo phương thức chăn thả tự nhiên, cừu nuôi được chăn thả trên các sườn núi, đồi trọc, bãi chăn thả tự nhiên, ruộng lúa đã thu hoạch.

Cừu là loài động vật chịu khó và chịu kham khổ tốt, ở các bãi chăn thả cừu tự tìm kiếm thức ăn.

Cừu ăn được nhiều loại thức ăn nhưng chủ yếu là cỏ và các loại cây thực vật thấp bao gồm: các loại thân lá, quả hạt các cây thuộc họ đậu như cây đỗ mai, so đũa, cỏ voi, cỏ stylo, lá vông, lá mít, lá duối, điên điển, keo đậu… các phụ phẩm nông nghiệp như xác đậu nành, vỏ quả mít, vỏ quả chuối, đu đủ, bí đỏ, củ cải, dây thanh long…

Thời gian cừu được chăn thả tự nhiên khoảng 8-10 giờ/ngày (8h sáng-5h chiều). Mỗi ngày cừu có thể ăn một lượng thức ăn 12-15% trọng lượng, tương đương 5-6kg cỏ, ngoài ra cừu còn cần một lượng thức ăn tinh 0,2-0,3 kg/con/ngày.

Vì vậy, sau buổi chăn thả người chăn nuôi thường bổ sung thêm một số phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp, hoặc trồng thêm các loại thức ăn thô xanh như cỏ voi, cỏ sả, cỏ ruzi, cỏ paspalum… để cho cừu ăn bổ sung vào chiều tối.

Đối với cừu nuôi bán thâm canh vào mùa khô hạn cần bổ sung các loại vitamin, trong đó chú ý bổ sung vitamin A phòng bệnh về mắt. Người nuôi cũng thường xuyên treo tảng đá liếm trong chuồng để bổ sung chất khoáng, muối ăn để giúp cừu dễ tiêu hóa, hạn chế bệnh chướng hơi dạ cỏ.

Tập tính của cừu ưa sống ở những nơi cao ráo, đầy đủ ánh sáng, vì vậy chuồng cừu phải đáp ứng yêu cầu cao ráo, thoáng mát, dễ thoát nước, thuận tiện đi lại chăm sóc nuôi dưỡng. Thông thường nên tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để làm chuồng.

 

 

Với vùng đất khô hạn nhất nước, nông dân Ninh Thuận cho rằng cừu là giống vật nuôi chịu hạn giỏi nhất, dễ nuôi và giúp họ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả.

Trên cánh đồng khô khốc đan xen là những đám xương rồng chi chít gai vẫn vươn mình chịu nhiệt trong ánh nắng chói chang. Bỗng dưng, chúng tôi chợt nghe tiếng kêu be be vọng lại từ phía trước mặt, đó là đàn cừu của gia đình ông Đạo Thanh Thích, thôn Phước Nhơn 1, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải đang thả để chúng tự kiếm ăn.

Điều chúng tôi ngạc nhiên khi những con cừu kiếm ăn giữa vùng bán sa mạc này chẳng có cỏ tươi song chúng vẫn gặm cỏ khô nằm sát mặt đất ngon lành, chẳng hề bỏ sót.

Thấy vậy, ông Thích liền giải thích: Với khí hậu khô hạn nhất cả nước, trong chăn nuôi, tỉnh Ninh Thuận may có con cừu chịu hạn giỏi. Không những thế chúng còn dễ nuôi, lại tạp ăn.

Vì thế, dù cỏ khô chỉ còn sót lại chút ít trên mặt đất nhưng chúng vẫn ăn được. Thậm chí, những lúc chăn nuôi thiếu thốn hết cỏ, mình cũng có thể chặt xương rồng, đốt cháy hết gai, rồi lấy thân cho chúng ăn cũng sống qua ngày.

Ông Thích còn cho biết, việc chăn nuôi cừu theo hình thức nuôi nhốt chuồng rất khó nếu nuôi với số lượng lớn. Và, cách nuôi này phù hợp với nuôi vỗ béo với số lượng vài chục con. Bởi điều kiện ở Ninh Thuận hạn hán kéo dài, nguồn nước tưới khó khăn nên khó trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn dài hạn.

Do đó đã nuôi cừu người nuôi phải chăn dắt ở các cánh đồng, bìa rừng và đi từ sáng sớm cho đến chiều tối mới lùa đàn về chuồng. Sau đó, nếu thấy chúng chưa no người nuôi có thể cho ăn bổ sung bằng nước cám…

Còn ông Phan Trần Đình Thông, một hộ chăn nuôi cừu có thâm niên 15 năm ở xã Phước Dân, huyện Ninh Phước, cho biết, thời gian quanhờ con cừu mà giúp nhiều người dân vùng khô hạn thoát nghèo, ổn định đời sống và vươn lên khá giả.

Ông Thông cũng đánh giá, với vùng bán sa mạc như Ninh Thuận chỉ có con cừu là sức đề kháng cao, dễ nuôi nhất so với các vật nuôi khác ở đây. Chúng ăn gì cũng được, chứ nuôi bò, trâu, dê đầu tư công cán rất nặng và phải chủ động mua rơm, trồng cỏ đầy đủ.

 

“Bò nó kén ăn lắm, mình phải mua rơm và cỏ phải mọc cao thì chúng mới ăn. Mà ở vùng bán sa mạc ít có cỏ mọc cao lắm nên chăm sóc rất khó khăn. Nuôi dê cũng vậy, phải có lá cây xanh tươi, cỏ phải dồi dào. Nên khi chăn chúng phải đi rất nhiều để kiếm thức ăn.

Riêng con cừu nhiều khi mình chăm sóc lơ là cũng được vì chúng ăn tạp, cỏ khô gì nó cũng lụm hết nên chi phí đầu tư nhẹ”, ông Thông bộc bạch và cho biết thêm, do đặc tính dễ nuôi của cừu nên người chăn thuê họ thích chăn cừu hơn là chăn bò, dê.

Theo người chăn nuôi cừu, 3 năm gần đây giá cừu thịt luôn giữ ở mức ổn định trên 100 ngàn đ/kg (hơi). Chỉ có thời điểm từ đầu năm nay đến tháng 6/2020 do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 giá cừu giảm xuống dưới 100 ngàn đ/kg (hơi).

Tuy nhiên từ tháng 7 trở lại đây, giá cừu thịt đã phục hồi và tăng trở lại. Cụ thể, hiện giá cừu thịt dao động từ 110-120 ngàn đ/kg (hơi); cừu cái đẻ từ 3-3,5 triệu đồng/con, còn cừu đực từ 15 kg trở xuống, có giá từ 150 - 155 ngàn đ/kg.

Theo ông Thông, cừu hiện rất hút hàng. Người nuôi có bao nhiêu con bán thịt, thương lái họ gom bấy nhiêu. 

“Giá cừu thịt cứ trên 100 ngàn đ/kg (hơi), người nuôi cừu vỗ béo từ 40-50 con là đủ sống. Mỗi tháng họ kiếm từ 5-7 triệu lãi/tháng. Còn chăn nuôi theo hình thức quảng canh, ít nhất từ 200-300 con, người nuôi mới kiếm khá.

Như gia đình tôi từ 10 năm nay luôn duy trì đàn cừu với số lượng đàn từ 200-300 con/năm. Nuôi hình thức quảng canh ở các bìa rừng, mỗi năm sau khi trừ chi phí lãi trên dưới 200 triệu đồng”, ông Thông bộc bạch cũng nhờ đàn cừu mà kinh tế gia đình ông mấy năm nay trở nên khá giả.

 

 

Tương tự, gia đình ông Thích với bầy cừu khoảng 200 con, những năm gần đây mỗi năm cũng kiếm về gần 200 triệu tiền lãi.

Ông Thích cho biết, từ năm 1999-2000, gia đình ông khởi nghiệp nuôi cừu, được hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng ông mua 20 con giống, với giá hơn 2 triệu/con.

Sau hơn 2 năm gây dựng, đàn cừu nhà ông lên đến hơn 70 con. Lúc này cừu đẻ rất có giá lên đến 6-7 triệu/con; nhưng do đang gây dựng nên ông xuất bán rất ít.

Năm 2003 do hạn hán, cừu bị hao hụt, giá cừu cũng hụt xuống rẻ như bèo khoảng 150 ngàn/con.

“Do giá rẻ bán không được, công với việc chăn dắt không quan tâm nên đàn cừu nhà tôi hao hụt hết phân nửa. Đến năm 2010, giá cừu tăng lên 500 ngàn đồng/con, gia đình mua thêm 20 con để gây dựng lại. Nhờ chăn sóc tốt nên đàn cừu sinh trưởng và phát triển tốt và duy trì mỗi năm khoảng 200 con”, ông Thích chia sẻ.

 

Cũng theo ông Thích, về hiệu quả kinh tế những năm gần đầy nuôi cừu lãi hơn nhiều so với nuôi bò, dê. Bởi gia đình ông cũng nuôi bò nên nhận thấy như vậy.

Trung bình mỗi con cừu cái mỗi năm đẻ ra 2 lứa, tức hơn 5 tháng đẻ một con. Nhưng người nuôi chỉ tính 1,5 con trừ cho việc hao hụt.

Từ khi cừu đẻ đến khi 3 tháng sẽ đạt trong lượng 15 kg/con, bán cho người nuôi vỗ béo kiếm khoảng 2 triệu. Còn nếu không bán nuôi đến 6 tháng sẽ đạt trọng lượng trung bình từ 30-35 kg xuất bán thịt, kiếm từ 2-2,5 triệu/con sau khi trừ chi phí.

Theo ông Thích, thức ăn chính của cừu cũng là cỏ. Nhưng 10 con cừu ăn cỏ bằng 1 con bò; tức trung bình mỗi con cừu ăn khoảng 3 kg/ngày, còn bò ăn từ khoảng 20-30 kg/ngày.

Trong khi đó, một người nuôi 15 con cừu vỗ béo, 3 tháng xuất bán kiếm khoảng 15 triệu đồng. Còn nuôi một bò con hơn 1 năm mới kiếm được số tiền khoảng 14 triệu đồng. Do đó, nuôi cừu hiệu quả hơn nuôi bò.

 

 

Với điều kiện khí hậu đặc trưng và sự phù hợp thích nghi, ngành nông nghiệp Ninh Thuận xác định cừu là một trong những đối tượng ưu tiên đầu tư phát triển.

Với định hướng trên trong những năm qua ngành nông nghiệp đã tập trung đầu tư về kỹ thuật, quy hoạch đồng cỏ, nhập giống mới để cải tạo đàn cừu địa phương… Nhờ vậy trong những năm qua đàn cừu ở Ninh Thuận đã phát triển nhanh chóng trở thành “thủ phủ” cừu của cả nước.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, năm 2018, đàn cừu ở Ninh Thuận khoảng 142.010 con, chiếm 94,65% tổng đàn cừu của cả nước. Số con xuất chuồng 72.619 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.931,7 tấn.

Năm 2019, tổng đàn 114.518 con, đạt 80,64% so năm 2018; số con xuất chuồng 83.840 con, tăng 14,96% so cùng kỳ; sản lượng tịt hơi 2.097 tấn, tăng 8,56% so cùng kỳ. Còn 9 tháng năm 2020, ước tính tổng đàn 135.626 con, đạt 93,93% so cùng kỳ; số con xuất chuồng 67.200 con, tăng 7,12% so cùng kỳ; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 1.680 tấn, tăng 0,38% so cùng kỳ.

 

 

Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, chăn nuôi gia súc có sừng nói chung và chăn nuôi cừu nói riêng chủ yếu là chăn nuôi quảng canh, nguồn thức ăn chủ yếu dựa vào đồng cỏ tự nhiên kết hợp với phụ phẩm từ trồng trọt như rơm rạ, thân ngô…

Tuy nhiên hiện người chăn nuôi cũng có khuynh hướng bắt đầu sử dụng bổ sung thêm thức ăn tổng hợp đễ vỗ béo cho gia súc nhưng cũng còn hạn chế.

Rút kinh nghiệm sau những đợt hạn hán, lũ lụt xảy ra trong thời gian qua đã làm cho một số lượng không nhỏ gia súc chết và suy dinh dưỡng do thiếu nguồn thức ăn, các hộ chăn nuôi đã đầu tư trồng cỏ và tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch như rơm, rạ, thân cây bắp, cây, đậu… để dự trữ, chế biến làm thức ăn cho gia súc.

Tuy nhiên việc chăn nuôi gia súc tại các vùng núi nơi có người dân tộc thiểu số sinh sống, chăn nuôi gia súc thường nhỏ lẻ, phân tán, lạc hậu, gia súc chỉ chăn thả ở trên rẫy cao, dưới tán rừng, đất gò đồi, đất lâm nghiệp, việc dự trữ thức ăn cho gia súc đa phần là không thực hiện.

Với phương thức chăn nuôi trên trong điều kiện thay đổi điều kiện chăn nuôi, môi trường bất lợi, thì người chăn nuôi rất dễ bị tổn thương.

Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, để nâng cao chất lượng đàn cừu, thời gian qua cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn người dân chăn nuôi cải tạo đàn cừu bằng phương pháp hoán đổi cừu đực giống giữa các hộ chăn nuôi, giữa các địa phương với nhau, nhằm tránh nguy cơ đồng huyết.

Đồng thời cho lai tạo giống cừu ngoại như: cừu Dorper, cừu White Suffolk để đa dạng hóa nguồn gien, góp phần nâng cao chất lượng đàn cừu địa phương. Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ lai tạo giống cừu ước đạt tỷ lệ 85% và ước đạt 90% năm 2020 so với tổng đàn.

Bên cạnh đó, để hạn chế phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên, ngành nông nghiệp còn hướng dẫn người nuôi theo mô hình nuôi bán chăn thả, giảm dần về quy mô đàn, nhưng tăng dần về nâng cao chất lượng sản phẩm dê cừu và chăn nuôi dê, cừu đực vỗ béo bổ sung thức ăn tinh, thức ăn công nghiệp. Đến nay, mô hình này đã có 2.859 hộ (với khoảng 68.255 con) ở các huyện, thành phố áp dụng.

Tỉnh Ninh Thuận cũng đã xây dựng các chuỗi giá trị dê, cừu thịt. Cụ thể, trong chuỗi giá trị này, thương lái, chủ cơ sở giết mổ sẽ cung cấp dê giống ban đầu cho mỗi hộ từ 15-25 con dê, cừu với trọng lượng 10-15 kg/con theo giá thị trường và sẽ tính lãi 1-2%/tháng.

Sau thời gian nuôi, thương lái, chủ cơ sở giết mổ sẽ thu mua lại của người chăn nuôi khi xuất bán theo giá thị trường và thanh toán tiền sau khi trừ cả vốn lẫn lãi.

Người chăn nuôi phải đầu tư chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y, sau thời gian nuôi 4 -5 tháng, trọng lượng bình quân 35 kg/con người dân sẽ lãi 0,6-1,2 triệu đồng/con.

So với cách làm truyền thống, cách làm này hiệu quả hơn, dễ quản lý, thời gian nuôi rút ngắn, dê tăng trọng nhanh, ít dịch bệnh, tận dụng nguồn phân để bón cỏ, cây trồng và bán để tăng thêm thu nhập.

Trong chuỗi này có 3 cơ sở giết mổ, và thương lái dê cừu đầu tư kết nối với các hộ chăn nuôi. Xây dựng, bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cừu Ninh Thuận và nhãn hiệu “Dê Ninh Thuận”.

Hiện đang triển khai cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm dê, cừu cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín và 10.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm dê cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y để triển khai sử dụng thí điểm trên địa bàn tỉnh.

Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dê, cừu của cơ sở Triệu Tín: Cơ sở liên kết với 40 hộ nuôi, nhưng chỉ đầu tư 50% con giống, không đầu tư thức ăn; sau thời gian nuôi 5-6 tháng sẽ thu mua lại bằng giá thị trường và tính lãi suất giá trị đầu tư.

Cơ sở Triệu Tín kết hợp với Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh sản xuất các sản phẩm từ thịt dê, cừu như: thịt dê ép dẻo, dê sấy, thịt cừu xông khói, thịt cừu khô tẩm gia vị, cừu sấy dẻo,... và đang khảo sát ý kiến người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm từ thịt cừu.

Đầu ra doanh nghiệp là giết mổ tại lò, sản phẩm thịt tươi bán cho nhà hàng quán ăn, siêu thị trong tỉnh và ngoài tỉnh. Đối với dê, cừu sống xuất ra các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...).

Ngoài cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín, chuỗi giá trị này vẫn còn 02 chủ cơ sở giết mổ dê cừu như: cơ sở giết mổ Bích Huyền ở khu phố 1, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm liên kết hộ chăn nuôi và 5 thương lái; bà Lê Thị Hoa ở thôn Phước An, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước liên kết với 18 hộ nuôi và thương lái. Các chủ cơ sở giết mổ liên kết với hộ nuôi và thương lái để có nguồn hàng đáp ứng nhu cầu cung cấp cho cơ sở.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tỉnh Ninh Thuận sẽ chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, trong đó có đàn cừu theo hướng nâng cao chất lượng, áp dụng giống mới năng suất cao; phấn đấu đàn cừu lai giống mới đạt 90% tổng đàn.

Đồng thời từng bước chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi tập trung, gắn với thu hút đầu tư của doanh nghiệp và chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng cạn, cỏ chăn nuôi chất lượng cao, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chuyên canh, an toàn dịch bệnh, tổ chức chăn nuôi khép kín các khâu trong chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến, và tiêu thụ sản phẩm.

Huỳnh Kim Sơ
Trọng Toàn
Trọng Chính - Minh Hậu
Hữu Tầm - Nhật Quang