Có một Yên Bái xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc

“Chúng tôi lấy hạnh phúc nhân dân là giá trị cốt lõi, là thước đo của sự phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy.

 

 

Khoảng hai năm trước, chính xác là tháng 9/2020, đã có không ít người cảm thấy bất ngờ, thậm chí nghi ngại khi hay tin tỉnh Yên Bái trở thành địa phương đầu tiên đưa chỉ số hạnh phúc của nhân dân vào Nghị quyết.

Cũng hợp lẽ thôi, bởi cho dù là một trong những địa phương phát triển tốp đầu ở khu vực miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ trước có nhiều đột phá với dấu ấn rõ nét là kỳ tích giảm tỉ lệ hộ nghèo nhưng Yên Bái nói riêng hay Tây Bắc nói chung vẫn là khu vực còn nhiều khó khăn nhất đất nước. Cái ăn cái mặc của người dân còn lắm nỗi lo, thu hút đầu tư, thu ngân sách, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ bản và vô số những tồn tại hạn chế khác xem chừng còn nan giải, bàn đến hai chữ hạnh phúc liệu có quá sức hay không?

Vậy nhưng, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX về thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ: Đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng về cuộc sống, môi trường sống và tuổi thọ trung bình của người dân Yên Bái, mục tiêu đến năm 2025 “chỉ số hạnh phúc” trên quê hương của hơn 30 đồng bào dân tộc cùng sinh sống sẽ tăng 15% so với năm 2020.

Những ngày đầu nhiệm kỳ, không ít lần chúng tôi “chất vấn” Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, khi bên lề các cuộc họp, khi tại căn nhà công vụ ở Tỉnh ủy Yên Bái, bao giờ ông cũng rất sẵn sàng trải lòng. Trăn trở, tâm tư nhưng đầy khát vọng, nhiệt huyết và thích lối tư duy mới mẻ. Thú vị ở chỗ, chúng tôi biết ông Duy vốn là “dân kiến trúc, xây dựng”, vậy mà khi luân chuyển lên Yên Bái, làm Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy đã rất say sưa với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong những cuộc trò chuyện đó, “tam nông“ luôn “chiếm sóng” với đầy đủ các cung bậc. Từ tiềm năng, cơ hội đến mục tiêu phát triển, từ chính sách đến giải pháp, tất cả đều vì một khát vọng “để đồng bào, nhân dân Yên Bái, đồng bào, nhân dân Tây Bắc được hạnh phúc hơn”...

"Các nhà báo nghĩ mà xem, nhìn vào những thành tựu của một số địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... hôm nay đều bắt đầu từ sự thay đổi tư duy và tầm nhìn dài hạn của nhiều nhiệm kỳ trước nữa. Yên Bái cũng vậy. Đã có một thời tỉnh đặt nặng các mục tiêu phát triển công nghiệp, khoáng sản, thủy điện... tuy nhiên sau đó chúng tôi phải định vị lại.

Yên Bái phải biết được mình có tiềm năng lợi thế gì, phải làm gì để tiếp tục phát triển, phát triển theo hướng nào? Và con đường phát triển của Yên Bái nhiệm kỳ này đã được xác định rõ. Là một Yên Bái  xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc. Xanh màu xanh của rừng, hài hòa giữa vùng thấp và vùng cao, hài hòa giữa thành thị và nông thôn, hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân là giá trị cốt lõi”, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy chia sẻ.

Còn nhớ, không ít lần trong những cuộc làm việc với các cơ quan Trung ương, người đứng đầu tỉnh Yên Bái đã luôn chia sẻ “hãy cho chúng tôi cơ hội để nhân dân Yên Bái được hạnh phúc hơn”. Lên Yên Bái chuyến này, những điều mắt thấy, tai nghe đã chứng minh được rằng, có khát vọng, có triết lý phát triển, có sự đồng sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đồng bào các dân tộc, hạnh phúc không phải là điều gì xa xôi.

 

 

 

 

Cuối tháng Tám vừa rồi, chúng tôi có dịp được tháp tùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan lên công tác tại Yên Bái, gặp lại ông Đỗ Đức Duy. Bí thư Yên Bái đã dành hai ngày cuối tuần để giúp chúng tôi cảm nhận rõ hơn về triết lý phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. “Không có gì bằng người thật việc thật, chúng ta phải lên Mù Cang Chải, trực tiếp trải nghiệm ở những xã nghèo nằm trong chương trình 135, những huyện nghèo chương trình 30a của Chính phủ mới cảm nhận hết sự đổi thay”, ông Duy “rủ” Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác.

Thật không ngoa khi nói Yên Bái là nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc, nhất là khi tiết trời vào thu. Mùa lúa chín trên những ruộng bậc thang đồi mâm xôi La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) năm nay đến sớm hơn thường lệ. Cả không gian tràn ngập sắc vàng hiện lên trên nền trời xanh ngắt, bảng lảng những áng mây trắng ôm lấy núi đồi là cả một bức tranh tuyệt sắc của thiên thiên.

Khắp bản Hán Xung, phụ nữ sắp sửa quần áo mới, nam giới lau khèn, sáo, nông cụ để sẵn sàng cho các hoạt động trải nghiệm gắn với truyền thống canh tác nông nghiệp của đồng bào Mông. Thi chọi dê, thi gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi, bắt cá ruộng, giã bánh dày hay lễ mừng cơm mới, náo nức vô cùng.

Sức hấp dẫn của Mù Cang Chải mùa lúa chín thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan mỗi ngày, trong khi cả huyện chỉ có hơn 100 homestay và nhà nghỉ. Bởi vậy, ông Trịnh Thế Bình, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện tiết lộ với chúng tôi rằng, nếu không đặt phòng nghỉ từ trước đó 1 – 2 tháng, rất khó để tìm được một cơ sở lưu trú, nghỉ ngơi.

Khách du lịch đến đâu, cuộc sống của người dân dưới chân đèo Khau Phạ ấm no đến đó. Kinh tế nông nghiệp đa tầng, đa giá trị hiện hữu ngay trên huyện nghèo 30a này. Người Mông ở La Pán Tẩn giờ đây không chỉ trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá để thu sản mà còn biết cách “bán” hương thơm, “bán” cảnh quan thiên nhiên, bán “đạo” làm nông nghiệp tử tế, “bán” thương hiệu OCOP, “bán” lễ hội cho khách thập phương.

Vượt con đường mòn dốc dựng đứng độc đạo dẫn lên đỉnh đồi cao chót vót thăm vợ chồng Vàng Thị Lỳ và Giàng A Dê – chủ nhân homestay “Hello Mù Cang Chải”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thực sự bất ngờ khi ngôi nhà ở nơi hẻo lánh này vẫn có khách du lịch quốc tế đặt phòng nghỉ liên tục. Cả Lỳ và Dê đều nói tiếng Anh vô cùng thuần thục. Đó là thành quả sau quá trình đôi vợ chồng kiên trì áp dụng “chính sách” nếu khách du lịch dạy gia chủ nói thạo 3 câu tiếng Anh thì sẽ được miễn phí bữa sáng.

Vàng Thị Lỳ nhẩm tính, chỉ trong 2 tháng vừa qua, homestay “Hello Mù Cang Chải” đã tiếp đón hơn 200 lượt khách lưu trú qua đêm và tham gia các tour trải nghiệm văn hóa cộng đồng. Giàng A Dê bảo, du khách đã lên tới đây là tìm kiếm sự khác biệt, mới lạ, độc đáo về văn hoá, về cuộc sống và thiên nhiên để giảm căng thẳng. Mình phải giữ nụ cười và tạo sự thân thiện hòa đồng, để ai cũng thấy vui và tràn đầy năng lượng sống.

Trước đây, khu đồi này như bãi đất hoang, bởi không có nguồn nước phục vụ sản xuất. Giàng A Dê xin bố tặng cho mình, rồi hai vợ chồng mua 6.000m đường ống nhựa dẫn nước từ trên suối về. Những thửa ruộng bậc thang cũng bắt đầu hình thành để thu hút khách du lịch. Năm 2019, thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh Covid-19, homestay Hello Mù Cang Chải đón trên 600 lượt khách với doanh thu trên 250 triệu đồng. Sau những tháng ngày dò dẫm tìm cách làm du lịch cộng đồng, cuối cùng, hạnh phúc đã đến với đôi vợi chồng trẻ.

 

 

Am hiểu và tỉ mẩn như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy hồ hởi chia sẻ với đoàn công tác văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái rất đặc sắc, trong kiến trúc nhà thường lợp bằng những tấm gỗ pơ mu, khi gặp trời nắng, những tấm gỗ cong lên tạo ra những khoảng trống cho gió lọt vào nhà, nhưng khi gặp trời mưa, chúng lại ẹp xuống nên không bao giờ dột.

Nhà của người Mông cũng nằm trên núi cao nên bao giờ họ cũng làm nhà sát đất và trình tường để chống ẩm. Trong nhà, bếp luôn được đặt ở giữa để lấy hơi ấm, bởi bao đời nay họ sống ở giữa rừng, ăn giữa rừng và chết cũng ở trên lưng chừng núi.

 

 

Đặc biệt, nhà của người Mông luôn tựa lưng vào núi nhìn xuống dưới, tức là nhìn bao quát vô cực để kiểm soát toàn bộ không gian. Bởi vậy, không bao giờ có chuyện nhà này xây chắn trước nhà khác, kể cả bà con cũng không được phép. Chính quyền các địa phương đang vận động các hộ dân gìn giữ kiến trúc truyền thống của các dân tộc, nhất là những mái gỗ pơ mu để tạo bản sắc độc đáo cho Yên Bái. Nếu hình thành được những cộng đồng làm du lịch, khôi phục các lễ hội múa khèn, làng nghề truyền thống thì chắc chắn người đồng bào Mông sống ở trên núi sẽ có cơ hội đổi đời.

Ông Duy cũng bảo rằng, với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh, mỗi dân tộc lại có bản sắc khác nhau. Người Thái sống gần suối và nơi thuận lợi cho việc đi lại với kiến trúc nhà sàn rất đẹp. Họ thường quần tụ thành những bản làng (tập trung nhiều ở thị xã Nghĩa Lộ) và có văn hóa ẩm thực rất phong phú. Múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng tôi rất mừng vì hầu hết các bản làng làm du lịch của người Thái đã khôi phục được các đội văn nghệ để trình diễn thường xuyên cho khách du lịch trải nghiệm.

Còn người Dao thường sống giữa lưng chừng núi, đời sống của họ gắn bó chặt chẽ với những rừng quế độ cao từ 500 – 800m ở huyện Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên… lại có những bài thuốc thảo dược quý hiếm. Họ cùng nhau khai thác dược liệu một cách bền vững để phát triển sinh kế.

“Bảo tồn văn hóa không phải là đem các hiện vật vào viện bảo tàng hay làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, mà những nét văn hóa ấy phải được bảo tồn trong chính hoạt động kinh tế và xã hội, từ đó kích hoạt các giá trị mềm để nâng cao đời sống nhân dân”, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tâm niệm.

Chúng tôi nói với nhau, có lẽ chính vì không có sự hiện diện của những khu công nghiệp, khu chế xuất và các nhà máy thải ra khí độc, chất độc nên Yên Bái mới có không gian đa bản sắc để làm du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp và phát triển nông, lâm, thủy sản theo hướng hữu cơ để phát triển sinh kế cho người dân. Có lẽ, việc Mù Cang Chải không có bất cứ một nhà máy chế biến công nghiệp nào, lại là điều tốt cho vùng đất này.

Ông Duy chia sẻ thêm, tỉnh Yên Bái đã rút ra được những bài học kinh nghiệm khi nhiều địa phương phải trả giá vì phát triển “nóng” về du lịch khiến quy hoạch, cảnh quan bị xâm hại ghê gớm. Bởi vậy, quan điểm của tỉnh là không tăng trưởng GDP bằng mọi giá, không tăng trưởng bằng cách đánh đổi. Điều quan trọng nhất là nhân dân, đồng bào các dân tộc phải được sống hạnh phúc.

Yên Bái cũng là tỉnh hiếm hoi quy hoạch một huyện nghèo 30a (Mù Cang Chải) cơ bản thoát nghèo vào năm 2025 và thực sự thoát nghèo vào năm 2030. Mục tiêu là thoát nghèo nhanh, nhưng việc thu hút đầu tư không được nóng vội. Trong thời gian qua, địa phương đã thuê công ty tư vấn của Pháp để quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Dự kiến đến cuối năm nay, khi Quy hoạch này được hoàn thành và phê duyệt, Yên Bái mới bắt đầu thu hút đầu tư để phát triển một cách bền vững.

Lẽ tất nhiên, còn nhiều gian khó, còn nhiều việc phải làm, còn cả một hành tình dài phía trước, nhưng nếu tham chiếu với mục tiêu “chỉ số hạnh phúc” đã được nêu trong Nghị quyết “đời sống vật chất, tinh thần và sự hài lòng về cuộc sống, môi trường sống và tuổi thọ trung bình của người dân Yên Bái”, có lẽ nơi đây đã hạnh phúc rồi.

 

 

 

 

Ông Đỗ Đức Duy từng kể với người viết bài này một câu chuyện, lúc ông mới nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy, suy nghĩ rất nhiều về ngành nông nghiệp tỉnh nhà bèn cho gọi mấy lãnh đạo phụ trách lên hỏi: Đề án phát triển nông nghiệp Yên Bái nhiệm kỳ này sẽ ra làm sao? Các lãnh đạo phụ trách sau đó cũng trình lên Bí thư Tỉnh ủy đề án, tuy nhiên, khi xem xét lại thấy na ná với với kỳ trước đó, tìm thêm tài liệu, xem kỹ hơn lại giống với cả nhiệm kỳ trước nữa.

“Tôi nói các anh thế là dở rồi. Phải xóa nếp nghĩ xưa, bỏ tư duy cũ ngay đi. Trước đây nông nghiệp mình là năng suất, sản lượng, chính sách hỗ trợ chủ yếu vào hộ gia đình, hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật... Bây giờ là kinh tế nông nghiệp rồi, phải bỏ ngay khỏi đầu tư duy cũ thì làm chính sách mới có thể phát huy hiệu quả”, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái kể.

 

 

Ngay sau đó, Nghị quyết 20 của Yên Bái phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 ra đời. Chính nhờ “xóa nếp nghĩ xưa, bỏ tư duy cũ”, bây giờ cơ cấu kinh tế của Yên Bái đang chuyển dịch tích cực.

Ngành công nghiệp, xây dựng đạt 31%, ngành dịch vụ đạt 41,3% và ngành nông nghiệp đạt 23,17%. Mặc dù khu vực nông, lâm, thủy sản đóng góp không lớn trong cơ cấu kinh tế, nhưng Yên Bái luôn coi đây là trụ đỡ của nền kinh tế và tập trung phát triển. Bởi, 80% dân số với 60% lao động chủ yếu dựa vào hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, tỉnh đã xác định rõ các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản quy mô lớn với 10 sản phẩm chủ lực, trong đó có 80.000 ha quế, 10.000 ha sơn tra, 6.000 ha măng tre Bát Độ, 3.000 ha lúa đặc sản chất lượng cao… Song song với đó, 10 sản phẩm đặc sản cũng được tỉnh tập trung phát triển gồm: Lúa nếp đặc sản xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; chè shan tuyết cổ thụ hữu cơ của Văn Chấn và Trạm Tấu; bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; cam sành Lục Yên; vịt bầu Lâm Thượng, Lục Yên; gà đen đặc sản vùng cao; lợn bản địa Yên Bái; sơn tra Mù Cang Chải và Trạm Tấu; quế sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ và các chủng loại cây dược liệu.

Tỉnh Yên Bái cũng có tiềm năng lớn về phát triển lâm nghiệp, chế biến gỗ với diện tích đất rừng lớn với tổng số 532.000 ha, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác trung bình mỗi năm đạt 900.000 m3; quế trên 10.700 tấn/năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4.347,85 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); dự kiến đến hết năm 2025, tỉnh Yên Bái có khoảng 90.000 - 100.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC hoặc hữu cơ...

Từ Nghị quyết 20, một “pha” mới của nông nghiệp Yên Bái cũng đang được xây dựng. Đối với các sản phẩm chủ lực, đến nay diện tích vùng nguyên liệu đã đủ lớn nên chủ trương của tỉnh là không mở rộng quy mô mà ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ví dụ, đến năm 2025 Yên Bái sẽ có khoảng 20.000ha quế hữu cơ, 1.000 ha măng tre Bát Độ hữu cơ… Để đáp ứng được yêu cầu đó, bộ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh cũng được thay đổi cho phù hợp.

Nếu giai đoạn trước, tỉnh tập trung hỗ trợ để tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn thì đến giai đoạn này chỉ hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất hữu cơ, hỗ trợ cấp chứng chỉ hữu cơ quốc tế; hỗ trợ phát triển các chuỗi liên kết sản xuất để hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Nếu nhiệm kỳ trước, các chính sách tập trung vào các hộ, nhóm hộ thì nay đã được mở rộng và chuyển dần sang hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị hỗ trợ đầu vào, thu mua, chế biến, phát triển thương hiệu nông sản.

Với du lịch cũng vậy. Nghị quyết số 10 của Yên Bái quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 tháo gỡ những nút thắt, rào cản suốt thời gian trước đó cứ mãi loay hoay. Trong đó có rất nhiều chính sách hỗ trợ các tổ chức, gia đình, cá nhân hoạt động du lịch về tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông kết nối các địa điểm có hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đầu tư cơ sở kinh doanh thương mại đạt tiêu chuẩn bán các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP; đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch; xây nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các khu du lịch; phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch… Ngoài ra, ngân sách của tỉnh cũng hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, hỗ trợ truyền dạy trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể…

Đổi lại, người dân phải bảo tồn nét kiến trúc nhà ở đặc trưng của đồng bào mình, thành lập các tổ văn nghệ, mở rộng không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từ đó cả người dân và du khách được tận hưởng những phút giây hạnh phúc trong chính ngôi làng của mình.

 

 

 

 

“Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nếu cái đầu của người dân chưa chịu thay đổi. Rất mừng là thời gian qua, nhiều bạn trẻ miền xuôi đã tìm về Yên Bái để đầu tư kinh doanh du lịch và sản xuất nông nghiệp”, Bí thư Yên Bái nói giọng phấn khởi.

Trong điều kiện của một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, bên cạnh các nguồn lực của ngân sách Nhà nước, tỉnh đã đã vận động, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội hóa để tăng cường hỗ trợ cho công tác giảm nghèo.

Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo cũ còn 4,76% (thời điểm đầu năm 2016 là 32,61%); theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2026, tổng số hộ nghèo sau rà roát 39.721 hộ, tương ứng với tỷ lệ 18,07% (giảm hơn 14% so với tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đầu giai đoạn trước).

Năm 2021, Yên Bái xếp thứ 24/63 về Chỉ số cải cách hành chính, thứ 33/63 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thứ 17/63 về Chỉ số hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính Nhà nước; kết quả chấm điểm về chuyển đổi số (DTI) của các tỉnh, thành phố năm 2021, tỉnh Yên Bái được đánh giá đứng thứ 27/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2020.

Đứng trên những đồi cao nhìn Yên Bái hôm nay, từ cao tốc Nội Bài – Lào Cai vào Thành phố Yên Bái, từ trung tâm thành phố đi đến các huyện, thị xã rất nhiều cây cầu, con đường mới mở. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nói, có thể đường hay cầu chưa nhiều người đi, nhưng đó là tiền đề cơ bản để Yên Bái phát triển, năm năm, mười năm và dài hạn hơn nữa. Yên Bái đã dừng phân lô bán nền, dừng cấp mỏ khoáng sản, tỉnh đã định vị con đường và cũng không khoác lên mình chiếc áo phải thu ngân sách bao nhiêu mà lấy đời sống người dân làm giá trị cốt lõi.

Sau khi thăm các điểm du lịch cộng đồng và hợp tác xã trồng hoa, nuôi cá tầm, cá hồi của đồng bào Mông, Thái ở Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thấy thực sự ấn tượng và cảm xúc với triết lý phát triển của Yên Bái, đặc biệt là đưa chỉ số hạnh phúc của nhân dân trở thành mục tiêu để phấn đấu.

Từng là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, vị tư lệnh ngành nông nghiệp chia sẻ bản thân rất đồng cảm với tư duy của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái. Bởi nếu muốn tăng trưởng GDP, địa phương chỉ cần kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư bất động sản, khu công nghiệp là nguồn thu ngân sách tăng vọt. Điển hình như Quảng Nam có THACO; Quảng Ngãi có nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhưng, nếu cắt nguồn thu từ các nhà máy ấy đi, một tỷ lệ không nhỏ bà con vẫn là hộ nghèo. Sự tăng trưởng ấy có thực sự mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc không? Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hai địa phương này vẫn phải đề nghị Chính phủ cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.

“Tôi cảm nhận rất rõ ràng rằng Yên Bái đang phát triển đúng hướng, với khát vọng và tầm nhìn dài hạn để nhân dân thực sự hạnh phúc”. Bởi, chỉ khi nào mỗi cộng đồng, mỗi làng xã, mỗi địa phương kích hoạt được những nguồn lực bản địa từ con người, tài nguyên thiên nhiên, vật chất, xã hội và văn hóa,… để người dân có tinh thần tự lực, hợp tác, sẻ chia, sáng tạo trong phát triển sinh kế, nâng giá trị gia tăng cho rừng sản phẩm do mình làm ra, thì đó mới là một không gian đáng sống.

Bởi vậy, những câu chuyện về triết lý phát triển của xã Suối Giàng (Văn Chấn), của xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải), của tỉnh Yên Bái… cần được lan tỏa và nhân rộng ra cả nước để các địa phương học tập trong triển khai xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi làng, xã một sản phẩm.

 

 

Hoàng Anh - Minh Phúc - Nguyên Huân
Trương Khánh Thiện
Minh Phúc - TL