Chuyển đổi ngành hàng lúa gạo và câu chuyện người nông dân

Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đã được ban hành. Đó là một sự thay đổi lớn mang lại kỳ vọng cho hàng triệu người nông dân tại vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước. Rồi sẽ còn những phân tích chuyên sâu, những tiêu chuẩn quy chuẩn kinh tế - kỹ thuật  được ban hành để đo lường kết quả qua từng mùa vụ. Nhưng đã bắt đầu hành trình thay đổi với nhiều cơ hội đan xen với không ít thách thức.

Thách thức lớn nhất trong các thách thức không phải từ các yếu tố kinh tế hoặc những vấn đề kỹ thuật, mà từ yếu tố con người, những người nông dân. Thay đổi tiêu chuẩn quy chuẩn không khó, thay đổi những người thực hiện tiêu chuẩn quy chuẩn đó mới khó. Thay đổi quy trình sản xuất không khó, thay đổi người thực hiện quy trình đó mới khó. Hàng triệu nông dân đang trồng lúa trên hàng trăm ngàn vuông ruộng nhỏ lẻ. Hàng triệu nông dân đang trồng lúa vẫn theo kinh nghiệm bao đời. Hàng triệu nông dân không phải ai cũng được tham dự các hội thảo, diễn đàn để biết đến những điều mới mẻ sắp sửa diễn ra.

Con người vốn dĩ thường thiên về sự an toàn, thường bám giữ cái cũ. Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã vươn mình ra thế giới. Hạt gạo Việt được bình chọn là một trong những hạt gạo ngon nhất thế giới. Người nông dân luôn tự hào nhắm mắt cũng có thể trồng lúa được. Vậy vì sao lại phải thay đổi?

Khi không thấy được giá trị của sự mới mẻ, sẽ không thúc đẩy hành động. Nghe nói thay đổi thì biết vậy, nhưng đó là chuyện của ai đó, đâu đó, của mùa vụ sau và nhiều mùa vụ sau nữa. Rồi có gì chắc chắn mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp như bản đề án, như các chuyên gia đưa ra. Rồi chi phí sản xuất, nỗi lo mỗi mùa vụ, có tăng thêm không? Rồi đầu ra có ổn định, lợi nhuận thu về có cao hơn không? Rồi câu chuyện thương lái, doanh nghiệp bỏ cọc bỏ kèo có tái diễn không? Ông bà mình đã cảnh báo: “Miếng ăn đến miệng còn rơi” kia mà. Trong khi đó, làm như cũ tuy còn khó khăn chật vật nhưng rồi cũng lây lất “qua ngày đoạn tháng”.

Các cuộc cách mạng trong ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã từng diễn ra. Từ cải cách ruộng đất đến khoán 10, khoán 100, trao ruộng đất vào tay nông dân. Từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ các giống lúa bản địa đến nghiên cứu lai tạo các giống lúa chất lượng cao, năng suất cao, để Việt Nam trở thành một trong những cường quốc lúa gạo. Đó là câu chuyện thần kỳ của một đất nước ngày nào còn thiếu ăn, bữa cơm phải độn khoai sắn. Vậy đề án mới sẽ tạo ra điều thần kỳ gì tiếp theo nữa?

Đề án mới, một cuộc cách mạng mới, không thể diễn ra trong phòng hội nghị, hội thảo, diễn đàn, trong các nghị quyết, kế hoạch hành động. Cuộc cách mạng mới sẽ trên đồng ruộng, trong mỗi ngôi nhà của người nông dân, trong nghĩ suy của từng người nông dân. Không ai có thể thay người nông dân quyết định vận mệnh của mình. Không thể có những quyết định hành chính ban hành là người nông dân làm theo từ A tới Z. Có một câu nói đi vào kinh điển: “Hãy để người nông dân suy nghĩ trên luống cày của họ”. Nhưng nếu hàng triệu nông dân suy nghĩ khác nhau thì sao? Ai là người thấu hiểu người nông dân, bên cạnh người nông dân còn chần chừ do dự giữa cũ và mới?

Mọi thành bại trong các cuộc cách mạng phụ thuộc vào yếu tố con người. Cuộc cách mạng mới trên đồng ruộng phụ thuộc vào người nông dân. Hàng triệu nông dân cần được huấn luyện thành thục trước khi trao “vũ khí” vào tay. Hàng triệu nông dân cần được tập hợp vào các tổ nhóm nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã, chứ không thể mạnh ai nấy đi, mục tiêu ai nấy tìm. Hàng triệu nông dân cần được hiểu rõ mục tiêu và con đường đi đến mục tiêu đó. Nhưng hàng triệu nông dân đang ở đâu, đang nghĩ gì, đang làm gì? Một lần nữa, ai đứng bên cạnh người nông dân trên những luống cày?

Đó chỉ là lực lượng khuyến nông, từ Khuyến nông Trung ương cho đến khuyến nông cộng đồng. “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” không phải là khẩu hiệu mà là hành động, là nghĩa vụ, là sứ mạng. Đây là thời điểm đội ngũ khuyến nông thể hiện vai trò là bạn nhà nông, cùng nhà nông, vì nhà nông. Cuộc cách mạng mới diễn ra trên đồng ruộng, nhưng thành công chỉ đến khi và chỉ khi năng lực của người nông dân được nâng lên. Nghị quyết 19-NQ/TW đã chỉ rõ : “… góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn…”. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống, trong đó khuyến nông và khuyến nông cộng đồng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng.

Muốn nâng cao năng lực người nông dân, trước hết là đội ngũ làm công tác khuyến nông phải tự nâng cao năng lực của mình. Muốn nông dân thay đổi, lực lượng khuyến nông phải thay đổi trước. Từng khuyến nông viên phải được trang bị kiến thức, kỹ năng, văn hoá khuyến nông. Từng cán bộ khuyến nông phải biết rõ về phát triển bền vững, giảm phát thải và tăng trưởng xanh. Từng cán bộ khuyến nông phải biết sử dụng ngôn ngữ phù hợp với người nông dân. Từng cán bộ khuyến nông phải hiểu sứ mạng của mình là hỗ trợ nông dân thích ứng với mục tiêu mới.

Mọi sự thay đổi người nông dân không chỉ bằng con cá, cần câu hay cách thức câu, mà còn quan trọng hơn là giúp người nông dân thay đổi suy nghĩ, kiên trì và có niềm tin mọi việc đều có thể thay đổi được. Lực lượng khuyến nông phải giúp tạo ra tinh thần hợp tác, liên kết trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn bằng cách kết nối với các mạng lưới xã hội, các chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nông nghiệp, các tổ chức quốc tế. Mở rộng tư duy khuyến nông sẽ mở rộng ý tưởng và sẽ thu hút được nguồn lực.

“Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường!”, con đường đi đến thịnh vượng!

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Lê Hoàng Vũ