Chia sẻ đặc biệt của Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp về câu chuyện thủy lợi Việt Nam

LTS:

Có nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, trình độ khoa học ngành thủy lợi Việt Nam hôm nay đã nằm trong top những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Thành tựu đó là cả một hành trình không chỉ 77 năm kể từ khi đất nước giành độc lập và ngành thủy lợi được khai sinh mà còn là đúc kết sức lực, trí tuệ của người Việt Nam hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước.

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu những chia sẻ đặc biệt của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhằm phần nào phác họa bức tranh thủy lợi Việt Nam.

Bức tranh đó là truyền thống lịch sử, khát vọng, chiến lược phát triển cũng như khó khăn, thách thức và giải pháp để thủy lợi Việt Nam thực sự là ngành kinh tế đa lĩnh vực góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Mở đầu cuộc trò chuyện với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc ngày 14 tháng 9 năm 1959: “…Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh. Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng, lụt, ít nước quá thì hạn hán… Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau, để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Lời dạy của Bác cũng là nhiệm vụ đặt ra đối với ngành thủy lợi thời điểm đó còn đang non trẻ (thành lập ngày 28/8/1945). Và hơn 77 năm qua có thể nói thủy lợi Việt Nam đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước. Dù là trong thời chiến hay thời bình, lúc hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn hay những giai đoạn thuận lợi để phát triển thì thủy lợi Việt Nam đều đã thể hiện được vai trò rất quan trọng.

Còn nhớ cách đây khoảng 15 năm, tại một sự kiện của Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã từng có tổng kết đại ý rằng: Thành công nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam là đưa một đất nước từ chỗ thiếu ăn đến vị thế quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Và thành công đó có được là nhờ điểm khác biệt của nông nghiệp Việt Nam so với nền nông nghiệp các nước khác chính là yếu tố thủy lợi.

Cũng chính World Bank nhiều lần đánh giá Việt Nam là quốc gia có hạ tầng thủy lợi nhiều và tốt bậc nhất thế giới. Với hệ thống 290.000 trạm bơm lớn nhỏ khác nhau, 170.000 công trình kênh mương có tổng chiều dài hàng triệu km, hệ thống điều chỉnh, điều hòa nguồn nước trong mạng lưới các hồ thủy lợi đã trở thành nền tảng để ngành nông nghiệp tái cơ cấu hợp lý, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam có đủ nước để có thể chủ động sản xuất.

Nhìn vào tổng thể có thể thấy rõ thủy lợi đã đóng vai trò quyết định trong quá trình đưa Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu nông sản hơn 50 tỉ đô la như hiện nay và trong tương lai chắc chắn còn đóng góp lớn lao hơn nữa.  

“Những lời dặn dò của Bác, những đánh giá của chuyên gia quốc tế đã nói lên vị trí, vai trò, đóng góp và tầm vóc của ngành thủy lợi Việt Nam suốt hơn 77 năm qua. Ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, vai trò, vị trí của thủy lợi cũng đã được nhìn nhận và đánh giá khác hơn nhiều so với trước”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhìn nhận.

 

Cụ thể quan điểm hiện nay về thủy lợi đã khác hơn so với trước đây như thế nào, thưa Thứ trưởng?  

Có thể nói vị trí, vai trò của thủy lợi hiện nay đã được xác định cao hơn, quan trọng hơn rất nhiều so với trước đây. Cụ thể, trong Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị thể hiện mục tiêu tổng quát: Bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước…

Từ quan điểm đó của Bộ Chính trị, có thể thấy rằng thủy lợi là một ngành kinh tế đa lĩnh vực chứ không chỉ đơn thuần phục vụ nông nghiệp như trước đây. Thủy lợi hôm nay ngoài tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp còn là phục vụ sản xuất công nghiệp, phục vụ nước sinh hoạt, thủy lợi là giải pháp để khắc phục những hạn chế và tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai…

Hạ tầng thủy lợi cũng được xác định là một trong những hạ tầng rất quan trọng để phục vụ sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đất nước phát triển nhanh và bền vững, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.

Để thực hiện mục tiêu đó, hạ tầng được xác định là khâu đột phá cùng với phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện, đồng bộ thể chế. Tôi khẳng định, một khi đã định vị được vị trí, vai trò của thủy lợi như thế, nếu chúng ta đầu tư cho công tác thủy lợi tốt hơn thì đứng trước biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, đứng trước những bất định của thiên nhiên chắc chắn sẽ khắc chế, hạn chế được rất nhiều thiệt hại đồng thời có thể thực hiện được mục tiêu đã đề ra.

Thưa Thứ trưởng, ngành thủy lợi từ xưa đến nay vẫn thường được gọi là lĩnh vực “trị thủy”, nhiều gian nan, thách thức và đòi hỏi rất lớn tâm sức, trí lực của con người, trong từng bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh của đất nước, trí tuệ của người Việt dùng để “trị thủy” đã được nuôi dưỡng và phát huy như thế nào?

Nói về truyền thống thủy lợi Việt Nam tôi luôn nghĩ không chỉ là hơn 77 năm kể từ thời điểm đất nước chúng ta giành được độc lập đến nay mà phải bắt nguồn từ xa xưa hơn nữa. Trăm năm, ngàn năm trước cha ông chúng ta đã biết cách đắp đê trị thủy, biết cách theo dõi và sử dụng nước để phục vụ sản xuất, bảo vệ mùa màng, bảo vệ tính mạng tài sản, để đóng góp vào quá trình dựng nước và giữ nước.

Thời các Vua Hùng, câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh dù chỉ là truyền thuyết nhưng cũng đã phần nào nói lên được ước mong và trí tuệ của người Việt trong lĩnh vực trị thủy. Thời Ngô Quyền người Việt mình đã biết dùng trí tuệ và sự hiểu biết thiên nhiên, theo dõi thủy triều lên xuống để vận dụng và làm nên chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng.

Hay như những thế kỷ sau này, câu chuyện ông Nguyễn Công Trứ cùng với nhân dân quai đê lấn biển, tạo ra vùng đất Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) cũng vậy… Rồi cả một cuộc hành trình hàng trăm năm dân tộc mình, nhân dân mình đào đất đắp đê, ngăn sông lấn biển… Có thể nói chính trí tuệ và khát vọng của người Việt đã làm nên truyền thống vẻ vang và thành tựu rất lớn của thủy lợi Việt Nam.

Đặc biệt là vào những giai đoạn đất nước gian khó, vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc thì thủy lợi vẫn luôn được chú trọng, thưa Thứ trưởng?

Năm 1945 khi đất nước giành được độc lập, có đường hướng, chiến lược, kế hoạch để phát triển thì trí tuệ trong lĩnh vực thủy lợi đã được quan tâm, đầu tư nhiều hơn, đặc biệt là yếu tố con người.

Ở giai đoạn đó dù hoàn cảnh đất nước còn gặp muôn vàn khó khăn nhưng những cán bộ đầu tiên của thủy lợi đã được đào tạo rất bài bản. Đặc biệt, công tác đào tạo con người phục vụ ngành thủy lợi của Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của nhiều quốc gia. Sự hỗ trợ của chuyên gia Trung Quốc, Liên Xô đã đào tạo nên rất nhiều chuyên gia Việt Nam tên tuổi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành thủy lợi, để vai trò thủy lợi được phát huy mạnh mẽ và đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng đất nước sau khi giành độc lập.

Trí tuệ của ngành thủy lợi Việt Nam được tập hợp nhiều nhất là vào giai đoạn những năm sau 1954. Giai đoạn đó mặc dù chiến tranh kéo dài và rất khốc liệt ở miền Nam nhưng chủ trương của Đảng, của Bác Hồ đã đưa nhiều lớp cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài để học hỏi và trở về xây dựng ngành thủy lợi phục vụ sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Một số được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ, một số sau này học ở Hà Lan, rồi ở Mỹ… Chính những lớp cán bộ đó sau khi được học tập, đào tạo bài bản trở về đã hoạch định và xây dựng chiến lược mới cho ngành thủy lợi của chúng ta. Từ quy hoạch đến triển khai các dự án thủy lợi lớn mang tính cách mạng để thay đổi sản xuất và thay đổi đời sống sinh hoạt của nhân dân ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ...

Cũng chính những con người đó đã mang khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới về để ứng dụng vào ngành thủy lợi Việt Nam. Lớp cán bộ đó tiếp tục đào tạo nên nhiều thế hệ cán bộ thủy lợi trong nước. Rất nhiều cơ sở đào tạo con người phục vụ ngành thủy lợi như Đại học Thủy lợi, Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng ngày nay ở Hà Nội hay Đại học Bách khoa TP HCM, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM… Chưa kể ở các ngôi trường khác cũng có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến nước, công trình biển, máy móc trang thiết bị, vật liệu xây dựng…

Có thể nói đó là cả một giai đoạn lịch sử thể hiện tầm nhìn của Đảng, của Bác Hồ, của các đồng chí lãnh đạo cấp cao, thể hiện nỗ lực phấn đấu của cán bộ ngành thủy lợi và của nhân dân ta. Thế hệ đi trước truyền dạy, thế hệ sau tiếp nối phấn đấu đã hình thành nên truyền thống và trí tuệ thủy lợi được nuôi dưỡng, phát huy, ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất, đời sống. Trí tuệ trong lĩnh vực thủy lợi đã giống như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ thế hệ này sang thế hệ khác, được gìn giữ, vun đắp mỗi ngày.

Thưa Thứ trưởng, nhìn lại cả một hành trình của thủy lợi Việt Nam, từ thuở cha ông chúng ta gồng gánh, cuốc xẻng toàn dân đi làm thủy lợi đến hôm nay Việt Nam đã có rất nhiều công trình thủy lợi kỳ vĩ và hiện đại. Thành tựu đó chính là từ tâm sức, trí tuệ Việt Nam, Thứ trưởng đánh giá trí tuệ, khoa học thủy lợi chúng ta đã có những bước phát triển như thế nào?

Đã rất nhiều lần chúng tôi xem đi xem lại các bộ phim tư liệu về ngành thủy lợi Việt Nam và hình ảnh được chiếu rất nhiều chính là công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đó là công trình xây dựng vào năm 1958, từng được gọi là đại thủy nông, lớn nhất ở miền Bắc trong một giai đoạn khá dài. 

Nhìn Bắc Hưng Hải có thể thấy, bằng sức lực, trí tuệ thời điểm đó chúng ta xây dựng nên một hệ thống thủy lợi mang giá trị lịch sử rất lớn đối với phát triển đất nước. Hàng vạn con người, hàng triệu ngày công đã làm ra Bắc Hưng Hải lừng lẫy, thay đổi toàn bộ sản xuất nông nghiệp cả một phần vùng Đồng bằng sông Hồng…

Tuy nhiên cũng công trình đó, chúng tôi tính toán, nếu vào thời điểm hiện nay chỉ cần khoảng 500 người và làm trong khoảng 2 năm là xong. Biết rằng so sánh như thế là khập khiễng, mỗi thời kỳ, thời điểm khác nhau rất nhiều nhưng tôi muốn nói rằng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thủy lợi của chúng ta đã phát triển rất nhanh và nếu muốn so sánh hãy so với các ngành khác, với các quốc gia khác trên thế giới.

Nên so sánh cụ thể như thế nào, thưa ông?

Nếu so sánh với các ngành khác có thể thấy thủy lợi chúng ta là một trong những ngành ở Việt Nam đã đưa được rất nhiều công nghệ mới vào lĩnh vực của mình. Điều quan trọng, chúng ta dám ứng dụng những công nghệ mới đó để đưa ra giải pháp tối ưu nhất. Ngày hôm nay có thể chúng ta thấy sử dụng tro bay lấy từ xỉ của các nhà máy nhiệt điện để trộn vào bê tông xây dựng các công trình là bình thường nhưng có lẽ ít người biết thủy lợi là ngành đầu tiên sáng tạo và sử dụng giải pháp đó.

Nhiều năm trước, bằng sự sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu kỹ lưỡng, các chuyên gia thủy lợi Việt Nam đã sử dụng tro bay trộn vào bê tông để ứng dụng vào các công trình thủy lợi. Có thể kể đến các công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia như hồ Bản Mồng (Nghệ An), hồ Tân Mỹ (Ninh Thuận)… tất cả đều đã sử dụng giải pháp này và rất thành công. Ngành thủy lợi đúc kết dùng tro bay trộn vào bê tông có hai tác dụng. Một là không gây nứt nẻ, hai là giá thành rẻ hơn. Chính từ giải pháp của ngành mà Bộ Xây dựng sau đó đã xây dựng nên các quy chuẩn, tiêu chuẩn để phổ biến rộng rãi sang nhiều công trình xây dựng khác của đất nước.

Thủy lợi cũng là ngành đầu tiên đưa công nghệ đập trụ đỡ, đập bản mặt bê tông để làm các công trình “trị thủy”. Tôi cho rằng đây là một cuộc cách mạng lớn. Trước đây khi xây dựng cầu, cống qua sông chúng ta phải ngăn sông, dẫn dòng sang vị trí khác để thi công, nhưng hiện nay không cần. Những công nghệ mới của thủy lợi vừa giúp giảm bớt công sức vừa giảm được hơn 10% giá trị dự toán. Ngoài ra, cùng với đà phát triển, cách làm, cách thức tiếp cận công nghệ cũng khác hẳn. Rất nhiều công trình lấn biển, xây dựng đê biển, trước đây không nhiều người dám nghĩ đến nhưng ngành thủy lợi dám nghĩ, dám làm.

So với các quốc gia khác thì sao? Thứ trưởng đánh giá trình độ “trị thủy” chúng ta đang ở đâu trên bản đồ quốc tế?

Nếu so sánh với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia có ngành thủy lợi tiên tiến, phát triển trước chúng ta từ rất lâu cũng có thể thấy rõ trình độ phát triển của thủy lợi Việt Nam. Tôi dẫn chứng công trình Cái Lớn – Cái Bé làm ví dụ.

Đây không phải chúng ta tự “chấm” với nhau mà nhiều chuyên gia quốc tế đã khẳng định công trình điều hòa mặn ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long là hiện đại nhất Đông Nam Á. Dịp vừa rồi tôi có tiếp một số chuyên gia Hà Lan sang thăm và làm việc ở Việt Nam. Sau khi đến Cái Lớn – Cái Bé họ đã rất ngỡ ngàng và đánh giá công trình thủy lợi này tương đương với các công trình tiên tiến, hiện đại của Hà Lan - quốc gia có các công trình thủy lợi ngăn sông, ngăn biển nhiều và lớn nhất thế giới.

Có một điều đặc biệt nhất mà tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể tự hào, đó là các công trình thủy lợi như Cái Lớn – Cái Bé hay nhiều công trình kỳ vĩ khác là của người Việt Nam, thành quả của trí tuệ Việt Nam.

Ngoại trừ một số công trình từ nguồn vốn ODA, bắt buộc phải có yếu tố nước ngoài theo quy định thì 100% công trình thủy lợi của Việt Nam đều do người Việt mình tự thiết kế, tự thi công, nghĩa là chúng ta có thể tự làm hết và chất lượng, hiệu quả không hề thua kém ai.

Rõ ràng từ trí tuệ người Việt đến khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi đã có những bước phát triển rất dài, rất đáng để tự hào, nhưng chắc hẳn trong câu chuyện này vẫn còn những thách thức, những nút thắt cần tháo mở, Thứ trưởng nghĩ sao?

Quả thực về mặt ứng dụng khoa học công nghệ trong thủy lợi vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, thách thức. Chúng tôi nhận định những vấn đề đó có nhiều nguyên nhân, vừa do ngành, vừa do đầu tư, vừa do quan điểm…

Đối với ứng dụng khoa học công nghệ trong thủy lợi, điều tôi trăn trở nhất hiện nay là làm thế nào để có thể hiện đại hóa được hệ thống thủy nông của chúng ta. Tôi luôn có một giấc mơ Việt Nam mình sẽ có một số hệ thống thủy lợi lớn có thể điều hành tự động, mặc dù vậy thực tế còn rất nhiều vấn đề đòi hỏi ngành thủy lợi phải nghiên cứu, tính toán kỹ càng.

Ví dụ hệ thống kênh mương nội đồng nhỏ chúng ta vẫn chưa hoàn chỉnh, đầu tư hiện đại hóa hệ thống kênh mương, đặc biệt là hệ thống quan trắc và vận hành tự động cũng chưa làm được. Chúng tôi có đi tìm hiểu một số quốc gia như Úc, Nhật Bản… và nhìn thấy hệ thống của họ đã tự động hóa hết rồi. Tất nhiên là họ đã đầu tư rất lớn trong một quá trình dài nhưng tôi nghĩ đây là vấn đề đặc biệt quan trọng và chúng ta bắt buộc phải làm, làm càng sớm càng tốt.

Đất nước chúng ta vẫn là quốc gia nông nghiệp, nếu thủy lợi có hệ thống điều hành tự động sẽ có rất nhiều cái hay. Ngoài chuyện giảm nhân lực còn có một vấn đề rất quan trọng là giúp chúng ta tiết kiệm được nước, tối ưu hóa sản xuất, rõ ràng nhất là trong sản xuất lúa.

Tại Hội nghị Cop 26 cuối năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết với cộng đồng quốc tế là đến năm 2050 Việt Nam sẽ cân bằng khí thải. Tôi cho rằng, để thực hiện được cam kết này của người đứng đầu Chính phủ, cần phải giải quyết những bài toán trong nông nghiệp, giải quyết những nút thắt trong lĩnh vực thủy lợi.

Theo Thứ trưởng phải giải quyết những bài toán đó như thế nào?

Bài toán thứ nhất có thể thấy rõ là khí thải trong lĩnh vực nông nghiệp chúng ta hiện nay còn khá cao, nhất là vấn đề phát thải khí metan (CH4) trong sản xuất lúa. Nguyên nhân là vì trong canh tác lúa truyền thống chúng ta chưa tối ưu được vấn đề tưới tiêu, lúa thường xuyên ngập trong nước, sinh ra rất nhiều khí mê tan.

Bây giờ nếu chúng ta điều hành được hệ thống canh tác với thủy lợi tự động chắc chắn sẽ giải quyết được vấn đề này. Hệ thống thủy lợi lúc đó sẽ linh hoạt và chủ động để lúc nào lúa cần nước thì bơm vào, lúc không cần sẽ rút ra, tức là tưới theo định kỳ, ướt khô xen kẽ...

Làm được như thế, sản xuất lúa gạo của Việt Nam không chỉ giảm phát thải khí metan mà chất lượng gạo cũng ngon hơn, hạt lúa mẩy hơn, năng suất cao lên lại tiết kiệm nước…

Thứ hai, khoa học kỹ thuật của ngành thủy lợi phải làm sao để có được hệ thống quan trắc có thể dự báo tốt nhất. Chúng ta đã có hệ thống Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhưng theo tôi cần phải có hệ thống khí tượng thủy văn chuyên ngành thủy lợi để đáp ứng công tác dự báo được tốt hơn.

Chúng ta nói rằng đầu tư cho thủy lợi là không hối tiếc, vậy thì công tác dự báo phải đặc biệt được quan tâm và đầu tư đích đáng. “Ông” phải dự báo được 5 năm tới, 10 năm tới sẽ như thế nào lúc đó mới có thể đầu tư không phải hối tiếc còn dự báo sai đương nhiên sẽ dẫn đến đầu tư sai, và hối tiếc là điều chắc chắn. Đối với công tác này, hiện Tổng cục Phòng chống thiên tai và Tổng cục Thủy lợi đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Đương nhiên chuyển đổi số khác với dự báo khí tượng nhưng chúng ta muốn dự báo tốt thì phải có số liệu đầu vào mới tính được đầu ra.

Một vấn đề nữa của dự báo là đào tạo được nguồn nhân lực. Khoa học công nghệ, chuyển đổi số đến đâu thì cuối cùng phải là yếu tố con người. Chúng tôi đã yêu cầu các viện, trường đào tạo các chuyên gia và hiện đang có một lớp đi học ở các nước tiên tiến. Hy vọng là vài năm tới những lớp học này về chúng ta sẽ có một đội ngũ đủ trình độ để tự phân tích và từ phân tích ấy đưa ra được các dự báo chính xác.

Tóm lại, đầu tư vào khoa học kỹ thuật thủy lợi hiệu quả như thế nào đã được minh chứng rất rõ và tôi nghĩ rằng như thế vẫn là chưa đủ, cần phải đặc biệt quan tâm hơn nữa, tính toán đầu tư nhiều hơn nữa, để không chậm trễ và không hối tiếc.

 

Thưa Thứ trưởng, vị thế, vai trò của ngành thủy lợi trong giai đoạn mới của đất nước không còn đơn thuần phục vụ sản xuất giống như ngày trước mà đã được xác định là đặc biệt quan trọng, một ngành kinh tế đa lĩnh vực. Xin hỏi Thứ trưởng, tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch của ngành thủy lợi hiện nay để tương thích với vị thế mới là như thế nào?

Thủy lợi hiện nay đúng là còn có rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong giai đoạn mới, bối cảnh mới, vị thế mới. Tôi nghĩ rằng nếu thủy lợi Việt Nam chỉ dừng lại ở mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp thì khó khăn, thách thức vẫn còn nhưng không quá nhiều.

Tuy nhiên như chúng ta đã nói ở trên, Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định rõ vai trò, vị trí của thủy lợi bối cảnh hiện nay là đa mục tiêu để phát triển đất nước. Đó vừa là nhiệm vụ cao cả và tất nhiên khó khăn, thách thức cũng lớn hơn rất nhiều.

Những vấn đề mới đặt ra hiện nay đối với ngành thủy lợi, rất rõ ràng, cụ thể. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tổn thất lớn nhất của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai đặc biệt là bão lũ gây thiệt hại rất lớn. Chúng ta cũng là một trong những quốc gia chịu áp lực của vấn đề năng suất lao động thấp. Tất nhiên vấn đề này có nhiều lý do nhưng trong đó có lý do lớn nhất là lực lượng làm nông nghiệp quá đông, thu nhập thấp, kéo tụt năng suất lao động xuống rất nhiều…

Chính vì vậy, mục tiêu là phải chuyển đổi và vai trò của thủy lợi được xác định phải làm thế nào để góp phần chuyển đổi lao động, nâng cao năng suất. Ngoài ra, thủy lợi trong bối cảnh hiện nay không chỉ đóng vai trò phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn có vai trò phục vụ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, phòng chống lũ, thoát nước ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung lớn, khu vực nông thôn, vấn đề về môi trường nước… Rất nhiều câu chuyện, rất nhiều thách thức, tôi nghĩ muốn giải quyết được tổng thể thì cũng phải có bài toán tổng thể, cần có chiến lược tổng thể.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó đã nói rất rõ các nhiệm vụ trong từng thời kỳ, từng thời điểm, các mục tiêu, giải pháp rất rõ ràng, cụ thể.

Ngay sau chiến lược, Chính phủ tiếp tục giao cho Bộ NN-PTNT xây dựng Quy hoạch phòng, chống thiên tai và Thủy lợi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Chúng tôi đã xác định đây là một trong các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong Luật Quy hoạch quy định phải làm, hiện đã xây dựng xong Dự thảo và đang đợi Hội đồng Nhà nước thông qua.

Nói như vậy nghĩa là chiến lược, quy hoạch đã khá đầy đủ, nhưng liệu đã xứng tầm và đáp ứng được các đòi hỏi thực tiễn hay chưa, thưa Thứ trưởng?

Quá trình xây dựng quy hoạch cũng là điều kiện giúp ngành thủy lợi nhìn nhận các vấn đề để đề xuất, kiến nghị, tham mưu Bộ NN-PTNT và Chính phủ có các giải pháp. Lựa chọn những vấn đề nào phải làm trước, những vấn đề nào phải ưu tiên, những vấn đề có thể làm được ngay hay phải tính toán lâu dài… Thậm chí là cả những vấn đề chưa cần nhiều tiền có thể làm được thì phải làm trước, làm luôn...

Mục tiêu Quy hoạch lần này phải chỉ rõ được các vấn đề cụ thể như vậy. Tôi hy vọng trong năm 2022 này Hội đồng Nhà nước sẽ thông qua để công bố không chỉ cho cán bộ công chức, viên chức toàn ngành thủy lợi mà để toàn dân biết, các ngành khác biết. Sau khi có chiến lược, có quy hoạch thì đường hướng, cách làm và các giải pháp đối với lĩnh vực thủy lợi sẽ rõ ràng hơn.

Nói như thế để khẳng định một lần nữa, tổng thể về chiến lược, quy hoạch đã đủ và cơ bản đã chỉ ra được đường hướng của thủy lợi Việt Nam. Vấn đề đặt ra hiện nay là có làm được hay không mà thôi. Tôi cho rằng có một số vấn đề rất lớn của lĩnh vực thủy lợi mà nếu chúng ta không làm, không quyết liệt sẽ có thể ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Trong đó có những vấn đề cụ thể cần phải giải quyết ngay và một số vấn đề phải giải quyết trong dài hạn nhưng cũng cần phải bắt đầu làm ngay từ bây giờ.

Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể “3 vấn đề rất lớn cần phải giải quyết ngay” là gì?

Vấn đề thứ nhất, nếu xác định thủy lợi là ngành phục vụ thì ngay bây giờ chúng ta phải tính toán và có giải pháp để cân bằng nguồn nước.

Việt Nam là một quốc gia nếu xét về góc độ tổng lượng nước thì thừa tuy nhiên xét kỹ hơn thì lại thiếu. Bởi vì hiện nay mỗi một năm nếu tính tổng lượng nước từ tất cả các nguồn đổ vào lãnh thổ Việt Nam có khoảng 830 tỷ m3 nước. Trong khi đó mức độ sử dụng hiện nay mới chỉ hết khoảng 110 tỷ m3 và trong quy hoạch chúng tôi tính toán đến năm 2030 cũng chỉ dùng hết khoảng 120 tỷ m3 mà thôi.

Vấn đề ở chỗ trong 830 tỷ m3 nước nói trên có đến 65% ở ngoài lãnh thổ, từ các sông suối của quốc gia khác chảy vào Việt Nam. Điều này có nghĩa chúng ta chỉ chủ động được khoảng 35% nguồn nước và khi Liên Hợp Quốc đưa ra các tiêu chí để đánh giá một quốc gia thừa hay thiếu nước họ lại chỉ tính nguồn nước sinh ra ở trong lãnh thổ. Xét theo tiêu chí đó thì Việt Nam là quốc gia thiếu nước.

Mặt khác, nguồn nước của chúng ta hiện nay phân bổ rất không đồng đều. 90% lượng nước ở Việt Nam có vào mùa mưa, thời gian kéo dài chỉ khoảng từ 3 - 4 tháng. Lượng nước tập trung vào một khoảng thời gian vừa gây ra lũ lụt lại vừa gây ra hạn hán. Chính vì vậy, nhìn thủy lợi dưới góc độ là ngành phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, bắt buộc phải giải được bài toán cân bằng nguồn nước này. Giải pháp làm thế nào để chuyển nước từ chỗ thừa đến chỗ thiếu, tích nước ở những chỗ cần, làm thế nào để phục vụ nước cho sản xuất, sinh hoạt là vấn đề rất lớn được đặt ra và ngay từ bây giờ phải làm ngay.

Vấn đề thứ hai, trong chiến lược, quy hoạch thủy lợi phải trả lời được câu hỏi: Thủy lợi đi trước hay đi sau? Đây là phương pháp tiếp cận để có quy hoạch, định hướng và đưa ra các giải pháp phát triển. Chúng ta đã nói khá nhiều câu chuyện này và trong chiến lược, quy hoạch lần này bắt buộc phải có phương pháp tiếp cận đúng.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định hạ tầng chính là một trong những điểm đột phá. Hạ tầng thủy lợi cũng được xác định vai trò rất quan trọng, vậy thì theo nguyên tắc phải đi trước nhưng thực tiễn từ trước đến nay ở Việt Nam hạ tầng thủy lợi lại đang đi sau. Tức là các địa phương cứ phát triển, cứ làm hết dự án này dự án khác, đến lúc làm xong không có nước lại phải tính toán, tìm cách điều chỉnh, rất bị động.

Cho nên quy hoạch, chiến lược lần này chúng tôi đã đề nghị các chuyên gia phải khẳng định vai trò thủy lợi nhất định phải đi trước. Trong quy hoạch phải chỉ rõ khu vực này đã nghiên cứu, khảo sát không thể có nước, khu vực kia chỉ có thể cung cấp được chừng ấy nước thôi, khu vực kia nữa dễ lũ lụt… Chắc chắn phải rõ được như thế để các địa phương, các ngành khác muốn làm gì, ở đâu có thể có tính toán cao độ, hạ tầng, từ đó có nghiên cứu, quyết định xem có đầu tư vào khu vực đó hay không…

Điều này có nghĩa quy hoạch, chiến lược của thủy lợi sẽ là căn cứ để các ngành, các địa phương dựa vào để quy hoạch phát triển. Tất nhiên đây là bài toán cực khó đặt ra cho ngành nhưng lần này chắc chắn chúng tôi sẽ cố gắng chỉ ra và phải làm ngay, làm bằng được.

Vấn đề thứ ba là làm thế nào để đảm bảo được an ninh nguồn nước. Bài toán an ninh nguồn nước hiện nay tập trung vào giải quyết làm sao để cấp đủ nước là một, chất lượng nguồn nước là hai, khắc chế, hạn chế tác động thiên tai do nước gây ra là ba.

Bối cảnh mới của thủy lợi còn nhiều vấn đề khác nữa nhưng tôi cho rằng đây là ba nội dung lớn phải giải quyết ngay và nên bắt đầu theo trình tự dễ làm trước khó làm sau.  

Theo Thứ trưởng, cần phải làm gì để giải quyết “ba vấn đề rất lớn” mà Thứ trưởng vừa nêu, khó khăn, thách thức đặt ra như thế nào?

Giải pháp bây giờ nếu tôi nói phải có tiền mới làm được thì cũng đúng, nhưng chưa đủ. Đúng ở chỗ, muốn làm bất kể một hạ tầng nào vấn đề đầu tiên là phải có tiền. Tuy nhiên với ngành thủy lợi còn có những đặc thù rất khác với những ngành khác, có tiền chưa chắc đã làm được ngay.

Ví dụ đối với hạ tầng ngành giao thông, có tiền, có quy hoạch, có chủ trương là có thể làm ngay được một tuyến đường. Nhưng với thủy lợi, ngoài những yếu tố trên thì còn phải nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đầy đủ các yếu tố dự báo, tầm nhìn…

Bởi vì các công trình thủy lợi tác động đến xã hội rất lớn. Tôi lấy ví dụ một số công trình ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn. Có một giai đoạn dài chúng ta chỉ tập trung làm các công trình giữ ngọt, tuy nhiên gần đây nhận ra không chỉ mỗi nước ngọt mà nước lợ, nước mặn cũng là tài nguyên. Nếu chúng ta chỉ tập trung ngọt hóa không thôi thì không còn phù hợp nữa. Cần tầm nhìn, dự báo, tính toán là ở chỗ đó. Phải tự đặt bài toán cho ngành thủy lợi là điều tiết Đồng bằng sông Cửu Long làm sao để lúc nào cần ngọt có nước ngọt, cần mặn có nước mặn, cần lợ có nước lợ. Muốn giải bài toán này chắc chắn không chỉ cần mỗi tiền mà còn cần trí tuệ, nghiên cứu, cần sự phối hợp trong và ngoài nước… Chỉ khi đủ các yếu tố trên mới quyết định đầu tư để không phải hối tiếc.

Thứ hai, vừa là giải pháp nhưng cũng là mong muốn, ước mơ. Cá nhân tôi, ngành thủy lợi luôn ước mơ làm thế nào để đầu tư xã hội vào ngành thủy lợi thật nhiều. Chúng ta đều biết nguyên tắc của đầu tư phát triển hạ tầng là phải xã hội hóa. Quốc gia nào cũng thế, ngành nào cũng thế, xã hội hóa mới có tiền để làm bởi nếu chỉ trông vào nguồn lực Nhà nước không thể làm hoặc có thể thì cũng rất lâu và rất khó.

Nhìn vào thực tế xã hội hóa để đầu tư hạ tầng thủy lợi trước đến nay chưa có phân tích, tính toán phù hợp và phân định rõ công trình nào có thể xã hội hóa, công trình nào Nhà nước phải làm và làm theo nguyên tắc nào. Có thể nhận diện khó khăn lớn nhất để xã hội hóa hạ tầng thủy lợi chính là cơ chế. Tính toán giá, phí thế nào, khuyến khích nhà đầu tư thế nào là căn cơ cần lời giải.

Tôi cho rằng không thể để tình trạng phí, giá thủy lợi chưa được tính đúng, tính đủ như hiện nay. Thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay chúng ta đều dùng từ “hỗ trợ”, tức là không có giá, phí gì cả, chỉ có mỗi nước sinh hoạt và nước phục vụ công nghiệp là có giá, phí mà thôi. Thực trạng đó sẽ dẫn đến vấn đề lãng phí tài nguyên nước. Giải pháp chúng tôi đang bàn với Bộ Tài chính để sớm ra được Nghị định quy định về giá, phí trong lĩnh vực thủy lợi. Chỉ khi làm được điều đó mới có căn cứ để kêu gọi nhà đầu tư vào xã hội hóa hạ tầng thủy lợi được.

Rõ ràng như Thứ trưởng đã phân tích đầu tư thủy lợi cần được ưu tiên để phục vụ phát triển đất nước và phải dự báo, nghiên cứu, tính toán để làm với tinh thần không hối tiếc. Nhìn nhận đặc thù của đất nước chúng ta có nhiều vùng kinh tế có điều kiện tự nhiên khác nhau, hạ tầng khác nhau, nguồn lực khác nhau, vậy thì ngoài quy hoạch tổng thể của quốc gia phải chăng cũng cần phân định rõ từng vùng để có những lựa chọn đầu tư trước hay sau, có từng giải pháp khác nhau, thưa Thứ trưởng?

Đúng như vậy. Đầu tư cho thủy lợi khác các ngành khác, bởi vì hạ tầng thủy lợi có tác động rất lớn đến tất cả các ngành khác. Tôi muốn khẳng định một lần nữa, nếu không tính toán kỹ, công trình thủy lợi làm xong không những không có tác dụng gì thậm chí còn ngược lại và sẽ rất nguy hiểm. Tất nhiên chỗ nào, vùng nào rồi cũng phải đầu tư thôi, tuy nhiên tôi cho rằng có ba khu vực cần phải giải quyết ngay. Đó là Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và dải miền Trung.

Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết 120 Chính phủ nói rất rõ, lấy nước là động lực, nền tảng và là bài toán đầu vào cho tất cả các quy hoạch sản xuất. Nguồn nước là chủ đạo của tất cả các quy hoạch của vùng.

Từ đó nhiệm vụ của thủy lợi đối với khu vực này ngay lập tức phải tính toán các công trình để điều tiết làm nguồn nước thực sự ổn định. Đây là vấn đề căn cơ. Nguồn nước có ổn định thì các ngành, các địa phương mới có căn cứ để lập quy hoạch phát triển. Không thể để câu chuyện năm nay nước mặn xâm nhập 30 cây số, năm sau xâm nhập 70 cây số, thiếu ổn định như vậy thì quy hoạch sản xuất, phát triển làm sao được.

Cho nên có những bài toán rất lớn ở khu vực này mà ngành thủy lợi phải tìm ra lời giải. Xây dựng các công trình thủy lợi như thế nào để điều tiết được nước mặn, nước ngọt, nước lợ. Làm thế nào không ảnh hưởng đến môi trường, không gây ra sạt lở hay là câu chuyện Đồng bằng sông Cửu Long bị tác động bởi thượng nguồn, chịu dịch chuyển và thay đổi cơ bản trạng thái… Bài toán đó đòi hỏi ngành thủy lợi không chỉ tính toán trên giấy tờ, lý thuyết mà phải chạy mô hình, tham khảo ý kiến chuyên gia trong ngoài nước, cần những đề tài khoa học rất lớn để tìm ra đáp số.

Ở Tây Nguyên và Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ thì sao, thưa Thứ trưởng?

Phải nghiên cứu rất kỹ Tây Nguyên và bài toán thủy lợi khu vực này cũng phải khác. Có những vấn đề như chúng ta thấy thời gian qua đã xuất hiện những trận lũ lụt kinh khủng ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa xuất phát từ Tây Nguyên xuống.

Nóc nhà Đông Dương là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của quốc gia chỉ sau Đồng bằng sông Cửu Long vậy nhưng thủy lợi ở Tây Nguyên hiện mới chỉ phục vụ được 27% diện tích, còn lại tưới tiêu mặc lòng, do trời. Rừng Tây Nguyên ngoài bị phá hoại, xâm lấn còn một vấn đề rất nghiêm trọng là nguồn nước ngầm bị cạn kiệt đến mức chất lượng rừng suy giảm và rừng không tái sinh được.

Giải pháp cần làm ngay đối với Tây Nguyên là đầu tư xây dựng các công trình để khôi phục lại độ ẩm của đất, nền tảng để phục hồi, tái sinh các loại rừng ở Tây Nguyên. Ngành thủy lợi tính toán cứ 1.000 ha rừng sẽ giữ nước tương đương với hồ chứa một triệu m3 và để xây dựng hồ chứa một triệu m3 đó hiện cần khoảng 200 tỷ đồng và một loạt vấn đề khác kèm theo. Chính vì vậy chúng tôi đã đặt ra các giải pháp đầu tư xây dựng đường ống lấy nước từ hồ thủy điện để phục vụ sản xuất, phục hồi rừng và một số giải pháp khoa học kỹ thuật để khôi phục mực nước ngầm thay vì đầu tư xây hồ lớn.

Tương tự ở Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ. Chúng ta cũng đã chứng kiến lũ lụt, hạn hán khủng khiếp ở khu vực này những năm gần đây. Từ Thanh Hóa đến Bình Thuận không năm nào không lụt, không năm nào không hạn hán. Ngành thủy lợi đã dự báo được với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay thì diễn biến thiên tai, hạn hán ở khu vực sẽ càng khốc liệt, tần suất ngày càng lớn, từ đó tính toán vấn đề thủy lợi ở đây cũng phải khác.

Ví dụ với các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Quảng Trị, Quảng Bình… có độ dốc quá lớn. Từ dãy Trường Sơn xuống đồng bằng chỉ mấy chục cây số nên tác động của lũ lụt là cực lớn. Giải pháp số một của khu vực này là đầu tư xây dựng hồ chứa để cắt lũ. Chỗ nào không xây hồ chứa được nữa thì tính toán để thoát lũ ra biển nhanh nhất.

Từng khu vực, từng vùng miền đều được quy hoạch, có bài toán đặt ra, có giải pháp, vấn đề phải tính toán kỹ lưỡng để cái gì làm được phải làm ngay và dự báo dài hạn để như tôi đã nói ở trên là khi quyết định đầu tư sẽ không phải hối tiếc điều gì.

Thưa Thứ trưởng, gần một thế kỷ hình thành và phát triển, từ một lĩnh vực phục vụ cho sản xuất là chính thủy lợi Việt Nam đã và đang giữ vai trò quan trọng vì sự phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”. Một trong những yếu tố tiên quyết có thể sản xuất nông nghiệp sạch là nguồn nước phải sạch, tuy nhiên áp lực phát triển khiến nhiều dòng sông của chúng ta đã chết, trở thành vấn đề thách thức của thủy lợi. Đã từng có ý tưởng khá lãng mạn như ngăn đập trên sông Hồng để lấy nước hồi sinh các dòng sông ở Hà Nội, Thứ trưởng nghĩ sao về những giải pháp như thế?

Thực ra các giải pháp nâng cao mực nước sông Hồng không còn là ý tưởng lãng mạn nữa đâu. Chúng tôi đã đưa vào quy hoạch thủy lợi. Cá nhân tôi từ nhiều năm trước cũng đã rất nhiều lần bàn với các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội và có những thời điểm tưởng như dự án đã được triển khai nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên phải tính toán thật kỹ lưỡng để lựa chọn giải pháp tối ưu nhất.

Vừa rồi Thành phố Hà Nội đã công bố quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, trong văn bản đóng góp ý kiến Bộ NN-PTNT cũng đã đề nghị lưu ý một số vấn đề trong đó nội dung đầu tiên là đề nghị Hà Nội phối hợp với Bộ để nghiên cứu các giải pháp nâng cao mực nước sông Hồng. Mục đích để vừa đảm bảo cảnh quan thành phố hai bên sông vừa đảm bảo khôi phục lại hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy. Tôi tin rằng nếu nghiên cứu kỹ khả năng hoàn toàn có thể làm được và sông Nhuệ, sông Đáy lại có thể tự chảy như ngày xưa.

Có nhiều giải pháp khả thi không, thưa Thứ trưởng?

Chúng tôi đã có những nghiên cứu và xây dựng xong Đề tài khoa học cấp Nhà nước về vấn đề nâng cao mực nước sông Hồng. Đề tài này đề xuất xây dựng tối thiểu ba hoặc tối đa bảy đập dâng trên sông Hồng. Vấn đề là lựa chọn sử dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật nào để có thể hạn chế nhất ảnh hưởng đến lưu thông thủy và vấn đề môi trường, cảnh quan...

Giải pháp thứ nhất có thể xây dựng đập ngầm. Đây là giải pháp người Pháp đã làm rất nhiều, đặc biệt là trên sông Seine. Họ xây dựng các đập ngầm dưới đáy sông để nước tự dâng lên, như thế sẽ không ảnh hưởng đến giao thông thủy. Hiện chúng tôi đang phối hợp nghiên cứu công nghệ bởi thực tế sông Hồng rất rộng, nước chảy quá xiết nên cần phải tính toán thêm về giải pháp này.

Giải pháp thứ hai có thể lựa chọn là cầu cống. Khi Thành phố Hà Nội công bố sẽ xây dựng thêm 5 cây cầu mới qua sông Hồng chúng tôi đã đề nghị trong quá trình thẩm định dự án có thể nghiên cứu phương án vừa làm cầu vừa kết hợp làm cống bên dưới, giống như công trình Cái Lớn – Cái Bé ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra còn một số giải pháp làm đập cao su, lúc cần dâng nước lên thì bơm vào... Có khá nhiều giải pháp và dâng nước sông Hồng không còn là ý tưởng, giấc mơ nữa mà đang trở thành hiện thực.

Thưa Thứ trưởng, từ Chiến lược, Quy hoạch đến Kết luận của Bộ Chính trị đã thể hiện mục tiêu bao trùm, tổng quát của thủy lợi vẫn bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống để mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý… Xin hỏi Thứ trưởng, ngành thủy lợi đang thực hiện mục tiêu này như thế nào?

Thời điểm bắt đầu làm Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phụ trách ngành thủy lợi tôi có ra đầu bài cho anh em là đến bao giờ chúng ta có thể cam kết với Đảng, Chính phủ và nhân dân là 100% người dân Việt Nam được đảm bảo có nước sinh hoạt vào tất cả các mùa quanh năm.

Tất nhiên đấy là một câu hỏi cực khó trả lời bởi khó khăn, thách thức đặt ra rất lớn. Chúng tôi xác định cứ phải làm cái đã. Làm để xem thử khả năng mình đến đâu rồi từ đó mới nghiên cứu để tìm ra các giải pháp tối ưu nhất. Cũng có nhiều báo cáo của anh em trong ngành kêu rất khó, không cam kết được đâu anh ơi, nhưng tôi nghĩ khác. Nhiệm vụ và sứ mệnh là của chúng ta, nếu chúng ta không bắt tay vào làm, không bắt đầu thì làm sao có thể kết thúc.

Càng khó khăn, thách thức càng phải nghiên cứu để tìm giải pháp. Thủy lợi hôm nay, đặc biệt là vấn đề nước sinh hoạt phục vụ nhân dân không thể cứ theo kiểu trông đợi vào ông trời được.

Ví dụ thực tế ở một vài địa phương đã chứng minh, nếu có phương pháp, có quyết tâm hoàn toàn có thể làm được, đành rằng nhiều khó khăn. Trước đây cứ nói đến hạn, khô khát là nghĩ ngay đến Mèo Vạc (Hà Giang), Lục Khu (Cao Bằng), Mường Nhé (Điện Biên)… Đồng bào nơi phên giậu quốc gia cứ hết mùa mưa là hết nước, gian khổ vô cùng, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương nghiên cứu và đưa ra những giải pháp riêng phù hợp với đặc thù của từng khu vực để giải quyết bài toán đó. Xây dựng hồ treo kết hợp dẫn nguồn nước về và sử dụng các mó nước để tích trữ nước cho Mèo Vạc; xây dựng 20 khu chứa nước tập trung cho vùng Lục Khu; xây dựng hồ chứa để cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho vùng Mường Nhé…

Những dự án có thể mức đầu tư không lớn nhưng cực kỳ có ý nghĩa về mặt xã hội. Người dân có nước sinh hoạt, có nước sản xuất là nhiệm vụ rất lớn đặt ra cho ngành thủy lợi. Chúng tôi luôn tâm niệm bằng mọi giá phải giải quyết được vấn đề này.

Thưa Thứ trưởng, đến thời điểm hiện tại có thể nhìn nhận hệ thống thủy lợi của chúng ta tất nhiên còn phải tiếp tục đầu tư nhưng ít nhiều cũng đã tương đối hoàn chỉnh. Một vấn đề rất lớn nữa đặt ra với ngành là công tác phòng, chống thiên tai. Chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức ở khắp mọi nơi và có cảm giác lĩnh vực này vẫn chưa được đầu tư tương xứng để có thể chủ động. Theo Thứ trưởng, nên chăng cũng phải cần một tinh thần đầu tư không hối tiếc giống như đầu tư vào thủy lợi?

Tôi nghĩ rằng trước tiên cần phải làm rõ một khái niệm. Xưa nay chúng ta vẫn hay sử dụng khái niệm “phòng, chống thiên tai” nhưng có bao giờ thử đặt vấn đề là thiên tai liệu có chống được hay không. Rất nhiều người cũng nói với tôi hay thôi đừng dùng từ “phòng chống” nữa, nên thay bằng “phòng tránh” sẽ hợp lý hơn. Tất nhiên đặt vấn đề này ở đây không phải chuyện câu chữ mà chính là cách tiếp cận để đưa ra chiến lược, giải pháp phù hợp.

Làm rõ khái niệm để có cách tiếp cận phù hợp bởi vì cũng giống như thủy lợi, đầu tư giảm nhẹ rủi ro thiên tai không hề đơn giản, thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều. Chúng ta phải đối mặt với những thứ bất định, không biết trước, vậy thì phải đầu tư như thế nào cho phù hợp là vấn đề cần nghiên cứu, tính toán. Lấy ví dụ đầu tư xây dựng đê biển chẳng hạn. Với nguồn lực, trình độ của chúng ta, điều kiện khí hậu, tự nhiên của quốc gia nên lựa chọn đầu tư theo quan điểm “chống” hay là tránh?

Thứ hai là cách tiếp cận các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ thiên tai thì xác định phần cứng hay phần mềm là quan trọng? Chọn phần cứng để đầu tư hạ tầng hay chọn phần mềm để nâng cao ý thức toàn dân là điều cần nghiên cứu tính toán để có thể đưa ra câu trả lời chính xác.

Thứ ba, trong phòng, chống thiên tai hiện nay để giảm thiểu thiệt hại đòi hỏi phải có tổng chỉ huy và tất cả các ngành, các cấp, các địa phương phải theo kế hoạch, chỉ đạo của tổng chỉ huy đó. “Ông” không thể xây dựng một khu công nghiệp ở chỗ mà tôi đã cảnh báo lũ bất cứ lúc nào, không thể xây một khu dân cư mà tôi đã nói chỗ đấy sẽ sạt lở… Vấn đề đặt ra là ai sẽ là tổng chỉ huy và chỉ huy đến đâu.

Xin được hỏi quan điểm của Thứ trưởng khi tiếp cận ba vấn đề nêu trên như thế nào?

Về vấn đề thứ nhất, quan điểm của tôi là phòng tránh. Chúng ta phải chủ động dự báo, chủ động tính toán, chủ động thiết kế các công trình, chủ động thiết kế sinh hoạt để làm sao tránh được thiên tai mới là giải pháp tối ưu.

Ví dụ đơn giản nhất, ở những khu vực cứ mưa là ngập lụt, thay vì đầu tư hạ tầng tại sao chúng ta không thay đổi cách tiếp cận vấn đề và đưa ra giải pháp là thay đổi mùa màng. Chuyển cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản ở nhiều nơi đã thành công và trở thành tài nguyên đấy thôi.  

Vấn đề thứ hai là một câu hỏi lớn không thể có câu trả lời chính xác nhưng tôi nghĩ rằng với điều kiện đất nước Việt Nam thì phần mềm quan trọng hơn. Bởi vì, nếu so sánh với các quốc gia phát triển, có nhiều tiền thì không nói làm gì, họ muốn đầu tư “phần cứng” bao nhiêu cũng không khó. Việt Nam chúng ta điều kiện còn hạn chế, chưa thể đầu tư hạ tầng đồng bộ thì buộc phải xác định phần mềm là quan trọng hơn.

Phần mềm ở đây là nhận thức, ý thức của người dân và của cả lãnh đạo. Phần mềm sẽ giúp chúng ta nhận biết mối nguy hiểm, nhận thức được thiên tai và biến thể của nó như thế nào, nhận thức được cảnh báo dự báo ra làm sao… Có như vậy mới có thể đưa ra được những chỉ đạo điều hành, mới có thể ứng phó.

Tôi lấy ví dụ cụ thể gần đây nhất là cơn bão số 4 vừa rồi. Để chuẩn bị ứng phó với nó chúng ta tổ chức một cuộc di dân rất lớn trong vòng 24 tiếng đồng hồ để đưa hơn 500 ngàn dân đến chỗ an toàn tuyệt đối. Đấy chính là phần mềm.

Chúng ta luôn luôn phải xác định thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, nếu không chủ động dự báo, không chủ động phòng tránh thì chống ra làm sao? Lũ ống, lũ quét ập đến bất ngờ trong phạm vi hẹp như thế thì chống thế nào? Phải “chống” bằng cách “tránh”. Chống ở đây là phải xây dựng được cộng đồng dân cư an toàn. Ở trong cộng đồng đó “sống chung với lũ”, mọi người dân đều phải biết, phải nhận thức được mình cần phải làm gì để an toàn, để đảm bảo tính mạng, tài sản của mình…

Tất nhiên, cùng với “phần mềm” chúng ta phải chú trọng đầu tư, xây dựng các giải pháp phòng, chống thiên tai, xây dựng các phương án, vẫn phải đầu tư kinh phí để xây dựng “phần cứng”, nhưng nếu có dự báo, có sự chủ động để tránh thiên tai thì chắc chắn thiệt hại sẽ giảm mức tối thiểu. 

Vấn đề thứ ba là chỉ huy và công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương, từ chiến lược, quy hoạch đến các giải pháp ứng phó. Theo tôi quy hoạch phòng chống thiên tai phải được lồng ghép vào tất cả các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, quy hoạch của các địa phương mới có thể chủ động, mới có thể chỉ huy được.

Khâu này chúng ta đang rất yếu. Muốn giảm thiểu thiệt hại thiên tai không thể đợi đến lúc ông bị thiệt hại rồi nghe ông kêu được. Phải làm sao khi ông làm cái này, cái kia ông nhận thức, hiểu biết và tính toán đến yếu tố sẽ chịu ảnh hưởng của thiên tai sẽ thế nào.   

Ví dụ đơn giản như xây một nhà hàng kinh doanh giữa bãi biển để phục vụ du khách chẳng hạn. Người chủ phải nhận thức được nhà hàng của mình đang xây dựng ở đâu, chịu ảnh hưởng thiên nhiên thế nào. Xây ở đây khác với xây ở đồng bằng, miền núi ra sao, phải thích ứng, ứng phó bằng vật liệu xây dựng, bằng thiết kế kỹ thuật, bằng giải pháp trong từng hoàn cảnh ra làm sao…

Tất cả những vấn đề như thế này trong quy hoạch, chiến lược phát triển chúng tôi đang đề nghị Bộ Xây dựng phải xây dựng được hệ tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với quy hoạch phòng tránh thiên tai và bắt buộc các ngành, các địa phương phải làm theo. “Ông” muốn làm đường giao thông ở vị trí 5 năm lụt một lần thì tiêu chuẩn phải khác với chỗ 10 năm lụt một lần. Phải bắt đầu từ quy hoạch, từ phương pháp tiếp cận như vậy mới có thể gọi là đầu tư không hối tiếc, mới không gây phức tạp và tốn kém cho xã hội, đất nước.

Thông điệp của Thứ trưởng đối với vấn đề đầu tư cho thủy lợi, phòng chống thiên tai là gì?

Nhìn nhận tổng thể vấn đề thủy lợi và công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam tôi muốn mượn một câu ngạn ngữ rất hay của người Anh để truyền tải thông điệp: “Vì tôi nghèo nên tôi phải dùng đồ tốt”. Có nghĩa đầu tư cho thủy lợi, đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai có thể tốn kém nhưng không thể không làm, quan trọng nhất là phải tính toán, phải có dự báo, phải có tầm nhìn để chúng ta không bao giờ phải hối tiếc cả.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trò chuyện đặc biệt này!

Hoàng Anh - Minh Phúc
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Tùng Đinh - Minh Phúc
Hoàng Anh - Phạm Huy