Đại dịch Covid-19 và những quyết sách linh hoạt, kịp thời

Trước những tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ, phục hồi, phát triển thị trường lao động chưa từng có tiền lệ để giúp người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, tiếp tục đà phát triển.

Năm 2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng tiêu cực đến hàng chục triệu lao động. Chỉ riêng trong quý III đã có 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; hơn 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm…, thu nhập giảm, đời sống gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chủ động, tích cực nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách chưa từng có tiền lệ nhằm đảm bảo an sinh xã hội gắn với phục hồi, phát triển thị trường lao động.

Hai gói an sinh hỗ trợ lớn theo Nghị quyết 68 với tổng số tiền hỗ trợ là 26.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ theo Nghị quyết 116 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với kinh phí 38.000 tỷ đồng được khẩn trương ban hành.

Và ngay sau đó, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai thực hiện một cách thần tốt để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, tập trung kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc hỗ trợ minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định.

Theo lời Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, nhiều chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp tình thế trong bối cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách. Đến nay có thể thấy các gói hỗ trợ an sinh xã hội đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tất cả các thủ tục, các quy định trong Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 là ở mức độ thông thoáng nhất có thể, không thể thông thoáng hơn được nữa.

Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68, ngày 07/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23 với khoản trợ cấp 26.000 tỷ được xác định nhằm hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Chính sách này đề ra 4 nguyên tắc cơ bản: Hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch; thiết kế, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, thủ tục hành chính giảm tới 2/3 so với Nghị quyết 42 năm 2020; đảm bảo chính sách có tính khả thi; mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách (trừ trường hợp đặc biệt là phụ nữ mang thai, người đang nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em bị mắc Covid-19 hoặc phải cách ly).

Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã quy định rõ các nguyên tắc trong quá trình thực hiện, đó là: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện; phân cấp trách nhiệm hỗ trợ giữa ngân sách nhà nước Trung ương và ngân sách nhà nước địa phương (tỉnh, thành phố).

Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa qua, gói hỗ trợ lần này với tinh thần cắt giảm tối đa các thủ tục không cần thiết và tập trung vào khâu hậu kiểm. Vì thế rất nhiều thủ tục đã được cắt bỏ, thời gian được rút ngắn đáng kể.

Các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 chỉ cần nộp giấy đề nghị hỗ trợ tại UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh để tổng hợp, trình các cấp, thời hạn giải quyết tối đa 10 ngày.

Gói vay trả lương đã điều chỉnh bỏ thủ tục quy định nộp trước ngày mùng 5, mà nộp ngày nào thì xét hồ sơ ngày đó. Ký trình chỉ 4 ngày là xem xét hồ sơ và trả lời cho doanh nghiệp, chỉ cần 3 ngày là giải ngân. Ở gói trước phải mất 40 ngày, gói hiện nay chỉ mất 07 ngày là cấp vốn.

Từ những điểm mới trong chính sách cho thấy Nghị quyết 68 và Quyết định 23 ngày 07/7/2021 đã rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ trước và có những điều chỉnh phù hợp, hiệu quản nhằm đơn giản thủ tục để người dân và doanh nghiệp.

So với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 năm 2020, gói hỗ trợ lần này theo Nghị quyết 68 được mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ. Theo đó, Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 hướng tới 12 nhóm đối tượng, trong đó có thể phân thành 3 nhóm lớn: Nhóm chính sách về bảo hiểm; Nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền; Nhóm chính sách cho vay vốn.

Đối với Nhóm chính sách về bảo hiểm, tổng kinh phí hỗ trợ 3 chính sách về bảo hiểm là 5.438 tỷ đồng, hỗ trợ cho 375.857 đơn vị sử dụng lao động và gần 11,4 triệu người lao động. Cụ thể, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với 11.238.000 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 58/63 tỉnh, thành phố với tổng số 844 đơn vị sử dụng lao động và 160.005 người lao động, tổng kinh phí 1.112,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 4.644 lao động tại 45 đơn vị sử dụng lao động để làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo nghề. Tại 08 tỉnh, thành phố, 13 đơn vị sử dụng lao động được phê duyệt hỗ trợ 4,33 tỷ đồng để đào tạo nghề, duy trì việc làm cho 1.252 người lao động.

Đối với Nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là trên 25.810 tỷ đồng (tương đương 245% kế hoạch dự toán), hỗ trợ trên 18 triệu đối tượng.

Trong đó, trên 1,21 triệu người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ với tổng số tiền 4.259 tỷ đồng; 482.265 người lao động ngừng việc được hỗ trợ gần 635 tỷ đồng; 2.650 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 10,5 tỷ đồng; 24.400 người lao động mang thai và 376.385 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động đã được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/người; 707.353 đối tượng F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí gần 473 tỷ đồng; 52.850 trẻ em, 10 người cao tuổi và 04 người khuyết tật là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 01 triệu đồng/người; 1.602 đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV được hỗ trợ kinh phí 5,9 tỷ đồng; 14.700 hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ kinh phí 54,5 tỷ đồng; 253.555 hộ kinh doanh được hỗ trợ với kinh phí 718 tỷ đồng. Trên 14,91 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 19.600 tỷ đồng.

Đối với Nhóm chính sách cho vay vốn, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã phê duyệt hồ sơ cho 2.485 lượt người sử dụng lao động vay vốn trên 2.325 tỷ đồng để trả lương cho 605.711 lượt người lao động. Trong tổng số người sử dụng lao động được hỗ trợ vay vốn, số đơn vị sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc chiếm 58,4%; số người sử dụng lao động vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất sau khi tạm dừng hoạt động chiếm 28,3%; số người sử dụng lao động vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên chiếm 13,3%.

Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 8,85 triệu lượt đối tượng với số tiền 12.244 tỷ đồng, Bình Dương (3.118 tỷ đồng), Đồng Nai (2.787 tỷ đồng), Hà Nội (2.063 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.742 tỷ đồng), Cần Thơ (905 tỷ đồng); Bắc Giang (858 tỷ đồng), Long An (737 tỷ đồng), Khánh Hòa (505 tỷ đồng).

Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh khiến sức chống chịu của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn và có thương hiệu trên thị trường bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài.

Theo báo cáo về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho biết, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. So với quý I, dịch bệnh đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng này.

Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ được ban hành kịp thời, đúng lúc, có tác dụng hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp đang gặp khó khăn trước đại dịch. Đối tượng thụ hưởng nhiều hơn như: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, đang tham gia BHXH bắt buộc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng đồng; nghỉ việc không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng từ 01 tháng trở lên được hỗ trợ 3,7 triệu đồng.

Các trường hợp người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 01 triệu đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em thì được hỗ trợ thêm 01 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi. Đối với người lao động bị nhiễm Covid- 19 hoặc phải cách ly y tế để phòng chống Covid - 19, chính sách lần này hỗ trợ toàn bộ tiền ăn.

“Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là kịp thời, đúng và trúng đối tượng, thông thoáng về hồ sơ và thủ tục, rút ngắn về thời gian. Thủ tục giảm 2/3, rút ngắn 2/3 thời gian so với gói hỗ trợ của Nghị quyết 42 năm 2020” Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

 Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 không chỉ là giải pháp hỗ trợ cấp thiết trong hiện tại mà còn giúp người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động.

Chính phủ đã ban hành chính sách cho vay trả lương ngừng việc và cho vay trả lương phục hồi sản xuất. Đây là biện pháp góp phần giúp doanh nghiệp được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để trả lương cho người phải ngừng việc và hỗ trợ vốn tín dụng khi quay lại sản xuất kinh doanh.

Nghị quyết 68 và Quyết định 23 cũng đưa ra chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/ người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, đời sống lao động, việc làm của người dân, nhất là những người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và chủ sử dụng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, cùng với việc đánh giá tác động và tính toán, cân nhắc làm sao kết dư của Quỹ bảo hiểm thấy nghiệp phải đảm bảo an toàn ít nhất trong 5 năm tới, Chính phủ thấy hoàn toàn có căn cứ để đề xuất với cấp có thẩm quyền và báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến dùng nguồn từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện thêm gói hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động.

Do đó, ngày 24/9/2021, Nghị quyết 116 của Chính phủ được ban hành với mục đích góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Đồng thời hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.

Nghị quyết nêu rõ, việc hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ và công bằng đối với NLĐ và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Việc thực hiện chính sách đặt trong cân đối tổng thể chung các nguồn lực của Nhà nước, các quỹ, các nguồn hỗ trợ khác, có tính tới sự khác biệt và ưu tiên một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Công tác hỗ trợ cần phải đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả. Không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Việc tính toán, xác định tổng mức hỗ trợ, mức hưởng, đối tượng hưởng, thời gian hưởng đã được Chính phủ tính toán chặt chẽ, bảo đảm tính an toàn, hoạt động lâu dài của Quỹ, đặt trong tổng thể cân đối chung nguồn lực, các nguồn hỗ trợ khác và bảo đảm cao nhất nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ, công bằng đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách này cũng bảo đảm không bị trùng lặp về đối tượng hưởng với các chính sách hỗ trợ đang được thực hiện, bảo đảm đúng chủ trương của Bộ Chính trị.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.595 tỷ đồng.

Có 351.566 đơn vị đã gửi danh sách xác nhận hưởng hỗ trợ cho 12.105.125 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Số người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ là 1.636.875 người. Có 28.827 người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Đến nay, đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.800.278 lao động (gồm 11.709.841 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.090.437 người đã dừng tham gia) với số tiền hỗ trợ 30.323 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 30.069 tỷ đồng cho 12.698.562 người lao động, trong đó đại đa số là chi trả qua tài khoản cá nhân.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TBXH, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có 5 chính sách cơ bản, trong đó chính sách quan trọng nhất cũng là vai trò quan trọng nhất là vai trò làm "bà đỡ" cho thị trường lao động.

Trong điều kiện đời sống lao động, việc làm do tác động dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề thì việc sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và giảm đóng cho doanh nghiệp đối với Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là hoàn toàn cần thiết và xác đáng.

Nghị quyết 116 còn cho thấy sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Phát huy vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chỗ dựa cho người lao động và người sử dụng lao động.

Có thể khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất với Đảng, Chỉnh phủ ban hành những chủ trương, chính sách hỗ trợ hết sức thiết thực, phù hợp, chưa từng có trong tiền lệ, không chỉ giúp người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh, mà quan trọng hơn là sự hỗ trợ cần thiết để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Và không chỉ có thể, khi đất nước dần trở lại trạng thái bình thường mới, Bộ LĐ-TB&XH đã ban Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH về Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Mục tiêu là duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%.

Theo đó, Quyết định 1405 được ban hành để hỗ trợ người làm động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay lại làm việc.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều người lao động, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách xã hội, bị mất việc. Nhằm tạo việc làm tốt, thu nhập bền vững, cũng như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng lao động, Quyết định 1405 sẽ hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất an toàn, đồng thời thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ kết nối cung – cầu lao động.

6 nhiệm vụ chính được Bộ LĐ-TB&XH đề ra trong Quyết định 1405, là:

Thứ nhất, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

Với nhóm lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc, Bộ LĐ-TB&XH hứa bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể: (1) Tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền để người lao động biết thông tin chính xác; (2) Hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp chi trả sinh hoạt phí tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế; (3) Phối hợp Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; (4) Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn ca, tiền lương, các chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội.

Với nhóm lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, Bộ cam kết hỗ trợ các chính sách về vận tải công cộng, xét nghiệm miễn phí, tiêm vacxin, và sinh hoạt phí hàng ngày.

Thứ hai, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Trong thời gian dịch Covid-19, nhiều cơ sở, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, hoặc phát sinh nhiều chi phí liên quan tới y tế, sức khỏe cho người lao động. Do đó, Bộ chủ trương hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới như: đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh lao động, thực hiện các quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hướng dẫn người sử dụng lao động về các cơ chế vay tiền để trả lương theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng; chi phí tuyển dụng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm; hỗ trợ đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc; đào tạo trực tiếp cho lao động địa phương phù hợp với diễn biến của dịch bệnh; bổ sung thêm nguồn vốn vào Quỹ Quốc gia về việc làm.

Thứ ba, Bộ LĐ-TB&XH tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động.

4 hướng giải pháp chính là: Tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho doanh nghiệp, hoặc vùng kinh tế trọng điểm; Nâng cao chất lượng nguồn cung lao động; Chuyển đổi số và dạy học trực tiếp trong giáo dục nghề nghiệp; Đầu tư vào các trường chất lượng cao.

Thứ tư, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức kết nối cung – cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung – cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ.

Trong số này, nhiệm vụ kết nối cung – cầu lao động sẽ được thực hiện thông qua việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đa dạng hóa các hình thức, chuyên đề của các phiên; tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến trong vùng hoặc toàn quốc.

Dữ liệu, thông tin về thị trường lao động sẽ được Bộ tổ chức điều phối, chia sẻ dữ liệu đến địa phương, đặc biệt là về nhu cầu tuyển dụng lao động để các địa phương chủ động rà soát. Đây là tiền đề để các cơ quan liên quan chuẩn bị sẵn phương án huy động, bổ sung, phát triển nguồn lao động từ sinh viên, bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ.

Thứ năm, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.

Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 là cơ sở để Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện các quy định về lao động, việc làm, tạo hành lang pháp lý cho thị trường phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Trong đó, Bộ sẽ sửa đổi, bổ sung các Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Trên quan điểm ứng dụng nền tảng công nghệ số, Bộ sẽ xây dựng dữ liệu về lao động, việc làm và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm xã hội, đăng ký doanh nghiệp để quản lý, nhằm thực hiện chính xác, kịp thời các chính sách. Bên cạnh đó, các Trung tâm dịch vụ việc làm hoạt động hiệu quả, hoặc nằm trong trọng điểm đầu tư sẽ được ưu tiên, để vừa hình thành mạng lưới thông tin thị trường, vừa quản lý, điều tiết thị trường.

Thứ sáu, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ lao động, hòa giải viên, trọng tài viên để giải quyết kịp thời tranh chấp lao động và đình công. Ngoài ra, quan hệ lao động trong doanh nghiệp cũng sẽ được chủ động nắm bắt.

Trong thời gian dịch bệnh, doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí để đảm bảo 3 tại chỗ.

Trong thời gian dịch bệnh, doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí để đảm bảo 3 tại chỗ.

Về phía địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh & Xã hội thực hiện gấp 7 việc.

Một, xây dựng phương án với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phục hồi kinh tế, tạo việc làm. Hai, nằm chắc nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; nhu cầu tìm việc cảu người lao động để tránh thiếu hụt cục bộ, nhất là thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán.

Ba, nghiên cứu chính sách giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động giữ chân người lao động để yên tâm làm việc. Bốn, giới thiệu, tạo việc làm ổn định cho người lao động trở về từ TP. HCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam. Năm, tăng cường, đa dạng hóa hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm để kết nối cung – cầu lao động.

Sáu, tâng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Bảy, định kỳ trước ngày 15 tháng đầu tiên của Quý gửi báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển thị trường lao động.

Tuấn Anh
Trọng Toàn
CTV