Dấu ấn các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong bối cảnh dịch Covid - 19

Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH cả nước vốn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của Trung ương và địa phương nhưng năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, khó khăn chồng chất, nó vẫn thể hiện được vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường lao động việc làm, nhiều Trung tâm Dịch vụ việc làm đã trở thành những chiếc “phao cứu sinh” đưa lao động trở lại thị trường, kết nối cung – cầu lao động, để hàng chục ngàn lao động có việc làm.

Đầu năm 2020, dịch Covid – 19 xảy ra đã gây khủng hoảng nghiêm trọng đối với thị trường lao động, việc làm. Trước tình hình đó, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ nhằm giúp lao động vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Thực hiện việc chi trả hỗ trợ cho người lao động, tất cả các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong cả nước đã tổ chức thực hiện một cách kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng quy định.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở LĐ –TB&XH Thái Nguyên khẳng định: Thái Nguyên đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ qua mạng lưới bưu điện, địa điểm chi trả tại nhà văn hóa xóm, bản, tổ dân phố có sự chỉ đạo, tham gia phối hợp thực hiện và giám sát của các ngành, đoàn thể ở cơ sở, đảm bảo công khai, minh bạch.

Cùng với đó, các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong cả nước đã thực hiện việc rà soát, tiếp nhận, phân loại hồ sơ xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Số lượng hồ sơ xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đều tăng. Tuy nhiên, việc thẩm định hồ sơ và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp lao động được thực hiện tốt.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cả BHXH và Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành đều thực hiện đảm bảo yêu cầu, không có sai sót đối với giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ, không để hồ sơ giải quyết bị quá hạn, báo đỏ trên hệ thống phần mềm chính quyền điện tử.

Tại tỉnh Quảng Ninh, quy trình làm hồ sơ, thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhanh gọn, thuận lợi. NLĐ làm hồ sơ nộp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh, trong vòng 20 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ, Trung tâm đánh giá, ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày ra quyết định, cơ quan BHXH thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ theo 2 hình thức, qua thẻ ATM và nhận tiền mặt qua dịch vụ bưu điện.

Việc thực hiện tốt gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời tư vấn việc làm, đào tạo nghề cho lao động ngay khi lao động làm thủ tục, nhiều lao động qua đó đã tìm được việc làm mới, điều đó đã thể hiện vai trò của các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong việc thực hiện tốt chính sách của nhà nước.

Có thể khẳng định, năm 2020, những nỗ lực của các Trung tâm Dịch vụ việc làm cả nước trong việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm đã thúc đẩy hồi phục thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, giúp hàng trăm ngàn lao động quay lại thị trường, đưa thị trường lao động sôi động trở lại vào thời điểm cuối năm.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng, trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố có gần 24.300 lao động bị thất nghiệp. Trong đó, lao động làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch bị thất nghiệp lên đến gần 7.700 người (chiếm 31,7%).

Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng đã liên hệ với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và kết nối với người lao động trên địa bàn thông qua các phiên giao dịch việc làm. Mỗi phiên giao dịch việc làm ở  Đà Nẵng có đến trên dưới 1.000 công việc cho người lao động có nhu cầu.

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay số lượng công ty, doanh nghiệp lên đến hơn 22.000 doanh nghiệp và mỗi năm cần khoảng 100.000 lao động với nhiều trình độ khác nhau, trong đó có khoảng 40% là lao động phổ thông. Riêng Trung tâm kết nối thường xuyên với khoảng 7.000 doanh nghiệp trên địa bàn và mỗi năm tổ chức trung bình 52 phiên giao dịch việc làm.

 

Ngoài ra, còn tổ chức thêm các phiên giao dịch lưu động tại những trường đại học hoặc các phường với số lượng đến hàng ngàn người tham gia.

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP đã tổ chức 42 phiên giao dịch việc làm, tư vấn cho hơn 314.000 lao động, giới thiệu việc làm cho 67.000 người, hơn 30.000 lao động đã nhận việc.

Đến hết 9/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 4 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các trường cao đẳng nghề. Các phiên giao dịch việc làm đã thu hút 225 lượt doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng trên 10.500 lao động. Có 1.404 lượt người đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm, 1.040 lao động trong số này đã được tuyển chọn.

Ông Võ Duy Yên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trung tâm đã tổ chức được 12 phiên giao dịch tại Trung tâm và các huyện thu hút hàng trăm lao động và trên dưới 20 doanh nghiệp đến trực tiếp.

“Mặc dù tổ chức được ít phiên giao dịch nhưng hiệu quả mang lại rất đáng kể. Tính trung bình mỗi phiên có đến gần 50% người lao động kết nối được với các doanh nghiệp và tìm được việc làm. Đặc biệt, thời điểm kết thúc đợt dịch thứ nhất thì số lao động kết nối được với các doanh nghiệp đạt tỷ lệ đến 70%. Có đến hơn 2.600 lao động thất nghiệp tìm được việc làm mới thông qua các phiên giao dịch việc làm” – Ông Yên cho biết.

Năm 2020, đánh dấu một dấu mốc quan trọng khi nhiều địa phương phối hợp với nhau để tổ chức các phiên giao dịch, tư vấn việc làm trực tuyến, online, trên mạng xã hội, bưu điện nhằm kết nối cung cầu lao động việc làm.

Giữa năm 2020, 11 tỉnh, thành phố gồm: Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Lào Cai, Bình Dương đã đã tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối cung cầu lao động giữa các địa phương.

Phiên giao dịch được thực hiện dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH và 11 Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh/thành phố để kết nối cung cầu lao động trên các địa bàn các địa phương, liên thông giữa các vùng, miền tạo điều kiện cân bằng, ổn thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Qua đó, giúp thị trường lao động cả nước từng bước đồng bộ, hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại các địa phương và trên cả nước.

Kết quả phiên giao dịch thu hút 2.790 lao động và 250 cơ quan, doanh nghiệp tham dự với nhu cầu tuyển dụng 29.169 vị trí việc làm trống; 288 lao động trúng tuyển tại chỗ; 332 người được hẹn phỏng vấn lần 2.

Năm 2020 Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Ninh (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh), đã không ngừng đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động giữa doanh nghiệp với người lao động, tổ chức hơn 10 phiên giao dịch việc làm online thu hút hàng ngàn lao động tham gia.

Ông Đinh Văn Duyệt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Ninh cho biết: Bắc Ninh là tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp hoạt động, nhu cầu về lao động – việc làm rất lớn. Vì vậy, hàng năm, Trung tâm chủ động tham gia điều tra, cập nhật dữ liệu biến động về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thực hiện phân tích, dự báo thị trường lao động và nắm bắt thông tin vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Đồng thời chú trọng môi trường làm việc phù hợp, hấp dẫn, tư vấn, giới thiệu việc làm qua Website, phỏng vấn online, hệ thống tin nhắn.. cho người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng để đăng tải trên Website của Trung tâm, đồng thời cử cán bộ thực hiện phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ.

Đây là hình thức giới thiệu việc làm đơn giản, nhưng kết quả đạt được khá tích cực. Cách thức hoạt động được diễn ra theo hai chiều, có sự tương tác qua lại trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chủ động cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng và vị trí tuyển dụng để đăng tải trên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm, đồng thời cắt cử cán bộ thực hiện phỏng vấn ngay tại công ty qua phần mềm hỗ trợ. Còn về phía người lao động chỉ cần một một phương tiện có kết nối internet (máy tính hoặc điện thoại…) là có thể tìm hiểu một cách đầy đủ nhất thông tin về doanh nghiệp và thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến.

Ông Võ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam cho hay: Trước khi có những thông báo điều chỉnh hoạt động để ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19, dưới sự chỉ đạo hướng dẫn, chỉ đạo của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội, chúng tôi đã có những phương án để đảm bảo hoạt động không bị ngưng trệ.

Theo đó, Trung tâm vẫn tiến hành liên hệ với các doanh nghiệp, người lao động thông qua mạng xã hội và bưu điện. Tại cơ quan, chúng tôi cũng cử người thay phiên nhau trực để nhận hồ sơ cũng như điện thoại liên hệ để xử lý các hồ sơ. Tất cả đảm bảo được yêu cầu phòng dịch cũng như hoạt động của đơn vị.

“Bằng việc duy trì sự liên hệ thường xuyên với các công ty, doanh nghiệp nên sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh khôi phục, đã có rất nhiều đơn vị liên hệ với Trung tâm để đăng ký tuyển dụng lao động. Chỉ riêng trong cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, đã có hơn 4.000 công việc trống được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam liên hệ cho người lao động” - ông Dũng nói.

Để kết nối cung cầu lao động việc làm, đặc biệt là giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, nhiều Trung tâm Dịch vụ việc làm trong cả nước đã đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã.

Với đặc thù của tỉnh Kon Tum, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Kon Tum đã thực hiện rất nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết: Nhiệm vụ chính của Trung tâm là tư vấn, giới thiệu làm việc, hỗ trợ kết nối người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm với các các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động. Muốn làm được việc đó, Trung tâm phải nắm bắt được thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp.

"Cụ thể, Trung tâm cử cán bộ, nhân viên khảo sát thông tin, nhu cầu tuyển dụng của từng đơn vị, doanh nghiệp sau đó về tổng hợp, biên soạn thành các bản tin việc làm hàng tháng, các thông báo tuyển lao động,.. gửi đến cán bộ cơ sở, thông tin, tuyên truyền cho người lao động biết, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động để giới thiệu việc làm" - bà Nga nói.

Tháng 11/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Sông Lô tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, thu hút 6 doanh nghiệp gồm tham gia gồm: Cty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, Cty TNHH FWKK Việt Nam, Cty Cổ phần Giầy da Lập Thạch, Cty TNHH Lợi Tín Lập Thạch, Cty TNHH DKT Vina và Cty TNHH TM Á Minh. 6 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên 900 lao động, trong đó 90% là lao động phổ thông, còn lại là lao động qua đào tạo có trình độ kỹ thuật.

Năm 2020, cán bộ của nhiều Trung tâm Dịch vụ việc làm trong cả nước không ngại khó khăn, đã đến từng ngõ, gõ từng nhà để tư vấn lao động, qua đó, đưa được số lượng lớn lao động trở lại thị trường, tìm được việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19. Nỗ lực này là một dấu ấn sâu đậm của Trung tâm Dịch vụ việc làm trong năm 2020.

Theo thống kê của 182 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, có trên 30.300 người lao động đang làm việc tại thời điểm 31/01/2020. Đến cuối tháng 05/2020, số lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là trên 7.300 người.

Bà Nguyễn Như Thùy - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trung tâm ngoài việc tập trung chi trả hỗ trợ người dân do đại dịch Covid-19, còn thực hiện ngay các biện pháp tăng cường triển khai cung cấp thông tin, định hướng nghề nghiệp cho lao động. Thực hiện việc kết nối giữa đơn vị tuyển dụng và người lao động.

"Một trong những điểm nhấn ấn tượng năm 2020 là Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã “tung quân” về cơ sở, đẩy mạnh việc tư vấn việc làm tại cơ sở xóm, thôn, xã và đến tận nhà người lao động. Đồng thời tổ chức các phiên giao dịch việc làm ngay tại cơ sở, thu hút rất đông lao động tham gia. Qua đó đã có nhiều lao động tìm kiếm được việc làm ngay tại thôn, xóm mình" - bà Thùy cho hay.

Bà Nguyễn Thị Hoa Hồng, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho hay: Để đồng hành cùng người lao động trong bối cảnh “khan hiếm” việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã chủ động liên hệ, tiếp cận với một số doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm, đặc biệt chú trọng đến công tác tư vấn, cung cấp thông tin để lao động nắm bắt được tình hình thị trường lao động, từ đó có định hướng phù hợp trong việc tìm kiếm việc làm và học nghề.

Trên cơ sở dữ liệu lao động cung cấp, cán bộ Trung tâm đã xuống từng địa phương, “đến từng ngõ, gõ từng nhà” lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

“Trước đây mỗi tháng chúng tôi tổ chức 2 phiên Giao dịch việc làm cố định và thường xuyên tổ chức phiên lưu động tại các địa phương. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh Covid - 19, cách làm này phải thường xuyên thay đổi, linh động tùy tình hình thực tế trong từng giai đoạn. Và, việc chuyển hướng đưa cán bộ xuống trực tiếp địa phương, đến từng nhà lao động để tư vấn đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo cơ hội tiếp cận việc làm cho hàng nghìn lao động” - bà Hồng nói.

Năm 2020, các Trung tâm Dịch vụ việc làm các địa phương không chỉ làm tốt vai trò tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho lao động trong nước, mà còn làm tốt vai trò tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho lao động về nước do anh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về lao động làm việc tại nước ngoài và phải “hồi hương” do dịch Covid – 19. Trước tình cảnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã quyết tâm “không bỏ rơi” lao động về nước, đưa họ trở lại thị trường lao động trong nước.

Tháng 11 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đã phối hợp với Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm, thuộc Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức “Hội chợ Việc làm dành cho 236 lao động làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc về nước”. Kết quả, 8 doanh nghiệp trực tiếp tham gia tuyển dụng đã giải quyết nhu cầu việc làm cho hơn 100 lao động.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh khẳng định: Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động về nước là hoạt động rất thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp người lao động nắm bắt đầy đủ, chính xác các thông tin về thị trường lao động, về các vị trí việc làm, từ đó đưa ra lựa chọn công việc phù hợp với bản thân, đặc biệt là phát huy được kinh nghiệm làm việc của mình tại các công ty ở nước ngoài.

“Tất cả các hoạt động từ liên hệ doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu, nắm bắt danh sách lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước; kết nối doanh nghiệp với lao động, với UBND cấp huyện; cách thức tổ chức… đều được Trung tâm chủ động triển khai, thực hiện bài bản và mang lại hiệu quả cao. Những nỗ lực đó, đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp cho lao động trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh”, bà Nguyễn Thị Thanh Hương nói thêm.

Tại Nghệ An, có trên dưới 62.000 lao động tại các nước, hàng năm chuyển về trên 500 triệu USD tạo ra nguồn thu nhập ổn định, nâng cao rõ rệt đời sống của nhân dân, góp phần quan trọng giúp địa phương phát triển mạnh KT-XH. Do mất việc làm bởi dịch Covid-19, nhiều lao động nước ngoài đã trở về Nghệ An.

Trước tình hình đó, Trung tâm Dịch vụ Việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động tuyển dụng lao động trong và ngoài nước thực hiện rà soát, tổng hợp nắm bắt nhu cầu việc làm của người lao động ở nước ngoài trở về do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phân loại, lên kế hoạch tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm. Qua đó, hàng trăm lao động từ nước ngoài trở về đã tìm được việc làm mới tại Nghệ An và các tỉnh, thành trong cả nước.

Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Nghệ An tổ chức Phiên giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ 2020 thu hút gần 1.100 người tham gia, trong đó có 475 bộ đội xuất ngũ, có 359 người đăng ký tìm việc làm trong nước, 119 người đăng ký xuất khẩu lao động, 20 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trong ngày đầu tiên.

 

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Vi Ngọc Quỳnh cho biết: Nghệ An có khoảng 1,9 triệu lao động trong độ tuổi. Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 4.000 quân nhân xuất ngũ, đây là những người được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội, có tinh thần kỷ luật cao, phẩm chất đạo đức tốt, tác phong nhanh nhẹn và sức khỏe tốt. Đặc biệt, nhiều trường hợp đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, chuyên môn tay nghề đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.

Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An trong việc giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, đặc biệt là cho bộ đội xuất ngũ nói riêng, nhất là tỏng bối cảnh dịch Covid-19 để thực hiện chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Qua rà soát của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, nhu cầu tuyển dụng đi nước ngoài là trên 20.000 lao động (thu nhập từ 17 – 45 triệu đồng/ tháng), làm việc trong nước khoảng 45.000 trường hợp (lương trung bình 7 – 12 triệu đồng/ tháng). Đây là cơ hội lớn để quan nhân xuất ngũ, bộ đội sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự tìm kiếm, lựa chọn cho bản thân ngành nghề, vị trí công việc phù hợp, thu nhập ổn định.

Theo thống kê, mỗi năm, Hà Nội có hơn 4.000 thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự và tương ứng cũng có từng đó người xuất ngũ trở về địa phương. Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thuộc Sở thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, chủ động định hướng giải quyết việc làm cho quân nhân, bộ đội xuất ngũ.

Tại phiên Giao dịch việc làm chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ diễn ra cuối tháng 12/2020, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân khẳng định: Bộ đội xuất ngũ là lực lượng lao động không chỉ có trình độ chuyên môn mà còn được trải qua quá trình rèn luyện trong quân đội, có sức khỏe tốt, ý thức kỷ luật cao, có trách nhiệm trong nhiệm vụ được giao. Do đó, lực lượng này cần được tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, lựa chọn việc làm phù hợp để góp phần xây dựng một nguồn nhân lực lao động chất lượng của Thủ đô.

Trong những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành riêng cho bộ đội xuất ngũ. Thông qua các phiên giao dịch này, đã có hàng nghìn quân nhân, bộ đội xuất ngũ được cung cấp thông tin về thị trường lao động. Số quân nhân tại ngũ và bộ đội xuất ngũ tham gia phỏng vấn tại các phiên giao dịch là hơn 2.600 người, trong đó có 1.200 người đã được tuyển dụng ngay tại phiên giao dịch việc làm.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19, các Trung tâm Dịch vụ việc làm ở các tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc đã đẩy mạnh tổ chức kết nối cung cầu lao động - việc làm cho đồng bào dân tộc, miền núi, tạo hàng ngàn việc làm mới.

Đầu tháng 12/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH An Giang phối hợp với UBND huyện biên giới, vùng đồng bào dân tộc Khmer Tri Tôn tổ chức phiên giao dịch việc làm năm 2020 đã thu hút gần 1.500 lao động tham gia tư vấn, tìm kiếm cơ hội việc làm; 17 doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng trong và ngoài tỉnh.

Qua đó, 354 đơn đăng ký xin việc đã được gửi tới các nhà tuyển dụng. Các ngành nghề tuyển dụng rất phong phú, đa dạng, tập trung vào các lĩnh vực: Viễn thông, bán hàng, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, xuất khẩu lao động, kỹ sư, công nhân có tay nghề…

Ông Cao Quang Liêm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: Việc tổ chức phiên giao dịch việc làm nhằm phát triển đa dạng thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động một cách hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đây là tín hiệu vui của công tác kết nối tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa, lao động là đồng bào Khmer của huyện Tri Tôn.

Ông Phạm Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang cho biết thêm: Huyện Tri Tôn là một huyện miền núi và biên giới của tỉnh An Giang đang nỗ lực mời gọi các doanh nghiệp đến địa bàn huyện Tri Tôn đầu tư xây dựng để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer có việc làm, không phải bỏ xứ mưu sinh như thực trạng hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum cho biết: Trong năm 2020, Trung tâm đã giới thiệu cho hàng ngàn lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và có hàng trăm lao động có được việc làm, trong đó hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số.

"Với mức thu nhập khoảng từ 7-13 triệu đồng, đồng thời người lao động còn được hỗ trợ về nhà ở, ăn uống... qua đó giúp cho cuộc sống người lao động, đặc biệt lao động là đồng bào dân tộc Kon Tum từng bước có cuộc sống ổn định, có thể tiết kiệm gửi về cho gia đình" - bà Nga cho hay.

Ông Trương Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai cho hay: Tại Lào Cai, bên cạnh các đơn vị, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn lực lao động thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng mới lao động.

Tuy nhiên, tại Lào Cai có lao động ở vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc còn tâm lý e ngại trong việc đăng ký tìm việc làm, nhất là làm việc xa nhà trên địa bàn tỉnh khác. Vì vậy, để thu hút lực lượng lao động này, trước khi tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm thương thảo với doanh nghiệp có thêm quyền lợi, chế độ đãi ngộ tốt hơn… cho người lao động miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Qua đó, nâng cao tỷ lệ người lao động là đồng bào dân tộc, miền núi có việc làm.

Tính đến ngày 30/11, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai thực hiện 22 phiên giao dịch việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm cho 2.240 lượt lao động đã giúp hàng trăm lao động có ngay việc làm phù hợp với trình độ, nguyện vọng của mình.

Bà Đặng Thị Long Biên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cao Bằng cho hay: Do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 số lao động mất việc của Cao Bằng khoảng 2.000 người. Ngay khi thời dịch bệnh có chiều hướng giảm, Trung tâm đã chia sẻ qua rất nhiều kênh thông tin, trang mạng của Trung tâm về nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp. Đồng thời cử cán bộ đi tận cơ sở để thu thập nhu cầu tìm việc làm của người lao động. Qua đó đã giúp nhiều lao động là đồng bào dân tộc tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

Để có kết quả này, Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Tháp đã rất chú trọng lựa chọn đối tác và trực tiếp đến khảo sát các công ty, nghiệp đoàn trước khi ký hợp đồng nên phần lớn người lao động đều có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 15 - 27 triệu đồng/người/tháng.

Lao động chủ yếu đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… tập trung những ngành nghề chính như trong lĩnh vực nông nghiệp, trang trí nội thất, cơ khí, công nghệ ô tô, chế biến thực phẩm, điện tử, đóng gói công nghiệp, điều dưỡng.

Theo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Đồng Tháp, sau khi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… mở cửa đón lao động Việt Nam trở lại sau khi hết dịch Covid-19, các doanh nghiệp chuyên đưa lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài đến Đồng Tháp tuyển dụng hàng trăm lao động. Riêng tháng 10/2020 Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động Tracodi có nhu cầu tuyển dụng 200 lao động đi Nhật Bản làm việc. 2 doanh nghiệp khác đã đến phối hợp với Trung tâm dịch vụ Việc làm Đồng Tháp tuyển dụng trên 400 lao động đi Nhật Bản. Tại các buổi tuyển dụng này, các doanh nghiệp này đã tuyển dụng đạt trên 70% nhu cầu lao động.

Và mới đây Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp cùng Công ty TNHH Nhật Huy Khang và Nghiệp đoàn Business Frontier ký kết hợp tác tuyển chọn, đào tạo và đưa khoảng 600 thực tập sinh sang Nhật Bản vào cuối năm 2020...

Có được kết quả đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh Đồng Tháp trong việc tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu và vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp trong việc xây dựng chương trình truyền thông phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các đơn vị trường cao đẳng, trung cấp, THPT, THCS nắm danh sách các em học sinh, sinh viên có nhu cầu, rước đến Trung tâm tham gia các phiên giao dịch việc làm, tư vấn chuyên đề, định hướng nghề nghiệp, việc làm, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ trung tâm, nghiệp đoàn, công ty, doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Hoàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị cho hay: Trung tâm đã tích cực kết nối lao động làm việc tại nước ngoài và đã có trên 600 lao động được tuyển dụng, đã hoàn thành thủ tục đi lao động nước ngoài. Tuy nhiên chưa thể xuất cảnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó Trung tâm đã tăng cường trao đổi với từng người lao động cụ thể để ổn định tâm lý của người lao động; tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để hỗ trợ nhiều mặt về quy trình, thủ tục cho người lao động, đặc biệt là các lao động đã trúng tuyển qua các kỳ thi tiếng Hàn và đang làm hồ sơ xuất cảnh đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS với quyết tâm là đưa được lao động đi nước ngoài.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, năm 2020 đã có 91.500 lượt người được tiếp nhận thông tin về vị trí việc làm, hướng nghiệp và các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng (tăng 8.9% so với kế hoạch đề ra).

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa đã khảo sát nhu cầu sử dụng lao động và tình hình biến động lao động tại 1.851 lượt doanh nghiệp. Ước tính hết năm 2020, sẽ có trên 2.000 lượt doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lao động trên 46.000 người. Trong đó có gần 22.000 người làm việc trong tỉnh, trên 20.000 người làm việc ngoài tỉnh và trên 3.200 người làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Gần 7.300 lao động Thanh Hóa được kết nối thành công với doanh nghiệp.

Ông Lê Đăng Thanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa khẳng định: Để lôi cuốn được các doanh nghiệp và người lao động tham gia sàn giao dịch việc làm, điều quan trọng là phải tạo được niềm tin cho họ. Để làm được điều này, công tác dự báo, thông tin thị trường lao động hết sức quan trọng. Kết quả thu thập thông tin thị trường lao động là cơ sở để xây dựng dữ liệu về thị trường lao động và thực hiện công tác phân tích, dự báo cung cầu lao động trong ngắn hạn và trung hạn.

Năm 2020, lao động tại Bình Định không thiếu việc làm dù dịch Covid-19. Điều này có được là nhờ Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định đã làm tốt công tác phân tích, đánh giá, dự báo cung cầu lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường lao động, danh bạ nghề nghiệp từ nhiều nguồn khác nhau.

Ví như khai thác chỗ việc làm còn trống của của doanh nghiệp; danh bạ nghề nghiệp của các trường Cao đẳng, Trung cấp kỹ thuật, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp từ cơ quan quản lý nhà nước.Danh sách các vị trí việc làm trống được chia theo nhóm ngành; danh bạ nghề nghiệp được sắp xếp theo khối nghề để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động và được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu của Trung tâm.

Thành lập bộ phận tư vấn ban đầu, tất cả người lao động được đón tiếp và thực hiện các công việc tại đây, qua đó giúp người lao động tiếp cận nhanh các thông tin về vị trí việc làm mới cũng như các ngành nghề đào tạo, định hướng được nghề nghiệp, sớm quay lại với thị trường lao động và tìm được việc làm phù hợp.

Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, cho biết: Lao động ở các vùng nông thôn Bình Định cũng không bị thất nghiệp. Chỉ số tăng trưởng lao động trên địa bàn tỉnh Bình Định trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng 0,4%, trong đó riêng lao động của Khu Kinh tế Bình Định tăng được 2,4%. Bình Định hiện có khoảng hơn 6.853 đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 147.850 lao động.

Hiến Minh - Lê Tuấn
Gia Minh-Đỗ Trung-Duy Linh
Nông Nghiệp Việt Nam
Phạm Hạnh-Việt Khánh
25/12/2020