Tôi nghe nhiều về làm ăn lớn ở miền Tây nhưng chưa có dịp đi thực tế để mắt thấy tai nghe. Chuyến công tác vừa rồi vào các tỉnh Đồng Tháp, Long An và TP Cần Thơ đã cho tôi chiêm nghiệm về những điều thú vị đó. Sau 1 tuần đi thực tế, quả thực tôi khá ấn tượng với những người nông dân nơi đây. Họ gom đất, kiên trì và lăn xả với từng hạt thóc, con cá.

Câu chuyện về chị Nguyễn Thị Lý - người đồng hương của tôi ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vào Vĩnh Long năm 1985 học Kế toán, ra trường làm việc cho một Cty xây dựng ở Tam Nông (Đồng Tháp) - là một ví dụ như thế.

Chị Lý kể, quê nghèo ngày đó đã hối thúc nhiều người trẻ “ly hương” để thoát nghèo nhưng phải bắt đầu sự học. Chị thi đỗ ngành kế toán ở một trường tại Vĩnh Long, ra trường làm được một thời gian ở doanh nghiệp Nhà nước thì Nhà nước thực hiện chính sách tinh giản nhân sự. "Thời điểm đó, nhiều người nghỉ việc. Mình còn trẻ, thật hoang mang", chị Lý nói.
Rồi cuộc đời đưa đẩy, chị phiêu bạt về mạn Tam Nông, Đồng Tháp bắt đầu với những việc đúng với nơi quê nhà một thời “chân lấm tay bùn”.
Chị khởi nghiệp từ nghề thủy sản bằng cách mua chiếc máy ủi, làm thuê cho các hộ dân trong vùng. Những ngày đầu làm việc vất vả, đi ủi đất, mở ao cá cho các hộ nuôi trong tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Long An. “Không dám ăn, chẳng dám mặc. Cứ lam lũ vậy. Được đồng nào là chắt bóp, ít thì cất giấu trong người, nhiều thì mang ra gửi ngân hàng. Chọn Agribank để gửi. Khi đó không phải gửi để lấy lãi mà để được cất giữ cẩn thận hơn. Chị tin tưởng Agribank bắt đầu từ đó”, chị Lý tâm sự.
Tích tiểu thành đại, có chút vốn, chị bàn với chồng mua thêm phương tiện để làm ăn. Có thời điểm, gia đình có đến 50 máy ủi đất để đi làm dịch vụ đào ao, ủi đất thuê cho người dân trong khu vực.
Thay đổi lớn nhất của chị Lý chính là “sao mãi đi làm thuê vậy nhỉ”? Thế rồi, có phương tiện, có việc làm, góp thêm vốn, chị quyết định mua gom đất để đầu tư. Phương án được chồng duyệt là vừa làm chủ, vừa làm công nhân.
“Một công đất lúc đó mua 45 triệu đồng, đến nay chị đã có 60ha đất để phát triển 40 ao nuôi cá tra”, chị Lý kể và chỉ tay ra cánh đồng ao bạt ngàn cho chúng tôi xem. “Hiện đã đưa 30 ao vào khai thác. Trong năm nay có thêm 7 ao nữa. Giờ một công đất ở đây bán 200 triệu đồng là nhiều người tranh nhau mua đấy nhưng mình không bán mà còn muốn giữ để mở rộng hướng đầu tư”, chị Lý tiếp tục câu chuyện.
Những năm đầu, chị Lý nuôi cá tra chủ yếu theo cách thủ công, song không ngừng tìm tòi, học hỏi những kỹ thuật tiên tiến để nuôi cá đạt hiệu quả và đảm bảo chất lượng xuất khẩu sang nước ngoài.

Với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, chị Lý đầu tư mạnh mẽ vào nghề nuôi cá tra. Trong những năm đầu, số vốn bỏ ra chủ yếu là vay mượn từ Agribank Đồng Tháp. Khoản vay 20 tỷ đồng đã giúp chị có "bệ đỡ" vững chắc để phát triển nghề nuôi cá tra. Chị đã sử dụng khoản vay này để xây dựng cơ sở hạ tầng và mua con giống, thức ăn cho cá. Đây là bước đệm quan trọng giúp mô hình nuôi cá tra quy mô lớn này ở Đồng Tháp khá thành công.
Nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đồng thời áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, chị Lý đã dần cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, các ao cá của chị đều đạt chứng nhận VietGAP và được cấp mã số điện tử để nhận diện cho vùng nuôi cá, một tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm thủy sản.
Tôi hỏi để đạt các tiêu chuẩn cho sản phẩm xuất khẩu, việc đầu tư ao, chăm sóc cá được thực hiện quy trình như nào? Chị Lý bảo, sẽ thật là dài dòng nhưng tựu chung lại có mấy ý thế này. Chịu khó và kiên trì cộng với may mắn là những tiêu chí mềm không thể thiếu. Ngoài ra, còn phải áp dụng sách vở từ những kiến thức tập huấn, học được ở những người đi trước, ở những mô hình thành công và ở những nhà khoa học mà mình có điều kiện tiếp xúc.
“Thêm vào đó là sự sâu sát của các doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Chính họ là người ra đầu đề cho mình. Họ kiểm tra khá ngặt nghèo về điều kiện môi trường ao nuôi, chất lượng thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và chất lượng sản phẩm trước khi chuyển đến các cơ sở chế biến. Chính nhờ thái độ làm việc bài bản, nghiêm ngặt ấy, chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư và tin tưởng để mở rộng. Bên cạnh đó là có sự đồng hành của các tổ chức tín dụng, trong đó có Agribank”, chị Lý cho hay.
Đề cập đến ao nuôi, chị Lý bảo, để có một ao nuôi rộng 1,5 đến 2ha, chi phí đầu tư phải mất 5 tỷ đồng. Ngoài chi phí mua đất, cải tạo, nâng cấp, lắp đặt hệ thống vận hành… đến duy tu bảo dưỡng hoạt động. Khi ao đưa vào sử dụng ổn định thì chi phí chủ yếu vào con giống, thức ăn, thuốc điều trị bệnh và công vận hành. Khoản này chiếm cả trên chục tỷ đồng. Thời tiết thuận lợi, giá cả ổn định hoặc giá bán tăng tốt như thời điểm này thì mỗi vụ như vậy (nuôi 10 tháng), trừ chi phí ra, lợi nhuận được khoảng 5 tỷ đồng/chục ao.
Tôi hỏi lại, con số lợi nhuận 5 tỷ đồng ấy có chính xác không? Máy ghi âm, máy ghi hình được đặt sẵn để nghe chị Lý tâm sự, chị Lý nhìn tôi cười và bảo, nếu em không tin để chị cho em xem số liệu trong quyển sổ ghi chép nhé? Tôi nhìn chị và bảo, người quê mình nhìn nhau là đủ niềm tin rồi, chị không phải thế đâu!

Thời điểm chúng tôi gặp gỡ chị cũng là lúc doanh nghiệp thu mua sản phẩm đang tiến hành vận chuyển cá từ ao xuống tàu. Từ xa, chúng tôi nghe rõ tiếng của những người lao động đang bốc vác từng kệ cá lên cân và chuyển xuống tàu. “Cân xong. 870 kg đấy. Ok. Lượt tiếp theo. 32.500đ/kg, đập máy tính xem nào. Ồ, lãi 4.000 đ/kg đấy”, chúng tôi nghe được tiếng chỗ cân cá nói vọng vào. Chị Lý chen vào, giá cá đã tăng 10% (tương đương 3.500đ/kg) từ cuối năm ngoái đến nay đấy các em ạ.
Tôi hỏi, vì sao giá cá tăng 10%? Chị Lý cho hay, do giá xuất khẩu tăng và chất lượng sản phẩm tốt và cá tra của Việt Nam đang chiếm thị phần lớn nên người nuôi đang được hưởng lợi rất khá.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, chị Lý là một trong những hộ nuôi cá liên kết với các doanh nghiệp lớn như: Hoàng Long, Vĩnh Hoàng… để cung cấp thức ăn và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình liên kết này đã giúp gia đình giảm bớt rủi ro và đảm bảo đầu ra ổn định. Theo chị Lý, việc liên kết với doanh nghiệp không chỉ giúp sản phẩm ổn định nguồn cung cấp thức ăn mà còn đảm bảo giá trị thương mại của cá tra.
“Tôi luôn tìm kiếm cơ hội phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất. Một trong những mục tiêu trong tương lai là duy trì việc sản xuất cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP và mở rộng thị trường xuất khẩu”, chị Lý chia sẻ.
Đi lên từ việc làm thuê san ủi, rồi mua đất, cải tạo làm ao nuôi cá tra. Từ những đồng tiền công tích góp đến nay chị đã có 60ha đất với 40 ao, trong đó 30 ao đưa vào vận hành nuôi cá tra cho lợi nhuận tiền tỷ, 7 ao sắp sử dụng. Người phụ nữ ấy đang có những khát vọng muốn biến vùng đất khó này trở nên trù phú bằng quyết tâm làm nên tất cả nếu có kiến thức, kiên trì và sự đồng hành của những bạn hàng, trong đó có Agribank.
Trước khi chia tay chị, tôi hỏi, để quán xuyến được vùng nuôi một cách khoa học, hiệu quả, chị làm cách nào? Chị thành thật, máy móc có tốt đến mấy vẫn là do con người điều khiển. Chính vì thế, sau năm 2018, chị quyết định triệu tập cuộc họp gia đình và đã vận động được các con của chị lập nghiệp ở Sài Gòn về cùng làm việc với bố mẹ.

“Chị có 3 người con. May mắn là các cháu đều học tốt. Con trai đầu là giảng viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, con gái làm ở một Ngân hàng tại Sài Gòn. Năm 2019, các con đã về làm việc cùng với bố mẹ trong khuôn viên 60ha này. Hiện cháu út đang học lớp 12. Tương lai, khi cháu học hành bài bản xong, chị cũng hướng cho con về làm việc với gia đình”, chia sẻ này của chị Lý cho thấy mô hình làm ăn của gia đình chị khá hiệu quả, chắc chắn và biết tận dụng tối đa trí tuệ của chính con em mình nhằm phục vụ tốt nhất hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình.
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Lý ở xóm 2 thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp trên đây để lại bao điều thú vị cho chúng tôi. Ý chí và nghị lực cùng mạnh dạn đầu tư làm ăn đã góp phần làm nên thành công đó.

Chia tay mô hình cá tra của chị Lý, chúng tôi đến thăm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận ở ấp H2, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ với quy mô sản xuất 50ha, có 18 hộ gia đình tham gia.
Nhìn cánh đồng lúa bạt ngàn của HTX Tiến Thuận trải dài cả cây số, tôi bảo, nếu cúi người cấy như nhiều nơi ở Bắc thì có khi “đằng này lúa có đòng, đằng kia mới xong mạ”. Anh bạn đi cùng nghe tôi bảo thế đã cười và nói, không riêng HTX Tiến Thuận đâu, ở đây ruộng không tính sào, mà tính công, tính hecta. Về cơ bản là cơ giới hóa đồng bộ nên tất cả diễn ra trong chốc lát là xong hết.
Nhìn tôi ngơ ngác, nom hoài nghi, anh bạn dẫn đến gặp Chủ nhiệm HTX Tiến Thuận, ông Nguyễn Cao Khải, để được lý giải ngọn ngành hơn.

Gặp chúng tôi, ông Khải không đề cập nhiều đến việc ruộng rộng, đồng to, làm ăn lớn, vì ông cho đó là điều quá bình thường ở vùng này. Điều mà ông chia sẻ chính là một phương pháp sản xuất mới trong đó có sự hỗ trợ trực tiếp của Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cùng Agribank.
Thấy tôi chăm chú nghe, ông Khải cho biết, TP Cần Thơ là một trong những địa phương tại ĐBSCL được Bộ và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) lựa chọn, hỗ trợ xây dựng mô hình canh tác lúa bền vững, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chí của Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ðây là mô hình điểm để TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL cùng trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm và cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả trong quá trình triển khai đề án trong thời gian tới. Mô hình được triển khai từ vụ hè thu 2024 tại HTX Tiến Thuận trên quy mô 50ha.
"Kết quả như thế nào, thưa ông? Có vất vả hơn làm truyền thống không?", tôi hỏi.
Ông Khải nói, có các hộ dân tham gia nên số liệu như thế nào tôi đều nói chính xác để các anh nắm cho chuẩn và cũng để xem có thể nhân rộng ra được không nhé. Sản xuất lúa bền vững, chất lượng cao, phát thải thấp thì lượng giống giảm 2/3, phân bón giảm 15%, thuốc BVTV giảm 3 lần.
Cụ thể, 1ha trước đây cần lượng giống 180kg, nay chỉ còn 60kg; phun thuốc từ chỗ 7 lần nay còn 4 lần/vụ. Giảm đầu vào nhưng năng suất, sản lượng không giảm, chất lượng tất nhiên là tăng rồi. Nếu tính thành tiền thì lợi nhuận từ 2-6 triệu đồng/ha vì năng suất tăng thêm 200 kg/ha (6,2-6,4 tấn/ha).
Tôi khá ngạc nhiên về lượng giống giảm quá nhiều, ông Khải không ngần ngại chia sẻ về các biện pháp kỹ thuật trong canh tác. Ông nói, áp dụng máy sạ hàng và có kết hợp bón vùi phân trước khi xuống giống. Trước đây, bón phân sẽ dễ bị bốc hơi 30%; nhưng nay, máy vùi phân trước, hạt giống xuống sau sẽ giữ được dinh dưỡng trong đất từ phân giúp cây phát triển khỏe. Cùng với đó là áp dụng quản lý nước ngập - khô xen kẽ, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.

Lúc đầu, nhiều hộ dân cũng lo ngại vì thấy lúa thưa hàng và thưa lối quá. Hàng cách hàng 10-40 cm (và cứ 2 hàng cách nhau 10cm thì tiếp đến 2 hàng cách nhau 40cm). Để thuyết phục, chúng tôi tiến hành thử nghiệm với cả ruộng đối chứng. Không nói ra thì ai cũng biết, cấy thưa giúp cây quang hợp tốt hơn, hạn chế được sâu bệnh, bông lúa to, hạt lớn, đều, ít lem lép hạt.
Một biện pháp nữa, là sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa và thu gom rơm rạ khỏi đồng ruộng. Tức là không còn tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và làm đất nhanh bạc màu, kém dinh dưỡng. Thay vào đó, nông dân sau khi thu hoạch rơm, mang rơm tái sử dụng cho việc chất nấm rơm nhằm gia tăng thu nhập cho gia đình. Rồi lại tận dụng rơm đó, tái chế thành phân hữu cơ bón lại cho ruộng lúa. “Lãi đơn lãi kép là chỗ đó”, ông Khải vui mừng khoe.
Về phát thải khí nhà kính, áp dụng quy trình canh tác của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng cho kết quả lượng phát thải là 2 tấn CO2/ha. Trong khi đó, đối với nông dân sản xuất theo phương pháp ngập liên tục kết hợp đốt rơm, thì phát thải khoảng 5 tấn CO2/ha.
Tính đến thời điểm này, HTX đã được 3 vụ canh tác lúa giảm phát thải. Trong vụ lúa đông xuân 2024-2025, HTX Nông nghiệp Tiến Thuận tiếp tục tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với kỳ vọng mang lại lợi nhuận bền vững cho nông dân. Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Tiến Thuận, thì việc tham gia đề án giúp HTX tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng hạt gạo. Nhờ đó, nông dân có thể giảm chi phí sản xuất, tối ưu hóa lợi nhuận trên từng hecta đất canh tác.
Ông Khải cho rằng, với phương pháp canh tác khoa học và áp dụng các kỹ thuật mới như gieo sạ thưa, bón phân hữu cơ vi sinh và quản lý nước hợp lý, năng suất lúa có thể đạt từ 7-8 tấn/ha, giúp tăng thu nhập cho thành viên HTX. Ông cũng nhấn mạnh, rằng giá thành sản xuất hiện dao động từ 3.800-4.000 đồng/kg lúa, trong khi giá bán đạt khoảng 5.700-6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận của nông dân có thể đạt từ 2-2,5 triệu đồng/công (công 1.300m2), đảm bảo đời sống ổn định cho bà con tham gia mô hình.
Để mô hình càng có hiệu quả vụ sau nối tiếp vụ trước, ngoài nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX còn nhận được sự đồng hành của Agribank trong việc cung ứng vốn. Được biết, trong chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại ĐBSCL, Agribank là tổ chức tín dụng tiên phong đồng hành cùng bà con nông dân. HTX Tiến Thuận cũng đã nhận được sự đồng hành đó.

Theo ông Khải, vốn vay của Agribank gói này giảm 1% so với kỳ hạn cho vay thông thường của Agribank. HTX vay 2 tỷ đồng cho sản xuất lúa chất lượng cao, còn cá nhân ông vay 450 triệu đồng để mua máy cuốn rơm.
Ngoài ra, HTX cũng đang hướng tới việc mở rộng mô hình liên kết tiêu thụ lúa gạo với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con nông dân. Với sự hỗ trợ từ Agribank và sự đồng hành của các đơn vị thu mua, HTX kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nâng cao vị thế ngành lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ngoài làm giàu cho gia đình, những người nông dân nơi đây, HTX còn tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương có công việc và thu nhập ổn định hằng tháng.
Mỗi người một cách làm, hướng đi phù hợp và cho thấy là rất hiệu quả. Nông dân mình là vậy, đã yêu từng mảnh đất thì gắn bó và luôn làm cho nó thêm xanh, thêm màu mỡ để cuộc sống ấm no, hạnh phúc, giàu có trong thanh bình.