Chủ động phòng ngừa thiên tai trên Vịnh Bắc Bộ

TP Hải Phòng có trên 400 km, trong đó có gần 60 km đê biển, 15 cảng và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phục vụ cho gần 1.200 tàu cá và hàng nghìn tàu cá của các địa phương khác khai thác thủy sản vào tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

Là TP ven biển, Hải Phòng thường xuyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố thiên tai bão, lũ, triều cường, mưa lớn, thời tiết nguy hiểm trên biển và các hệ quả thiên tai như sóng, nước dâng do bão, ngập lụt, bồi lắng, xói lở, xâm nhập mặn…gây ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Trung bình hàng năm Hải Phòng chịu ảnh hưởng của 3 đến 5 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có từ 01 đến 2 cơn bão và ATNĐ đổ bộ trực tiếp. Kéo theo đó, các sông khu vực Hải Phòng chịu ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, mưa lớn, triều cường, sóng lớn và nước dâng do bão.

Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, khu vực Hải Phòng chịu ảnh hưởng của không khí lạnh với 16 đợt, trong đó có 7 đợt gió mùa Đông Bắc với cường độ trung bình đến mạnh và 9 đợt không khí lạnh tăng cường.

Các đợt không khí lạnh đã gây mưa vừa, có ngày mưa to, có thời điểm lượng mưa đo được tại Phù Liễn Kiến An lên đến 110mm, ngoài gây ngập úng trên diện rộng, nhất là khu vực nội thành thì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động trên và ven biển.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, địa phương hiện có 1.173 chiếc tàu cá có chiều dài Lmax từ 6m trở lên và khoảng 2000 tàu dưới 6m với khoảng 10.000 lao động và hàng ngàn tàu cá của các địa phương khác như: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định… thường xuyên hoạt động thủy sản tại các ngư trường trong Vịnh Bắc Bộ và vào các khu vực như: Cát Bà, Vịnh Lan Hạ, Trân Châu, Ngọc Hải, Mắt rồng, Quan chánh, Đông Xuân…để neo đậu tránh trú bão, ATNĐ.

Cùng với đó Hải Phòng có khoảng 11.000 ha nuôi trồng thủy sản (nước ngọt 5.600 ha, nước lợ mặn 5.400 ha), gần 4.000 ha nuôi ngoài đê (nuôi nhuyễn thể 1.560 ha; nuôi rươi, cá truyền thống nước ngọt, tôm cá nước lợ là 2.336 ha) và 440 bè/gần7.500 ô lồng nuôi (khoảng 1.100 lao động).

Nhận thức được nguy cơ và tác động của thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, TP Hải Phòng đã và đang tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ứng phó thiên tai và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Đơn cử như tại Đồ Sơn, mỗi cơn bão lớn đi qua, địa phương này đều phải huy động nhân lực vật lực ứng phó 24/24, phải di chuyển hơn 1.000 dân và thông báo kịp thời cho khoảng 27 chòi canh ngao, 172 phương tiện khai thác thủy sản của địa phương, 4 phương tiện dịch vụ thủy sản, 16 phương tiện du lịch chở khách.

Để chủ động ứng phó, trước mỗi cơn bão, công tác kiểm đếm tàu thuyền, các chòi nuôi ngao đã được lực lượng chức năng do Đồn Biên phòng Đồ Sơn chủ trì, phối hợp với UBND các phường tổ chức thực hiện xong trước ít nhất 1 ngày.

“Ngoài ra còn có các phương tiện của các địa phương khác trên địa bàn Hải Phòng và người dân của các tỉnh thành khác neo đậu. Tình hình diễn biến, thông tin về cơn bão được sóng liên tục trên hệ thống đài truyền thanh các phường để người dân chủ động phòng tránh. Việc này phải làm khẩn trương theo dõi 24/24”, ông Nguyễn Quang Dũng – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết.

Còn tại huyện Cát Hải, mỗi cơn bão đổ bộ, hoặc nguy cơ cao ảnh hưởng sẽ phải di chuyển hơn 800 tàu thuyền về các vùng vịnh để tránh trú bão và khoảng 1.000 hộ dân luôn trong tình trạng báo động, có thể di chuyển bất cứ lúc nào. Thậm chí, trong trường hợp trên cấp 12 thì phải di dân toàn bộ hơn 30 nghìn người dân trên đảo sẽ phải di chuyển vào trong đất liền.

Dù vậy, do ảnh hưởng hưởng của biến đổi khí hậu và tính phi quy luật của thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và chủ động ứng phó với các tình huống gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, do hạn chế về nhân lực, kinh phí, phương tiện và trang thiết bị, cùng với đó, thông tin, số liệu giữa các đơn vị phối hợp còn chưa thống nhất, nhất là số lượng tàu cá và ngư dân trong vùng ảnh hưởng của bão/ATNĐ đã khiến cho việc tổ chức ứng phó thiên tai, bão lũ tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng. Hệ lụy lớn nhất và đáng lo nhất đó chính là sự chủ quan, lơ là.

 

Mặc dù, trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau bão, địa phương cũng đã triển khai đồng bộ tất cả các lực lượng tại cơ sở như Bộ đội Biên phòng, Ban quản lý cảng cá, UBND các huyện, thị xã, UBND các xã/ phường ven biển tích cực thực hiện.

Nhờ có sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan của trung ương có nhiệm vụ về tìm kiếm cứu nạn trên biển như Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân, Cảnh sát Biển Vùng I, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực I đóng quân trên địa bàn, cơ bản ứng cứu kịp thời, xử lý các tình huống tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Tuy nhiên, khi có bão, ATNĐ vẫn xảy ra những tổn thất, thiệt hại về người và phương tiện của người dân tham gia hoạt động khai thác trên biển,… Đơn cử như năm 2021, bão, rét đậm, rét hại, nắng nóng, gió mạnh sóng lớn, mưa lớn … ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nhất là các hoạt động trên biển.

Thiên tai đã làm 2 người chết (tai nạn do mưa lớn), công trình kè biển tại khu du lịch Đồ Sơn bị hư hỏng; 4033,0 ha lúa bị đổ và 138,2 ha hoa màu bị ảnh hưởng... Trong đó, bão số 2, bão số 7, bão số 8 gây gió mạnh cấp 9, giật cấp 11 ở đảo Bạch Long Vĩ. Trận mưa cường độ lớn ngày 26/8 tại khu vực nội thành và các huyện Thủy Nguyên, An Dương với lượng mưa 120 - 150 mm.

Còn từ đầu năm 2022 đến nay, Hải Phòng chưa chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, chưa có thiệt hại, sự cố phát sinh nhưng cũng đã chịu ảnh hưởng của không khí lạnh với 16 đợt, trong đó đáng lưu ý là 7 đợt gió mùa Đông Bắc, cường độ trung bình đến mạnh. Gió mùa đông bắc có thời gian dài và thường gây sóng lớn, gây nguy hiểm cho tàu thuyền đi lại trên biển.

Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp nắng nóng, mưa giông trên diện rộng, xuất hiện bão (bão số 3) ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển. Trên biển có nhiều cảnh báo nguy hiểm... ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông, sản xuất trên biển của các loại tàu thuyền, đặc biệt là công tác tuần tra, kiểm soát và công tác cứu hộ, cứu nạn của các đơn vị.

Chỉ tính riêng trong tháng 8/2022, vùng biển Hải Phòng đã xảy ra 6 vụ bị nạn trên biển, tháng 9 xảy ra 9 vụ/5 PT/11 người bị nạn, chết 3 người, bị thương 1 người. chìm đắm 1 phương tiện, tháng 10 xảy ra 8 vụ và tháng 11 xảy ra 5 vụ khiến 2 người chết, 1 người bị thương, gây chìm đắm 1 phương tiện.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, nguyên nhân chủ yếu là do một số ngư dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, các khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu của số lượng tàu thuyền khi có bão xảy ra.

Mặt khác, hệ thống luồng lạch cạn dẫn đến khó khăn trong việc điều động tàu thuyền, lực lượng chức năng yếu và mỏng nên nhiều lúc chưa đảm bảo bố trí đầy đủ lực lượng tại các vị trí.

Ông Nguyễn Bá Tiến cho biết, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy chống lụt bão và tìm kiếm cứu tại TP Hải Phòng cho biết, đặc điểm của vùng biển Vịnh Bắc Bộ là có gió mùa đông bắc trong thời gian dài, thường tạo sóng lớn do đó tàu bè rất dễ xảy ra sự cố. Khi phát hiện thường ở cự ly xa, khó tiếp cận.

Để hạn chế thiệt hại, cần làm tốt công tác cảnh báo, di dời, tổ chức phòng ngừa.Với tàu thuyền cần kiểm soát chặt chẽ an toàn trước khi ra khơi, đầy đủ trang thiết bị thông tin liên lạc, theo dõi trên biển.

Ngoài quản lý chất lượng tàu thì phải tổ chức các đội sản xuất, tăng cường tuyên truyền việc hỗ trợ lẫn nhau, khi hoạt động trên biển nếu phát hiện tàu thuyền gặp sự cố dù không biết nhau cũng phải tổ chức ứng cứu.

 “Nước xa không cứu được lửa gần, hầu như khi xảy ra các sự cố trên biển việc tiếp cận rất khó và mất thời gian, trong khi nhân lực vật lực, phương tiện của chúng ta có hạn nên việc cứu nạn trên biển thực sự khó khăn. Chúng ta cần phải thông tin về các cơn bão kịp thời, tăng cường lực lượng chuyên trách cũng như tuyên truyền cho người dân về hỗ trợ cứu nạn trên biển, tập hợp thành các tổ đội sản xuất giúp đỡ nhau trên biển”, ông Tiến chia sẻ.

Là cửa chính ra biển, đầu mối giao thông quan trọng của Miền Bắc và cả nước, có vị trí trọng yếu về Quốc phòng - An ninh nhưng về cơ bản mỗi khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão đổ bộ, các hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ nội địa, phà sống, phá biển, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển, ven biển, đảo và ven sông tại Hải Phòng đều bị đình chỉ để thuận lợi cho việc di chuyển dân cư, hạn chế thiệt hại.

Mặt khác, các đơn vị đều phải khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn cũng như ngăn chặn, không để các tàu thuyền thuỷ sản, phương tiện đường thuỷ nội địa đã vào nơi trú tránh hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn.

Tại huyện Cát Hải, khu vực giáp phía nam đảo Cát Hải thường có triều cường và xung yếu, khi bão xảy ra sẽ phải di dân tại chỗ về các vị trí cao hoặc Ủy ban nhân dân xã để tránh trú.

Tại đảo Cát Bà, toàn bộ khu vực cảng Cát Bà, khu vực Bến Bèo và một số vị trí xung yếu thì phải di chuyển 100% các giàn bè, các nhà hàng dịch vụ trên biển về các vị trí an toàn.

Để thuận lợi cho việc di chuyển dân cư, hạn chế thiệt hại, thường những cơn bão lớn TP Hải Phòng đều ban hành lệnh cấm biển, dừng hoạt động các hoạt động tàu bè trên biển.

Còn việc di chuyển dân cư tránh trú bão thường được huyện chủ động làm sớm, ít nhất là xong trước 1 ngày, toàn bộ người dân và tàu bè đều được di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

“Đầu mỗi năm sẽ giao cho 1 ngành tìm hiểu về thị trường, nhu yếu phẩm để ứng trước kinh phí cho đơn vị cung cấp để họ tích trữ hàng hóa, khi bão xảy ra là luôn luôn có nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân. Ngoài ra, các xã đều có phương án dự phòng nên vấn đề này những năm qua, huyện Cát Hải luôn thực hiện tốt, chủ động, người dân yên tâm tránh trú bão”, ông Nam cho hay.

Trong khi đó, tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, ngư dân ngoài đảo chủ yếu đánh bắt thủy hải sản, khi có cơn bão, tùy theo cường độ của bão sẽ có phương án ứng phó và di chuyển ngư dân vào nơi an toàn.

Nếu bão to thì những tàu thuyền nhỏ sẽ được đưa vào âu và cẩu lên bờ, còn một số tàu to quá không đưa lên được thì sẽ được chằng buộc cẩn thận, đảm bảo không có người ở dưới tàu. Người dân sẽ được đưa vào tránh trú bão tại Khu thanh niên xung phong, tòa nhà đa năng…

Khi có bão thì các con tàu đánh cá về cơ bản đã được thông báo và buộc phải vào đất liền hết, chỉ chủ yếu những tàu nhỏ. Có đợt là mấy chục người được đưa lên đảo, tùy theo từng cơn bão. Về cơ bản từ trước đến nay không thiệt hại gì nhiều do chúng ta đã chủ động trong việc thông tin, buộc người dân phải chấp hành, nếu không sẽ giao cho lực lượng biên phòng yêu cầu người dân chấp hành để hạn chế thiệt hại thấp nhất có thể.

“Những tàu kịp di chuyển vào bờ thì cơ bản được yêu cầu vào trong đất liền trước khi có bão, còn những tàu không kịp về thì mới tránh trú trên đảo. Về lương thực, thực phẩm, thuốc men thì chính quyền phải bố trí, thường thì người dân chỉ tránh trú bão chỉ 2, 3 ngày, chính quyền đã có kế hoạch chuẩn bị và dự trữ từ đầu năm như mì tôm, gạo… nên khi bão xảy ra cơ bản là không vướng mắc”, ông Trần Quang Tường, Bí thư Huyện đảo Bạch Long Vĩ cho biết.

Trên thực tế, những năm gần đây, do việc chỉ đạo rất sát sao trong việc cảnh báo, hướng dẫn tàu thuyền cho bà con khi khai thác trên biển trong mùa mưa bão rất tốt nên hầu như không có vụ việc tàu bè bị chìm đắm khi đang hoạt động trên biển, chỉ có những tàu chìm, đắm chủ yếu là tại nơi tránh trú bão.

Để ứng phó với chục cơn bão mỗi năm, Hải Phòng cũng cần tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi tổ chức thông báo, cảnh báo, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão và kịp thời tham mưu chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Luôn chủ động, chống tư tưởng chủ quan, đơn giản, coi thường các cơn bão, lụt, các đợt gió mùa đông bắc, giông, lốc... Đặc biệt, hết sức chú ý phòng tránh các thiên tai để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện thuỷ sản, cơ sở sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt phương châm “Phòng là chính” và thực hiện tốt “Bốn tại chỗ”.

Ngoài việc tổ chức thống kê số lượng tàu thuyền, thuyền viên, lồng bè nuôi trồng thủy sản cần tăng cường quản lý đăng ký, đăng kiểm tàu cá cũng như kiểm tra chặt chẽ tình trạng kỹ thuật, trang thiết bị an toàn, thông tin liên lạc của tàu thuyền hoạt động trên biển khi có bão hoặc ATNĐ.

Mặt khác, cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư và chính quyền các địa phương có biển để tổ chức các lớp tập huấn cho bà con ngư dân về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, công tác quản lý ao, đầm, bảo vệ tài sản.

Với một số địa phương có vị trí trọng yếu như: Cát Hải và Đồ Sơn, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, phương tiện chuyên dùng, bước đầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ hỗ trợ, tham mưu ra quyết định chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai.

Cùng với người dân, lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ đã phát huy vai trò quan trọng chủ công trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng có thể huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và lượt phương tiện tham gia ứng phó với thiên tai và tổ chức sơ tán hàng nghìn hộ dân trong các tình huống thiên tai đến nơi an toàn.

Theo ông Đỗ Gia Khánh – Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng, Phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng, để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cần có những hướng dẫn cũng như triển khai các nhiệm vụ sắp xếp tàu cá tại các khu neo đậu khoa học, đúng theo các hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chức năng. Đặc biệt cần quan tâm nạo vét các luồng lạch để đảm bảo cho tàu, thuyền đi lại thuận lợi tại các khu tránh trú bão.

Thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục củng cố lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bổ sung trang bị phương tiện cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ đồng thời tăng cường sự phối hợp với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Bên cạnh đó TP Hải Phòng mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ hơn nữa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành Trung ương tiếp tục đầu tư nâng cấp công trình đê điều bằng nguồn vốn Trung ương, vốn vay WB, ADB.

Quan tâm đầu tư xây dựng Trạm TKCN Bạch Long Vĩ trực thuộc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I, đầu tư kinh phí thực hiện Dự án cảng và khu neo đậu tàu phía Tây Nam của đảo với kinh phí dự kiến 1.000 tỷ đồng.

Đồng thời đầu tư trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố cháy nổ, tràn dầu cho các đơn vị chuyên trách, bán chuyên trách như: Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Khu vực I, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực Miền Bắc, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Bộ đội biên phòng và đơn vị lực lượng vũ trang tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Có thể thấy, hiện nay đã có hệ thống giám sát tàu cá, giám sát tất cả tàu cá từ 15m trở lên với số lượng khoảng rất lớn nhưng số lượng tàu cá tắt thiết bị giám sát khi đi khai thác rất lớn, chiếm không đáng kể.

Do đó, cần tuyên truyền, đề nghị ngư dân khi đi khai thác thủy sản xa bờ phải bật thiết bị giám sát hành trình 24/24, từ lúc đi khai thác cho đến lúc về bờ để đảm bảo việc quản lý ngành khai thác và khi có áp thấp nhiệt đới thì sẽ kịp thời cảnh báo, giúp hạn chế thiệt hại tối đa cho bà con.

Còn trong việc ứng phó, hướng dẫn tàu thuyền khi bão đến, đặc biệt là khu nuôi trồng thủy sản ven bờ còn một số hạn chế, đề nghị các tỉnh khi có bão lớn đổ bộ thì hướng dẫn bà con thu hoạch sớm những sản phẩm đã đủ điều kiện để giảm thiệt hại tối đa nhất về kinh tế.

Đinh Mười
Trọng Toàn
CTV