Nhắc đến miền Tây, hẳn trong đầu nhiều người sẽ nảy ra những cánh đồng bát ngát, thẳng cánh cò bay, những miệt vườn chín mọng trái cây nơi đất Chín Rồng. Hoặc thả hồn theo những lần săn mây trong hơi thở đẫm sương, neo trên điệp trùng núi non hùng vĩ miền Tây Bắc. Không thì là một dải đất đỏ bazan, điểm xuyết những chấm đỏ của vựa cà phê mùa thu hoạch. Nhưng vẫn còn một “trời Tây” rất khác nữa, hoang hoải và mộng mơ, tựa như lời mời gọi của núi rừng miền biên viễn.
Giữa cái nắng còn rơi rớt lại đầu đông nơi trụ sở Bộ NN-PTNT, khu trưng bày nông đặc sản huyện Thanh Chương nằm nép mình sát khu nhà B6. Một vài chiếc kệ bằng tre, gỗ đơn sơ, ít tấm lụa dài, đỏ thẫm. Phía trên để cơ man là nhút, trám và một số loại hương liệu đặc trưng khác của huyện miền núi phía Tây Nghệ An. Nếu có thêm một tiếng khèn, hay một nhịp chân nhảy theo điệu sạp, hẳn không ít người sẽ cảm tưởng đang lạc trong một phiên chợ quê nào đấy.
Cái tươi mới đủ màu của các gánh hàng, giả như có thêm sắc hồng phai của đào, vàng ươm của mai, cam cam của vạn thọ, hay lẻng xẻng những câu đối nhỏ, những đĩnh vàng to như hột mít… có lẽ cũng đủ để thay thế những âm thanh đặc mùi Tết kia.
Nhưng rồi một ánh nhìn ấm áp như tia nắng rọi qua biển mây bồng bềnh ở cổng trời Mường Lống kéo chúng tôi về thực tại. Không muốn gọi giật trí tưởng tượng của mọi người, dường như mất đến vài phút, người đàn ông tuổi ngoài 40 mới cười bằng mắt và khẽ bảo: “Mùa đông này về miền Tây đẹp lắm".
Tháng 11 là lúc những cánh rừng ở miền Tây chuyển mình thay lá. Nếu may mắn, du khách có thể được ngắm tuyết rơi ở các bản làng vùng cao Kỳ Sơn, trên đường đi chinh phục hai cổng trời sừng sững tại nơi này. Nhất là vào khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1, thời điểm lạnh nhất của mùa đông, không khó để thấy cả đất trời trắng xóa tại các xã như Tam Hợp (Tương Dương), Nậm Cắn, Nậm Càn, Na Ngoi (Kỳ Sơn).
Không chỉ có khung cảnh như trời Âu, miền Tây xứ Nghệ còn mời mọc, chào đón bằng muôn màu hoa rực rỡ. Đó có thể là cánh đồng hoa hướng dương ở Nghĩa Đàn, màu vàng nhuộm ửng cung đường Quốc lộ 7 biên giới Việt - Lào của hoa dã quỳ, hay những nụ đào nở sớm trên các sườn đồi, xen giữa những ngôi nhà của làng bản.
Tháng 12 cũng là dịp các phiên chợ vùng cao tại Huồi Tụ, Mường Lống, hay chợ biên giới Nậm Cắn (Kỳ Sơn), chợ phiên Tam Thái (Tương Dương) cuốn hút khách thập phương. Ở đó, nhiều sản vật độc đáo như thổ cẩm, đồ đúc bạc, đồ lưu niệm làm bằng tay, hay những món nướng ngon lành được nướng than hoa ngay tại chợ trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá màu sắc văn hóa mới lạ miền biên viễn.
Phải chăng vì cái mong muốn tái hiện một phiên chợ quê giữa lòng Bộ NN-PTNT mà 11 huyện, thị miền Tây Nghệ An đã mang tất cả những gì rực rỡ nhất của Thanh Chương, Kỳ Sơn, Tương Dương… hội tụ tại nơi đây. Đứng giữa gian hàng, người đàn ông ngoài 40 chưa vội đáp. Anh đẩy gọng kính lên cao sống mũi và mượn câu chuyện cây chè quê hương thay câu trả lời.
Sinh ra tại xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã bảo, hơn 40 mùa xuân anh trải qua cũng tương đương khoảng thời gian cây chè bén rễ trên đất Thanh Chương. Nhớ đến thời thơ ấu, anh vẫn như in hình ảnh các bác, các cô, các chú nhờ cây chè mà xua đi được cái đói, cái nghèo.
Anh Nhã tâm sự, với người trồng chè, nếu 3 năm đầu tập trung đầu tư, chăm sóc thì có thể thu hoạch và cho doanh thu từ năm thứ tư trở đi. Công đầu tư, chăm bón giảm xuống, hầu như chỉ làm cỏ, bón phân sau chu kỳ khoảng 1 tháng/lần thu hái.
Nhiều hộ dân tại Thanh Chương có thể đạt năng suất 5 tạ búp chè tươi trên mỗi sào chè trong một lần thu hái. Nếu mỗi năm hái 8-10 lần, sản lượng chè một sào hoàn toàn có thể đạt 4-5 tấn. Ngay cả khi giá xuống loanh quanh 3,5-4 triệu đồng/tấn, một sào chè cũng cho thu hoạch từ 15 triệu đồng/năm. Còn nếu giá chè đạt tới ngưỡng 5 triệu đồng/tấn thì có thể cho thu nhập 20-25 triệu đồng.
Đó là một con số lớn với bà con khu vực miền núi như Thanh Chương, những người trước đây hầu như chỉ làm bạn với ngô, sắn, lạc, khoai. Từ chỗ ban đầu chỉ có một vài hộ làm mô hình thí điểm, đến năm 2001, thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị số 02-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, nhiều người dân Thanh Chương đã mạnh dạn đổi mới.
Nhắc đến chè Thanh Chương, có lẽ xã Thanh Đức nằm trong số trọng điểm. Chủ tịch Trình Văn Nhã kể, xóm 1 xã Thanh Đức được hình thành trên cơ sở một số hộ dân từ huyện Nam Đàn và xã Cát Văn, huyện Thanh Chương di dân lên làm kinh tế mới từ những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Khoảng đầu những năm 2000, người dân nơi đây đã chuyển đổi 40ha đất màu, đất vườn đồi để trồng chè. Từ những ngọn đồi trọc, cây công nghiệp này đã làm thay đổi diện mạo làng quê vùng biên. Những tiếng nói, tiếng cười rộn ràng khắp xóm khi có tới 90% số hộ trong xóm đầu tư, phát triển cây chè, đưa loài này thành cây trồng chủ lực.
Nhiều hộ tại xã Thanh Đức gắn bó với cây chè từ đời ông đến đời con và đời cháu, như gia đình ông Trần Văn Tuệ (xóm Sướn), gia đình ông Nguyễn Trọng Thoại (xóm 1); Trần Văn Giăng, Phan Văn Phú, Lê Văn Tính (xóm Chế Biến)… Một số gia đình trồng chè với quy mô lớn, diện tích tới 2-4ha. Không phụ lòng người, cây chè sâu rễ, bền gốc, ít sâu bệnh trên mảnh đất Thanh Đức.
Không bằng lòng với những gì có được, nhiều hộ dân chuyển đổi sang canh tác chè theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp tăng năng suất, khống chế dư lượng thuốc BVTV trong ngưỡng và tồn dư kim loại nặng đều ở mức cho phép.
Năm 2019, trong đợt đánh giá phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của UBND tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương có 7 sản phẩm được “gắn sao”. Trong 2 sản phẩm đạt 4 sao, chè xanh Thanh Chương do HTX Nông nghiệp và Chế biến chè Thanh Đức nổi bật khi hoàn thiện các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, đóng gói bao bì và dán nhãn mác bài bản.
Ông Đặng Duy Lâm, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay diện tích trồng chè của HTX khoảng 10ha, cho sản lượng hằng năm khoảng 10 tấn thành phẩm đóng gói. Sản phẩm của HTX hoàn toàn được thu hái bằng tay, theo tiêu chuẩn “1 tôm 2 lá” (hái chè búp non, không thu hái bằng cắt máy). Đến nay, sản phẩm chè xanh của HTX cung cấp tới rất nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng và thị trường bán lẻ không chỉ trong nội bộ Nghệ An mà còn trên cả nước. Đầu ra sản phẩm ổn định, HTX tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động địa phương, với thu nhập trung bình ở mức 6 triệu đồng/người/tháng.
Dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19 trong giai đoạn năm 2020, 2021, thời điểm sau khi sản phẩm chè OCOP 4 sao được công nhận, HTX Nông nghiệp và Chế biến chè Thanh Đức vẫn kiên trì bám trụ thị trường, đồng thời tìm tòi, nghiên cứu sản xuất sản phẩm đa dạng hơn, hướng đến chế biến tinh, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.
Từ cây chè, UBND huyện Thanh Chương tiếp tục chỉ đạo, giúp đỡ người dân phát triển sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đồng thời đẩy mạnh Chương trình OCOP quốc gia.
Thống kê bước đầu, sau khoảng 5 năm triển khai thực hiện, 38 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã đầu tư và có sản phẩm đặc trưng của địa phương, với khoảng gần 700 vườn mẫu, hơn 40 vườn nông thôn mới, khoảng 30 tổ hội nghề nghiệp và hơn 500 trang trại, gia trại. Cũng nhờ sự phát triển đồng bộ và mạnh mẽ của các loại cây, con chủ lực, đến nay, toàn huyện Thanh Chương đã có hơn 40 HTX nông nghiệp, một số HTX đã hình thành và xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều mô hình kinh tế thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, các gia trại, trang trại thu hút và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Chính quyền huyện cam kết, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cố gắng giới thiệu và đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử cũng như kết nối đưa vào các chuỗi bán lẻ mạnh trên toàn quốc, trước mắt là ưu tiên cho nhóm sản phẩm OCOP 4 sao của Thanh Chương.
Chương trình OCOP không những góp phần làm thay đổi ngành nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng các loại cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả, tăng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi hàng hóa, phát triển hình thức tổ chức sản xuất gắn liền với liên kết sản xuất, quản lý chất lượng, mà còn giúp người dân các miền quê nâng cao nhận thức về tiềm năng của địa phương.
Nói như vậy bởi theo lời anh Trình Văn Nhã, huyện Thanh Chương giờ đã có nhiều mô hình “tích hợp đa giá trị” trong ngành nông nghiệp, chẳng hạn kết hợp với du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, du lịch canh nông.
Trong số ấy, không thể không kể đến đảo chè Thanh Chương, với tổng diện tích khoảng 80ha. Tọa lạc tại xã Thanh An, nơi đây có những hòn đảo chè bậc thang xanh ngọc bích. Đập nước Cầu Cau bao quanh những đồi chè, khiến chúng nhìn từ xa tựa như những chú ốc khổng lồ đang khoe sắc trên mặt nước. Điểm đặc biệt là các ngọn chè, đảo chè ở Thanh Chương hầu như hiện hữu và tươi đẹp quanh năm, không phụ thuộc nhiều vào mùa vụ như các điểm du lịch khác.
Với hàng chục ốc đảo chè khác nhau, mỗi đảo có diện tích khoảng hơn 1ha, du khách có thể tận hưởng cảm giác thư thái cùng bầu không khí cực kỳ trong lành khi ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, đi len lỏi qua từng ốc đảo xanh. Thoang thoảng trong không gian là mùi hương chè nhẹ nhàng. Đặc biệt, trên mỗi ốc đảo còn có một túp lều nhỏ. Phía bên trong người dân đã kê sẵn những bộ bàn ghế, có cả ấm chén pha nước sẵn để mọi người đến du lịch đồi chè Thanh Chương có thể ngồi nghỉ ngơi. Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng tựa như câu ca: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh đồ”.
Ốc đảo chè Thanh Chương đẹp nhất vào buổi sáng sớm khi trời còn sương. Du khách có thể bắt đầu một ngày mới đầy năng lượng với hương thơm của chè và khí hậu mát mẻ, trong lành không khác gì cảnh sắc ở những địa điểm trồng chè nức tiếng khác ở Mộc Châu (Sơn La), Thái Nguyên hay Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Cây chè ngày một xanh tốt cũng giống như mong muốn của huyện Thanh Chương trong xu thế phát triển nông nghiệp gắn với chế biến và đẩy mạnh du lịch. Từng có thời gian gặp rào cản về hạ tầng và giao thông do nằm ở miền Tây xa xôi, nhưng Thanh Chương rất có thể sẽ vươn lên trong tương lai gần khi tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn đi ngang qua huyện và tuyến cao tốc từ cửa khẩu Thanh Thủy đến TP. Vinh, nối vào cao tốc Bắc - Nam được hoàn thành.
Trong ngắn hạn, huyện Thanh Chương sẽ tận dụng tối đa lợi thế từ vị trí địa lý gần đường Hồ Chí Minh, với tổng cộng hơn 53km chiều dài. Bởi dọc tuyến đường này có trữ lượng và diện tích rừng rất lớn, lên tới 64.000ha, trong đó có hơn 22.000ha rừng trồng. Trục đường này cũng là tuyến giao thông chủ đạo, đưa khách thập phương từ Hà Nội, TP. HCM ghé thăm khu vực đảo chè Thanh Chương.
“Thanh Chương nói riêng hay miền Tây Nghệ An nói chung còn những khó khăn nhưng cũng không hiếm cơ hội nếu phát triển đúng hướng”, Chủ tịch Trình Văn Nhã bộc bạch.
Những ước mơ xây đắp Thanh Chương vẫn còn ở thì tương lai. Anh Nhã nhìn thẳng thực tế này và thừa nhận, cho tới lúc này, huyện vẫn chưa thu hút được nhiều các dự án lớn, dự án trọng điểm vào địa bàn. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo được nhiều sản phẩm hàng hóa. Quy mô thu ngân sách của huyện còn hạn chế, quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực chưa chặt chẽ.
Trong trung hạn 2021-2026, chính quyền huyện quyết tâm thực hiện 5 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ huyện lần thứ 31 đã nêu ra. Bên cạnh đó, Thanh Chương khẳng định sẽ đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, đặc biệt là tích hợp và gắn với quy hoạch tỉnh năm 2021- 2030, tầm nhìn 2050, trong đó có quy hoạch phát triển thị trấn Dùng. Ngoài ra là quy hoạch cho 5 cụm công nghiệp và 2 khu công nghiệp, trong đó có khu công nghiệp cửa khẩu Thanh Thủy, phục vụ nhiệm vụ phát triển dựa trên các hành lang giao thông chính, mà trong tương lai gần là tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn.
Về phát triển kinh tế, 3 vấn đề chính cũng được UBND huyện xác định, đó là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, khai thác tiềm năng về du lịch, phát triển thế mạnh về nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đây chính là những lĩnh vực trụ cột không thể tách rời trong phát triển của Thanh Chương. Đồng thời, huyện sẽ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đã có tiếng trên thị trường, tìm đầu ra phù hợp cho sản phẩm, nhất là cây chè. Việc phối hợp với Bộ NN-PTNT thực hiện chương trình kết nối, trưng bày, quảng bá sản phẩm cũng nằm trong đó, bởi nó sẽ góp phần thúc đẩy các sản phẩm của miền Tây xứ Nghệ nói chung, Thanh Chương nói riêng tiếp cận được nhiều hơn nữa với người tiêu dùng. Từ đó, người dân cả nước sẽ cảm nhận được chất lượng của các sản phẩm OCOP của huyện và trở thành các khách hàng thường xuyên.
Hiện nay, huyện Thanh Chương đã ban hành chương trình phát triển du lịch trên địa bàn huyện tầm nhìn đến năm 2030 và đang triển khai thực hiện. Trong đó, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch và đặc biệt là người dân làm du lịch, giúp cộng đồng biến nhận thức, cùng tham gia với doanh nghiệp trong phát triển du lịch, giúp nâng cao đời sống và phát triển kinh tế. Song song với đó, huyện sẽ kết nối với các điểm du lịch khác của tỉnh như về Quê Bác, về Truông Bồn, về Cửa Lò hay TP. Vinh.
“Khi người dân thấy được lợi ích chính đáng từ nông nghiệp thì họ sẽ gắn bó. Để làm được điều đó, rõ ràng phải có sự liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, tập trung vào những sản phẩm thế mạnh”, Chủ tịch Trình Văn Nhã tâm niệm.