Đã làm thì phải thành công để đi ra thế giới không ai dám khinh mình

 

 

Khi Ban Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện loạt bài với chủ đề Khát vọng, người đầu tiên tôi nghĩ đến là ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm. Lẽ thường, nói đến khát vọng người ta sẽ gắn với tuổi trẻ nhưng ông Lam là một trường hợp rất đặc biệt. Ở tuổi 73, khi nói về khát vọng, về nhiệt huyết, về  hành động, cống hiến, xin cam đoan, những người trẻ chắc chắn sẽ phải ngả mũ.

Năm 2019 đánh dấu nhiều mốc son của Tập đoàn Quế Lâm, nhất là trên con đường nông nghiệp hữu cơ, con đường mà từ khi thành lập đã trở thành nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của họ. Còn với riêng người đứng đầu tập đoàn, ông Nguyễn Hồng Lam, cuộc hành trình với “ngọn lửa” nông nghiệp hữu cơ sau hơn 30 năm do chính ông nhen nhóm, gìn giữ, đến thời điểm này có thể nói đã “bùng cháy và lan rộng”.

Người truyền lửa - ấy là cách Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thường dùng để gọi ông Nguyễn Hồng Lam. Tôi đã được chứng kiến nhiều lần, câu đầu tiên vị tư lệnh ngành nông nghiệp chào Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm đều như thế này: Xin chào người lính, xin chào người truyền lửa. Gặp bác Lam thì phải xắn tay áo lên, cởi caravat ra để hành động thôi…

Trong những lần như thế, ông Lam thường chia sẻ, một ông già thất thập như ông đã cảm nhận được một sự khích lệ hết sức lớn lao, đặc biệt, “không có gì bằng”.

Ông Lam là người thể hiện sự ngưỡng mộ đối với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ra mặt. Ngưỡng mộ đến mức, những năm gần đây, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng, ngoài việc đầu tư mạnh mẽ vào sở trường là phân bón hữu cơ vi sinh, Quế Lâm đã đổ rất nhiều tiền của để mở rộng sang các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, liên kết xây dựng mô hình khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam. Có người e ngại hỏi ông rằng, ở tầm tuổi này rồi, không nghỉ ngơi đi còn làm nhiều thế để làm gì?

Ông bảo: Có một vị Bộ trưởng tâm huyết như thế, máu lửa như thế, trăn trở với nông dân, với ngành nông nghiệp như thế, sao lại không làm?  Ông cũng nói thẳng với nhiều người, có nhiều việc Quế Lâm làm vì hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng, vì tâm huyết, trăn trở của Bộ trưởng, còn nếu nói đến tiền thì không hẳn, bởi “mỗi năm chúng tôi bán vài trăm ngàn tấn phân bón thoải mái để nuôi nhau rồi”.

Những người biết ông đều hiểu sự “ham hố” ấy mới đúng “chất” Nguyễn Hồng Lam. Trong một quãng thời gian dài, sau những biến cố, những sóng gió thời còn làm doanh nghiệp Nhà nước, những trái ngang “thật dạ lòng người” trong môi trường kinh doanh khốc liệt, người ta chỉ thấy ông âm thầm cống hiến, âm thầm sát cánh với người nông dân xây dựng các mô hình liên kết, xây dựng các nhà máy, kiên định với con đường nông nghiệp hữu cơ đã lựa chọn từ khoảng 30 năm trước.

Mãi cho đến thời điểm gặp Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cảm nhận được “ngọn lửa” từ người đứng đầu ngành nông nghiệp, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ thì ông mới cảm thấy mình đã tìm được người để “nhập hồn với nhau”, để thực sự “bùng cháy”, dù lúc đó ông đã qua ngưỡng xưa nay hiếm.

 

 

Ngọn lửa ấy đã cháy lên trong bối cảnh nền nông nghiệp đang cần một cuộc giải cứu khỏi hóa chất độc hại, khỏi vòng lẩn quẩn, khỏi những bức bối về môi trường, dịch bệnh và ông Lam Quế Lâm đứng ở hàng ngũ tiên phong.

“Tuổi tôi cũng đã lớn, sau nhiều sóng gió, cuộc sống bây giờ cũng có thể gọi là viên mãn, nhưng tôi suy nghĩ, còn sức lực, khả năng sẽ còn làm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, liên quan đến người nông dân mà Bộ trưởng luôn trăn trở. Tôi xem đấy là sự dâng hiến và dành tặng bởi vì bản thân tôi cũng được Bộ trưởng truyền lửa rất nhiều”.

Mang tâm thế ấy, ông Lam từng hứa với Bộ trưởng 2 điều, một là trở thành doanh nghiệp chủ lực trong mục tiêu 3 triệu tấn phân bón hữu cơ vi sinh vào năm 2020, hai là xây dựng mô hình mẫu mực chăn nuôi hữu cơ nhằm tìm lối thoát cho chăn nuôi nông hộ đang đầy rẫy những bức bách.

Cả hai điều đó, đến giờ phút này ông cảm thấy tự hào vì đã thực hiện rất xuất sắc.

Cuối tháng 6 năm 2019, giữa cơn bão dịch tả lợn Châu Phi hoành hành khắp cả nước, ông gọi điện cho tôi nói, cháu sắp xếp vào Huế ngay, tôi muốn nói một số vấn đề về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ mà từ trước tới nay tôi muốn giấu, nhưng giờ không thể giấu được nữa.

Hóa ra cái sự mà ông “không thể giấu nữa” là những đàn lợn ở các mô hình chăn nuôi liên kết giữa Quế Lâm với người nông dân vẫn sống khỏe một cách kỳ lạ khi vây quanh dịch đã càn quét hết. Đó là những ngày dịch đang đỉnh điểm, cả nước không còn bất cứ một địa phương nào có thể trụ nổi, và ngay ở Huế, dịch quay trở lại lần thứ hai, đang vét nốt số lợn còn sót ở các vùng chăn nuôi trọng điểm. Thế nhưng cả hai đợt dịch đi qua, lợn hữu cơ Quế Lâm vẫn cứ ăn, cứ ngủ mà lớn. Thì ra từ mấy năm trước, ông Lam đã thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi với người nông dân bằng phương pháp hữu cơ vi sinh nhưng “giấu” vì muốn kiểm chứng thật chắc chắn hiệu quả rồi mới công bố rộng rãi.

 

 

Kỳ tích đó đã góp phần giúp Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đưa giải pháp an toàn sinh học lên hàng đầu để chỉ đạo ngành chăn nuôi. Bộ trưởng nói, trên cơ sở cách làm của Tập đoàn Quế Lâm, sau này các nông hộ tập trung thành HTX có thể ứng dụng những công nghệ sạch, giá thành vừa phải, tiện lợi dễ làm, phù hợp nhiều đối tượng, liên kết thành sản xuất lớn, nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn…

Sự kiện khánh thành nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh thứ 8 của Quế Lâm ở Vĩnh Phúc giữa năm 2019 là bước hoàn thành cơ bản lời hứa còn lại. Với hệ thống nhà máy hiện đại bậc nhất trải đều tại nhiều vùng trọng điểm của đất nước, Tập đoàn Quế Lâm là doanh nghiệp hàng đầu hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng, đảm bảo sản xuất ít nhất 1,5 triệu tấn/năm, chiếm khoảng một nửa mục tiêu 3 triệu tấn/năm của cả nước.

Có lẽ vì thế mà trong ngày khánh thành nhà máy hiện đại nhất miền Bắc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, đó là sự kiện vui mừng không chỉ với riêng Tập đoàn Quế Lâm mà còn với cả ngành nông nghiệp. Việt Nam đang dịch chuyển một nền nông nghiệp thông dụng phân bón mang các yếu tố hóa học như vừa qua sang một nền nông nghiệp sạch hơn, hiệu quả hơn và Quế Lâm là một trong những thành tố đang thực hiện nội dung này.

Trong những cuộc trà dư tửu hậu sau này, ông Lam chia sẻ, lời hiệu triệu của Bộ trưởng về nông nghiệp hữu cơ khiến ông hăng đến mức, ban đầu dự kiến chỉ đầu tư vào dự án này 250 tỷ đồng, nhưng sau đó đã quyết định tăng lên 500 tỷ đồng.

Lẽ tất nhiên, tình cảm, sự cống hiến, bầu nhiệt huyết của “người truyền lửa” Nguyễn Hồng Lam khiến Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thực sự cảm kích. Người đứng đầu ngành nông nghiệp thường nói, ông Lam là một người lính, đi lên từ chân đất, từ hai bàn tay trắng mà mang một khát vọng xây dựng đất nước như vậy thật đáng trân quý.

“Lịch sử sẽ còn nhiều người làm được những việc to lớn hơn, nhưng có lẽ không có một ông nào trong một thời gian rất ngắn mà làm hàng triệu tấn phân bón hữu cơ như vậy. Bây giờ lại còn chuyển sang các nhánh nông nghiệp khác. Nếu không có khát vọng, không có tâm thế người lính, yêu quê hương đất nước bằng hành động thì có lẽ khó có thể làm được như thế. Từ một người từng phải đi một chiếc xe ô tô bánh bện bằng rơm vì nổ lốp đến thành tựu như bây giờ, tôi biết ông đã có thể an nhàn, không việc gì phải lao tâm khổ tứ nữa, nhưng ông vẫn làm. Chính khát vọng của người lính đã làm nên những thành tựu đó và vẫn đang còn tiếp tục… Người ta tưởng rằng, đất nước 100 triệu dân, xu thế thời đại 7,5 tỷ dân không ai dám hô làm nông nghiệp hữu cơ mà ông lại làm và làm được”, Bộ trưởng nói trong chuyến thị sát các mô hình sản xuất của Quế Lâm ở Huế.

Chứng kiến sự truyền lửa lẫn nhau giữa một ông Bộ trưởng và một Chủ tịch Tập đoàn, tôi thường đùa ông: Xưa nay, doanh nghiệp và chính khách vốn dĩ ít bày tỏ sự ngưỡng mộ nhau “lộ liễu” như vậy lắm. Ông chỉ cười: Tui ngưỡng mộ tấm lòng, ngưỡng mộ tâm huyết của Bộ trưởng với người nông dân và tui nguyện cống hiến một phần cũng vì tấm lòng đó, chứ tui có xin chi Bộ trưởng mô mà ngại.

“ Chắc chỉ có tôi mới làm như thế”. Đó dứt khoát không hề có ý tự phụ. Đó là câu cửa miệng của ông Lam, như để nhắc nhớ về một cuộc hành trình quá gian nan với một người chỉ kiên định với nông nghiệp hữu cơ vi sinh.

Ông tuổi Tý (1948), cầm tinh con chuột lại mạng hỏa nhưng ham ruộng đồng, sông suối từ bé nên cha ông vẫn thường nói e rằng cuộc đời sẽ có nhiều ngang trái. Thực tế quả nhiên đúng thế thật.

Ông thắp ngọn lửa nông nghiệp hữu cơ trong một bối cảnh giông bão của ngành nông nghiệp, độ những năm 1993-1995. Đó là giai đoạn mà trong cuốn tự truyện “Tôi dòng sông và những cánh đồng”, ông bộc bạch rằng nó “khó khăn nhất trong cuộc đời”. Khó khăn hơn cả những cơn đói ăn thời kỳ kháng chiến nơi miền quê ông (Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Hơn cả những tháng ngày ông còn làm anh lính ở chiến trường ác liệt Quảng Bình, Quảng Trị. Hơn cả những năm tháng vợ chồng chạy ngược chạy xuôi từ Huế ra Quảng Bình khi ông liên tục phải chuyển việc. Hơn cả những lần ông đứng giữa lằn ranh một Anh hùng Lao động và sự bất công ở một doanh nghiệp Nhà nước…

Nhiều người biết ông Nguyễn Hồng Lam là đầu tàu xây dựng lên hai doanh nghiệp phân bón hàng đầu Việt Nam là Công ty Sông Gianh và Tập đoàn Quế Lâm, nhưng ít người biết vì sao ông lại kiên định với con đường nông nghiệp hữu cơ vi sinh đến vậy.

Năm 1990, may mắn tiếp nhận công nghệ hữu cơ vi sinh từ Giáo sư Phạm Văn Hữu, một Việt kiều Canada, trải qua bao nhiêu sóng gió, khó nhọc, ông Lam và công nghệ vi sinh mới được thừa nhận. Tiếc thay, khi được thừa nhận rồi thì đất nước trải qua một giai đoạn dài mà những yếu tố về môi trường, sức khỏe con người phải nhường chỗ cho nhiệm vụ cơm no áo ấm. Nông nghiệp hữu cơ vi sinh đứng bên lề cuộc cách mạng đó, thay vào là hóa học, vô cơ, là sự tàn nhẫn với đất đai chỉ vì mục đích tăng năng suất, phòng ngừa dịch hại một cách nhanh nhất.

 “Cuộc đời tôi trải qua nhiều thăng trầm, nhưng chưa bao giờ chán nản, bi quan. Cứ gặp khó khăn là quyết tâm tôi lại cao hơn một bước. Ở Công ty Sông Gianh, có những thời điểm nghiêm trọng đến nỗi lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên đã 2 lần nghĩ đến phương án giải thể hoặc bán cho công ty khác. Những lần ấy tôi đều tôi đều xin giữ lại, điều hành với một chiếc két sắt rỗng tuếch và vượt qua khó khăn”.

Ông là thế. Ít khi ca thán, kêu nghèo kể khổ hay phàn nàn, kể cả những sự bất công. Với ông, quan trọng nhất là tinh thần và lòng tin. Người như ông sống vì danh dự. Ông đi khỏi Sông Gianh thời kỳ doanh nghiệp đang ở đỉnh cao mà không màng bất cứ thứ gì, không lăn tăn một điều gì. Bởi “mình như thế nào thì sau nay người ta hiểu rõ, nếu mình không có danh dự thì không bao giờ thành công được”.

Nhìn lại con đường mà ông kiên định bước đi, tôi nghĩ, có lẽ, danh dự, nhiệt huyết, lòng tin đã hun đúc nên một ông Lam có thể làm những việc “chắc chỉ có tôi mới làm được thế”.

Nền nông nghiệp đất nước hay nói đến 4 nhà là nhà nước, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông, nhưng việc liên kết tìm tiếng nói chung, để các nhà ngồi được với nhau chưa bao giờ đơn giản. Ông làm được điều đó.

73 năm lăn lộn, ông đã kinh qua hết các nhà, hiểu rõ từng nhà như thế nào. Ông lôi kéo được họ đến với nhau, từ nông dân đến nhà khoa học, từ cán bộ địa phương đến chính khách, quan chức… Ông hiểu họ vì đã từng là họ rồi.

Ngay từ “thời điểm khó khăn nhất cuộc đời” ông đã xác định xây dựng lòng tin là bí quyết, công nghệ vi sinh là bảo bối. Làm nông nghiệp không chỉ chuyển biến cây trồng, vật nuôi, mà mấu chốt là chuyển biến nhận thức, tư tưởng con người. Muốn như vậy, tự chính mình phải vượt qua mọi thử thách, phải tiên phong.

Ông sát cánh với nông dân bằng việc xây dựng các mô hình để họ thấy hiệu quả, từ đó họ tự thay đổi và làm theo. Từ trồng trọt đến chăn nuôi, những mô hình ngày càng được nhân rộng vì người dân thấy cách làm của ông không những hiệu quả mà còn là hành động lan tỏa sự tử tế. Từ Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị đến tận Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, từ Sơn La miền Tây Bắc đến tận Long An miệt vườn, những người nông dân liên kết với Quế Lâm rồi, đi với ông Lam rồi thì chỉ biết làm thật mà thôi.

Với nhà khoa học cũng vậy. Ông không phải dân khoa học nhưng ông trân trọng họ, ông làm cho họ cảm nhận được bầu nhiệt huyết, khát vọng, tấm lòng của một doanh nhân luôn đồng hành với nông dân. Ông khiến họ trăn trở với các vấn đề nhức nhối của nền nông nghiệp nước nhà, khiến họ cảm thấy cần phải hành động, phải cống hiến. Quế Lâm là một trong những doanh nghiệp tiên phong thành lập hội đồng khoa học, thành lập viện nghiên cứu khoa học và những thành tựu hôm nay của họ đều dựa trên những cơ sở khoa học mà ra.

Còn với nhà quản lý, cán bộ nhà nước, ông cần mẫn lấy lợi ích người nông dân để thuyết phục. Chả xin xỏ cơ chế hay tiền bạc gì. Cứ kiên định sát cánh với người nông dân, bỏ tiền ra cho người nông dân thực hiện các mô hình liên kết… để lòng tin cứ thế bồi lấp và thành công. Bền bỉ, kiên định đến độ nhiều lãnh đạo quản lý nhà nước sau khi nghỉ chế độ đều về Quế Lâm để đồng hành với người nông dân, cùng nhau tạo ra sự tử tế trong nông nghiệp.

PGS.TS Phạm Thị Vượng, nguyên Viện trưởng Viện BVTV, bây giờ là Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học của Tập đoàn Quế Lâm vẫn thường kể một câu chuyện về ông Lam như sau: Khi tỉnh Long An mời Tập đoàn Quế Lâm vào cuộc “giải cứu” tình trạng nông dân phun thuốc BVTV quá nhiều trên cây thanh long, chứng kiến cả một bầu trời mịt mù thuốc, gần như tất cả những người trong đoàn công tác đều bỏ chạy. Duy chỉ có ông Lam đứng đó, trầm ngâm, đau xót. Ông lập tức họp các nhà khoa học “truyền lửa” không được phép “bỏ chạy” mà phải thay đổi bằng được thực trạng đó. Bây giờ cánh đồng thanh long liên kết ở Châu Thành có thể đi bất cứ thị trường khó tính nào, còn số diện tích tham gia liên kết ở các tỉnh thành ngày càng lan rộng.

Sau những năm tháng cần mẫn, miệt mài, “ngọn lửa ông Lam” bây giờ đã lan tỏa lắm. Trong chuyến thăm các mô hình sản xuất của Quế Lâm cuối năm 2019, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chia sẻ rất thật, chính nhiệt huyết, hành động của những người như ông Lam đã truyền lửa lại các nhà quản lý, các nhà khoa học một cách rất mạnh mẽ…

Riêng ông, vẫn lối suy nghĩ chân thành, đơn giản: “Mình làm thật, làm bằng uy tín, danh dự và hiệu quả thì chắc chắn sẽ thành công”. Tư duy ấy, ở Quế Lâm bây giờ đã thành cả một văn hóa.

Sau hơn 30 năm, con đường lớn cho sản xuất nông nghiệp đã được Đảng và nhà nước thực sự mở rộng. Ông Lam nói với tôi, từ phân bón hữu cơ đến chuỗi nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, Tập đoàn Quế Lâm đang bước tiếp chặng hành trình nhằm hiện thực khát vọng “Vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững”.

“Hành động của tôi suy cho cùng cũng nhỏ thôi, nhưng nếu cả đất nước này đều làm như thế thì nền nông nghiệp chắc chắn sẽ bài bản. Tôi luôn nghĩ, nền nông nghiệp Việt Nam muốn sáng sủa phải trở thành một nền nông nghiệp tuần hoàn”, Chủ tịch Quế Lâm nói về tương lai.

Sự tuần hoàn ấy thực ra là chuỗi khép kín, gắn bó không tách rời giữa trồng trọt và chăn nuôi. Quế Lâm đã định định dạng nền nông nghiệp hữu cơ bắt đầu từ đất. Hành trình của họ là mục tiêu trả lại cho đất, đối xử với đất một cách công bằng, thân thiện, bằng lòng biết ơn.

Hãy một lần đến những cánh đồng liên kết giữa Quế Lâm với người nông dân mà xem, đó không chỉ đơn thuần là sự báo ơn đối với nơi đẻ ra củ khoai, hạt lúa mà còn là sự trù phú, sạch sẽ vô cùng. Như cánh đồng ở xã Phù Bài, xã Thủy Phù (Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) chẳng hạn. Từ khi Quế Lâm và những người nông dân ở đây liên kết làm lúa hữu cơ, chỉ bón phân, làm cỏ, không phun thuốc BVTV thì đất đai phì nhiêu trở lại, đồng ruộng an toàn, giàu chất dinh dưỡng. Từ một cánh đồng ngập ngụa trong hóa chất, bây giờ hàng trăm ha ruộng biến thành một hệ sinh thái đa dạng, tự nhiên như nó vốn có, cá tôm bơi lội… Cánh truyền thông chúng tôi hay gọi đó là những “cánh đồng 3 không gọi cá tôm về”, còn các nhà khoa học coi đó là một hình mẫu của một hệ sinh thái nông nghiệp an toàn.

Làm thế nào để trong tương lai, thế hệ mai sau thực sự là con nòi cháu giống của Việt Nam? “Không có con đường nào khác ngoài nông nghiệp hữu cơ”, khát vọng, mục tiêu của Quế Lâm là như thế.

 Ông vẫn thường đi đến những vùng “đất chết”, đi đến những cánh đồng ngập ngụa trong hóa chất để kể cho người nông dân nghe về câu chuyện về hậu quả của những năm tháng đánh đổi mọi thứ để lấy cái ăn. Đó là chuyện về một người nông dân khoác sau vai tấm áo, ôm chiếc ặp lồng đứng giữa bệnh viện khóc nức nở. Ông ấy xin một liều thuốc để chết vì mọi người khác trong gia đình đã chết vì ung thư. Hay câu chuyện một thanh niên Việt Nam dự hội nghị LHQ đã bật khóc khi nghĩ tới viễn cảnh không biết ăn gì vì thực phẩm toàn chứa hóa chất độc hại...

Những câu chuyện đó không chỉ truyền thông điệp cảnh tỉnh mà còn là lời kêu gọi chung tay xây dựng một hệ sinh thái tuần hoàn, khép kín từ đầu vào của nền nông nghiệp đến sản xuất và tiêu thụ. Một hệ sinh thái mà ở đó, người đầu tiên có quyền được khỏe mạnh là nông dân. Bởi, chỉ khi nông dân khỏe thì sản phẩm họ làm ra mới sạch, mới an toàn.

“Lâu nay chúng ta đã ném ngân sách vào hóa chất để đổi lấy sự no ấm nhưng lại gây ra tội ác với đất đai, với con người. Khát vọng của Quế Lâm là không muốn nhìn thấy ngân sách bị “rửa trôi”, không muốn người nông dân chìm trong môi trường ô nhiễm nữa. Với điều kiện đang có như hiện nay hoàn toàn có thể biến thối thành thơm, biến những thứ đang bỏ đi thành vàng, đô la...để người nông dân thực sự được bảo vệ”, Chủ tịch Quế Lâm trăn trở.

Bằng kinh nghiệm của một doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất phân bón hữu cơ, hơn 30 năm của người đứng đầu, Quế Lâm luôn khẳng định: Con đường dẫn đến thành công để xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi và phế thải nông nghiệp chỉ có thể là áp dụng công nghệ vi sinh. Hay nói cách khác, vi sinh chính là "bảo bối" của Quế Lâm trong mục đích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Theo thống kê, mỗi năm ngành nông nghiệp thải ra 60-70 triệu tấn phế phụ phẩm, hơn 25 triệu tấn các loại phân gia súc, gia cầm, 64 triệu tấn chất thải rắn và 62 triệu m3 nước tiểu… Những phế thải đó không chỉ làm cho nông thôn Việt Nam ô nhiễm, lây lan dịch bệnh mà còn là sự lãng phí tài nguyên cực lớn. Ông Lam và Quế Lâm tin rằng, họ có thể cùng với người nông dân biến những thứ bỏ đi đó thành tiền, để không còn sự lãng phí và ô nhiễm.

Quế Lâm sẽ cùng với người nông dân thu gom những phế thải trong các trang trại, sử dụng men vi sinh do tập đoàn sản xuất để xử lý tận gốc. Con đường dẫn đến thành công để xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi và phế thải nông nghiệp chỉ có thể là áp dụng công nghệ vi sinh. Hay nói cách khác, vi sinh chính là "bảo bối" của Quế Lâm trong mục đích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

“Người ta sẽ phải ngưỡng mộ mình”, bây giờ thì ông hay nói thế. Chúng ta luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với người Nhật, nhưng thực tế có những thứ mình hoàn toàn có thể làm cho họ ngưỡng mộ. Chính ông thầy người Nhật chuyển giao công nghệ cho ông Lam nói, với điều kiện như Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những điều mà người Nhật chưa làm được.

Năm 2020 này, song song với mục tiêu phân bón hữu cơ vi sinh, Quế Lâm sẽ hợp tác chuyển giao quy trình sản xuất công nghệ men vi sinh từ các nhà khoa học Nhật Bản để xây dựng 3 trung tâm cung cấp men vi sinh cho cả nước gồm chế phẩm vi sinh cho trồng trọt, chăn nuôi, phân bón... Triển khai đầu tư nhà máy chế biến thức ăn gia súc, xây dựng chuồng trại ứng dụng mô hình chăn nuôi sinh thái tuần hoàn tại khu tổ hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Tiếp tục sản xuất chế biến thức ăn gia súc cung ứng cho các mô hình và phát triển mô hình cung cấp men khử mùi hôi chuồng trại, men vi sinh xử lý rơm rạ trên đồng ruộng cho các HTX và người chăn nuôi sử dụng để xử lý ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ, xã thải chăn nuôi gây ra…

“Đó là nền tảng để xây dựng hệ sinh thái Quế Lâm, một hệ sinh thái phải là trường học của người nông dân, thậm chí là của các nhà quản lý. Tất cả câu chuyện Quế Lâm không cần phải bàn cãi về chất lượng sản phẩm, về thị trường bởi vì đều đã có hết rồi. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là con người. Những gì Quế Lâm làm chắc chắn không có cái gì sai. Hành trình của nông nghiệp là hành trình dài, không thể đánh quả ăn ngay được. Quế Lâm mang tâm thế, khát vọng sẽ cạnh tranh ngang ngửa với các doanh nghiệp nước ngoài. Muốn như thế phải xây dựng chuỗi trên nền tảng vững vàng, phân phối lợi nhuận, hiệu quả từ đầu vào đến đầu ra một cách minh bạch đàng hoàng. Khát vọng của tôi phải làm được để mình đi ra thế giới không ai dám coi khinh”.

Trong ngôi nhà rường kiểu cổ ở Phú Mộng (TP Huế), ông Lam ngồi đó với những kỷ vật. Trong số đó có cả chiếc ô tô cổ từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt ưu ái khi ông đưa Sông Gianh lên đến đỉnh cao. Cuộc đời, cần biết buông bỏ nhưng cũng phải biết cảm ơn những sự gặp gỡ để cùng nhau tạo nên những khát vọng. Trước khi chia tay, ông cao hứng đọc hai  câu thơ trong bài Tự Tâm vừa mới sáng tác: Dẫu còn sớm nắng chiều mưa/ Chí khí, khát vọng, say sưa quản gì.

Tâm thế ấy, khát vọng ấy, ở tuổi 73 rồi mà cứ ngỡ như mới đôi mươi.