Đất nước vẹn tròn khi chúng ta cầm tay mọi người

Tổ tông linh thiêng chính là nguồn cội sức mạnh của người Việt Nam. Tổ tông khai hoang bờ cõi, tổ tông giữ gìn biên cương, tổ tông lưu truyền phong tục để con cháu tiếp tục kế thừa và phát huy như Nguyễn Khoa Điềm khái quát:

“Gánh vác phần người đi trước để lại/ dặn dò con cháu chuyện mai sau/ hằng năm ăn đâu làm đâu/ cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ/ trong anh và em hôm nay/ đều có một phần đất nước/ khi hai đứa cầm tay/ đất nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm/ khi chúng ta cầm tay mọi người/ đất nước vẹn tròn to lớn”.

Dân tộc Việt Nam suốt 4000 năm đã vượt qua không biết bao nhiêu sóng gió gian lao. Thế nhưng, đất nước vẹn tròn bởi tinh thần Việt Nam bền bỉ trong vẻ đẹp giản dị “những địa danh trôi từ thuở xa xôi/ trôi bằng máu và trôi bằng nước mắt, đã đọng lại thành tên người, tên đất”.

Kẻ thù dù bạo ngược đến đâu cũng không thể nào khuất phục những con người Việt Nam yêu nước thương nòi. Người trồng cây, người gieo hạt, người giăng lưới, người đưa đò, người dệt vải… dẫu sang hèn khác nhau, dẫu vui buồn khác nhau đều biết cách hướng về Đền Hùng để tin cậy nhau, để thương mến nhau. Sợi dây gắn bó ngỡ chừng đơn sơ và mong manh ấy vẫn kết chặt từng trái tim Việt Nam thành một khối keo sơn vững bền.

 

 

 

 

Một đất nước trải dài qua 15 vĩ độ, khí hậu đa dạng, thổ nhưỡng đa dạng, sở thích và mưu cầu càng đa dạng, nhưng không có chỗ nào tồn tại cho âm mưu chia rẽ và cách ngăn. 54 dân tộc anh em cùng quần tụ dưới bóng mát chở che của cội nguồn Rồng Tiên mà trưởng thành, mà no ấm. Người Kinh gặt lúa nhớ người Tày tỉa bắp. Người Dao nhóm bếp nhớ người Nùng ươm tơ. Người Chăm làm gốm nhớ người Mạ đốn củi. Người Thái xuống chợ nhớ người Thổ lên nương. Người Ê Đê gõ chiêng nhớ người Bố Y thổi sáo. Người Cơ Tu lội suối nhớ người Xơ Đăng băng rừng. Người Sán Dìu trú mưa nhớ người STiêng đội nắng…

Những ân tình đồng bào kéo gần miền ngược với miền xuôi, trong điệu múa người cao nguyên có tiếng hát người đồng bằng, trong lời ru người trung du có câu hò người miệt thứ.  

Lịch sử Việt Nam có không ít mất mát và hy sinh, nhưng con người Việt Nam chưa từng quỳ gối, chưa từng van xin, chưa từng than trách. Sức chịu đựng phi thường của con người Việt Nam đã làm nên nhiều kỳ tích rực rỡ.

Ý chí trường tồn của các đời Hùng Vương hun đúc nghị lực cho những chiến công Bạch Đằng, Như Nguyệt, Chi Lăng, Đống Đa, Rạch Gầm…

Vó ngựa trường chinh của người trước đã khơi dậy câu thơ chiến hào của người sau để dân tộc Việt Nam bước qua chuỗi ngày nô lệ tăm tối. Và thời đại Hồ Chí Minh đã thiết lập một chương mới cho đất nước Việt Nam, xóa bỏ xiềng xích lao tù, đẩy lùi kìm hãm phong kiến, xua tan ám ảnh thực dân.

Để mỗi con người Việt Nam thực sự làm chủ đất nước Việt Nam. Không thể nói khác hơn, sự dịch chuyển từ quan niệm “sông núi nước Nam, vua Nam ở” đến lý tưởng “đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại” là một cuộc cách mạng vĩ đại.

Hình ảnh các vua Hùng dựng nước càng trở nên đẹp đẽ hơn, khi con người Việt Nam thoát khỏi mặc cảm “thần dân” để đón lấy tư cách “công dân”. Mỗi con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh được tìm thấy gương mặt mình, được sống với gương mặt mình, được quyết định số phận mình trong sự bình đẳng và sự công bằng. Mỗi con người Việt Nam được ung dung trên “mặt đường khát vọng” đầy tự hào “đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa/ hoa của đất, người trồng cây dựng nhà/ khi ta đến gõ lên từng cánh cửa/ thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào/ ta nghẹn ngào, đất nước Việt Nam ơi”.

Ngót nửa thế kỷ non sông liền một dải, con người Việt Nam lau khô những giọt nước biệt ly, chữa lành những vết thương bom đạn, để cùng nhau vun đắp cuộc sống thanh bình. Hơi ấm tổ tông vẫn rì rầm như một mạch nước ngầm lặng lẽ trong ơn nghĩa đồng bào. Máu chảy ruột mềm, thấy ai đói rách thì thương, rách thì cho mặc đói nhường cho ăn. Lá lành đùm lá rách, đó nghèo thì đây cũng nghèo, hai ta như bọt với bèo dưỡng nhau.

Gian khó rồi cũng để lại sau lưng, lối mòn năm cũ đã thành cao tốc hiện đại. Con người Việt Nam đỡ đần nhau, dắt dìu nhau hiện thực hóa ước mơ sung túc đủ đầy.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, đất nước Việt Nam đã có một vị thế khác trên bản đồ thế giới. Người Việt Nam bây giờ không còn sợ hãi sông sâu sóng dữ. Những ngư dân tự tin đánh bắt xa bờ. Những chuyến hàng nông sản xuất khẩu muôn nơi. Bàn chân Giao Chỉ không còn vết bùn đã thong dong ở khắp nẻo đường năm châu.

Thế nhưng, dẫu mua bán thành công thế nào, dẫu thương hiệu lừng lẫy ra sao, người Việt Nam vẫn nguyên vẹn cốt cách con cháu Lạc Hồng.

Người Việt Nam tha phương càng nhận thức sâu sắc giá trị truyền thống cội nguồn. Mái nhà rẻo cao Tây Bắc có tình thương gửi về từ Matxcova. Cổng làng xóm biển miền Trung có tấm lòng gửi về từ Paris. Cây cầu bắc qua kênh rạch Cửu Long có đóng góp gửi về từ New York.

 

 

Không có sự thịnh vượng nào không phải đối diện với thử thách chông gai. Đất nước Việt Nam từ triều đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh vẫn đề cao những phẩm giá chân chính “có ngoại xâm thì chống ngoại xâm, có nội thù thì vùng lên đánh bại”.

Người Việt Nam có sẵn bản lĩnh khước từ mọi biểu hiện của bội bạc, của gian trá, của đê hèn, của phản trắc để vun đắp một đất nước Việt Nam thịnh vượng với những công dân lương thiện và nhân ái “giữa đất đai, nhân dân, bè bạn/ta tìm ra ánh sáng của Con Người/ những Con Người làm sông núi sáng tươi”.

Hướng về cội nguồn “chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương”, người Việt Nam mỗi ngày chọn cách sống như những dòng sông trôi mê mải lắng lại phù sa cho ruộng đồng bất tận một màu xanh.

Lê Thiếu Nhơn
Trương Khánh Thiện
NT - Việt Thắng - Như Thành - TL