| Hotline: 0983.970.780

 

 

Giấc ngủ chia đôi

Vừa lui cui nhặt củi, Thiếu tá Nông Văn Tấn, 46 tuổi, Đồn Biên phòng Ba Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, vừa nhướng mắt lên con đường mòn cao vút bắc ngang biên giới Việt – Trung. Đấy là tuyến tuần tra của ông cùng một đồng đội tại chốt tác chiến Pò Nhùng, được dựng từ đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên. Gọi là chốt, nhưng đây chỉ là vài ba cái lán, đứng cạnh nhau, rồi gia cố bằng bạt, dây dù. Gió cấp 6 có khi thổi tốc mái.

Bộ đội biên phòng tại chốt có thói quen dựa vào mặt trời để định thời gian. “Khi ngọn gai này ở giữa mặt trời là đến giờ nấu cơm”, ông Tấn chỉ vào cây cọc cao nhất đầu lán nói. Ngay bên cạnh, nước dẫn từ khe suối cách đó chừng một cây số, đã chảy đầy xô.

Cơm chưa sôi, nghe tiếng động trên tuyến tuần tra, ông Tấn bỏ vội căn bếp dã chiến, vơ một cành cây to phăm phăm lên con đường đất rộng không đủ hai xe đạp tránh nhau. Đường mới được phát quang, đầy sỏi nhỏ, dễ trượt. Người không quen, chỉ sơ ý là xước tay vì những gai nhọn mọc tua tủa dọc lối đi. Tệ hơn, nếu bước hụt là có thể ngã xuống vực. Thế nhưng ngày nào, hai chiến sĩ trong chốt cũng luân phiên vài ba lượt lên xuống. Người này đi tuần, người kia cắm chốt, nấu cơm, và ngược lại. Đến cả giấc ngủ, họ cũng chia đôi. Một người nghỉ từ đêm đến ba, bốn giờ sáng, rồi đứng canh để đồng đội ngả lưng.

Chốt chống dịch Pò Nhùng của Đồn biên phòng Ba Sơn trong ánh sáng của chiếc đèn chạy bằng năng lượng mặt trời khi màn đêm vừa ập xuống núi rừng Lạng Sơn. 

Chốt chống dịch Pò Nhùng của Đồn biên phòng Ba Sơn trong ánh sáng của chiếc đèn chạy bằng năng lượng mặt trời khi màn đêm vừa ập xuống núi rừng Lạng Sơn. 

Từ chân dốc lên tới đỉnh ước chừng gần 3km đường núi ngoằn ngoèo. Mưa trượt, nắng bụi. Chốt tuần tra có duy nhất một chiếc xe máy làm phương tiện. “Xe ở đây, anh em đi phá lắm. Chừng ba năm là nát con xe rồi”, Đại úy Đỗ Quang Trung, Phó Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Sơn tếu táo chỉ vào chiếc xe có đôi lốp khác thường. Không phải những chiếc lốp mềm, to bản, bám đường tốt thường thấy ở phố thị, lốp xe của đồn biên phòng nhỏ, rãnh sâu, và chi chít gai để đi “địa hình”.

“Phá”, theo lời anh Trung, là cả ngày chỉ chạy xe bằng số 1, trên những con dốc 20, thậm chí 30 độ ở khắp bản Nà Va. Mỗi lần lốp thủng, chiến sĩ khắc phục bằng cách vá dùi tại chỗ. Xong đâu đấy, một chiếc gai mới lại mọc thêm trên thành lốp.

Chưa kịp đếm hết lốp xe của chốt tuần tra có bao nhiêu “gai mới”, tiếng sột soạt báo ông Tấn trở về. “Là người dân đi lượm gỗ thông”, miệng kể, tay ông lần cởi đôi giày vải được đệm lớp lót dày dưới đế.

Theo tiêu chuẩn của đồn, mỗi năm bộ đội được phát một đôi giày mới. Nhưng vì đi lại nhiều, chúng hao mòn nhanh hơn định mức. Trong lán, ông Tấn phải dự phòng ba đôi: Một đôi được phát năm nay, còn mới, được ưu tiên dùng trong trường hợp đặc biệt. Một đôi năm ngoái xỉn màu, mũi sờn nhiều chỗ và đệm thêm lót, dùng hàng ngày. Một đôi nữa là ủng, dùng lúc mưa gió, những khi không thể đi xe máy lên núi, cũng là để ông lội suối, cải thiện bữa ăn.

Vừa nấu ăn, Thiếu tá Nông Văn Tấn vừa đánh mắt nhìn về phía con đường mòn trên dốc cao, sẵn sàng phản ứng khi có động tĩnh. Nước nấu ăn của chốt Pò Nhùng được các anh dẫn từ khe núi ra, cho chảy vào thùng xô để tích trữ. Trong khi đó, phòng ăn cũng được quây từ vài tấm bạt xanh, đỏ, bên trong đồ đạc đơn sơ đặt ngay trên nền đá cấp phối. 

Vừa nấu ăn, Thiếu tá Nông Văn Tấn vừa đánh mắt nhìn về phía con đường mòn trên dốc cao, sẵn sàng phản ứng khi có động tĩnh. Nước nấu ăn của chốt Pò Nhùng được các anh dẫn từ khe núi ra, cho chảy vào thùng xô để tích trữ. Trong khi đó, phòng ăn cũng được quây từ vài tấm bạt xanh, đỏ, bên trong đồ đạc đơn sơ đặt ngay trên nền đá cấp phối. 

Mây bay trên đầu, suối chảy dưới chân

Những ngày đầu xuống chốt, bữa ăn của ông Tấn chỉ gồm cơm và rau rừng. Thảng lắm mới được một ít thịt từ đồn chuyển đến. Ăn rau mãi cũng chán, ông cùng đồng đội bàn chuyện gây giống đàn vịt, bởi đây là loài có thể chịu được lạnh.

Vài chục con vịt được thả tại ao ngay bên đối diện lán. “Vịt này chỉ dùng để đãi khách quý. Tôi hay ra bắt cá. Có hôm may cũng được bữa ra trò”, ông Tấn kể trong lúc lần giở muối vừng, lương khô ra ăn kèm cơm.

Bữa ăn miền biên viễn, đạm bạc hệt như đám cỏ úa mọc cạnh mâm cơm. Ăn uống qua quýt là thế, nhưng gần một năm đóng chốt, chưa ngày nào ông Tấn bỏ rèn luyện, dù là thành viên cao tuổi bậc nhất của Đồn Biên phòng Ba Sơn. Một ngày mới của ông bắt đầu từ bài thể dục đi bộ, lên xuống núi tuần tra 5km. Sau đó, ông đổi phiên cho đồng đội, trở về khu vực lán chăm mấy luống rau. Khi đồng đội trở xuống, ông lấy xe máy tuần tra vòng nữa, rồi mới chuẩn bị cơm trưa.

So với những chốt khác, ông Tấn thiệt thòi vì ở xa bản làng. Mọi thứ đều tự cung tự cấp. Ánh sáng điện không hiện hữu tại lán của ông hơn nửa năm trời. Mãi tới hai tháng trước, đơn vị mới cấp cho một bóng đèn led chạy bằng năng lượng mặt trời. Tối muộn, ước chừng 21h, ông Tấn mới dè sẻn bật điện, xua đi nỗi heo hút nơi đồng không mông quạnh.

Thiếu tá Nông Văn Tấn rời lán lên kiểm tra trên đỉnh dốc nơi có con đường mòn từng bắt giữ nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Thiếu tá Nông Văn Tấn rời lán lên kiểm tra trên đỉnh dốc nơi có con đường mòn từng bắt giữ nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

“Nhiều lúc đứng gác một mình, nhớ gia đình lắm. Biết tôi làm nhiệm vụ vì Tổ quốc, nên gia đình hay giấu chuyện nọ chuyện kia. Như đợt rét này, chẳng biết ở nhà có bị sao không? Nhà ngay Lạng Sơn, nhưng từ khi có dịch, tôi mới qua nhà vài lần”, ông Tấn nói, giọng thoáng nghẹn.

Bên ngọn lửa bập bùng, không đủ để nhìn rõ mặt người đối diện, ông Tấn bồi hồi nhìn về hướng người đồng đội trẻ, lúc này đã đi tuần về.

Buổi tối cuối tháng trên vùng cao cả nghìn mét so với mực nước biển, giơ bàn tay lên chẳng nhìn rõ có bao nhiêu ngón, hai người lính biên phòng dùng xong bữa trong chưa đầy năm phút.

Nghỉ một lát, ông Tấn đã nai nịt gọn gàng để hoàn tất chặng tuần tra cuối của quãng đường 15km. Gió về đêm buốt hơn, khiến ông Tấn phải đổi sang chiếc mũ bông dày, che kín hai tai.

“Tôi thường về tầm 12h đêm, nhường cho anh em trẻ ngủ trước. Có hôm lên giường, nhìn qua ô cửa, đã thấy ngọn gai đầu lán gần chạm mặt trời. Chỉ mong có ngày, lán được dựng kiên cố bằng tôn, khỏi thấp thỏm mưa dột lúc ngủ. Nằm trong chăn bớt lạnh và đỡ phải quấn bao tải quanh người”, ông Tấn bảo.

Lán mới, nếu dựng vậy, sẽ phải chặt ngọn gai đầu lán mà ông Tấn đang dùng để xem giờ. Ông Tấn bảo: “Lính biên phòng nhìn chung luôn ở nơi mây bay trên đầu, suối chảy dưới chân. Chỗ này không có suối, nhưng dù thế nào vẫn có mây”.

 

 

30 ngày trước Tết Tân Sửu, trong màn đêm đen kịt của núi rừng Lạng Sơn ngày đầu tháng Chạp, trên trời lốm đốm vài ngôi sao. Dưới đất, có một bóng đèn led hắt ra khoảng sáng vừa đủ trùm lên Chốt kiểm soát ra vào khu vực biên giới của Đồn Biên phòng Ba Sơn, tại thôn Nà Va, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc.

Lạnh

Chốt kiểm soát ra vào khu vực biên giới đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn cách biên giới Trung Quốc chỉ 500m đường chim bay, có 2 sỹ quan Đồn Biên phòng Ba Sơn làm nhiệm vụ. Ngoài ra, có 1 học viên Học viện Biên phòng vừa lên tăng cường.

Do độ sáng của đèn led thắp bằng điện xin nhờ nhà dân có hạn, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Tiến Vinh luôn kè kè chiếc đèn pin trong tay, vừa để thuận tiện cho sinh hoạt, vừa là dụng cụ hỗ trợ khi làm nhiệm vụ.

Giữa căn lán dựng từ luồng và bạt, anh Vinh dựng ngược chiếc đèn pin để lấy sáng pha nước mời khách trong khi chiếc đài cát xét cũ to bằng viên gạch vẫn đang phát các bản tin về phòng chống Covid-19.

Hạ hơn 3/4 số bạt quây, chỉ để một lối nhỏ ra vào nhưng ngồi trong lán vẫn cảm nhận rõ hơi sương lạnh ngấm dần vào da thịt, chẳng khác gì đang trong tủ kem. "Đêm xuống anh em chia nhau đi trực, đi tuần, ai ngủ thì hạ hết bạt xuống cho kín gió, đỡ lạnh", Trung tá Vinh nói rồi khoe thêm chiếc lều dã chiến được dựng trong lán "ngủ trong đó thì ấm hơn một chút".

Trong đêm, tiếng gió đập vào bạt bùng nhùng như trống đánh bên tai. Rọi đèn pin lên tấm bạt loang lổ vết mốc để kiểm tra, anh Vinh nói: "Bạt quân nhu tốt như thế mà dựng ở đây cứ vài tháng là mốc, là mục. Anh em không gỡ ra mà phủ luôn lớp mới lên cho chắc. Lán này dựng được một năm, mà bây giờ phủ đến 4 lớp bạt rồi".

Nguyễn Nhật Huy, học viên năm 2 của Học viện Biên phòng pha nước từ ánh sáng của chiếc đèn pin chổng ngược bên trong chiếc lán bị gió đập như trống đánh bên tai. Phía trong là chiếc lều dã chiến mà Trung tá Vinh khoe là 'ngủ trong đó thì ấm hơn một chút'. 

Nguyễn Nhật Huy, học viên năm 2 của Học viện Biên phòng pha nước từ ánh sáng của chiếc đèn pin chổng ngược bên trong chiếc lán bị gió đập như trống đánh bên tai. Phía trong là chiếc lều dã chiến mà Trung tá Vinh khoe là "ngủ trong đó thì ấm hơn một chút". 

Băng tuyết có thể là niềm vui thú hút không ít người lên Mẫu Sơn, Y Tý, Sapa. Nhưng với những người lính ngày đêm canh giữ biên cương, thời tiết khắc nghiệt chưa bao giờ là điều dễ chịu. Trong đợt rét đầu tháng 1 vừa qua, không ít ngày các chiến sỹ tỉnh giấc với một lớp băng đóng trên mái lán.

May mắn cho Nà Va, nhờ được sự quan tâm chia sẻ của các cấp chính quyền và một số doanh nghiệp, Đồn Ba Sơn vừa cất cho chốt một lán bán kiên cố bằng khung thép và tôn, trị giá 50 triệu đồng, với mong muốn mùa đông bớt lạnh. Thế nhưng do bận nhiệm vụ, họ cũng chưa kịp dọn dẹp xong để đưa vào sử dụng.

Những người lính nơi địa đầu Tổ quốc là thế, vất vả trăm bề, nhưng có lẽ chẳng ai thấy họ than vãn nửa lời. Họ không phải là những ca sỹ, MC nổi tiếng, có cả dàn truyền thông đi cùng để livestream, chụp ảnh đăng mạng xã hội.

Không hoa mỹ, không chiêu trò lăng xê, họ là những người lính âm thầm bảo vệ biên cương.

Trong năm 2020, dọc chiều dài (41,587 km) đường biên giới do Đồn Biên phòng Ba Sơn quản lý, bảo vệ, phía Trung Quốc tiến hành xây dựng nhiều công trình biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Sơn phải căng mình tuần tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động xây dựng phía Trung Quốc để đảm bảo đúng theo Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc nhưng cũng chưa từng lơi lỏng nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.

Trong những ngày tháng căng mình phòng chống Covid-19, lính biên phòng cũng chưa từng lơi lỏng nhiệm vụ ở biên cương. Không ít lần, cán bộ, chiến sĩ biên phòng bất chấp mưa rừng, sương muối, túc trực đấu tranh, ngăn chặn việc công nhân Trung Quốc định lén lút xây tường rào ở những đoạn vi phạm Hiệp định Biên giới trên bộ giữa hai nước.

Nhớ

Nhà ngay thành phố Lạng Sơn, nhưng cả năm qua, số lần anh Vinh được về chắc chưa đủ 2 bàn tay. Trong đêm, tiếng cười nói của đám trẻ con gần chốt không ít lần khiến ánh mắt của anh thoáng trĩu xuống.

Ngày 31/1/2020 triển khai cao điểm phòng chống Covid-19, đến ngày 5/2/2020 lán tạm dược dựng ở Nà Va, anh Vinh gắn với chốt chống dịch đầu tiên trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Lạng Sơn từ đó. Một năm qua, tiếng vợ, tiếng con đã trở nên hiếm hoi với anh.

Có thể bắt gặp hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện như Trung tá Vinh trong lực lượng biên phòng, thậm chí còn éo le hơn khi các cán bộ chiến sỹ vì làm nhiệm vụ mà phải gác lại nhiều chuyện lớn của gia đình.

Đại úy Đỗ Quang Trung, Phó Chính trị viên của Đồng biên phòng Ba Sơn nói, vợ con ở nhà nhiều khi không gọi được cho chồng khóc cả đêm là chuyện bình thường. "Năm nay, nhiều khi tiền tuyến lại phải động viên lại hậu phương anh ạ", một năm chống dịch của Trung gói gọn lại là như vậy. Có câu chuyện đùa ở đồn Ba Sơn, là một chiến sĩ về thăm nhà, trên đường vừa uống nước vừa nhai… ba kích, vì sợ khoảng thời gian hiếm hoi gần vợ bỗng “vô vị”.

Không nhớ vợ, nhớ con, nhưng Nguyễn Nhật Huy, học viên năm 2 Học viện Biên phòng chỉ biết nhận nhiệm vụ tăng cường chống dịch, không xác định ngày về. "Khả năng cao là năm nay ăn Tết ở chốt anh ạ", chàng trai sinh năm 2001 quê Quảng Bình, tươi cười nói.

Các chiến sỹ Đồn biên phòng Chi Lăng trên đường tuần tra biên giới, họ phải vượt qua không ít những con dốc dựng đứng theo kiểu 'co chân chạm ngực' để không cho một ai có thể nhập cảnh trái phép. Ở Đồn biên phòng Chi Lăng, nhờ người dân hiến đất, một chốt lắp đặt của Bộ Quốc phòng vừa được dựng lên, hỗ trợ cho các chiến sỹ trong điều kiện chống dịch còn kéo dài. Ở chốt này, ngoài lượng điện máy nổ ít ỏi, đèn sáng vẫn phải sử dụng tiết kiệm từ pin năng lượng mặt trời.

Các chiến sỹ Đồn biên phòng Chi Lăng trên đường tuần tra biên giới, họ phải vượt qua không ít những con dốc dựng đứng theo kiểu "co chân chạm ngực" để không cho một ai có thể nhập cảnh trái phép. Ở Đồn biên phòng Chi Lăng, nhờ người dân hiến đất, một chốt lắp đặt của Bộ Quốc phòng vừa được dựng lên, hỗ trợ cho các chiến sỹ trong điều kiện chống dịch còn kéo dài. Ở chốt này, ngoài lượng điện máy nổ ít ỏi, đèn sáng vẫn phải sử dụng tiết kiệm từ pin năng lượng mặt trời.

Ngoài phòng chống Covid-19, lực lượng biên phòng còn phải hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới, nên việc được tăng cường các học viên trẻ như Huy là rất quý. Có thêm người, các cán bộ chiến sỹ sẽ yên tâm hơn trong quá trình tuần tra, hạn chế dàn mỏng lực lượng.

Là điểm kiểm soát ra đời đầu tiên, vào đợt cao điểm có những ngày Chốt Nà Va bắt giữ được tới 40 trường hợp nhập cảnh trái phép, dù lực lượng biên phòng chỉ có 2-3 người.

"Vất vả nhất là những ngày nhận được tin báo có người nhập cảnh trái phép nhưng không biết cụ thể thời gian, địa điểm, anh em phải chia nhau đi tìm trên rừng", Trung tá Vinh nói. Trong những tình huống đó, mất cả ngày dò tìm trong rừng là chuyện bình thường vì các đối tượng luôn có tâm lý lẩn trốn do sợ bị xử phạt.

Kiểm soát, bắt giữ đã khó nhưng lo cho các đối tượng này còn phức tạp hơn. Đại úy Trung kể, khi bắt được các trường hợp nhập cảnh trái phép đưa về khu cách ly tạm thời của Đồn, anh em lại phải trích quỹ vốn đơn vị mua cho họ mì tôm, bánh kẹo, nước uống để họ ăn chống đói.

"Mới đầu anh em còn mua nước lọc đóng chai cho họ uống, nhưng sau về đông quá nên anh em phải đun nước sôi để nguội cho họ uống (đến nay đơn vị đã thu dung hơn 1000 người)", Phó Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Sơn tâm sự.

Trải qua những điều đó, các chiến sỹ biên phòng Ba Sơn nói sẵn sàng gác lại việc riêng, chẳng mơ được nghỉ phép dài. Điều họ mong muốn nhất bây giờ là nhận thêm được sự quan tâm, để có thêm mỳ tôm cho đồng bào nhịn đói về nước hay có thêm những lán bán kiên cố như Nà Va vì họ biết, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ còn lâu dài.

Bảo Thắng - Văn Việt
Trọng Toàn
Tùng Đinh