Đất đai manh mún nhưng tư duy không được manh mún

Trong cuộc gặp gỡ với với 13 Giám đốc Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã gợi mở nhiều ý tưởng mới. Xin lược ghi một số ý kiến của ông.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược mang tính chất dài hạn chứ không dừng lại ở kế hoạch 5 năm. Do đó, nông dân cần thoát ly tư duy mùa vụ, tư duy thương vụ hay tư duy từng năm một.

ĐBSCL phải xử lý những vấn đề nội tại, hấp thu những vấn đề mới. Vì có những cái chúng ta có thể đi tắt đón đầu được nhưng có những cái chúng ta cần nhìn lại xem sai ở điểm nào rồi khắc phục vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp như: Vấn đề chi phí sản xuất cao, chất lượng kém, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, tác động đến môi trường, hệ sinh thái. Ngoài ra còn là chuyện nền nông nghiệp mù mờ, đánh đổi sản lượng làm mục tiêu phấn đấu mà không tính toán từ sản lượng đó dẫn đến cả một hệ lụy về môi trường, về chi phí.

Do đó, chiến lược của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới phải giải quyết được vấn đề nội tại. Đồng thời tiếp cận được những xu thế của một nền nông nghiệp mới, một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp bền vững, hiện đại, có trách nhiệm.

Ví dụ, chúng ta trồng lúa không làm như trước đây được nữa, bởi vì trồng lúa là một ngành phát tán khí nhà kính. Trong khi đó xu thế của thế giới không chỉ đơn thuần là thưởng thức một nông sản ngon, sạch, đẹp mà nông sản đó phải được sản xuất bằng quy trình không tác động đến môi trường.

Không phải chỉ ăn con tôm, con cá, một loại trái cây nào đó mà quan trọng sản xuất có đánh đổi chi phí hay không, nhất là chi phí về môi trường, chi phí về biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng là 3 vấn đề thách thức rất lớn mà ngành nông nghiệp Việt Nam cần tiếp cận, chứ không phải cứ loay hoay.

Lần đầu tiên chúng ta có một chiến lược gắn liền với nông thôn, bởi nông thôn mới là nền tảng, nông nghiệp là động lực. Do đó phải gắn liền với nhau trong một chiến lược trung dài hạn. Quan trọng chiến lược này đã gắn liền với tư tưởng chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội thứ 13, cho tới chương trình hành động của Quốc hội, của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội 13.

Tín hiệu vui là trong những ngày cận tết, ĐBSCL được mùa được giá; cá cũng giá tốt, tôm cũng giá tốt, lúa gạo và cây ăn quả cũng giá tốt… Chúng ta vượt qua đại hạn Covid-19 và đang tận hưởng chỉ tiêu, kết quả xuất khẩu trong tháng 1 cũng tăng hơn so với cùng kỳ. Điều đó, chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi.

Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp có một đặc thù là không thể chỉ đạo trực tiếp hết 60 triệu nông dân trên cả nước. Cái khó khăn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là quản lý trong khuôn khổ quá rộng, mà càng rộng thì tính thẩm thấu sẽ chậm và dễ dẫn đến giằng xé giữa cái cũ với cái mới.

Phương châm hành động của Bộ NN-PTNT trong năm 2022 là tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật. Làm sao để cho những cơ chế chính sách khi được Nhà nước ban hành nhanh chóng đến với người dân, tránh bị nghẽn…

Hiện nay, nhiều địa phương loay hoay không biết phải bắt đầu từ đâu thì nhiều địa phương khác đã hành động trước chúng ta. ĐBSCL có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất cả nước, sau đó là ĐBSH, nhưng bây giờ thì đất đai tại ĐBSCL đang đặt ra nhiều vấn đề. Tại Tây Nguyên hiện nay có cỡ 5ha đất thì nông dân mới làm, mỗi người có từ 5 - 7ha đất, tập hợp 7 - 10 người lại thì thành lập được hợp tác xã.

ĐBSCL nếu cần huy động 10ha đất thì phải tới vài chục nông dân mới làm được. Chúng ta đừng suy nghĩ đất đai rộng bao la như ngày xưa nữa. Trong điều kiện đất đai manh mún như thế, tôi đề nghị Giám đốc 13 Sở NN-PTNT cùng đưa ra khẩu hiệu “đất đai manh mún nhưng tư duy không được manh mún”...

Trong tháng 3/2022, Bộ NN-PTNT sẽ thành lập và khai trương Văn phòng điều phối vùng tại Cần Thơ. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam sẽ là người phụ trách khu vực ĐBSCL. Văn phòng điều phối sẽ trở thành một thực thể điều phối mùa vụ, thương mại, xúc tiến, doanh nghiệp đầu tư. Điều phối cả những tài trợ quốc tế cho các chương trình, dự án ĐBSCL. Điều phối các giải pháp công trình lẫn giải pháp phi công trình. Điều phối cả các cơ quan của Bộ NN-PTNT để cùng nhau hỗ trợ một chương trình, một mô hình, của cả một chuỗi ngành hàng.

Trước đây tại các tỉnh ven biển của miền Tây, nông dân trồng lúa thường mâu thuẫn với nông dân nuôi tôm do bên nước mặn, bên nước ngọt, nhưng bây giờ chúng ta có thể tích hợp giữa mặn với ngọt làm mô hình chung “con tôm ôm cây lúa”.

Một mô hình nhỏ, hai mô hình nhỏ nó thành công, nhưng khi trên một diện rộng rồi thì vấn đề xử lý môi trường không khéo sẽ dẫn đến ô nhiễm. Từ vuông tôm lúa này sẽ thải chất thải vào vuông tôm lúa khác dẫn đến dịch bệnh. Vì vậy, chúng ta làm nông nghiệp không nên nhìn những thứ được trước mắt, mà phải có cái nhìn lâu dài. Khi chúng ta mở rộng diện tích quy mô lên thì phải chấp nhận chừa một khoảng trống để xử lý môi trường, đó chính là tính bền vững của nền nông nghiệp thông minh.

Tính bền vững trong sự liên kết giữa giữa các hộ trồng, các hộ nuôi với các doanh nghiệp thông qua cơ chế hợp tác xã. Có nhiều doanh nghiệp chia sẻ, họ tha thiết muốn có những hợp tác xã để chuẩn hóa vùng nuôi cho các doanh nghiệp này, các nhà nhập khẩu vào họ sẽ thấy được những vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Tôi rất tha thiết mong các Giám đốc 13 Sở NN-PTNT làm điều này vì đây là câu chuyện “sống chết” chứ không có phải là riêng câu chuyện về sản lượng nữa. Không phải kêu các doanh nghiệp đến hợp tác nữa, mà hiện nay là phát triển thị trường kêu gọi doanh nghiệp phải tiến hành. Đồng thời với chuẩn hóa vùng nguyên liệu, từ mã vùng trồng, mã vùng nuôi nuôi, đến kinh tế hợp tác thì hợp tác mới bền vững.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thực ra và suy cho cùng nó là cuộc cách mạng về tư duy sản xuất, về tổ chức sản xuất trước, chứ không phải là cách mạng về khoa học công nghệ trước. Bởi vì nếu không tổ chức lại sản xuất quy mô lớn, không có kinh tế trang trại phát triển, không có hợp tác xã phát triển đúng thực chất của nó, thì mọi vấn đề chúng ta đưa vào, nó chỉ là tính chất nhất thời và cho đến một ngày nào đó sẽ tới giới hạn của nó. Do đó, tổ chức lại sản xuất mới là yếu tố quyết định của câu chuyện, sau đó là khoa học kỹ thuật, đến hạ tầng và sau cùng mới là thị trường.

Do đó, tôi đề nghị Giám đốc các Sở NN-PTNT cần sát sao hơn nữa, làm cách mạng nông nghiệp thì phải lội bùn, lội ruộng với nông dân. Bộ NN-PTNT đang làm đề án để phát triển thị trường nông sản sang EU và sang Trung Quốc. Mỗi đề án sẽ có một cái đặc thù riêng. Trong đó sẽ là vấn đề giảm dần tiểu ngạch và tăng chính ngạch. Nhưng nếu muốn tăng chính ngạch chúng ta phải chuẩn hóa được vùng nguyên liệu. Tiểu ngạch thì có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng, nhưng chính ngạch thì cần phải truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã vùng nuôi, mã bao bì, đóng gói…

Thay đổi tư duy có những cái tích cực, những cái khó khăn nhưng chúng ta phải có cách tiếp cận đó mới là điều quan trọng.

Bộ NN-PTNT rất kỳ vọng vào Giám đốc Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh đưa chiến lược nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Chính phủ vào đời sống xã hội, xuống từng hợp tác xã, từng cộng đồng dân cư nông thôn. Mọi chiến lược sẽ không thành công nếu chúng ta không hiểu được người nông dân, bởi chính người nông dân mới trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Lãnh đạo ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần mạnh mẽ hơn, sâu sát hơn, mới hơn.

Trọng Linh (ghi)
Trọng Toàn
TL - Tùng Đinh