Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ với báo chí về những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ công tác 5 năm tới. Ông cho biết, nó không đơn thuần là những con số chỉ tiêu tăng trưởng, mà bao hàm cả vấn đề khó lượng hóa hơn, đó chính là nâng cao tri thức người nông dân, phát triển kinh tế hợp tác để tạo ra hiệu năng cao trong sản xuất nông nghiệp.
Thưa Bộ trưởng, ông suy nghĩ gì về lộ trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới?
Trước tiên, chúng ta cần phân tích cái gì đang cản trở kinh tế nông thôn, từ đó đưa ra kiến nghị, cơ chế, chính sách kích thích sự phát triển. Chưa vội bàn đến cơ chế vận hành, trước tiên chúng ta hãy nói đến tư duy phát triển.
Một thời gian, chúng ta chú trọng doanh nghiệp lớn. Cái đó là quan trọng vì doanh nghiệp lớn mới định hình được thị trường, dẫn dắt chuỗi giá trị. Nhưng có đôi lúc, chúng ta thiếu mặn mà với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trong tự nhiên, một cây cổ thụ không thể trụ vững được với phong ba, bão táp mà cần phải có những cây thấp bé hơn, thậm chí là thảm thực vật phía dưới. Tất cả thành tố trên tạo nên hệ sinh thái. Không có cái nào gọi là quan trọng tuyệt đối. Cả con voi và con kiến đều có sứ mạng, vai trò như nhau.
Nếu chúng ta không thấy tầm quan trọng của doanh nghiệp nhỏ, của hợp tác xã thì chúng ta sẽ bỏ lơ, xem nhẹ việc phát triển nó. Thậm chí, ở nơi này nơi kia, chúng ta xem nó là một hình thức tự nguyện hợp tác. Chúng ta chỉ mong mỏi tìm những con “đại bàng” để thay đổi ngành nông nghiệp.
Bởi vậy, chúng ta cần định hình một cách thống nhất hệ sinh thái kinh tế nông thôn, trong đó có cả những mô hình trước đây chúng ta ít chăm lo, ít săn đón, ít "lót ổ" và chào đón. Đó chính là những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và hợp tác xã.
Hợp tác xã là triết lý tư tưởng của nhân loại, chứ không phải của chúng ta. Nó xuất phát từ Anh, là tập hợp những người yếu thế trong xã hội thành số đông để đương đầu với những rủi ro của thị trường.
Rất nhiều quốc gia thành công về xây dựng hợp tác xã, kể cả các quốc gia gần ta như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Thậm chí, Thái Lan có hẳn một bộ là: Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã.
Vậy vì sao chúng ta lúng túng trong việc phát triển và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã?
Khi ta đứng một mình, thì không bao giờ chúng ta thu hút được nguồn lực từ bên ngoài. "Hợp quần gây sức mạnh", “đoàn kết làm nên sức mạnh” - chúng ta vẫn thường nói như vậy. Nhưng ở nhiều nơi, các cấp ủy, chính quyền ít quan tâm đến phát triển hợp tác xã. Hợp tác xã đang yếu kém về năng lực quản trị, nhưng chúng ta thiếu cơ chế để hỗ trợ.
Trong thời gian qua, chúng ta thành lập nhiều hợp tác xã. Nhưng, hoạt động của các hợp tác xã mới chỉ làm được chức năng thu mua nông sản của nông dân và kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Đó chỉ là phần công việc nhỏ - giống như vai trò của thương lái, chứ chưa phải bản chất đầy đủ của mô hình hợp tác xã.
Trên thế giới, hợp tác xã hướng tới những giá trị khác của một ngành hàng, một vùng nông sản; nâng tầm từ chuỗi liên kết lên chuỗi giá trị. Bởi, nếu là chuỗi liên kết bao tiêu nông sản, thì sản phẩm từ nông dân đến nơi tiêu thụ vẫn là một, chỉ chênh lệch về mức giá.
Nhưng khi phát triển thành chuỗi giá trị, từ một hạt lúa, hợp tác xã sẽ tổ chức từ khâu bảo quản, chế biến, đóng gói, phát triển thương mại điện tử... Qua đó, vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn.
Người nông dân thay vì chỉ hưởng lợi từ thành quả của hoạt động sản xuất, họ còn được hưởng lợi thêm từ việc tham gia hoạt động dịch vụ của hợp tác xã. Tại sao lao động nông thôn phải lên thành phố để xin làm việc tại các nhà máy chế biến nông sản, trong khi không thể làm được những công việc đó ở chính quê hương mình.
Nếu chú trọng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chỉ có số ít người được hưởng lợi. Nhưng khi chúng ta đầu tư, hỗ trợ, nâng cao năng lực hợp tác xã, lợi ích sẽ thuộc về số đông - là hàng chục triệu nông dân.
Vậy theo Bộ trưởng, làm thế nào để Nhà nước có thể “lót ổ” những con “chim sẻ”, để đàn "chim sẻ" lớn mạnh như “đại bàng”?
Trước hết, chúng ta cần đặt mình là người nông dân để hiểu suy nghĩ của họ. Chúng ta thuyết phục nông dân đừng bán trái xoài tươi mà chuyển sang làm mứt xoài, nước ép xoài. Khi họ chấp nhận sự thay đổi, thách thức mới bắt đầu nảy sinh.
Thứ nhất, làm thế nào để chế biến được trái xoài tươi thành các sản phẩm nói trên? Làm thế nào để có vốn tái đầu tư cho vụ sau, khi sản phẩm vẫn đang bảo quản trong kho lạnh để phục vụ chế biến?... Nông dân thường mơ hồ về những vấn đề này.
Khi tôi làm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, nông dân vẫn thường nói câu: “Cán bộ Nhà nước nói vậy nhưng chưa chắc đã phải vậy”. Bởi, thương lái quá hiểu nông dân, đến vụ thu hoạch là họ đến tận vườn thu mua, bán rất nhanh chóng. Nhưng thông qua sản phẩm chế biến, nông dân không biết bán ở đâu.
Bởi vậy, Nhà nước phải là người dẫn dắt, người kết nối, định hướng và cung cấp thông tin thị trường cho nông dân. Chúng ta phải hiểu trăn trở của nông dân để cùng giải mã những câu hỏi đó, chứ không phải đồng hành chung chung. Vì để vượt qua được sự thay đổi là cả một hành trình. Khi chuyển qua sản phẩm mới, đâu phải thị trường chấp nhận ngay.
Vậy muốn làm được điều đó, phải chăng trước hết, chúng ta cần thay đổi tư duy của lãnh đạo địa phương và cả hệ thống chính trị?
Đúng vậy. Nếu đội ngũ lãnh đạo hay cơ quan chuyên ngành đặt mục tiêu như thế nào thì sẽ đồn sức để đạt được mục tiêu đó. Ngày xưa, chúng ta lấy năng suất và sản lượng là mục tiêu phấn đấu thì các cấp ủy, ban ngành, cơ quan chuyên môn tập trung hỗ trợ người sản xuất. Nhiều khi chúng ta không để ý chi phí đầu tư là bao nhiêu. Trong báo cáo chúng ta thường không đề cập đến chi phí sản xuất mà chú ý đến doanh thu, giá bán và sản lượng.
Đó không phải là bản chất của tư duy kinh tế. Nếu ông A bán sản phẩm được 10 đồng mà chi phí sản xuất 9 đồng, thì lợi nhuận chỉ 1 đồng. Nhưng, nếu ông B bán sản phẩm 8 đồng mà chi phí chỉ hết 6 đồng thì lợi nhuận đạt được sẽ gấp đôi ông A.
Chúng ta có những ngành hàng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng đó chỉ là số lượng, chứ chưa phản ánh được giá trị gia tăng của sản phẩm.
Có hai chữ gần như nhau, trong đó có một chữ chúng ta hay dùng và ngộ nhận đó là "hiệu quả". "Hiệu quả" là ta đạt được mục tiêu đã đề ra. Nhưng từ ít dùng hơn là “hiệu năng” - anh đạt hiệu quả nhưng với chi phí thấp nhất.
Cả hai người làm việc đều tạo ra sản lượng như nhau, nhưng ai bỏ ra chi phí thấp nhất thì "hiệu năng" cao hơn. Bởi vậy, chúng ta phải lấy cả giá bán ở đầu ra và chi phí đầu vào để đánh giá. Từ đó, Nhà nước đề ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ để làm sao người nông dân sản xuất thực hiện được đồng thời hai mục tiêu: chi phí thấp nhất và bán được giá cao nhất. Đó mới là tư duy kinh tế.
Thành tựu của nông nghiệp Đồng Tháp trong thời gian qua ghi nhận dấu ấn đậm nét của Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan. Vậy, khi ở trên cương vị “tư lệnh” ngành Nông nghiệp, ông có lan tỏa mô hình hay của Đồng Tháp để có thể áp dụng cho cả nước?
Xét về bản chất, bất cứ mô hình nào mang lại giá trị chung thì sẽ có tính lan tỏa. Còn khi nào nó có tính đặc thù thì khả năng nhân rộng sẽ khó. Những mô hình ở Đồng Tháp hướng tới giá trị chung.
Từ những ngày đầu tiên của tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp, chúng tôi không nghĩ tới việc phải trồng cây gì và nuôi con gì; không nghĩ phải trồng bao nhiêu, nuôi bao nhiêu. Cách đây 5 năm, chúng tôi không vẽ bức tranh sản lượng mà tập trung đổi mới tư duy và sự vận động. Đó chính là giá trị chung.
Đồng Tháp không có mô hình trồng cà phê để nhân rộng lên vùng Tây Nguyên. Đồng Tháp không có mô hình thủy sản nước mặn để đem ra biển. Nhưng Đồng Tháp luôn đi theo 6 mục tiêu: “Hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến”. Dù con gì, cây nào, bao nhiêu thì cũng đều phù hợp hết.
Tức là muốn nuôi, trồng bất cứ cây, con gì thì người nông dân phải hợp tác với nhau để giảm chi phí, nâng chất lượng, thay đổi quy trình canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật, để được Nhà nước hỗ trợ. Bởi, Nhà nước không hỗ trợ người nông dân cụ thể mà hỗ trợ hạ tầng chung cho mô hình. Mỗi người nông dân sẽ hưởng lợi ở cái chung chứ không hưởng lợi ở cái riêng. Qua đó, không để người nào ở riêng bên ngoài.
Càng có cái riêng thì càng có sự cạnh tranh. Ở đây là cạnh tranh giữa những người nông dân với nhau trong hai vấn đề. Đầu tiên là cạnh tranh mua vật tư đầu vào. Nếu họ muốn mua phân bón, thuốc trừ sâu, giống trước thì họ phải chấp nhận trả giá cao. Trong vụ thu hoạch, nếu họ muốn bán nông sản trước, thì phải hạ giá sản phẩm để tạo lợi thế cạnh tranh. Cứ như thế, người này kéo người kia, đầu vào thiệt mà đầu ra cũng thiệt.
Nếu những người nông dân hợp vào hợp tác xã thì sẽ có chung tiếng nói. Tổ chức của nông dân có thể mua thẳng sản phẩm từ nhà máy, chứ không cần qua nhiều cầu trung gian. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống... sẽ rẻ hơn. Mặt khác, doanh nghiệp phải mua nông sản của xã viên với cùng một mức giá trên cơ sở tính toán phù hợp lợi ích giữa người sản xuất và doanh nghiệp.
Nhưng rõ ràng, để nông dân chịu thay đổi tư duy về kinh tế hợp tác không phải là chuyện đơn giản. Chắc chắn ban đầu sẽ gặp khó khăn?
Khi còn là Bí thư tỉnh Đồng Tháp, có ông nông dân hỏi tôi, tại sao nông dân Việt cần cù, thông minh nhưng không giàu bằng nông dân Nhật Bản hay Thái Lan. Khi ấy, tôi đã suy nghĩ rất nhiều vấn đề này. Nửa tháng sau, tôi gặp ông nông dân ấy và trả lời: Vì nông dân mình thiếu tinh thần hợp tác với nhau, chưa kể xã hội nông thôn đã xuất hiện tư tưởng so đo, hẹp hòi, ai giàu hơn chút xíu là đố kỵ.
Nếu nông dân không hợp tác với nhau thì lại giống như câu chuyện tôi nói ở trên, sẽ rơi vào bi kịch của cạnh tranh cá thể. Họ phải vượt qua cái đó, rời khỏi ngôi nhà của mình, bước ra cộng đồng để ngồi bàn tròn chia sẻ với nhau, họ không giấu nghề.
Tuy nhiên, chúng ta phải chứng minh cho nông dân thấy “cái gì chia thì nhỏ, chứ chia kiến thức, chia niềm tin, chia sức mạnh thì càng chia càng lớn”. Từ đó, bài toán chia biến thành phép toán nhân. Muốn hợp tác trong làm ăn, trước tiên cần hợp tác trong cuộc sống, bớt so đo, biết nhường nhịn nhau, tôn trọng nhau.
Từ đó, ở Đồng Tháp sinh ra thiết chế mới là Hội quán. Ở đó, nông dân cùng tự nguyện sinh hoạt với nhau, bàn bạc, thảo luận và tự chủ vận mệnh của mình. Các thành viên trong hội quán tự bầu thủ lĩnh. Và thủ lĩnh không có lương bổng, phụ cấp, họ tự nguyện hy sinh một chút quyền lợi để dẫn dắt cả tập thể cùng phát triển. Việc của chính quyền là lắng nghe, kết nối, tạo thuận lợi để hội quán hoạt động tự lực, tự chủ, tự quản thông qua hỗ trợ hạ tầng thông tin, bàn ghế, kiến thức.
Không phải Nhà nước không muốn hỗ trợ nông dân, mà thực sự không đủ nguồn lực để giúp hàng triệu nông dân. Giống như một tấm chăn nhỏ, kéo đầu này thì hở đầu kia. Khi nông dân thoát ra khỏi tâm lý trông chờ sự hỗ trợ thì sẽ kích hoạt được sự năng động, sáng tạo.
Trên cương vị tư lệnh ngành NN-PTNT, trong nhiệm kỳ tới, ông sẽ tập trung cho những nhiệm vụ nào?
Có thể nói, nhiệm kỳ lãnh đạo của Bộ NN-PTNT vừa qua đứng trước một hải trình đầy sóng gió, đầy bất định, biến động, phức tạp. Đỉnh điểm là sự đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu do dịch bệnh Covid-19; các loại hình thiên tai mưa bão, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra dồn dập trong khoảng thời gian ngắn vào những năm cuối nhiệm kỳ.
Nhưng rõ ràng, nông nghiệp vẫn phát triển, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Những chỉ tiêu Quốc hội giao ngành nông nghiệp đều đạt và vượt. Đó là di sản để lại cho nhiệm kỳ sau, vừa là thuận lợi vì có một nền tảng, vừa tạo ra áp lực vì 5 năm sau lại là sự thay đổi từ không gian bên ngoài rồi, từ cục diện thế giới, từ cán cân thương mại; từ áp lực toàn cầu hóa, dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan... ngày càng gay gắt hơn.
Làm sao phải vừa giữ được thành quả của nhiệm kỳ cũ, tạo ra những giá trị mới cao hơn từ thành quả đó; đưa mục tiêu của ngành đi nhanh hơn và phải lường trước, song hành với sự linh hoạt cả bộ máy để thích ứng với sự thay đổi mà có thể chúng ta không tưởng tượng được.
Một con tàu chở container bị mắc kẹt ở kênh đào Suez tại Ai Cập, mình tưởng nó ở trời Tây, không dính dáng gì tới mình. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, nước này “hắt hơi, sổ mũi” thì lập tức tác động đến nước ta, không có container để vận chuyển hàng hóa thì sẽ tắc nghẽn đơn hàng, hoặc đội giá sản phẩm của chúng ta lên.
Chúng ta càng hội nhập sâu với thế giới, độ mở càng lớn thì càng dễ bị tổn thương. Nên chúng ta đừng bao giờ nghĩ lúc nào chúng ta cũng cầm ở cái cán, mà có lúc chúng ta phải xoay lại cái lưỡi; luôn luôn linh hoạt, luôn luôn tìm ra giải pháp để vừa chống chịu được, vừa đứng vững hơn chứ không phải chúng ta đặt ra kế hoạch với những con số đơn thuần.
Những năm qua, chúng ta nhắc nhiều đến khái niệm “kinh tế tuần hoàn”. Theo ông, đây có phải là tương lai của nền nông nghiệp?
Không phải chỉ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng mà từ xa xưa, cha ông ta đã ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất. Ví dụ, sau khi thu hoạch lúa, chúng ta lấy rơm để cho trâu, bò ăn; đốt rơm thành tro hay trộn rơm với bùn và chất thải động vật để ủ phân hữu cơ...
Hiểu một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là lấy phế thải của ngành này làm nguyên liệu đầu vào của ngành khác. Bởi vậy, chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển nếu chịu khó suy nghĩ, nghiên cứu.
Chúng ta không chỉ trồng ngô để lấy hạt, mà phải trả lời những câu hỏi: cùi bắp ngô có thể làm gì? Lá ngô có thể làm gì? Thân cây ngô có thể làm gì? Đó là quá trình nghiên cứu liên tục, để sản phẩm sau tạo giá trị cao hơn trước.
Một mình nông dân thì không thể làm được. Các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học phải cùng vào cuộc để nghiên cứu vấn đề này, qua đó tạo ra sản phẩm khác biệt từ phụ phẩm nông nghiệp.
Chúng ta cũng phải thuyết phục người nông dân từ bỏ tâm lý dễ chấp nhận, dễ bằng lòng với cái đang có; khuyến khích họ tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ phát triển sản phẩm mới để hàng hóa nông dân làm ra có chỗ đứng trên kệ hàng của các siêu thị, khu chợ.
Đó chính là bệ đỡ của Nhà nước để nông dân và doanh nghiệp tự tin phát triển sản phẩm. Khi làm được điều đó, chúng ta không chỉ tận dụng được tối đa tài nguyên mà còn giảm sự cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp chuyển sang hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau làm giàu.
Một vài năm gần đây, chuyển đổi số được kỳ vọng tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ ngành Nông nghiệp, vậy Bộ NN-PTNT đã có chủ trương và kế hoạch như thế nào để đẩy mạnh chuyển đổi số?
Chuyển đổi số là nấc thang cao hơn của quá trình chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin, của cuộc cách mạng 4.0, qua đó kết nối vạn vật, dữ liệu lớn...
Muốn làm được cuộc cách mạng số, thì phải hiểu được giá trị thặng dư mà nó mang lại đối với chuỗi giá trị các ngành hàng. Nếu không, chúng ta sẽ không đeo đuổi vì luôn có sự giằng xé ở thói quen hàng ngày với những thứ phức tạp. Nhiều người rất ngại thay đổi.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói với tôi rằng, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực rộng đường chuyển đổi số nhất để kích thích giá trị gia tăng.
Bởi nếu chuyển đổi số chỉ giới hạn ở doanh nghiệp thì chỉ phục vụ lợi ích của thiểu số. Còn chuyển đổi số trong nông nghiệp thì có thể phục vụ hàng chục triệu nông dân, qua đó kết nối các hợp tác xã, kết nối giữa người sản xuất, chế biến với thị trường một cách nhanh nhất.
Một trong những câu chuyện chúng ta hay nói thời gian qua, đó là vấn đề giải cứu nông sản. Nguyên nhân là do chúng ta không kết nối được nông dân ở những mảnh vườn và người tiêu dùng trên thị trường.
Ngày nay, người ta có thể kết nối vạn vật, kết nối người và vật thì tại sao không kết nối người với người, nông dân với nông dân, nông dân với thương lái, nông dân với doanh nghiệp, nông dân với chuyên gia bảo vệ thực vật và thú y; kết nối giữa Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương,... để phát triển thị trường và định hướng sản xuất.
Bởi vậy, chuyển đổi số trong nông nghiệp hãy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất, đó là sự kết nối. Sau đó, chúng ta mới nghĩ đến chuyển đổi số để hình thành nền nông nghiệp thông minh, qua đó người nông dân có thể ngồi ở nhà để canh tác nông nghiệp thông qua các thiết bị và phần mềm điều khiển tưới tiêu tự động...
Thậm chí, tôi không cần mảnh đất nào nhưng vẫn tạo ra được giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản nhờ kinh doanh dịch vụ kết nối, cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm...
Hồi xưa chúng ta chú trọng khuyến khích người sản xuất trực tiếp, vì người sản xuất là người tạo ra giá trị, còn mấy ông thương nhân không tạo ra giá trị, xem nhẹ tầng lớp này.
Thương nhân được gọi với những từ ngữ phản cảm như “gian thương”, mua đầu chợ, bán cuối chợ và hưởng chênh lệch giá. Nhưng Nghị quyết của Đảng đã nói rồi, nếu không phát triển kinh tế tư nhân thì không thể kéo được sản xuất phát triển.
Người nông dân có nhiều hạn chế trong tiếp cận công nghệ số, làm thế nào để không bỏ họ lại phía sau?
Tôi nói một câu đơn giản, tất cả tri thức xuất thân từ những người khoa học, nhà nghiên cứu, nhưng tri thức không dành riêng cho ai, không phải độc quyền của giới tinh hoa. Chúng ta hay nói công nghệ số dành cho những doanh nghiệp lớn, tại sao không nghĩ đến mấy chục triệu người nông dân.
Hãy bắt đầu chuyển giao cho họ tiếp cận từ những công nghệ số ở mức thấp nhất, tạo điều kiện cho họ đi học để nâng cao trình độ công nghệ thông tin, đừng để người nông dân thu mình trong ốc đảo tri thức, mặc dù giới tinh hoa là người tạo ra tri thức.
Chúng ta thường đánh giá người nông dân thông qua sự thay đổi về mức thu nhập, ví dụ thu nhập năm nay cao gấp 1,5 lần so với 5 năm trước... Nhưng thu nhập không phải nói lên chất lượng cuộc sống. Nâng cao dân trí là cả một quá trình mà Nhà nước cần hỗ trợ nông dân, qua đó xây dựng đội ngũ nông dân đủ tri thức để thay đổi chính cuộc ống của họ.
Khi mấy chục triệu hộ nông dân thay đổi thì nông nghiệp sẽ thay đổi. Tại sao không coi công nghệ số là một nghề để đưa vào giáo trình đào tạo nghề cho nông thôn bằng ngôn ngữ đời thường để nông dân dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ ứng dụng? Chúng ta hãy đơn giản hóa sự phức tạp chứ không phức tạp hóa chuyện đơn giản.