Đào Đức Hiếu - người vẽ 'ngôi làng hạnh phúc' trên mây

Từ một đỉnh núi “Suối Giàng chẳng có gì” ngoài những gốc chè cổ thụ và cỏ dại mọc cheo leo trên đỉnh núi mù sương, Đào Đức Hiếu - kiến trúc sư trẻ quê Hà Nội nỗ lực từng ngày để biến nơi đây thành ngôi làng hạnh phúc. Ước vọng của anh là làm sao để 5.000 người Mông ở xã nghèo 135 “mù tịt” về du lịch được an yên trong từng hơi thở.

Đã có lúc, người Mông bảo “A Hiếu về Hà Nội đi, đừng ở đây nữa”. Đã có lúc, bà con nói rằng: “A Hiếu đừng xui chúng tao làm nhà vệ sinh. Chúng tao còn chưa xây được nhà cho người ở chứ đừng nói xây nhà cho cứt ở”. Đã có lúc, A Hiếu bị cả bản làng xa lánh vì không biết uống rượu.

Nơi núi cao rừng thiêng, chàng trai trẻ không chốn dung thân, phải bỏ tiền thuê chỗ ở và dạy cho dân cách làm dịch vụ để ở nhà mà vẫn có người mang tiền đến; làm thế nào để bán được 1kg trà cổ thụ vài chục triệu đồng chứ không phải là 2-3 triệu đồng. Cách duy nhất để người Mông thay đổi nhận thức của họ là làm thật để chứng minh hiệu quả.

Giống như một kỳ tích, sau 3 năm kể từ khi có sự hiện diện của chàng trai “Giàng A Hiếu” (cái tên người dân bản địa yêu mến đặt cho Đào Đức Hiếu), bản làng tăm tối trên trên đỉnh Suối Giàng đã được đánh thức với hàng loạt mô hình du lịch cộng đồng độc đáo “Giàng House - Ngôi nhà của em”, “Ngồi làng hạnh phúc Nahi Village”, “Enna Suối Giàng -  làng trà, cắm trại, ẩm thực”, không gian văn hóa trà Suối Giàng... và homestay do chính bàn tay của những chàng trai Mông xây dựng.

Trong không gian của lớp học sẻ chia, những đứa trẻ không chỉ được học tiếng Anh miễn phí mà còn được đào tạo nghề để trở thành những hướng dẫn viên chuyên nghiệp. A Hiếu cùng các cộng sự muốn đồng bào bào Mông sống trên đỉnh núi có tư duy toàn cầu và làm giàu trên quê hương.

 

 

Một buổi chiều thu năm 2018, Đào Đức Hiếu vượt những khúc cua tay áo trên con đường lởm chởm đá sỏi dốc đứng lên đỉnh núi Suối Giàng ngắm hoàng hôn. Vẻ đẹp ngỡ ngàng của nắng vàng như mật giữa không gian toàn cây cỏ của vùng đất nguyên sơ khiến chàng kiến trúc sư mê chơi ảnh xiêu lòng.

Nhưng, khi ánh hoàng hôn lặn xuống, cả đỉnh núi chìm trong bóng tối. Một đỉnh núi được quy hoạch làm du lịch từ năm 2007 nhưng giống như nàng công chúa ngủ trong rừng, không có nơi nào để lưu trú, thậm chí không có nổi một cái nhà vệ sinh. Anh Hiếu buộc lòng phải xuống núi, về thị xã Nghĩa Lộ để nghỉ.

Đêm ấy, anh trằn trọc vì mất ngủ và quyết định dậy từ 4h sáng trở lại Suối Giàng xem đỉnh núi ấy thức giấc kiểu gì. Một lần nữa chàng kiến trúc sư thốt lên: “Trời ơi, sao lại đẹp thế này”. Đỉnh núi ấy không chỉ thức giấc cùng tiếng gà đen gáy mà còn có tiếng chim rừng và nắng ban mai.

Lúc ấy, anh bắt đầu tìm hiểu về Suối Giàng. Bởi, bà con xã nghèo 135 được trời phú ban tặng những cây chè shan tuyết cổ thụ như vậy phải có cơ hội để thoát nghèo chứ. Không thể nào cứ đến mùa đông là bà con lại kêu: “Ôi, lạnh quá!”, “Ôi, đói quá!” để người ta mang chăn, áo ấm hay gạo đến tặng.

Đào Đức Hiếu quyết định viết cuốn sách mang tên: “Giải pháp Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng” với 18 nhiệm vụ cần thực hiện và in 8 bản, sau đó liên hệ gặp lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành để thuyết trình.

Sau hôm ấy, chàng kiến trúc sư trẻ nhận được rất nhiều lời khuyên rằng: “Không làm được du lịch ở Suối Giàng đâu. Ở đó chẳng có gì cả, người ta lên chơi 15 - 20 phút rồi về thôi. Người Mông trên ấy cũng rất bảo thủ, khó hợp tác”.

Anh phản biện: “Không phải vậy”. Những vùng đất như Suối Giàng trên thế giới đều làm du lịch thành công. Ở đó có sản vật của ngành nông nghiệp, có khí hậu 4 mùa trong một ngày, có cảnh quan và bản sắc văn hóa tuyệt vời.

Đào Đức Hiếu có tình cảm đặc biệt với Suối Giàng, bởi anh từng học kiến trúc ở Đại học Vân Nam (Trung Quốc). Đây là thủ phủ của chè cổ thụ trên thế giới. Vì mê trà đạo nên sau giờ học, anh lang thang các vùng chè để học cách làm “tứ đại danh trà” (gồm bạch trà, hồng trà, diệp trà, hoàng trà từ cây trà cổ thụ).

Một viện sỹ người Nga đã đi 120 nước trên thế giới nghiên cứu về các vùng chè cổ thụ và khi đến đỉnh núi Suối Giàng, ông nhận định rằng có lẽ đây mới là thủy tổ của trà shan tuyết. Từ kinh nghiệm 12 năm đi hơn 30 quốc gia trên thế giới để tìm hiểu về cách làm trà, anh muốn chinh phục thử thách mà mọi người nói là “không thể nào làm được” ở vùng cao sơn này.

 

 

Người đàn ông Mông ở đỉnh núi Suối Giàng có 3 thứ không bao giờ được thiếu. Vợ là người thân yêu nhất nên không nói nặng lời để vợ phải ăn lá ngón tự tử. Rượu là bạn, không uống rượu thì không có ai chơi cùng. Và, cây chè cổ thụ giống như bố mẹ, vì chúng nuôi sống dân bản.

Vì anh Hiếu không uống rượu nên không thể tiếp cận được với mọi người. Những ngày đầu chân ướt chân ráo lên bản, anh phải trả tiền để ở nhờ một gia đình người Mông. Đào Đức Hiếu nói với chủ nhà: “Nếu tao trả tiền thì mày phải mua cái chăn mới, đệm mới cho tao. Đừng bắt tao dùng đồ cũ vì bọ chó đốt ngứa lắm. Rồi mày bảo vợ con quét nhà, lau dọn sạch sẽ đi. Ngoài thuê phòng ở 50.000 đồng/ngày, tao sẽ đưa thêm tiền cho mày đi chợ, nấu cơm để tăng thu nhập”.

Một tuần sau, nhóm bạn trong ekip của Hiếu cùng lên làm việc, thế là ngôi nhà ấy đón thêm nhiều người. Hiếu bảo với gia chủ rằng: “Làm du lịch là như vậy đấy, cứ ở nhà sẽ có người mang tiền đến, chẳng phải đi đâu”. Những người dân quen sống biệt lập trên đỉnh núi cao hơn 1.300m bỗng nhận ra rằng, ngoài lên nương, nuôi lợn gà và vào rừng kiếm củi, họ còn có con đường khác kiếm tiền đỡ mệt hơn, đó là phục vụ nhu cầu của khách phương xa.

Sống cùng dân bản, anh Hiếu mời mọi người đến chơi và dạy con cháu họ cách pha trà, dâng trà mời người lớn để tỏ lòng hiếu kính. Trước nay, người Mông đâu có ấm pha trà, bộ chén uống nước cũng thường xuyên cáu bẩn. Họ lấy chè cho vào nồi nước rồi đun lên uống. Khi tiếp xúc với văn hóa mới lạ, họ rất thích thú. Vì quý mến chàng kỹ sư trẻ, ông Vàng A Chông (người dân bản Pang Cáng) đã nhận anh làm con nuôi. Từ ấy, anh không phải trả tiền thuê chỗ ở nữa.

Đau đáu với vùng đất linh thiêng này, trong đầu A Hiếu luôn thường trực câu hỏi: Làm du lịch thế nào đây khi cả đỉnh núi này không có một cái nhà vệ sinh? Còn người Mông thì bảo rằng: “Chúng tao còn chưa xây được nhà cho người ở chứ đừng nói xây nhà cho cứt ở”. Khi ấy, Hiếu mới hiểu vì sao người ta nói rằng hợp tác với người Mông không dễ.

Với A Hiếu, không dễ không có nghĩa là không làm được. Bởi, người ta chỉ gặp gỡ chốc lát rồi về. Họ có ăn cùng dân, ngủ cùng dân, lắng nghe dân, cam chịu cùng dân trong cái rét thấu xương đâu mà hiểu được cái bếp lửa ấm ở đâu? Làm sao họ trải nghiệm được cảm giác mặt thì nóng rát nhưng lưng vẫn lạnh cóng, phải quay lưng lại mà nói chuyện với nhau?

 

 

Không phải là người có tài chính, Hiếu thuyết phục người bạn Nguyễn Xuân Năng cùng đầu tư mô hình mẫu về “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” để quy tụ những người yêu trà cùng bà con làm trà, phát triển du lịch và đưa trà xuống núi. “Vài năm sau, khi chúng ta già đi, chúng ta có một ngôi nhà trên núi cùng với bà con dân tộc, không khí trong lành, vùng trà cổ thụ quý hiếm, đó mới là cuộc sống đích thực”, sau những lời gan ruột của bạn, anh Năng đã gật đầu.

Ngày 19/7/2019, Không gian văn hóa trà Suối Giàng được khởi công. Toàn bộ thợ là người Mông trong bản. Sau 59 ngày thi công, một dãy nhà sàn đã mọc lên trên sườn núi dốc với những vật liệu đá, gỗ và mái lợp tấm pơ mu tuyệt đẹp. Không gian ấy có một số phòng nghỉ cho du khách đến ngắm cảnh và thưởng trà.

Thế nhưng, sau ngày khai trương chẳng có ai đến, người dân trong bản nhà nào cũng có trà rồi. Để thu hút khách du lịch, A Hiếu xây 8 cái nhà vệ sinh để du khách sử dụng miễn phí và lắp 100 bóng đèn led sáng rực trước hiện nhà tầng 2 để cho đỉnh núi sáng, người dân thị xã Nghĩa Lộ phải nhìn thấy Suối Giàng. Kết quả là, khách du lịch đăng ký dịch vụ lưu trú tại Suối Giàng ngày càng đông lên.

Thế nhưng, một kỷ niệm khiến anh nhớ mãi, đó là người Mông bảo: “Hiếu về Hà Nội đi, đừng ở trên núi nữa”. Anh sững người và tủi thân lắm vì mình làm được như thế này mà bà con lại đuổi mình về. Nhưng, khi hỏi ra mới biết, kể từ khi có Không gian văn hóa trà này, người Mông mất khả năng đi trong bóng đêm vì 100 bóng đèn chiếu rọi sáng quá. Hàng trăm năm nay, họ đã quen đi lại, săn bắt thú rừng trong ánh trăng rồi. Khi ấy, A Hiếu mới hiểu ra rằng sự xuất hiện của mình làm xáo trộn cuộc sống của người bản địa. A Hiếu thay bóng đèn led bằng đèn lồng để giảm cường độ ánh sáng đi.

Năm 2020, A Hiếu vận động một số bạn trẻ để xây dựng lớp học mang tên “Share link class room” (lớp học sẻ chia). Ý tưởng này xuất phát từ năm 2019, khi Hiếu cùng một người bạn tham dự festival trà lớn nhất thế giới tại Thâm Quyến (Trung Quốc), có một đứa bé 13 tuổi ngồi ở trung tâm lễ hội để biểu diễn pha trà cổ thụ. Khi A Hiếu đưa trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng tự tay mình làm cho cháu bé pha.

Cháu bé hỏi rằng: “Chú ở đâu?”… “Ở Việt Nam à? Chú đến từ Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), Tà Xùa (Sơn La) hay Suối Giàng (Yên Bái)? Cả Việt Nam chỉ có 9 vùng trà cổ thụ nhưng chỉ 3 vùng biết làm trà thôi. Chú mang trà vừa mới làm xong sang đây thì có giá trị gì, đây đâu phải là lảo trà (trà lão). Lảo trà phải có tuổi từ 5 năm trở lên thì mới được gọi là trà quý”.

Ngồi kế bên, ông nội của cháu bé bình một câu rằng: “Việt Nam chỉ là cái vườn của chúng tôi thôi. Dân Việt cứ trồng trà đi, thu hoạch trà đi rồi lại mang hết sang đây thôi”. A Hiếu kể, nghe câu nói vô tình ấy mình bình thản đến mấy vẫn có cái gì đó đau nhói trong tim, đến tận cùng. Tại sao người Việt Nam lại không có những sản phẩm này? Tại sao Việt Nam chỉ có trà ngon chứ không có trà quý (lảo trà)? Ở Hồng Kông đã từng đấu giá 1kg lảo trà 37 tỷ đồng.

Một đứa trẻ nhỏ tuổi nhưng có kiến thức uyên thâm về trà như vậy thật đáng khâm phục. Bởi vậy, A Hiếu cùng nhóm sáng lập và người dân trong thôn cùng góp công, góp tiền để xây dựng lớp học sẻ chia tại bản Mới (xã Suối Giàng) dạy ngoại ngữ, dạy cách làm trà và kỹ năng sống cho các em miễn phí vào buổi tối. Lớp học thứ 2 ở bản Pang Cáng cũng đang được hoàn thiện và sắp đi vào hoạt động. Ngoài nhóm sáng lập “lớp học sẻ chia”, A Hiếu cũng kết nối với tổ chức Tầm nhìn thế giới và các giáo viên của Vinschool và phòng giáo dục huyện Văn Chấn để đồng hành cùng các con.

“Rồi đây, người Mông sống ở trên đỉnh núi Suối Giàng sẽ có tư duy toàn cầu. Những đứa trẻ sẽ biết cách làm sao để tiếp khách du lịch, làm sao để kể câu chuyện về vùng đất Suối Giàng một cách tự hào”, anh Hiếu chia sẻ.

 

 

Cùng với lớp học sẻ chia, anh Hiếu cùng những người bạn tiếp tục hành trình xây dựng ngôi làng hạnh phúc mang tên Nahi Village. Bởi suy cho cùng, con người ta luôn hướng đến hai giá trị, đó là sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc. “Hạnh phúc của người dân Yên Bái không phải là cái gì lớn lao. Hạnh phúc ở Yên Bái đôi khi chỉ là con đường được sửa lại để người dân về đến cửa nhà đôi chân không bị dính bùn lầy. Đó là sự vui vẻ, hài hòa và hài lòng với cuộc sống”, anh Hiếu phân tích.

Ngôi làng hạnh phúc có diện tích không quá lớn, nó được bắt đầu bằng lớp học sẻ chia với thông điệp “Hãy cho đi một phần những gì mình đang có”. Đi tiếp vào trong là ngôi nhà trung tâm để người dân đón du khách lên đó trải nghiệm đặc sản “tứ đại danh trà” Suối Giàng; được hòa mình vào những điệu múa khèn, tiếng sáo Mông và các làn điệu dân ca, dân vũ. Ở đó, bà con mang những sản vật của địa phương để giới thiệu, quảng bá…

Năm 2021, anh Hiếu vận động 12 hộ dân sống gần nhau phá bỏ hàng rào, mở rộng đường để làm mô hình cắm trại có sự phục vụ của người dân bản địa mang tên “Enna - làng trà, cắm trại, ẩm thực”. Ở đó, du khách được trải nghiệm trọn vẹn cảm giác được hòa mình cùng thiên nhiên trong vườn trà cổ thụ.

“Cái hay nhất là tư duy người Suối Giàng bắt đầu chuyển biến và quan tâm đến du lịch. Họ tự sửa sang cái cổng nhà đẹp hơn, giữ gìn mái ngói pơ mu, xây bức tường đá, trồng hoa trước vườn nhà để có không gian sống đẹp hơn, tốt hơn”, anh Hiếu nói. Đến nay, khoảng 50 hộ dân đã bắt đầu khai thác dịch vụ lưu trú, bình quân mỗi hộ có thể tiếp đón từ 10 - 20 người cùng lúc.

Tuy nhiên, với chàng kiến trúc sư trẻ, đây mới chỉ là những thành công rất nhỏ trong hành trình đi tìm hạnh phúc cho người dân đỉnh núi này. Sau dịp Tết Nguyên đán năm 2022, anh nhìn thấy một người vợ bế con vẫy tay chào chồng để xuống núi mưu sinh. Đó là sự ly hương và ly nương vì sinh kế không đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống. Có cái gì đó vừa khắc khoải, vừa nhói đau dâng lên trong lòng Đào Đức Hiếu, bởi suốt những năm qua anh dành phần lớn thời gian cho mảnh đất Suối Giàng và sống xa vợ con.

Anh muốn người Mông phải tự hào về ngôi làng của họ, hãnh diện về ngôi làng của họ và do bàn tay họ tự làm nên. Từ đó, anh bắt đầu chinh phục một thử thách mới, đó là vận động người Mông làm nhà cho chính người Mông. Mô hình Giàng House - Nhà của bản em được khởi động từ đầu năm 2022 với mục tiêu sẽ có 100 ngôi nhà mới do chính người Mông xây dựng rải rác khắp bản làng. Đến nay, đã có 17 hộ đăng ký tham gia, trong đó 5 ngôi nhà đang trong quá trình hoàn thiện. Mẫu nhà được kỹ sư Đào Đức Hiếu thiết kế gồm 2 tầng. Tầng 1 được xây dựng chắc chắn để đáp ứng nhu cầu của gia chủ, tầng 2 là không gian mộc mạc, truyền thống để du khách có không gian trải nghiệm nét kiến trúc đặc sắc của người Mông.

Bên cạnh đó, anh Hiếu cũng thành lập Hợp tác xã hệ sinh thái du lịch Suối Giàng, đào tạo người dân chế biến các sản phẩm trà hảo hạng như bạch trà, hồng trà, hoàng trà, diệp trà với giá trị cao. Hiện nay, sản phẩm trà của hợp tác xã đã được đưa vào khách sạn Metropole (Hà Nội) và sân bay, nhà hàng 5 sao và đưa ra thế giới thông qua đường ngoại giao của các Bộ, ngành.

Ngày 20/8 vừa qua, khi Bộ trưởng Lê Minh Hoan lên thăm Không gian văn hóa trà Suối Giàng cũng là ngày toàn xã đi trồng chè. Tuy nhiên, anh Hiếu cho rằng, điều quan trọng nhất không phải là chúng ta mở rộng vùng nguyên liệu. Chúng ta đã có sẵn hàng nghìn gốc trà vài trăm năm tuổi rồi. Chúng ta không thể chờ vài trăm năm nữa mới có cây chè shan tuyết cổ thụ để thu hoạch mà cần phải tìm cách tăng giá trị sản phẩm. Trà Suối Giàng bây giờ bán đắt nhất cả nước rồi, có loại lên tới 20 triệu đồng/kg trong khi vài năm trước bà con chỉ bán được 2-3 triệu đồng.

Với việc áp dụng công nghệ mới, cách làm mới, hợp tác xã do anh Đào Đức Hiếu sáng lập đã tạo ra được những dòng trà vĩnh cửu, càng để lâu càng quý, mỗi năm tăng giá một lần. Việc còn lại là phải thuyết phục người dân không bán ngay mà lưu giữ lại để “nuôi trà” thành trà quý (đại lão trà). Khi ấy, cả thế giới sẽ biết đến trà Suối Giàng, thậm chí mỗi kg trà có thể bán được hàng tỷ đồng. Đó không phải là câu chuyện phù phiếm, mà trên thế giới đã có rất nhiều vùng trà cổ thụ làm được rồi.

Bên cạnh đặc sản trà Suối Giàng, anh Hiếu cũng đang nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương để khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm, làng nghề rèn dao để bà con vừa lao động, vừa khai thác dịch vụ du lịch trong chính ngôi nhà của mình để không chỉ thoát nghèo, mà phải làm giàu.

 

 

Tôi hỏi A Hiếu có sợ rằng một ngày kia, khi các tiềm năng phát triển du lịch Suối Giàng được đánh thức, sẽ có nhiều nhà đầu tư nhảy vào vùng đất này và phá vỡ cảnh quan kiến trúc nơi đây? Anh bảo rằng, đã có ít nhất 6 nhà đầu tư có ý định rót vốn vào vùng đất này. Khi họ lên gặp Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy, anh Duy bảo “cứ về gặp A Hiếu ở bản Pang Cáng”. Họ sang gặp Chủ tịch tỉnh, anh Trần Huy Tuấn lại bảo “về đấy có A Hiếu, yên tâm”. Rồi họ sang phòng Phó Chủ tịch tỉnh, câu trả lời vẫn là: “Anh có cậu em tên Hiếu trên ấy hay lắm, cứ liên hệ để được tư vấn”.

Sự trân trọng đó của lãnh đạo tỉnh Yên Bái thật đáng quý. Bởi họ hiểu rằng, A Hiếu muốn phát triển du lịch vùng đất Suối Giàng một cách tử tế. A Hiếu muốn xây dựng một cộng đồng người Mông đoàn kết để cùng nhau xây dựng xứ sở hạnh phúc của riêng mình.

Chủ tịch HĐQT một tập đoàn lớn từng gặp A Hiếu bày tỏ ý định nhổ bỏ những gốc trà cổ thụ để phân lô bán nền xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng ở Suối Giàng. Thậm chí, ông ta nói rằng đỉnh núi Suối Giàng chỉ có 5.000 người dân thì mình làm một khu tái định cư cho họ là xong. A Hiếu nói thẳng: “Xin chúc mừng anh và cũng xin chia buồn với anh. Y tưởng của anh sáng tạo quá, Bà Nà Hill, các địa danh du lịch nổi tiếng của thế giới họ còn phải mời người dân lên ở để tạo ra bản sắc văn hóa thì anh lại muốn di dân đi. Anh mà di dân thì anh thất bại ngay lập tức. Bởi bao giờ mới kêu gọi được 5.000 người dân sống trên một đỉnh núi hả anh?

Thứ hai, trà cổ thụ quý hiếm đối với cả thế giới, anh định chia lô bán nền làm biệt thự nghỉ dưỡng có nghĩa là anh đang phá đấy chứ có góp được gì đâu. Đỉnh núi này mà thiếu đi những sắc màu thổ cẩm, thiếu đi những chiếc váy hoa xòe, thiếu đi tiếng khèn, tiếng sáo Mông và cộng đồng nói tiếng Mông thì chỉ là vùng đất vô hồn.

Còn nếu bất cứ ai muốn lên đây đầu tư cùng bà con phát triển không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông, A Hiếu sẵn sàng thiết kế miễn phí ngôi nhà để tặng họ. Thế rồi, lần lượt các nhà đầu tư đều bỏ ý định đầu tư dự án xâm hại vùng chè.

Có một câu nói mà A Hiếu luôn tâm đắc, đó là: “Bần cư trung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm”, tức là nghèo hèn thì ở trung tâm thành phố không ai ghé thăm, nhưng giàu có thì ở tận trên đỉnh núi cao vẫn có người đến chơi thường xuyên. Vậy, chúng ta đặt câu hỏi rằng, giàu hay nghèo có phải do tiền bạc quyết định không? Câu trả lời là, không phải.

Rõ ràng A Hiếu không phải người nhiều tiền, nhưng bất cứ khi nào A Hiếu có mặt ở không gian văn hóa trà Suối Giàng thì lúc đó những người bạn tứ xứ của mình kéo về thăm, đàm đạo và trao đổi kỹ nghệ làm trà. Chính những người ấy giúp cho thương hiệu trà Suối Giàng lan tỏa muốn nơi.

Với người đồng bào Mông cũng vậy, bao đời nay họ dựa vào thiên nhiên để sống. Chỉ 100 bóng đèn led chiếu rọi thôi đã làm xáo trộn cuộc sống của một cộng đồng rồi, huống hồ là những khách sạn, tòa nhà chọc trời bê tông cốt thép. Có thể những thứ đó giúp cho người dân bản địa có thêm nhiều việc làm, nhiều tiền hơn đấy. Nhưng tôi nghĩ rằng, họ sẽ chẳng tìm thấy hạnh phúc đích thực khi sống ở nơi không thuộc về mình.

A Hiếu bảo rằng, giờ đây bà con người Mông ở Suối Giàng coi A Hiếu như người dân tộc thiểu số. Trong các lễ hội hay cuộc họp, mọi người bảo nhau đừng mời A Hiếu uống rượu, để A Hiếu còn giữ cái miệng thưởng trà để đi thi thế giới.

Minh Phúc
Trương Khánh Thiện
Minh Phúc - NVCC