Đánh thức tiềm năng cây ăn quả miền núi phía Bắc

 

 

Nếu như trước đây nói tới Sơn La, người ta nghĩ tới vựa ngô lớn nhất cả nước, với những đói nghèo đeo đẳng thì ngày hôm nay, Sơn La đã trở thành vựa cây ăn quả lớn nhất nhì cả nước. Cây ăn quả đã đưa nông dân Sơn La từ trong bóng tối của vòng luẩn quẩn đói nghèo tới ánh sáng của một hiện tượng vươn lên về kinh tế nông nghiệp của cả nước.

Sự bứt phá trong phát triển cây ăn quả của Sơn La, bên cạnh những yếu tố song hành cùng nhịp đập chung của làn sóng vươn lên của ngành rau quả cả nước trong giai đoạn qua, không thể không nói tới sự vào cuộc quyết liệt, với những quyết sách mang tính cú hích mạnh mẽ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, nhất là những chính sách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La giành cho cây ăn quả.

Có thể kể tới chủ trương từ sớm, đặc biệt là Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND năm 2016 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển HTX trồng cây ăn quả giai đoạn 2017-2020, Nghị quyết 28/2017/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả; Nghị quyết số 37/NQ-HĐND năm 2017 của HĐND tỉnh về Đề án phát triển cây ăn quả của tỉnh đến năm 2020...

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đã xấp xỉ 100 nghìn ha, đứng đầu cả nước (sơn tra: 27.800 ha, cây ăn quả khác: 72.200 ha), trong đó: Diện tích xoài khoảng gần 18.000 ha, sản lượng 192.000 tấn; nhãn gần 20.000 ha, sản lượng ước 215.700 tấn; mận, mơ khoảng 10.400 ha, sản lượng 100.094 tấn; chuối 6.000 ha, sản lượng 72.000 tấn; cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi) khoảng 9.000 ha, sản lượng 135.000 tấn...

Tốc độ tái cơ cấu cây trồng, chuyển từ cây trồng giá trị thấp sang các loại cây ăn quả giá trị cao tại Sơn La những năm qua đã liên tục tăng tốc mạnh mẽ.

Tính đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, tổng diện tích chuyển đổi diện tích từ đất dốc canh tác cây lương thực, các loại cây công nghiệp hiệu quả thấp trên địa bàn để thực hiện chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đạt trên 33.189 ha, trong đó chuyển từ đất trồng lúa nương 1.259 ha, đất trồng ngô 30.599 ha, đất trồng sắn 716 ha, đất trồng cà phê 615 ha sang trồng cây ăn quả.

Các diện tích cây ăn quả chuyển đổi từ cây trồng kém giá trị đã cho thu nhập rất cao như chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu đồng/ha/năm; xoài ghép 500 triệu đồng/ha/năm; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha/năm; na hoàng hậu ghép tới 1 tỷ đồng/ha/năm...

Bên cạnh cung ứng cho thị trường tiêu thụ quả trong và ngoài tỉnh, đến năm 2019, Sơn La đã có các diện tích cây ăn quả đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc với khoảng 300-500 ha, bao gồm các loại quả như nhãn, xoài, chanh leo, chuối, mận, bơ…

Hiện Sơn La vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) nhằm duy trì và xúc tiến cấp mới mã số vùng trồng cho nhiều loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu sang các thị trường.

Cụ thể, đến đầu năm 2020, toàn tỉnh đã được Cục BVTV cấp 119 mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, với tổng diện tích gần 1.340 ha, sản lượng ước đạt trên 14.000 tấn quả các loại. Cục BVTV và tỉnh Sơn La đang tiếp tục phối hợp, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để cấp thêm các mã số vùng trồng khoảng trên 1.000 ha trong thời gian tới.

 

 

Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, Sơn La đang thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư sâu vào các tổ hợp chế biến, gắn với các vùng nguyên liệu trái cây chủ lực trên địa bàn tỉnh.

Nhà máy chế biến chanh leo của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu đã hoàn thành đi vào hoạt động; Nhà máy chế biến quả, đồ uống nước hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ cũng mới khánh thành đi vào hoạt động; Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Ninh Bình và Công ty GreenPath đang triển khai quy trình đầu tư nhà máy sơ chế, bảo quản chế biến quả tại huyện Mai Sơn...

Ngoài ra, Sơn La cũng đang kêu gọi, thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Lavifood, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T… đầu tư phát triển các vùng trồng cây ăn quả gắn với xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến quả ứng dụng công nghệ cao…

 

 

Tiềm năng cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc không chỉ có Sơn La, mà trải rộng ở nhiều tỉnh, tỉnh nào cũng có những dư địa, với những đối tượng cây ăn quả còn giàu tiềm năng dư địa.

Thành quả của Sơn La, có thể xem như là một điển hình, tiên phong để các tỉnh trong vùng miền núi phía Bắc có thể nối gót tiếp bước khai thác những tiềm năng, thế mạnh về cây ăn quả của tỉnh mình.

Xa hơn, là hình thành những liên vùng sản xuất cây ăn quả mang tính hàng hóa lớn cho toàn vùng miền núi phía Bắc, gắn với sản xuất theo chuỗi theo hướng giá trị gia tăng, từ việc cải thiện tổng thể về khoa học trong canh tác, thâm canh một cách bền vững; cải thiện và quản lí, cung ứng giống cây ăn quả đảm bảo chất lượng, sạch bệnh.

Đến việc nâng cao vai trò, năng lực, chất lượng hoạt động của các HTX trong mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp; cải thiện đầu tư vào sơ chế, chế biến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, gắn với thương mại chuyên nghiệp...

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), đơn vị có bề dày trong nghiên cứu về tiềm năng cây ăn quả các tỉnh miền núi phía Bắc đánh giá: Miền núi phía Bắc hiện có diện tích cây ăn quả khoảng trên 200 nghìn ha, chỉ chiếm khoảng trên 20% diện tích cây ăn quả trên cả nước.

Nhìn chung, miền núi phía Bắc không có nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai trải rộng, thuận lợi cho canh tác, sản xuất lớn tập trung mênh mông như các tỉnh miền Nam. Song, đây lại là vùng đa dạng nhất nước về chủng loại cây ăn quả, bao gồm cả nhóm cây ăn quả nhiệt đới, nhóm cây ăn quả á nhiệt đới và cả nhóm cây ăn quả ôn đới.

Nhóm cây ăn quả nhiệt đới:

Các cây ăn quả nhiệt đới chính, có khả năng phát triển ở miền núi phía Bắc hiện nay bao gồm chuối, dứa, xoài. Trong đó, chuối là cây ngắn ngày, dễ canh tác và có thị trường tiêu thụ rộng mở, dư địa lớn để phát triển tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hiện nay, diện tích chuối cả nước khoảng 144.000 ha, với sản lượng khoảng 2 triệu tấn. Chuối nước ta đang xuất khẩu đi nhiều thị trường có nhu cầu rất lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu, thị trường xuất khẩu chuối cũng rất mở, với đa dạng các sản phẩm từ chuối quả, chuối chế biến (xay, sấy...).

Hiện nay, miền núi phía Bắc đã và đang hình thành các vùng trồng chuối tập trung hàng hóa như Lào Cai có vùng chuối của Bảo Thắng, Mường Khương (Mường Khương có diện tích hơn 1.000 ha chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc). Lai Châu có vùng chuối tây đặc sản hơn 6.000 ha chuyên xuất khẩu Trung Quốc. Nhiều tỉnh khác như Yên Bái, Sơn La... cùng đều có các vùng chuyên canh chuối tập trung, quy mô đáng kể.

Dứa cũng là cây ăn quả nhiệt đới có tiềm năng sản xuất quy mô hàng hóa lớn tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trước đây, do hiệu quả kinh tế thấp nên thời gian dài những năm qua, diện tích dứa cả nước chỉ xung quanh 40.000 ha.

Hiện nay, công nghiệp chế biến phát triển, dứa được chế biến với đa dạng các sản phẩm như nước dứa cô đặc, dứa khoanh, dứa đông lạnh xuất khẩu...

Sơn La cũng có nhiều huyện có thể trồng dứa rất phù hợp. Bên cạnh đó Tuyên Quang một số huyện như Sơn Dương, Hàm Yên, Na Hang đều có thể trồng dứa rất tốt. Lai Châu cũng có rất nhiều vùng có thể phát triển cây dứa để phục vụ ăn tươi và chế biến. Ở vùng Đông Bắc, các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên cũng đều có thể trồng dứa rất phù hợp.

Cây ăn quả nhiệt đới khác đang có mặt và phát triển tại một số vùng ở miền núi phía Bắc, đó là xoài. Tuy nhiên, xoài là cây nhiệt đới điển hình, chỉ phù hợp nhất cho các tỉnh phía Nam. Cây xoài ở miền núi phía Bắc chỉ nên phát triển ở một số tiểu vùng khí hậu đặc thù như Sơn La (các vùng Yên Châu, Mai Sơn, một phần Quỳnh Nhai); Hà Giang (huyện Yên Minh); Lai Châu (vùng Phong Thổ)...

Cây ăn quả á nhiệt đới:

Cây ăn quả á nhiệt đới tại các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay có thể kể tới nhãn, vải, cây có múi, bơ...

Trong đó, ngoài cây vải đã được định hình ổn định tại một số địa phương (Bắc Giang), nhãn (Sơn La, một số tại Tuyên Quang, Hòa Bình, Yên Bái...). Đặc biệt, cây có múi đang là nhóm cây trồng cần có những cơ cấu, dịch chuyển về sản xuất.

Cây có múi hiện nay là cây có mặt ở tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo số liệu mới nhất của Bộ NN-PTNT, tổng diện tích cây có múi cả nước khoảng 256.000 ha (cam: 97.000ha, bưởi: 85.000ha, còn lại là nhóm như quýt, chanh).

Tuy nhiên, cây có múi phía Bắc không có lợi thế về mặt xuất khẩu. Hiện tại, cây ăn quả có múi xuất khẩu chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như bưởi da xanh, bưởi năm roi, chanh không hạt.

Trong khi cây có múi ở phía Bắc chủ yếu phục vụ nội tiêu. Vì thế, quan điểm của Bộ NN-PTNT đối với cây có múi ở phía Bắc nói chung là dừng lại ở diện tích hiện tại, không mở rộng thêm diện tích. Bên cạnh đó, phát triển cây có múi các tỉnh miền núi phía Bắc cần phải tiếp tục thay đổi cơ cấu bộ giống trong thời gian tới.

Cụ thể đối với cây cam, theo đánh giá của các doanh nghiệp chế biến, sở dĩ cam của Việt Nam nói chung, trong đó có các tỉnh phía Bắc của chúng ta không có lợi thế xuất khẩu và chế biến, một phần lí do do các giống cam của nước ta hiện nay vẫn còn có hạt nhiều, khó chế biến.

Song quan trọng hơn cả là giá thành sản xuất vẫn còn quá cao so với mặt bằng của thế giới (có doanh nghiệp chế biến cho biết chỉ khi giá cam nguyên liệu xuống dưới mức 8.000 đ/kg thì mới có thể chế biến và có sức cạnh tranh).

Về lý thuyết chọn tạo giống, chúng ta hoàn toàn có thể làm được giống cam không hạt. Tuy nhiên để chọn được giống cam không hạt đòi hỏi phải thời gian dài, nhanh nhất cũng phải 10 - 15 năm mới có thể cho ra được một giống.

Hiện nay, cam là cây mà cả trên thế giới và trong nước đang đi theo hướng là xử lý đột biến để tạo ra các giống không hạt từ giống có hạt. Hiện Viện Nghiên cứu Rau quả cũng đã nghiên cứu được một số dòng cam không hạt bằng xử lý đột biến, đang trong giai đoạn đánh giá xem có khả năng triển vọng để đưa ra sản xuất. 

Trước mắt, việc phát triển cây cam ở các tỉnh miền núi phía Bắc cần tiếp tục chuyển dịch mạnh hơn nữa về cơ cấu giống theo hướng đưa vào các giống cam ít hạt hơn, ví dụ các giống mới của Viện Di truyền Nông nghiệp (như giống cam CT9, CT36 mới được Bộ NN-PTNT công nhận, có ít hạt). Viện Nghiên cứu Rau quả hiện cũng đã có một số dòng cam ít hạt triển vọng đang quá trình đánh giá nhằm từng bước đưa ra sản xuất để thay thế những giống cam nhiều hạt hiện nay.

Về thời vụ, phần lớn diện tích cam phía Bắc hiện nay chủ yếu vẫn tập trung vào nhóm chín chính vụ nên cần điều chỉnh cơ cấu giống để tăng tỉ lệ nhóm chín sớm và nhóm chín muộn.

Đối với nhóm bưởi, ở phía Bắc có một số nhóm bưởi chính như bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), Tuyên Quang có bưởi Xuân Vân và bưởi đường Nhân Lý, ở Tây Bắc như Hòa Bình có bưởi đỏ Tân Lạc...

Các giống bưởi ở phía Bắc chủ yếu là bưởi ngọt, chỉ phù hợp với thị trường nội địa. Vì vậy, muốn mở rộng thị trường, nhất là hướng tới xuất khẩu mình, sẽ cần các giống có chất lượng phù hợp, tức độ ngọt và chua phải cân đối.

Theo đó, ngoài việc đưa bưởi da xanh ra phía Bắc, cần có các nghiên cứu hoặc tuyển chọn để có giống phù hợp hơn với thị hiếu xuất khẩu và có chất lượng tương tự như bưởi da xanh.

Những năm gần đây, cây bưởi da xanh đưa ra trồng tại phía Bắc chất lượng thực chất là không thua kém các tỉnh ở phía Nam nếu được canh tác, thâm canh đúng quy trình.

Tuy nhiên, nhược điểm là bà con nông dân hiện đã quen canh tác các giống bưởi ở phía Bắc, trong khi bưởi da xanh là giống có yêu cầu, chế độ chăm sóc cao hơn nhiều so với các giống bưởi phía Bắc.

Vì vậy, có nhiều vườn bưởi da xanh tại phía Bắc sau khi trồng một thời gian thì sinh trưởng kém, còi cọc nên bà con nông dân chán, bỏ bê.  Tỉ lệ vườn bưởi da xanh phía Bắc sinh trưởng tốt, chất lượng và tuổi thọ dài, năng suất cao vẫn còn chiếm tỉ lệ rất thấp.

Đối với cây có múi tại các tỉnh phía Bắc, chủ trương là không tiếp tục tăng mạnh về diện tích, tuy nhiên trong nội bộ nhóm cây có múi, có thể dịch chuyển cơ cấu. Ví dụ trong khi bưởi và cam hiện nay ở phía Bắc đã có diện tích có thể xem là bão hòa với nhu cầu nội tiêu, thì cây chanh lại gần như chưa được các địa phương, nông dân, doanh nghiệp chú ý nhiều.

Cây chanh có điều kiện sinh thái tương tự như các cây có múi khác, khá dễ tính và chống chịu tốt với dịch bệnh. Các tỉnh phía Nam, nhất là ĐBSCL như tỉnh Long An trồng chanh không hạt xuất khẩu rất lớn, giá trị cao.

Bên cạnh đó đối với nhóm cây có múi, nhiều tiểu vùng khí hậu đặc thù tại các tỉnh miền núi phía Bắc cũng có thể phát triển rất tốt để phục vụ nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao tại thị trường nội địa. Ví dụ như Bắc Kạn có quýt vàng; Lạng Sơn có quýt vàng Bắc Sơn; Lào Cai, Yên Bái có quýt sen, quýt chum; Bắc Quang (Hà Giang) có quýt chum...

Nhóm cây ôn đới:

Miền núi phía Bắc là vùng có đặc thù với nhóm cây ăn quả ôn đới, có thể lựa chọn những cây ôn đới có yêu cầu thấp về độ lạnh, thuộc nhóm đặc sản của địa phương để phát triển.

Sở dĩ cần lựa chọn những cây ăn quả ôn đới có yêu cầu thấp về độ lạnh, bởi miền núi phía Bắc chưa phải có độ lạnh cao. Cụ thể, độ lạnh tính theo đơn vị lạnh của khu vực vùng cao nhất ở miền núi phía Bắc chỉ xung quanh 500-600 đơn vị lạnh, nhưng phổ biến chỉ từ 200-300 đơn vị lạnh.

Những vùng cao hơn như Sapa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu) có đơn vị lạnh cao cũng chỉ khoảng 500. Với độ lạnh này, chúng ta chỉ có thể lựa chọn những giống cây ôn đới có quả nhỏ, bởi cây ôn đới quả to (500-600 g/quả), chất lượng ngon thì yêu cầu độ lạnh phải từ 800-1.000 đơn vị lạnh.

Nhiều nơi ở miền núi phía Bắc hiện nay cũng đã và đang hình thành được các vùng chuyên canh cây ăn quả ôn đới đặc sản như: Sapa có lê xanh; Hà Giang ở Đồng Văn cũng đã có trồng lê xanh, lê nâu; Cao Bằng có lê xanh, lê nâu; Lạng Sơn cũng có lê nâu...

Đây là những nhóm cây đặc sản bản địa do chúng ta tuyển chọn giống, mặc dù chất lượng không quá cao nhưng phù hợp với điều kiện sinh thái bản địa, cần duy trì một diện tích nhất định nhằm phục vụ cho nhu cầu nội tiêu nhằm giảm nhập khẩu.

Bên cạnh việc duy trì các giống cây ăn quả ôn đới bản địa, cần tiếp tục đưa các giống có yêu cầu thấp về độ lạnh, phù hợp với điều kiện sinh thái từ nguồn nhập nội để bổ sung như một số giống hồng (Viện Di truyền Nông nghiệp đã đánh giá một số giống phù hợp với Mộc Châu và một số vùng sinh thái tương tự).

Về lê, hiện Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện KHKT Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc hiện cũng đã có một số giống lê xanh, lê nâu (tiêu biểu như VH6 nguồn gốc Đài Loan), đã trồng thành công ở Lào Cai, có triển vọng phát triển ở Lào Cai và những vùng có điều kiện sinh thái tương tự.

Về giống đào, ngoài giống đào chín sớm ĐCS1 của Viện Bảo vệ thực vật công nhận, hiện nay một số doanh nghiệp cũng đang có chương trình hợp tác với nước ngoài để khảo nghiệm một số giống đào nhập từ Úc... Hi vọng thời gian tới, sẽ có một, hai giống đào bổ sung vào cơ cấu các giống đào trồng ở phía Bắc.

Đối với giống mận, căn bản nhất cần tiếp tục phát triển công tác phục tráng giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng của giống mận đã có như mận Tam Hoa, một số vùng đã có như Bắc Hà của Lào Cai, Mộc Châu của Sơn La...

Lê Bền- Đồng Thưởng- Đăng Hải
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Tùng Đinh- Lê Bền- Đăng Hải
Minh Đãm