Nhà báo Trần Cao: Thưa giáo sư, vì sao ĐBSCL - vùng mênh mông sông nước, năm nào cũng có lũ tràn về với hàng tỷ m3 nước vậy nhưng cứ đến mùa khô, chỉ kéo dài 4-5 tháng, lại bị hạn mặn, có năm thiệt hại rất lớn như 2016 có đến trên 400.000ha lúa và hàng chục ngàn ha cây ăn trái khô héo, hàng ngàn ha nuôi thủy sản bị ảnh hưởng nặng? Riêng năm nay thiệt hại ít hơn nhờ kịp thời có các giải pháp công trình và phi công trình, tuy nhiên thiệt hại vẫn xảy ra, nhiều nơi lúa, cây ăn quả vẫn mất trắng, hàng chục vạn hộ thiếu nước sinh hoạt. Rõ ràng cần một giải pháp tổng thể về thủy lợi cho cả 13 tỉnh ĐBSCL, ứng phó hạn mặn và cả ngập lũ.
GS.TS Trần Đình Hòa: ĐBSCL là vùng châu thổ cuối cùng đất nước, giáp biển, thuộc hệ thống sông Mê Công với địa hình khá thấp, trũng và bằng phẳng. Hiện nay, ĐBSCL đang chịu thách thức lớn từ 3 yếu tố chính đó là: (1) Thách thức nội vùng: Xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông nghiệp, công nghiệp… dẫn đến nhu cầu dùng nước ngày càng tăng, sụt lún nền đất, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng... (2) Thách thức, tác động từ phía biển và BĐKH: Nước biển dâng, xâm nhập mặn… ngày càng nghiêm trọng; diễn biến thời tiết có nhiều những bất thường... (3) Từ phía thượng lưu: Hồ thủy điện thượng lưu, chuyển nước, phát triển dùng nước ở thượng lưu... đã và sẽ làm suy giảm nguồn nước. Các tác động đó đã gây ra nhiều vấn đề lớn đối với đời sống và phát triển của vùng ĐBSCL.
Xét riêng về nguồn nước và tình hình hạn mặn đối với ĐBSCL có thể tóm lược như sau: Hàng năm, tổng lượng dòng chảy về ĐBSCL rất lớn, trung bình khoảng 475 tỷ m3/năm được phân bổ cho 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Tuy nhiên, phân bố dòng chảy theo mùa khá chênh lệch. Tổng lượng dòng chảy rất lớn chiếm trên 90% tập trung vào mùa mưa (thường từ tháng 5 đến tháng 11), còn lại rất ít phân bổ vào mùa khô (chỉ khoảng 10%).
Do đó, diễn biến nguồn nước đối với ĐBSCL sẽ có xu hướng:
+ Về mùa lũ: Sẽ còn rất ít trận lũ lớn, ít xảy ra sự bất thường về nguồn nước.
+ Về mùa khô: ĐBSCL gặp 2 vấn đề lớn:
Một là, mất cân đối về nguồn nước giữa mùa mưa và mùa khô dẫn đến nguồn nước về mùa khô ngày càng khó khăn. Đặc biệt là dưới áp lực (nhu cầu tăng lên) của sự phát triển nội tại và áp lực về sự gia tăng sử dụng nguồn nước từ các quốc gia thượng nguồn.
Hai là, sự biến động mạnh về thời tiết và chế độ dòng chảy, không còn tuân theo các quy luật và chế độ dòng chảy như trước đây. Do tác động của BĐKH và việc sử dụng nguồn nước từ các quốc gia phía thượng nguồn nên nguồn nước về mùa khô (10%) cung cấp cho ĐBSCL cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất thường, khó kiểm soát cả về lượng, chất và chế độ dòng chảy.
Điều này, đã làm cho việc sử dụng nguồn nước ở ĐBSCL giai đoạn gần đây trở nên rất bị động. Trong những năm vừa qua (đặc biệt là năm 2019 đầu năm 2020), Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương đã rất chủ động đưa ra các giải pháp đồng bộ từ dự báo, đến điều chỉnh cơ cấu sản xuất và xây dựng các công trình ngăn mặn, cấp ngọt rất hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn rất cần có một giải pháp tổng thể cho cả 2 vấn đề trên. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề chủ động kiểm soát nguồn nước (ngọt và mặn) trong sản xuất và phòng tránh thiên tai.
Nhà báo Trần Cao: Như ông phân tích trên thì rõ ràng nguồn nước vô cùng dồi dào vào mùa lũ nhưng lại khô hạn ngay vào mùa khô. Phải chăng hệ thống thủy lợi cho ĐBSCL chưa được hoàn thiện, cụ thể mới làm khá tốt thủy lợi cho sản xuất lúa, còn thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái và đặc biệt nước sinh hoạt còn yếu?
GS.TS Trần Đình Hòa: Mặc dù trong khoảng 20 năm qua, đặc biệt là khoảng 10 năm gần đây, nguồn lực đầu tư cho thủy lợi vùng ĐBSCL đã được tăng lên rất nhiều, giúp cho việc phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nói chung tốt lên. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế sản xuất, yêu cầu về nguồn lực, kỳ vọng về một hệ thống thủy lợi hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp nói chung bao gồm cả lúa, thủy sản, cây ăn trái là điều chưa thực hiện được.
Bên cạnh khó khăn mang tính quyết định là nguồn lực, thì một trong những vấn đề đặt ra đó là quy hoạch sản xuất mang tính tổng thể cho cả vùng, vấn đề hợp tác liên vùng, liên tỉnh chưa được giải quyết cũng đã ảnh hưởng lớn đến quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi.
Việc quản lý nguồn nước ở ĐBSCL chưa thực sự theo phương pháp quản lý tổng hợp và bền vững theo lưu vực sông mà vẫn theo địa giới hành chính; chưa có quy hoạch phát triển tài nguyên nước toàn diện trên các hệ thống sông/lưu vực sông, mà thường là quy hoạch từng ngành riêng rẽ, như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch giao thông, xây dựng…, và cũng chưa có sự kết hợp quy hoạch các tài nguyên thiên nhiên khác, như quy hoạch đất, quy hoạch lâm nghiệp, thủy sản...; trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa xem xét đến yêu cầu sử dụng nước của các ngành trong toàn lưu vực sông mà chỉ chú ý đến từng ngành, địa phương riêng lẻ.
Theo tôi, hệ thống công trình thủy lợi phải được xem xét trên quan điểm phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực và đa mục tiêu, trong khi nhu cầu về nguồn nước, quy hoạch sản xuất, những vấn đề mang tính liên vùng (rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định) như vùng ĐBSCL chưa được giải quyết thì vấn đề quy hoạch hệ thống thủy lợi hoàn thiện cho toàn vùng sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, đối với ĐBSCL nên tách vấn đề cấp nước sinh hoạt riêng, ra khỏi vấn đề cấp nước sản xuất.
Nhà báo Trần Cao: Từ thực tiễn trên để rồi chúng ta kỳ vọng về một hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, lâu dài cho ĐBSCL, vừa trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực, vừa phục vụ nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái, những ngành hàng tiềm năng vô cùng lớn có giá trị thương mại rất cao của toàn vùng và cả đất nước?
GS.TS Trần Đình Hòa: Đúng vậy. Đó cũng chính là 3 ngành hàng mang tính cốt lõi, trụ cột phát triển cho ĐBSCL về hiện tại cũng như tương lai. Tuy nhiên, như đã phân tích, để phát triển bền vững cho ĐBSCL cần có một cách nhìn, quan điểm về quản lý và sử dụng tổng hợp nguồn nước.
Cần có sự kết hợp quy hoạch các tài nguyên thiên nhiên khác, như quy hoạch đất, quy hoạch lâm nghiệp, thủy sản...; trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước cần xem xét đến yêu cầu sử dụng nước của các ngành trong toàn lưu vực sông. Trong thực tế, ĐBSCL là một vùng đồng bằng rộng lớn, khá bằng phẳng, với hệ thống sông, kênh, rạch liên thông với chế độ thủy triều phức tạp và nguồn nước chứa đựng nhiều rủi ro thì vấn đề quản lý tổng hợp và bền vững hết sức quan trọng.
Nhà báo Trần Cao: Chúng tôi quan sát thấy gần đây một số vùng ven biển ĐBSCL mà điển hình là Chợ Lách - Bến Tre, người dân sáng tạo một số biện pháp trữ ngọt khá hiệu quả như xây dựng lu chứa, dùng túi lớn trữ nước. Liệu những mô hình này có thể nhân rộng, trở thành một tập quán tích trữ nước ngọt, thậm chí có thể đào ao như người dân các vùng miền khác thường làm?
Còn về lâu dài, trong điều kiện địa hình thấp, bằng phẳng, nhiễm phèn như ĐBSCL, liệu có thể xây dựng hồ chứa nước ngọt lớn trên thượng nguồn hoặc vùng giữa để cấp ngọt cho vùng hạ hay vùng ven biển, thậm chí làm đập đủ sức cung cấp toàn diện nước ngọt cho một số vùng nuôi thủy sản, phát triển cây ăn trái và nước sinh hoạt? Thưa ông, nếu có thể thực hiện được thì nên xây dựng ở đâu, trong trung hạn và dài hạn?
GS.TS Trần Đình Hòa: Bản chất của vấn đề hạn, mặn là do nguồn nước không đủ cung cấp so với nhu cầu sử dụng về mùa khô; xâm nhập mặn là do nguồn nước ngọt không đủ để lấn át nguồn nước mặn. Vì vậy, về nguyên tắc, việc huy động và sử dụng các giải pháp trữ nước ngọt một cách hợp lý là điều nên làm. Về vấn đề này, ta có thể tạm chia ra 3 nhóm giải pháp:
Nhóm giải pháp thứ nhất, là khôi phục lại hệ thống các ao hồ nhỏ tại các khu dân cư. Có thể nói, đây là giải pháp mang tính truyền thống của người dân Việt Nam, đặc biệt là các vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Giải pháp này không những góp phần trữ nước ngọt (vào mùa mưa) phòng khi hạn hán (về mùa khô) rất tốt mà còn góp phần điều tiết một phần nguồn nước trong mùa lũ, cải tạo môi trường, hệ sinh thái. Đây là một trong những giải pháp rất nên khuyến khích và nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ cho người dân (nhà nước và nhân dân cùng làm).
Nhóm thứ hai, tận dụng các nhánh sông để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên. Theo tôi, đây cũng là một giải pháp hiệu quả và có tính khả thi. Bên cạnh việc trữ nước chống hạn, việc duy trì được nguồn nước trong các nhánh sông này còn giúp giữ ổn định mực nước ngầm, giảm thiểu nguy cơ sụt lún đất. Vấn đề đặt ra cho giải pháp này là việc bổ cập nguồn nước, ngăn nguồn nước mặn xâm nhập, xử lý giao thông thủy và tình trạng ô nhiễm môi trường khi dòng chảy trong sông không được lưu thông thường xuyên. Điển hình cho giải pháp này (cả về ưu điểm và tồn tại) là công trình trữ nước “hồ Kênh Lấp” ở Bến Tre.
Nhóm thứ ba, xây dựng các hồ chứa nước lớn (nhân tạo) tại các vùng khan hiếm nước. Đây là vấn đề lớn, phức tạp hơn cần phải có các nghiên cứu, tính toán và phân tích hiệu quả tổng hợp một cách kỹ lưỡng. Việc xây dựng các hồ chứa nước ở các vùng miền núi Bắc Bộ hay Trung Bộ (phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên) khác rất nhiều so với việc xây dựng hồ chứa nước ở ĐBSCL. Trong đó, có hai điểm khác biệt rất quan trọng. Một là, đa số các hồ chứa ở phía Bắc được xây dựng tại các cao trình cao hơn các vùng cần lấy nước.
Do đó, việc tích nước về mùa mưa, cấp nước về mùa khô diễn ra “tự nhiên” và có trữ lượng lớn. Nguồn nước sẽ tự chảy vào lòng hồ vào mùa mưa và tự chảy ra (cấp nước) do thế năng của nguồn nước khi sử dụng (mùa khô). Do đó, chi phí quản lý và vận hành hồ chứa sẽ thấp hơn rất nhiều nếu so với vận hành hồ chứa đối với các hồ chứa tự nhiên nếu được xây dựng ở ĐBSCL.
Hai là, đặc điểm địa chất, tính chất thổ nhưỡng của ĐBSCL khá phức tạp, vấn đề đất chua phèn, nước nhiễm phèn, nhiễm mặn nhiều khi đan xen nhau. Nếu việc nghiên cứu, khảo sát, vị trí xây dựng các hồ chứa thiếu phân tích, đánh giá đầy đủ các yếu tố sẽ gây thiệt hại lớn.
Tình hình hạn, mặn đã, đang và sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nặng nề đối với đời sống người dân và sản xuất, việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp để khắc phục là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá tổng hợp hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường một cách thận trọng.
Nhà báo Trần Cao: Như chúng tôi biết thì Bộ NN-PTNT đang đầu tư 11 công trình thủy lợi trọng điểm cho ĐBSCL, trong đó có 5 công trình xong trước tiến độ 5-14 tháng đã kiểm soát mặn ngọt rất tốt cho một số tỉnh ven biển, góp phần làm nên thắng lợi vụ đông xuân 2020 ngoạn mục. Vậy khi tất cả các công trình này, trong đó kỳ vọng nhất là thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành, có lẽ sẽ giải quyết để yên tâm phần nào trong kiểm soát mặn ngọt cho 7 tỉnh ven biển. Ông có thể nói cụ thể hơn tác dụng các công trình này và những tác động có thể xảy ra?
GS.TS Trần Đình Hòa: Đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 được đánh giá là nặng nề hơn năm 2015 - 2016. Tuy nhiên, tổn thất của năm 2020 đã được hạn chế rất thấp so với đợt hạn mặn năm 2015, 2016. Đây là kết quả từ sự điều hành thống nhất của Chính phủ, thực hiện tốt và đồng bộ một loạt giải pháp từ công tác dự báo hạn, mặn với việc chủ động của các địa phương khi điều chỉnh thời vụ và quy mô sản xuất một cách hợp lý. Trong đó, có việc hoàn thành sớm và vận hành đồng bộ các công trình chủ động ngăn mặn, giữ ngọt cho ĐBSCL. Trong năm 2019, đầu năm 2020, Bộ NN-PTNT đã đầu tư xây dựng mới và hoàn thành sớm một số công trình như Âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu), cống Bông Bót, cống Tân Dinh (Trà Vinh), cống Thới Bình (Cà Mau), cống Vũng Liêm (Vĩnh Long)… theo quan điểm “chủ động kiểm soát mặn, ngọt” đã góp phần rất lớn trong việc phục vụ sản xuất và đời sống người dân được hiệu quả hơn.
Cũng cần nói rõ thêm, địa hình vùng ĐBSCL khá bằng phẳng, liên thông nhau bởi cả hệ thống sông và kênh dày đặc, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau về mọi mặt, nhất là vấn đề quản lý, sử dụng nguồn nước (lũ lụt, sạt lở, xâm nhập mặn…). Việc xây dựng các công trình trên các con sông, đặc biệt là ở các cửa sông sẽ có những tác động rất lớn. Hiện nay, ở ĐBSCL thể hiện rõ nét nhất với 3 hệ sinh thái và đi cùng với nó là 3 mô hình sản xuất chính thích ứng với từng hệ sinh thái. Thực tế cho thấy, các mô hình sản xuất này đã cơ bản tận dụng lợi thế tài nguyên nguồn nước (ngọt, mặn), tài nguyên đất và dần đi vào ổn định, các mô hình sản xuất này là phù hợp, thích ứng với các hệ sinh thái tự nhiên.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rõ ĐBSCL là vùng rất nhạy cảm với những biến động. Hiện nay đang phải đối mặt với 3 nhóm thách thức và tác động bất lợi chính: (1) Thách thức nội vùng; (2) Thách thức, tác động từ phía biển và BĐKH; (3) Từ phía thượng lưu. Các tác động đó đã gây ra 2 vấn đề lớn đối với đời sống và phát triển của vùng ĐBSCL:
Một là, gây nên sự bấp bênh, mất ổn định trong sản xuất nông nghiệp: Thời tiết cực đoan, diễn biến bất hường, xâm nhập mặn... không tuân theo quy luật; trong khi nguồn nước ngọt được cấp lại mất cân đối (chỉ tập trung vào mùa mưa), chế độ dòng chảy bị đảo lộn do sự điều tiết của các quốc gia thượng nguồn. Hai là, bị động trong phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai: Xâm nhập mặn khó kiểm soát; về mùa mưa tập trung với cường độ cao, kết hợp với lún sụt đất, triều cường, nước biển dâng sẽ gây ngập úng.
Do đó, nhiệm vụ của các công trình nếu được xây dựng là phải giải quyết được 2 vấn đề nêu trên một cách xuyên suốt trước mắt và lâu dài. Việc xây dựng các công trình phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng các mô hình sản xuất, tôn trọng các hệ sinh thái tự nhiên kể cả trước mắt và lâu dài. Các công trình này sẽ chủ động hỗ trợ và can thiệp để giúp ổn định sản xuất khắc phục tình trạng bấp bênh do các tác động tự nhiên và nhân sinh gây ra, góp phần phòng tránh thiên tai một cách chủ động.
Nhà báo Trần Cao: Có ý kiến là về lâu dài cần xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt từ An Giang - Đồng Tháp về các tỉnh ven biển. Theo giáo sư liệu có hiện thực, nên làm thế nào?
GS.TS Trần Đình Hòa: Thực ra, ý tưởng này đã có từ khá lâu và gần đây, trước diễn biến phức tạp, khó lường của vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn đã được nhiều nhà khoa học trao đổi, thảo luận trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, như đã trình bày ở phần trên, để tiến tới quyết định đầu tư xây dựng các công trình, hệ thống thủy lợi lớn mang tính liên vùng, liên lưu vực là rất quan trọng, cần thiết. Vần đề này phải được xem xét, phân tích một cách đầy đủ trên quan điểm quản lý tổng hợp tài nguyên nước cho toàn vùng.
Nhà báo Trần Cao: Còn giải pháp tại chỗ, chẳng hạn có ý kiến là nên xây dựng Cần Thơ thành trung tâm sản xuất nước sinh hoạt từ đó điều phối về các tỉnh ven biển?
GS.TS Trần Đình Hòa: ĐBSCL có một hệ thống sông ngòi và kênh rạch khá dày đặc tỏa đi khắp toàn vùng, cùng với lợi thế được tiếp cận nguồn nước ngọt khá thuận lợi. Do đó, việc bố trí một trung tâm sản xuất nước sinh hoạt cho toàn vùng có lẽ không kinh tế và không hợp lý so với phương án bố trí phân tán cho các địa phương có điều kiện, có thể chủ động tiếp cận một cách ổn định nguồn nước ngọt.
Nhà báo Trần Cao: Với ĐBSCL, cần xác định hạn mặn sẽ thường xuyên hơn buộc con người phải thích ứng, thành một tập quán mới trong sản xuất và sinh hoạt. Thể hiện rõ nhất là thích ứng trong chuyển đổi thời vụ bằng cách gieo trồng sớm hơn để né hạn mặn đến sớm trong vụ đông xuân hoặc né lũ vụ thu đông ở phía thượng lưu. Vậy thủy lợi phải điều tiết mặn ngọt thế nào để phù hợp sự thích ứng này, không riêng cho lúa mà cả thủy sản, cây ăn trái?
Ngoài ra, được biết, trục sản xuất ĐBSCL đã có phần thay đổi, đó là không nhất thiết chỉ ưu tiên cây lúa mà còn thủy sản, cây ăn trái, với thứ tự phát triển Thủy sản - Cây ăn trái - Lúa. Liệu công tác thủy lợi cũng nên xây dựng theo thứ tự ưu tiên trên?
GS.TS Trần Đình Hòa: Theo kết quả nghiên cứu, phân tích của các cơ quan nghiên cứu, có thể nói, ĐBSCL đang dần được “định hình lại” trước những biến động và tác động của thiên nhiên và con người (trong nước và ngoài nước). Vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ngày càng nặng nề và khó lường hơn.
Việc thay đổi thứ tự ưu tiên phát triển Thủy sản - Cây ăn trái - Lúa so với trước đây, xuất phát một phần từ thực tế điều kiện tự nhiên, nhưng quan trọng hơn là từ hiệu quả của chuỗi giá trị kinh tế cũng như bài toán phát triển kinh tế cho toàn vùng và toàn quốc.
Còn việc chủ động điều chỉnh thời vụ và quy mô sản xuất một cách hợp lý (gieo trồng sớm) cũng chỉ là một giải pháp nhằm giảm thiệt hại do biến động của nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Nhưng, như đã phân tích ở trên, vấn đề hạn, mặn xảy ra đối với vùng ĐBSCL không diễn ra theo quy luật cố định nào và không hẳn công tác dự báo của chúng ta sẽ luôn luôn đúng.
Thời tiết vẫn diễn biến bất thường, cực đoan, xâm nhập mặn, hạn hán vẫn khó lường, không tuân theo quy luật; và phụ thuộc vào chế độ dòng chảy do sự điều tiết của các quốc gia thượng nguồn. Do đó, chúng ta vẫn sẽ đối mặt với sự bấp bênh về nguồn nước và bị động trong phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Vì vậy, việc chuyển đổi thời vụ chỉ là một trong các giải pháp tình huống cho một thời gian và trường hợp cụ thể. Công tác thủy lợi phải hướng đến phục vụ đa mục tiêu và phát triển bền vững, chủ động kiểm soát nguồn nước. Như thế, nhiệm vụ của các công trình thủy lợi phải giải quyết được 2 vấn đề: chủ động hỗ trợ và can thiệp để giúp ổn định sản xuất khắc phục tình trạng bấp bênh do các tác động tự nhiên và nhân sinh gây ra và thích ứng, phòng tránh thiên tai một cách chủ động. Có như vậy, công tác thủy lợi mới đảm bảo nguyên tắc tôn trọng các mô hình sản xuất, tôn trọng các hệ sinh thái tự nhiên kể cả trước mắt và lâu dài. Phù hợp với Nghị quyết 120 của Chính phủ.