Điểm sáng thu hút đầu tư ngành chăn nuôi

 

 

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm gần các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM và Bình Dương, cũng như các cửa khẩu biên giới với Campuchia. Điều này giúp việc vận chuyển sản phẩm chăn nuôi đến các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước trở nên dễ dàng và tiết kiệm chi phí logistics. Ngoài ra, điều kiện khí hậu ôn hòa, ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn và ổn định.

Bên cạnh đó, với lợi thế là một trong những vùng nông nghiệp phát triển mạnh, Tây Ninh có sẵn nguồn thức ăn chăn nuôi phong phú từ các phụ phẩm nông nghiệp như bã mía, cám khoai mì, cỏ tự nhiên và ngô. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

Xác định chăn nuôi là lợi thế hàng đầu trong việc thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp, Tây Ninh đang triển khai nhiều chiến lược chuyển tiềm năng thành động lực hút đầu tư để thu hút dòng vốn "khủng". Theo đó, địa phương đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là trong các dự án chăn nuôi công nghệ cao và quy mô lớn. Các hỗ trợ bao gồm ưu đãi về đất đai, thuế và thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dễ dàng triển khai các dự án.

 

 

 

Bên cạnh đó, Tây Ninh đang tập trung mạnh mẽ vào việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đạt chuẩn quốc tế, nhằm phát triển ngành chăn nuôi bền vững, tăng sức cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh không chỉ giúp bảo vệ đàn vật nuôi mà còn đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt từ các thị trường quốc tế.

Theo đó, Tây Ninh đã quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung và đảm bảo được giám sát chặt chẽ để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh. Các khu vực này được thiết kế để quản lý dịch bệnh dễ dàng hơn, với khoảng cách hợp lý giữa các trang trại và hệ thống cách ly, đảm bảo rằng nếu dịch bệnh xảy ra sẽ được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời.

 

 

Ngoài ra, các trang trại chăn nuôi tại Tây Ninh được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học như quản lý vệ sinh chuồng trại, kiểm soát nguồn giống, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho vật nuôi. Các biện pháp này giúp giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm và dịch tả heo Châu Phi.

Song song đó, Tây Ninh cũng đã triển khai các chương trình tiêm phòng dịch bệnh diện rộng nhằm bảo vệ đàn vật nuôi khỏi các dịch bệnh nguy hiểm. Chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan thú y tổ chức tiêm phòng định kỳ, kiểm tra sức khỏe và cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho các trang trại đạt chuẩn. Điều này không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe vật nuôi mà còn tạo điều kiện để sản phẩm chăn nuôi từ Tây Ninh được xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, tính đến hết tháng 8 năm 2024, tổng đàn gia cầm của tỉnh Tây Ninh khoảng 10 triệu con, tổng đàn heo gần 400 ngàn con. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Toàn tỉnh có 2 huyện Dương Minh Châu và Tân Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 71 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

“Vùng an toàn dịch bệnh là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ động vật an tâm sản xuất, kinh doanh. Với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, Tây Ninh không chỉ bảo vệ ngành chăn nuôi của mình khỏi các rủi ro dịch bệnh, đây là bước đi quan trọng để Tây Ninh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

 

 

 

 

Với những quyết sách đúng đắn và chiến lược phát triển phù hợp, Tây Ninh đang ghi nhận sự phát triển vượt bậc trong ngành chăn nuôi. Sự phát triển này không chỉ giúp Tây Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp của khu vực Đông Nam Bộ mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho nền kinh tế.

Minh chứng là trong những năm gần đây, Tây Ninh đang chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành chăn nuôi, với hàng loạt dự án quy mô lớn lên tới hàng ngàn tỷ đồng được triển khai. Theo đó, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn đã chọn Tây Ninh là địa điểm lý tưởng để phát triển các dự án chăn nuôi công nghệ cao với vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Tháng 12/2023, Tập đoàn Vinafeed đã khánh thành trang trại nuôi heo Vina Farm - Tây Ninh 1 tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu. Vina Farm - Tây Ninh 1 có diện tích hơn 32 hecta và tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Trang trại này áp dụng quy trình quản lý khép kín thông minh với công nghệ tự động hóa tiên tiến trong các khâu như cho ăn, tắm mát, vệ sinh chuồng trại, khám sức khỏe và thu hoạch.

 

 

Việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp trang trại thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn phục vụ người tiêu dùng. Dự án được kỳ vọng trở thành một trong những trang trại tư nhân lớn nhất, hiện đại nhất không chỉ tại Tây Ninh mà còn trong khu vực Đông Nam Bộ.

Ông Phạm Đức Ngữ, Phó Tổng Giám đốc Vinafeed, cho biết việc đầu tư kỹ lưỡng từ những khâu nhỏ nhất là nhằm cung cấp các sản phẩm chăn nuôi sạch, an toàn cho cộng đồng. Ông nhấn mạnh: "Với đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm và mô hình chăn nuôi đạt chuẩn quốc tế, Vina Farm cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường. Hệ thống xử lý chất thải và nước sạch của trang trại đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn châu Âu, tạo ra các sản phẩm phù hợp cho thị trường Việt Nam."

Vina Farm - Tây Ninh 1 đón đầu xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam và quốc tế, đồng thời góp phần vào các mục tiêu môi trường của chính phủ. Trang trại đạt chuẩn về chăn nuôi xanh và sạch, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến. Đàn heo giống được lựa chọn cẩn thận, quá trình vận chuyển và theo dõi sức khỏe được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn châu Âu.

Ngày 12/3/2024, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) đã chính thức đưa vào vận hành cụm trang trại xanh hiện đại nuôi heo công nghệ cao Hải Đăng tại Tây Ninh. Đây là cụm siêu trang trại lớn nhất của BAF từ trước đến nay với quy mô 5.000 nái và 60.000 heo thịt. Cùng ngày, BAF cũng khánh thành trang trại xanh nuôi heo công nghệ cao Tân Châu với quy mô 30.000 heo thịt.

Không chỉ dừng lại ở trại Hải Đăng, BAF tiếp tục đưa vào vận hành trang trại Tâm Hưng và khởi công xây dựng trang trại nuôi heo Tây An Khánh, với công suất lên đến 60.000 heo thịt. Để đáp ứng nhu cầu thức ăn cho hệ thống trang trại ngày càng mở rộng, BAF cũng tiến hành nâng cấp nhà máy cám tại Tây Ninh, tăng công suất thêm gần 70%.

Ông Đặng Khánh Thiện, Tổng trưởng trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao BAF Tân Châu cho biết, để bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, trang trại đã áp dụng quy cách “vành đai cách ly” khắt khe, thực hiện khử trùng và cách ly từ 24h - 48h đối với công nhân trước khi vào trại, nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh.

“Công ty cũng có những chương trình về phòng chống an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh rất nghiêm ngặt, quy chuẩn chăn nuôi để làm sao đó giảm thiểu dịch bệnh và đạt năng suất một cách tốt nhất. Ngoài ra, trang trại còn áp dụng công nghệ cho ăn qua hệ thống tự động, hệ thống kiểm soát nhiệt giúp chuồng nuôi giữ ổn định 25 - 26 độ C, nhằm đảm bảo môi trường phát triển cho vật nuôi, đồng thời thực hiện tiêm vắc xin định kỳ cho từng thời kỳ phát triển của heo”, ông Đặng Khánh Thiện nhấn mạnh.

Theo BAF, việc đầu tư vào các trang trại quy mô lớn ở Tây Ninh mang lại nhiều lợi thế vượt trội như giảm chi phí logistics, giảm hao hụt trong quá trình vận chuyển và hạn chế tối đa dịch bệnh, từ đó đảm bảo sức khỏe vật nuôi. Các trang trại quy mô lớn cũng giúp nâng cao hiệu quả quản lý, thuận tiện cho việc đánh giá năng suất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

 

Ông Nguyễn Hoàng Ân, Trạm trưởng Trạm Thú y Tân Châu cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn huyện Công ty BaF có đầu tư 7 trang trại đang đi vào hoạt động, trong đó có 4 trang trại nái sinh sản. Nhìn chung, qua giám sát, công ty đáp ứng đầy đủ các biện pháp an toàn dịch bệnh như tiêu độc, sát trùng trang trại.

“Việc áp dụng “vành đai cách ly” cùng công nghệ hiện đại giúp Trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao Tân Châu bảo vệ sức khỏe vật nuôi, hạn chế dịch bệnh một cách tối ưu nhất, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu, cũng như góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường một cách bền vững”, ông Ân nói.

Trong 5 năm qua, Tây Ninh đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc thu hút vốn đầu tư, cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các dự án chăn nuôi. Theo đó, năm 2021, với chính sách thu hút đầu tư được cải thiện và tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, tỉnh đã thu hút được 1,5 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao.

Năm 2022, tổng vốn đầu tư đạt 1,7 tỷ USD, tăng trưởng 13,3% so với năm trước. Đáng chú ý, các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch và dịch vụ bắt đầu chiếm tỷ trọng lớn hơn.

Năm 2023, Tây Ninh đã thu hút hơn 2 tỷ USD, đánh dấu cột mốc mới trong hành trình phát triển kinh tế. Các dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp và hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai, tạo động lực cho tăng trưởng dài hạn.

 

 

Một trong những điểm nhấn của các dự án chăn nuôi với vốn đầu tư ngàn tỷ đồng đổ bộ vào Tây Ninh là hầu hết các dự án đều sử dụng các công nghệ tiên tiến từ các nước như Hà Lan, Đức, và Nhật Bản để quản lý và vận hành.

Những cái tên lớn như Tập đoàn De Heus, CP Group, Dabaco, Masan, QL… đã xây dựng các trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại tỉnh này, không chỉ tập trung vào chăn nuôi mà còn phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm từ chăn nuôi. Điều này cũng tạo cơ hội để các sản phẩm chăn nuôi của Tây Ninh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường quốc tế khó tính như châu Âu và Mỹ.

Công ty TNHH QL Vietnam là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực chăn nuôi và xuất khẩu tại tỉnh Tây Ninh. Công ty có 100% vốn đầu tư từ tập đoàn QL Resources Malaysia. Hiện công ty có 2 trang trại chăn nuôi gà đẻ thương phẩm với quy mô 1 triệu gà đẻ/trại ở huyện Tân Biên với sản lượng trứng đạt trên 600 triệu trứng/năm.

Công ty đang xuất khẩu chính ngạch trứng gà tươi sang một số thị trường ngoài nước, chiếm 3-5% tổng sản lượng. Trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, công ty xuất khẩu sang thị trường Hong Kong và Maldives được trên 35 triệu quả trứng, chiếm khoảng 4% tổng sản lượng trứng công ty sản xuất.

 

 

Đại diện Công ty QL cho biết đang có kế hoạch xây dựng thêm trại gà đẻ thứ 3 với cùng quy mô 1 triệu trứng/ngày. Dự kiến giai đoạn năm 2026-2030, tổng sản lượng trứng của công ty có thể đạt 750-900 triệu trứng/năm.

Đặc biệt, công ty muốn mở rộng thị trường xuất khẩu vào thị trường Halal và các nước khác như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Công ty QL đang rất cần sự tham gia của Bộ NN-PTNT và Cục Thú y trong việc đàm phán với các nước nhập khẩu khó tính cho phép nhập khẩu trứng tươi từ Việt Nam.

Tập đoàn De Heus cũng là một trong những tên tuổi lớn đang hợp tác với tỉnh Tây Ninh xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà đạt chuẩn quốc tế. De Heus cũng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng các tiêu chuẩn, các giải pháp xuất khẩu thịt gà, các sản phẩm chế biến từ thịt gà, trứng gia cầm sang các nước Hồi giáo (thị trường Halal) và các thị trường tiềm năng khác.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn De Heus cho biết, một số quốc gia Hồi giáo có nhu cầu nhập khẩu gà nguyên con. Đây là cơ hội tốt để sản phẩm thịt gà của Việt Nam có thể thâm nhập, và từng bước khẳng định thương hiệu.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, cho biết thêm, theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), khi xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến động vật bắt buộc phải tuân thủ quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh. Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng muốn hướng tới xuất khẩu một cách an toàn thì buộc phải tuân thủ các quy định này.

Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu dài hạn. Giai đoạn 2024-2025, Tây Ninh sẽ phấn đấu có 3 vùng cấp huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định Việt Nam, 1 vùng cấp huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới với bệnh cúm gia cầm…

Ông Nguyễn Đình Xuân khẳng định, làn sóng đầu tư hàng ngàn tỷ vào ngành chăn nuôi tại Tây Ninh đang tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Những dự án quy mô lớn này không chỉ giúp tăng cường sản lượng và chất lượng sản phẩm chăn nuôi mà còn đóng góp lớn vào kinh tế địa phương, tạo việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng. Tây Ninh đang từng bước khẳng định vị thế của mình là trung tâm chăn nuôi công nghệ cao và phát triển bền vững trong khu vực.

Trần Trung
Trương Khánh Thiện
Trần Trung
Trần Phi