Bình Định là tỉnh có ngành nông nghiệp phát triển đa dạng, do đó, tỉnh này không ngừng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, tỉnh này có lực lượng lao động dồi dào với dân số ước đạt gần 1,5 triệu người; trong đó, dân số khu vực nông thôn chiếm gần 68%. Tổng số lao động có độ tuổi từ 15 tuổi trở lên ở Bình Định ước có gần 892.000 người; trong đó, lao động tham gia trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 35,7%, hơn 308.000 người. Dự kiến đến năm 2025, cơ cấu lao động tham gia trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 32,36%, khoảng 278.300 người; đến năm 2030 giảm xuống còn 30,74%, tương đương 264.380 người.
Với ngành nông nghiệp phát triển đa dạng, Bình Định có nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp là rất cao. Qua khảo sát thực tế của ngành chức năng, giai đoạn 2010-2020, nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp cho các vùng nông thôn ở Bình Định là 20.000 người. Thế nhưng đến năm 2020, mới chỉ có 13.754 lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp, chỉ đạt 68% so nhu cầu.
Giai đoạn 2021-2025, Bình Định phấn đấu có 80% lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất. Đào tạo nghề nông nghiệp được ngành chức năng Bình Định xem là một trong những giải pháp để Bình Định thực hiện các mục tiêu đề ra trong công tác giảm nghèo bền vững.
Từ thực tế trên, thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở Bình Định từng bước được đổi mới. Phương pháp, hình thức dạy nghề chuyển dịch theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học.
Thực tế cho thấy, toàn bộ lao động nông thôn sau khi học nghề nông nghiệp đều có việc làm ổn định, chủ yếu theo hình thức người lao động tự tạo công ăn việc làm, hoặc tiếp tục làm theo nghề cũ nhưng năng suất lao động và thu nhập tăng lên.
Theo ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, công tác đào tạo nghề nông nghiệp ở Bình Định đã góp phần nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề nghiệp cho lao động nông thôn. “Công tác đào tạo nghề nông nghiệp đã giúp lao động nông thôn có những kiến thức cơ bản về khoa học, kỹ thuật để tạo được việc làm mới, hoặc phát triển nghề hiện có; tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn”, ông Hồ Vĩnh Thảo chia sẻ.
Đào tạo nghề nông nghiệp ở Bình Định chủ yếu với trình độ sơ cấp nghề và chương trình đào tạo dưới 3 tháng. Về lĩnh vực trồng trọt chủ yếu đào tạo kỹ thuật trồng lúa năng suất cao; quản lý dịch hại tổng hợp; trồng và nhân giống nấm; trồng các loại rau an toàn, đậu tương, đậu phộng (lạc), cây gia vị (hành, tỏi, ớt); hồ tiêu; trồng dâu nuôi tằm; trồng cây có múi; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; sửa chữa máy nông nghiệp; quản lý công trình thủy nông… Trong lĩnh vực lâm nghiệp chủ yếu đào tạo công tác lâm sinh. Lĩnh vực thủy sản chủ yếu đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật câu cá ngừ đại dương, đánh bắt hải sản bằng lưới vây và chế biến, bảo quản hải sản.
Đặc thù của lao động nông thôn là chỉ khi rảnh rỗi mới nghĩ đến chuyện học nghề. Do vậy, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn lệ thuộc vào mùa vụ, hầu hết nông dân chỉ có điều kiện đi học vào ban đêm, nên công tác đào tạo nghề không thể ký hợp đồng đào tạo với các trường nghề chuyên nghiệp, chỉ hợp đồng với các Trung tâm Dạy nghề cấp huyện hoặc mời giáo viên thính giảng.
“Sở NN-PTNT Bình Định đã có đề xuất với các địa phương là mời giáo viên đứng chân cơ sở để dạy nghề gắn với vùng nguyên liệu, cầm tay chỉ việc qua thực tế sản xuất. Thế nhưng với kinh phí đào tạo nghề dưới 3 tháng không đủ để thực hiện việc này”, ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, chia sẻ.
Cũng theo ông Thảo, hiện nay, công tác đào tạo nghề được giao cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đào tạo nghề, ngành nông nghiệp Bình Định không đứng ngoài cuộc, mà phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đơn vị chủ trì, bởi, lực lượng lao động được đào tạo là nông dân, là lao động của ngành nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp Bình Định chủ động đề ra với ngành chủ trì công tác đào tạo nghề, yêu cầu những nghề cần được đào tạo tùy theo thực tế phát triển của ngành nông nghiệp, để lực lượng lao động qua đào tạo áp dụng được vào thực tiễn sản xuất.
“Sở NN-PTNT Bình Định rà soát lại danh mục nghề để lên khung nghề, xác định nhu cầu nghề nông nghiệp cần đào tạo. Những năm gần đây, trong đào tạo nghề nông nghiệp phát triển mạnh các nghề nông nghiệp công nghệ cao. Trước đây, danh mục nghề chỉ có 15 nghề, nay đã tăng lên 18 nghề. Vì vậy, ngành nông nghiệp Bình Định rà soát lại danh mục nghề để xây dựng, bổ sung những nghề mới, yêu cầu đơn vị chủ trì chú tâm đào tạo những nghề có nhiều nhu cầu để đơn vị chủ trì lên kế hoạch”, ông Hồ Vĩnh Thảo cho hay.
Theo thống kê, trong 10 năm qua, Bình Định đã hỗ trợ cho 12.500 lao động nông thôn trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Sau khi được theo học các lớp nghề, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và ứng dụng những kiến thức, kỹ năng và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, quy trình mới trong chăn nuôi, sản xuất nên đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người lao động. Trước đây, thu nhập bình quân của người lao động nông thôn chỉ từ 1,3-1,7 triệu đồng/người/tháng; thế nhưng sau khi học nghề, thu nhập bình quân đã tăng lên từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Bình Định đặc biệt quan tâm. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, các địa phương miền núi ở Bình Định đã hỗ trợ, tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.755 lao động. Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định, các địa phương miền núi trong tỉnh Bình Định thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão, công tác đào tạo nghề nông nghiệp ở địa phương này tập trung vào những loại cây trồng và vật nuôi chủ lực. Ngành chức năng huyện An Lão phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện đào tạo cho người dân các địa phương vùng sâu, vùng xa những nghề nuôi heo đen, nuôi trâu, bò và trồng cây có múi.
“Riêng năm 2023, An Lão đã mở 14 lớp dạy nghề nông nghiệp với gần 500 học viên theo học, gồm các nghề: Nuôi heo rừng, nuôi heo thả, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, trồng bưởi da xanh. Khi được hỗ trợ giống, bà con đã nắm được quy trình sản xuất nên chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả”, ông Biểu cho hay.
Thành công lớn nhất trong công tác dạy nghề nông nghiệp ở huyện miền núi An Lão là lao động nông thôn nắm bắt được kỹ thuật nuôi heo đen, một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, góp phần góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Heo đen của An Lão được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận quyền sở hữu sản phẩm.
Theo chị Đinh Thị Phúc, cán bộ nông nghiệp xã An Trung (huyện An Lão), sau khi được đào tạo qua các lớp dạy nghề nông nghiệp, bà con địa phương đã biết ngoài dành cho heo nuôi không gian sinh hoạt rộng rãi, còn biết làm chuồng trong rông nuôi heo đen để heo có chỗ tránh mưa tránh nắng. “Heo đen nuôi thả rông, không cho ăn cám công nghiệp như heo nuôi ở miền xuôi, chúng chỉ được cho ăn các loại phụ phẩm nông nghiệp nên chi phí đầu vào thấp, thịt rất chất lượng. Là giống heo bản địa, nên heo đen đã thích ứng với thời tiết, khí hậu tại địa phương, lại có sức đề kháng cao nên chống chọi với dịch bệnh rất tốt”, chị Đinh Thị Phúc cho hay.
Ông Đinh Văn Grế, người có uy tín ở thôn 4, xã An Dũng (huyện An Lão), chia sẻ: “Sau khi nhường đất để xây dựng hồ chứa nước Đồng Mít về nơi ở mới, hiện người dân thôn 4 đã tái đàn được hơn 1.160 gia súc; trong đó, có 264 con trâu, 196 con bò, hơn 700 co heo đen bản địa và hơn 2.500 con gia cầm. Chúng tôi không ngừng vận động người dân trong thôn tham gia các lớp đào tạo nghề nông nghiệp để phát triển kinh tế”.
Theo ông Đinh Tiêu, Trưởng phòng Dân tộc huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), là huyện miền núi, Vĩnh Thạnh có tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số cao. Từ nhu cầu thực tế của người lao động và thế mạnh của các địa phương, huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức các lớp dạy nghề nông nghiệp phù hợp theo phương châm “cầm tay, chỉ việc”. Trong đó, chú trọng các nghề nông nghiệp, giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, từng bước phát triển kinh tế hiệu quả.
“Lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở nông thôn Vĩnh thạnh được đào tạo các nghề: Nhân giống nấm; chăm sóc cây có múi (cam, quýt, bưởi); trồng rau; phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm... Qua các lớp dạy nghề, người lao động đã nắm vững được các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”, ông Tiêu cho hay.
Bình Định thể hiện quyết tâm trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn khi giữa tháng 9 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, các ngành chức năng Bình Định sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Chỉ thị số 37-CT/TW phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, xác định các nội dung trọng tâm để tập trung chỉ đạo thực hiện. Kịp thời biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, gương điển hình tiên tiến trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bình Định phấn đấu hằng năm thu hút khoảng 3.500 lao động nông thôn tham gia học nghề ở các cấp trình độ thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ trên địa bàn tỉnh đạt 26% vào năm 2025 và đạt 40% vào năm 2030.
Để thực hiện hiệu quả, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Bình Định phải được đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn; bảo đảm nguồn lực, các điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn…
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên, hệ thống dạy nghề cho lao động nông thôn ở Bình Định cần tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại. Theo nhận định của ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, sau khi phân cấp dạy nghề cho lao động nông thôn về cấp huyện, Phòng NN-PTNT và Phòng Kinh tế các địa phương đã nắm bắt được trình tự, thủ tục triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp. Các cơ sở dạy nghề đã có nhiều nỗ lực trong công tác dạy nghề, tổ chức giảng dạy các lớp nghề theo đúng yêu cầu thể hiện trong hợp đồng đào tạo với ngành chức năng về chương trình, giáo trình giảng dạy, tài liệu học tập cho học viên. Chương trình, giáo trình đào tạo nghề hiện nay ở các cơ sở dạy nghề đã cập nhập các tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực tế sản xuất, nên chất lượng đào tạo nghề gắn với thực tiễn sản xuất được nâng cao.
Bên cạnh đó, các địa phương đã chú trọng trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho các xã về đích xây dựng nông thôn mới, tập trung tổ chức triển khai quyết liệt công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và góp phần đảm bảo an sinh xã hội địa phương.
Tuy nhiên, hiện một thực tế còn tồn tại là: Hầu hết các Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế các địa phương ở Bình Định không có cán bộ chuyên trách lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm. Những cán bộ đảm nhận công tác này lại thường xuyên thay đổi, luân chuyển, nên lớp cán bộ thay thế không cập nhật kịp thời các văn bản của Trung ương và tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp.
Hơn nữa, 1 số cơ sở dạy nghề có chất lượng đào tạo chưa cao, thiết bị dạy nghề chưa đồng bộ và thiếu, dạy nghề còn nặng về lý thuyết, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Đáng quan ngại là giáo viên dạy nghề còn thiếu và yếu về kỹ năng thực hành. Nguồn tuyển chọn đối với giáo viên rất hạn hẹp, do đó, công tác tuyển chọn, bổ sung đội ngũ giáo viên chuyên môn hàng năm còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với giáo viên có trình độ khá, giỏi.
“Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn hằng năm phải căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, theo sát nhu cầu về ngành nghề của các địa phương, của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh-dịch vụ trên địa bàn. Không tổ chức đào tạo nếu không dự báo được nhu cầu việc làm của lao động nông thôn. Khuyến khích, nhân rộng những mô hình liên kết đào tạo và tuyển dụng lao động giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp”, ông Hồ Vĩnh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, chia sẻ.