Điểm sáng ngành Nông nghiệp: Thoát tư duy 'mùa vụ', 'thương vụ'

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu thay đổi một suy nghĩ sẽ thay đổi một cuộc đời, thay đổi một tiếp cận chúng ta sẽ thấy thay đổi một giá trị.

Năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục vượt qua những khó khăn của thị trường, điều này cho thấy hiệu quả của việc thay đổi tư duy trong toàn ngành, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, bỏ tư duy “buôn chuyến” sang tư duy đường dài.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Thay đổi một suy nghĩ, thay đổi một cuộc đời, thay đổi một tiếp cận chúng ta sẽ thấy thay đổi một giá trị”.

Năm 2022, vượt qua những biến động của thị trường thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn về đích ngoạn mục. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả này?

Tổng kết lại năm 2022, dù rất nhiều khó khăn dịch bệnh, đứt gãy cung cầu, chi phí logistics, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, tuy nhiên kết quả mặc dù chưa đạt như kỳ vọng của ngành nông nghiệp, doanh nghiệp cũng như người nông dân, nhưng cũng là thành quả rất đáng tự hào.

Tự hào không phải nằm ở con số của ngành này ngành kia, những con số đó chỉ thể hiện những gì chúng ta nhìn thấy được. Nhưng có những niềm tự hào mà chúng ta không nhìn thấy được, là sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong một bối cảnh dịch bệnh biến động phức tạp.

Hay nói cách khác là nó làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp, không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế mà còn đảm bảo các vấn đề xã hội. Điều này không thể hiện ra những con số.

Ví dụ như đảm bảo an ninh lương thực. Hiện nay rất nhiều quốc gia đang khủng hoảng an ninh lương thực, rất nhiều quốc gia đang khủng hoảng về sản xuất nông nghiệp, thậm chí có những chuỗi ngành hàng của một số quốc gia bị đứt gãy, nhưng ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn đứng vững, vừa đóng góp cho sự tăng trưởng nói chung, vừa đóng góp cho an sinh xã hội và vấn đề bao trùm là chúng ta chưa bao giờ bị khủng hoảng về lương thực, thực phẩm trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tìm đến chúng ta trong nửa cuối năm 2022 để tìm kiếm sự hợp tác để đảm bảo an ninh lương thực.

Điều này để nói rằng sứ mạng của ngành nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng, vấn đề bao trùm cho hàng chục triệu nông dân ở nông thôn, hàng chục triệu lao động ở khu vực nông nghiệp, khu vực dịch vụ.

Vai trò của nông nghiệp nằm trong một cấu trúc chung về kinh tế lẫn xã hội. Nhiều khi nếu chúng ta chỉ tiếp cận qua những con số tăng trưởng thì chúng ta không thấy được tác động của ngành với xã hội.

Thứ hai là chúng ta có thể thấy tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội, vào người nông dân, vào doanh nghiệp. Nhiều diễn đàn đã tổ chức đi theo hướng đó.

Chúng ta thấy rằng không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa, mà bắt đầu đã có rất nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của của các hiệp hội, ngành hàng, bắt đầu tư duy làm sao tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.

Càng ngày càng thấy rõ vấn đề định vị rõ thị trường có vai trò quan trọng hơn sản xuất, bởi sản xuất mà không có thị trường thì sản xuất sẽ bị tắc nghẽn. Do đó, vai trò kiến tạo của nền nông nghiệp và kiến tạo không gian thị trường rất quan trọng và thể hiện rất rõ trong năm 2022.

Chúng ta đã mở cửa rất nhiều thị trường, mở cửa cho rất nhiều loại nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn là chúng ta chứng minh được một điều là nông sản của chúng ta về mặt chất lượng có thể đảm bảo đến các thị trường khó tính nhất.

Đó là những tín hiệu cho thấy, bắt đầu từ Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội, nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp hay tư duy phát triển nông nghiệp sang một tư duy mới, mô hình mới thích hợp tăng trưởng tương đương giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị.

Những mô hình nông nghiệp mới như lúa - tôm, lúa - rươi, mô hình du lịch nông nghiệp tạo ra những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… tạo ra một sinh khí mới thay vì chúng ta chỉ đi theo một con đường sản lượng như trước kia.

Do đó, tôi đánh giá rất cao vai trò của hàng chục triệu hộ nông dân chúng ta, mặc dù rất khó khăn khi nguyên vật liệu đầu vào, giá cả đầu ra không như mong muốn nhưng có nhiều mô hình của bà con nông dân ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Đồng bằng Bắc bộ, miền núi phía Bắc đã tìm những mô hình có thể có giá trị như một gợi ý cho Bộ NN-PTNT và chúng ta không chỉ lo cho một nông nghiệp mà chúng ta hay gọi là quy mô hàng hóa lớn, mà chúng ta chăm lo cho những nông nghiệp quy mô nhỏ nhưng mang lại giá trị tri thức bản địa lớn.

Đó là giá trị của sự liên kết giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, giữa Nhà nước và doanh nghiệp nông nghiệp với bà con nông dân, hợp tác xã, đó là những giá trị bao trùm trong năm 2022.

Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để  tạo ra được lợi nhuận cao hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ hay nói cách khác là tư duy thị trường - sản xuất làm ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, từ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần đã được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm.

Những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường châu Âu hay thị trường Nhật là minh chứng rằng chúng ta đã hướng vào vấn đề chất lượng, hướng về yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau. Thị trường châu Âu khác, thị trường Nhật Bản khác, thị trường Hoa Kỳ khác…

Điều này dẫn dắt lại người trồng lúa đảm bảo được tiêu chuẩn ngay từ khi chọn giống, ngay từ khi ứng dụng các quy trình canh tác, chuẩn hóa từng chất lượng nông sản, trong đó có hạt gạo cho từng thị trường.

Hay nói cách khác là doanh nghiệp đã dần từ bỏ tư duy “buôn chuyến” thương vụ mà định hình thị trường lâu dài. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể liên kết với người nông dân một cách ổn định, lâu dài và tư duy đường dài của doanh nghiệp sẽ đưa đến tư duy đường dài cho người nông dân.

Hiện nay, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, hình thành những vùng nguyên liệu ổn định lâu dài, bền vững đã dần hình thành một cách tự nhiên. Tôi nghĩ đó là những cái được của ngành nông nghiệp, thoát đi “lời nguyền” nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ. Bây giờ không có khái  niệm “mùa vụ” hay “thương vụ”, không nghĩ ngắn mà phải nghĩ dài, không nghĩ cho 1 bên mà phải nghĩ cho cả 2 bên, tức là cho cả doanh nghiệp và người nông dân.

Vậy theo Bộ trưởng, đâu là nền tảng quan trọng để ngành nông nghiệp tiếp tục gặt hái được những thành tựu trong bối cảnh thị trường thế giới có rất nhiều khó khăn và biến động?

Khó khăn và thách thức luôn bám theo nền nông nghiệp, khi đây là ngành rất nhạy cảm, bởi khi đã xuống giống rồi thì 3 tháng sau đối với hạt gạo, 6 tháng đối với cây trồng, cả năm đối với vật nuôi, khi đã xuống giống rồi thì đến mùa thu hoạch giá lên hay xuống cũng phải lệ thuộc, khi “được mùa rớt giá”.

Để thoát khỏi “lời nguyền” này chỉ có cách chúng ta phải tổ chức lại sản xuất. Đó là mệnh lệnh. Để vượt qua lời nguyền thì phải vượt qua tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và phải kết nối thành chuỗi - trong chuỗi này có sự hợp tác của những người hợp tác với nhau, trong chuỗi đó có sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp, hình thành tư duy hợp tác và tư duy liên kết.

Nông dân là người bắt đầu quy trình sản xuất và là người bắt đầu chuỗi này. Nếu chúng ta không hình thành được chuỗi tổ chức ngành hàng sẽ không có thông tin; và không thể chuyển tải thông tin về thị trường, mùa vụ, sản lượng, quy chuẩn thị trường đến người sản xuất thì người sản xuất chỉ sản xuất theo thói quen hàng ngày, theo kiểu “đánh cược” vì không có thông tin.

3 tháng nữa thị trường lúa gạo sẽ như thế nào? Làm sao để thông tin đến từng hộ. Tôi hay nói với các chính quyền địa phương, không có cách nào khác người nông dân phải hợp lại với nhau, trong không gian gì đó, như Hội quán nông dân ở Đồng Tháp, Nông hội ở Gia Lai, Cà phê khuyến nông của An Giang, Ngôi nhà Trí tuệ của Hà Tĩnh…

Trong không gian này, người dân được các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, chia sẻ thông tin. Từ đó dần hình thành các tổ chức kinh tế hợp tác. Không còn con đường nào khác, không nhìn kết quả ở con số tăng trưởng mà phải nhìn lại cách chúng ta tổ chức, vận hành một ngành hàng.

Khi chúng ta mở rộng không gian kinh tế hợp tác, một ngành hàng sầu riêng, xoài, lúa gạo… có quy mô lớn hơn để chủ động được trong chế biến, bảo quản, tạo ra nhiều sản phẩm. Khi thị trường bị đứt  gãy, Nhà nước sẽ hỗ trợ qua một không gian chung chứ không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ cho từng hộ.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang làm chương trình cho từng vùng nguyên liệu lớn cùng với các doanh nghiệp để xây dựng các nhà kho bảo quản, vì chúng ta không thể chắc chắn mỗi loại nông sản khi sản xuất ra đều sẽ có thị trường, sẽ tiêu thụ được ngay.

Cụ thể, Bộ NN-PTNT đã xây dựng được 6 vùng nguyên liệu: ĐBSCL cho lúa gạo, Tây Nguyên về cà phê, cây ăn quả khác… Các vùng nguyên liệu này vừa mang tính chất đối phó với thị trường, vừa để chế biến sâu nông sản để phát triển lâu dài thay cho chỉ xuất khẩu nông sản thô.

Vì vậy, vừa phải mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước, trong đó ở thị trường ngoài nước cần đàm phán mở ra không gian thị trường, để cầu tăng kéo theo cung tăng và ngược lại.

Vai trò của Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao là phải kiến tạo ra thị trường, đồng thời hỗ trợ nông dân thông qua các tổ chức nông dân là hợp tác xã, để không chỉ giải quyết vấn đề thị trường mà còn nâng cao chuỗi giá trị nông sản, chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm hơn. Lúc đó giá trị thặng dư, giá trị gia tăng mới tăng cao hơn khi chúng ta bán nông sản thô. Nông dân cũng sẽ đỡ sức ép mùa vụ, đỡ sức ép thị trường.

Tôi muốn nói rằng, những kết quả đạt được trong năm 2022 là những tín hiệu vui mặc dù ở những tháng cuối năm đã nảy sinh những khó khăn. Chúng ta phải tư duy, xác định rằng ngành nông nghiệp sẽ luôn gặp các vấn đề khó khăn, thách thức.

Các chuyên gia quốc tế cũng đã dự báo năm 2023 có thể còn khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên, những khó khăn này không lớn bằng các các quy chuẩn thị trường ngày càng khắt khe hơn.

Tôi muốn nói rằng đó là sức ép phải thay đổi. Nhưng trước sức ép thay đổi đó, nếu chủ động thay đổi sẽ đỡ rủi ro hơn và biết đâu lại là cơ hội để xây dựng hình ảnh một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói, người ta bắt mình thay đổi và những thay đổi này không phải cho người ta, mà cho chính bản thân chúng ta.

Cộng đồng doanh nghiệp đang dấn thân vào một hành trình thay đổi, vì Thủ tướng và các lãnh đạo Việt Nam đã cam kết tại COP26 đến năm 2050 Việt Nam có nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu.

Những thông điệp này phải được chuyển hóa bằng những hành động cụ thể. Mọi quyết tâm chính trị phải được chuyển hóa, thể hiện bằng trách nhiệm của người sản xuất, của nông dân, ngư dân và doanh nghiệp. Tôi tin tưởng Việt Nam có thể chuyển đổi, bởi vì đơn giản bởi từ trước đến nay chúng ta chỉ xuất khẩu thô. Vấn đề là doanh nghiệp phải dấn thân hơn nữa.

Trước những xu thế chung của kinh tế thế giới, Bộ trưởng đánh giá thế nào về tư duy “less is more” (ít nhưng là nhiều) trong ngành nông nghiệp?

Hiện nay, xu thế của thế giới trong nền kinh tế chứ không riêng trong lĩnh vực nông nghiệp là “less in more” - ít hơn nhưng được nhiều hơn và "more from less" tức là “được nhiều hơn từ cái ít hơn”, thông qua công nghệ có thể giải quyết được việc này.

Ví dụ, có thể tuần hoàn tất cả phế phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp cộng vào sẽ bớt đi chi phí mua phân, thuốc bảo vệ thực vật. Tôi đã nói rằng, nếu cơ quan truyền thông giúp lan tỏa các mô hình này thay bằng việc đi phỏng vấn nước mắt nông dân rớt xuống khi giá vật tư phân bón tăng cao quá, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh quá.

Chỉ có 2 cách, hoặc là ôm nhau khóc than mà vượt qua được thì cứ việc làm thế, còn nếu không thì phải làm gì để vượt qua, bởi giá vật tư phân bón đang là vấn đề của toàn cầu.

Minh chứng thực tiễn là bà con Tây Nguyên từng nói rằng, thuốc đắt quá thì dùng phế phẩm nông nghiệp ủ, trở lại nông nghiệp ngày xưa nhà nào cũng có hố ủ hoai phân gia súc, nay có nghiên cứu khoa học có thể dùng các chế phẩm sinh học để đẩy nhanh thời gian ủ hoai phân bón.

Đây không phải là chuyện nhỏ, vì từ mô hình nhỏ mà lan tỏa ra hàng triệu nông dân sẽ là vấn đề lớn. Chi phí giảm xuống, năng suất có thể giảm hơn nhưng giá cao hơn. Điều này cho thấy thoát tư duy về sản lượng, hướng về tư duy chất lượng, hướng về nông nghiệp tuần hoàn. Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái chính là “less in more, more from less” từ những mô hình đơn giản.

Chúng tôi đã giao cho Trung tâm Khuyến nông tổng hợp, đưa lên sàn để bà con nông dân ai cũng biết cách làm này, các thị trường nghiên cứu vấn đề này để thành quy chuẩn chung cho cấp độ nông hộ, cho cấp độ hợp tác xã.

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng đã tham gia ký kết Nghị định thư về xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. Sau đó, các nghị định thư về xuất khẩu tổ yến, khoai lang cũng đã được Bộ NN-PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết. Bộ trưởng nhận định như thế nào về tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc?

Về thị trường Trung Quốc, bà con nông dân đã biết, trước đây chỉ cách nhau con sông, hàng qua thuyền đẩy sang bên kia là thu tiền về, trước đây là thị trường dễ tính, phẩm cấp hàng hóa nào cũng có người tiêu dùng.

Đã có giai đoạn chúng ta lệch lạc đi theo chiều hướng đó, tạo thói quen sản xuất hàng hóa cho một thị trường dễ tính. Nhưng nay thị trường Trung Quốc đã rất “khó tính”.

Họ khó tính vì thành phần trung lưu của Trung Quốc đã rất lớn, với 500 triệu người, tức là nhu cầu về hàng hóa chất lượng cao rất lớn, yêu cầu chất lượng hàng hóa họ áp dụng với tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam.

Hàng rào kỹ thuật họ tạo nên là để bảo vệ sức khỏe người dân của họ và đây chính là cơ hội để chúng ta thay đổi, tìm kiếm thị trường ở phẩm cấp cao hơn.

Có thể ban đầu có khó khăn, nhưng về lâu dài sẽ tốt hơn, xuất khẩu chuyển sang chính ngạch có sự hỗ trợ của Nhà nước hai bên, của các cơ quan 2 nước để chúng ta thoát khỏi xuất khẩu tiểu ngạch quá nhiều rủi ro, nhiều khi chi phí chính thức thấp nhưng chi phí phi chính thức ở các cửa khẩu cũng là 1 vấn đề đối với các chuyến hàng mà tôi từng nghe bà con phản ánh như vậy.

Bước sang năm 2023, Bộ trưởng có gửi gắm thông điệp gì tới các doanh nghiệp, những người sản xuất nông nghiệp để đạt được mục tiêu, kế hoạch, xây dựng nền nông nghiệp hài hòa, bền vững, đa giá trị như tinh thần Nghị quyết 19?

Tôi cũng trăn trở khi thực hiện các mục tiêu Nghị quyết về 6 vùng. Mỗi vùng có một thế mạnh riêng, vậy phải đi theo hướng nào? Ngoài nghị quyết chung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì sinh thái vùng ĐBSCL là quy mô hàng hóa; vùng trung du và miền núi phía Bắc là vùng có thể từ những cái quy mô nhỏ nhưng biết kết hợp bản sắc của đồng bào các dân tộc thì chúng ta có thể tạo ra được những đặc sản của địa phương ở từng tỉnh, từng huyện, xã…

Tây Nguyên với các câu chuyện về cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày như hồ tiêu, hạt điều, cây gia vị…; vùng Đồng bằng Bắc bộ là hệ sinh thái gần các viện, trường của bộ, quy mô không quá lớn như ĐBSCL nhưng cũng không quá nhỏ như vùng trung du phía Bắc, mà vừa đủ để kích hoạt nông nghiệp công nghệ cao ở đây.

Hơn nữa, vùng này gần với các viện, trường của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp cũng ở trên địa bàn này sẽ thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ở vùng này.

Tóm lại, muốn biến những cái chung thành cái riêng thì hiện nay Bộ NN-PTNT đang có chương trình bắt đầu sẽ làm chương trình hành động cho từng vùng nhưng cần có chiến lược, đề án quy hoạch nằm ở tầng cao nhưng không chuyển xuống tầng thấp để thực hiện thì sẽ thất bại, mà cần sự liên kết của các địa phương trong vùng sinh thái và chuyển hóa hết những chiến lược chung của từng vùng, Bộ NN-PTNT cùng với các bộ khác sẽ hỗ trợ cho ngành nông nghiệp thì sẽ chuyển hóa đến từng địa phương một.

Lần đầu tiên chúng ta đã làm được với một số vùng, nhưng cần đi vào cụ thể. Ví dụ như vùng ĐBSCL cần bao nhiêu trung tâm để làm dịch vụ kỹ thuật cho cả vùng này, bao gồm cả hậu cần logistics?

Ở Cần Thơ, ở Tiền Giang hay Hậu Giang, cần xây dựng liên kết cho ngành nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu khoa học, có bảo quản, chế biến, logistics… Rồi Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng… cần phải cụ thể hóa, việc nào của Trung ương, của Chính phủ, của Bộ; việc nào của địa phương?

Bộ NN-PTNT sẽ làm vai trò kết nối các cơ quan nghiên cứu, xem xét nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cho từng vùng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tùng Đinh
Trọng Toàn
Tùng Đinh - T.L