Định hình tư duy làm nông nghiệp mới cho ĐBSCL

Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL giai đoạn 2023 – 2030 do Bộ NN-PTNT chủ trì được kỳ vọng sẽ tạo ra bức tranh mới cho sản xuất lúa vùng ĐBSCL.

Theo đó, việc hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, ổn định, lâu dài cho ngành hàng lúa gạo, tạo sinh kế bền vững và gia tăng thu nhập cho người trồng lúa. Đặc biệt giúp sản xuất lúa vùng ĐBSCL đi theo hướng hiện đại, giảm phát thải, thích ứng cao với biến đổi khí hậu.

 

 

Những năm gần đây, ĐBSCL có diện tích gieo trồng lúa luôn chiếm trên 54% diện tích của cả nước. Riêng năm 2021 diện tích gieo trồng gần 3,89 triệu ha, trong đó diện tích lúa vụ đông xuân cho năng suất và chất lượng cao nhất. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay diện tích này đã giảm khoảng 100.000 ha, nhiều nhất là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Long An và Đồng Tháp.

Mặc dù diện tích gieo trồng lúa giảm nhưng sản lượng lúa vẫn đảm bảo ổn định ở mức khoảng 24 triệu tấn. Xét về năng suất lúa bình quân của khu vực ĐBSCL kể từ năm 2010 đến nay cũng luôn ở mức cao hơn bình quân cả nước khoảng 0,1 – 0,2 tấn/ha và tăng từ 5,47 tấn/ha năm 2010 lên 6,24 tấn/ha vào năm 2021.

Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đánh giá, năng suất lúa gia tăng rất ấn tượng nhờ những kết quả của các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống lúa, quản lý hiệu quả sâu bệnh hại và sự phát triển của hệ thống thủy lợi. Việc giảm diện tích gieo trồng lúa là hướng đi đúng nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo, bởi phần lớn diện tích giảm là nơi sản xuất lúa hiệu quả thấp. Vùng chuyên canh lúa ở ĐBSCL vẫn được duy trì ở mức 1,5 triệu ha.

Theo quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021 – 2030 tiềm năng đất chuyên trồng lúa của vùng ĐBSCL có thể xem xét, xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ổn định trên 1,5 triệu ha, chiếm 51,3% diện tích đất chuyên trồng lúa của cả nước và chiếm 91,3% diện tích đất trồng lúa của vùng ĐBSCL.

Thực hiện chủ trương phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhìn lại sản xuất lúa gạo trong vùng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức khi thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn còn thấp, mức độ an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu chưa cao. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mục đích sử dụng đất khác cho hiệu quả cao hơn lại thiếu sự tập trung. Đặc biệt là vấn đề lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá thành, giảm chất lượng sản phẩm và tăng phát thải khí nhà kính.

 

 

 

Quan điểm phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL được xem là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, cũng các chiến lược, quy hoạch của vùng và các tỉnh trong vùng.

Xuất phát từ quan điểm đó, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (gọi tắt là Đề án Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao) được Bộ NN-PTNT đề xuất nhận được sự kỳ vọng rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và nông dân trồng lúa trong vùng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, nền kinh tế xanh, tuần hoàn, phát thải thấp hiện nay đang là chiến lược phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới, hướng đến sự bền vững về môi trường, kinh tế, xã hội. Xu hướng phát triển mới này sẽ tạo ra một cách tiếp cận mới, đó là sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh không chỉ tạo ra giá trị về thu nhập cho bà con nông dân thông qua việc bán tín chỉ các bon, quan trọng hơn là vấn đề thay đổi tư duy làm nông nghiệp trách nhiệm.

“Đề án là một bước phát triển lớn, không chỉ cấu trúc lại vùng quy hoạch lúa gạo chất lượng cao căn cứ theo các giống lúa đáp ứng nhu cầu của thị trường, mà còn là sự định hình tư duy làm nông nghiệp mới, định hình một cấu trúc từ nông nghiệp, nông dân. Bức tranh ngành hàng lúa gạo mới của vùng ĐBSCL không phải chỉ nâng cao chất lượng giống lúa, đó là một mục tiêu rất nhỏ, trọng tâm là thay đổi hình ảnh người nông dân, lấy con người để theo đuổi mục tiêu, bởi họ là người làm ra hạt lúa đầu tiên”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Dự thảo Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 diện tích canh tác lúa chất lượng cao toàn vùng đạt trên 500.000 ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa. Lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa từ đó dự kiến đạt trên 35%.

Đề án cũng đặt ra lượng lúa giống gieo sạ chỉ còn khoảng 80kg/ha; lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học giảm 30%; lượng nước tưới giảm 30%; tỷ lệ diện tích sản xuất lúa ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, bao gồm GAP và tương đương được công nhận, cấp mã số vùng trồng hoặc áp dụng theo quy trình canh tác của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường đạt 80%.

Tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 20%. Diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 50%. Rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và tái sử dụng, chế biến đạt 70%.

Đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính trên 10%. Lượng gạo xuất khẩu có thương hiệu gạo của Việt Nam đạt 400.000 tấn, chiếm 10% sản lượng gạo trong vùng dự án.

Đến nay, đề án nhận được sự đồng tình và đăng ký tham gia của 12/13 tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Qua thực tế rà soát diện tích sản xuất lúa đảm bảo tiêu chí tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của các địa phương, dự kiến đến năm 2024 sẽ có trên 300.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao, sau đó tăng lên trên 600.000 ha vào năm 2025 và đến năm 2030 sẽ đạt và vượt con số 1 triệu ha.

 

 

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, dự thảo Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được xây dựng dựa trên các yếu tố cơ bản. Thứ nhất là đảm bảo diện tích lúa phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL. Thứ hai là giảm phát thải khí nhà kính và cuối cùng là tạo phúc lợi cho nông dân trồng lúa.

Thực tế nông dân ĐBSCL đã trồng lúa chất lượng cao cách đây khoảng 20 năm, nhưng mỗi giai đoạn sẽ có mức phát triển khác nhau. Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, giai đoạn trước việc phát triển sản xuất lúa chất lượng cao chủ yếu tập trung vào khâu giống, thế nhưng giá bán vẫn không cao. Ngược lại trong dự thảo Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao lần này là dự án đa mục tiêu, trong đó tập trung vào quy trình sản xuất giảm chi phí cho người nông dân. Đặc biệt, sản xuất lúa đạt chứng chỉ các bon, giảm phát thải khí nhà kính sẽ góp phần đưa thương hiệu gạo của Việt Nam sẽ lên tầm cao mới, bởi xu hướng thế giới hiện nay và trong thời gian tới nghiêng về xu hướng tiêu dùng xanh.

Đề án hướng tới tổ chức lại sản xuất cho người nông dân, thông qua việc tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã và bắt buộc liên kết với doanh nghiệp để thành công. “Đề án này chắc chắn phải có sự tham gia của HTX gắn với doanh nghiệp, hướng dẫn và có chính sách hỗ trợ nông dân tham gia vào các HTX, để tạo điều kiện cho HTX phát triển lớn mạnh.

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã tổ chức một loạt hội thảo bàn giải nâng cao năng lực cho các HTX vùng ĐBSCL, thích ứng với điều kiện BĐKH. Qua đó, từng bước nâng cao trình độ các thành viên HTX, tăng cường sự quan tâm của chính quyền các địa phương đối với vai trò HTX đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo nói riêng.

Doanh nghiệp, HTX là các chủ thể của Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Đề án khuyến khích doanh nghiệp tham gia để nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu lúa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đảm bảo có hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm dài hạn từ 3 năm trở lên với HTX hoặc tổ chức nông dân khác. Doanh nghiệp liên kết đồng thời có thể đảm nhận cung ứng vật tư đầu vào, như lúa giống, các dịch vụ phục vụ sản xuất khác cho HTX theo thỏa thuận, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tiến đến khép kín các khâu trong chuỗi giá trị lúa gạo từ tiêu thụ đến tồn trữ, chế biến, tiêu thụ gạo… đồng thời tạo quy trình sản xuất giảm thiểu tác động đến môi trường và giảm phát thải khí nhà kính được tích hợp với công nghệ chế biến gạo tiên tiến, chế biến sâu và tái chế phụ phẩm từ lúa gạo. Từ đó sẽ đem lại thu nhập cao cho nông dân trồng lúa và các tác nhân khác trong chuỗi giá trị lúa gạo.

 

 

Để đầu tư xây dựng vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính cho vùng ĐBSCL, dự thảo đề án dự kiến giai đoạn 2023 – 2030 sẽ dành 625 triệu USD, tương đương khoảng 15.000 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện các hoạt động như: San phẳng đồng ruộng, khai thác rơm rạ và các chi phí khác…, ước tính chi phí trên 3,4 triệu đồng/ha.

Trong đó, vốn ngân sách nhà nước thực hiện đề án được lồng ghép trong các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương khoảng 3.750 tỷ đồng. Với mục đích chính là đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ở vùng liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến nông. Điển hình như nâng cấp các công trình thủy lợi đang có, hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp với giao thông nội đồng để bà con nông dân chủ động được nguồn nước tưới tiêu theo nhu cầu, tạo thuận lợi để máy móc cơ giới hóa dễ dàng vận hành di chuyển trên đồng ruộng.

Bên cạnh đó là hàng loạt các hoạt động về đào tạo cho đội ngũ cán bộ HTX, nhất là cán bộ trẻ, phát triển mô hình nhân viên của doanh nghiệp liên kết tham gia ban quản trị HTX. Song song đó là tập huấn cho bà con nông dân về quy trình sản xuất tốt, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và các kỹ năng ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Thực hiện cơ chế vay vốn ưu tiên cho HTX có hợp đồng dài hạn liên kết với doanh nghiệp. Đặc biệt là sự chuyển đổi từ HTX hoạt động truyền thống sang HTX kiểu mới với cách thức kinh doanh như một doanh nghiệp nhỏ.

Ngoài ra, nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định ước tính khoảng 11.250 tỷ đồng. Nhất là các nguồn vốn tài trợ, huy động từ các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, thương mại hóa tín chỉ các bon trong sản xuất lúa chất lượng cao.

Hiện nay, một số đối tác quốc tế đã có những cam kết hỗ trợ bước đầu cho Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, như Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và các tổ chức khoa học quốc tế trong hệ thống One CGIAR, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) sẽ hợp tác, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực chọn tạo giống lúa, quy trình canh tác thích ứng và giảm nhẹ phát thải trong sản xuất lúa, công nghệ sau thu hoạch và chế biến sâu.

Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cam kết hỗ trợ về tài chính, chính sách và kỹ thuật cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) và phát triển thị trường tín chỉ các bon trong vùng lúa chuyên canh chất lượng cao tham gia liên kết.

 

 

Đối với bà con nông dân tham gia liên kết trong Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao được đề xuất hỗ trợ 30% chi phí mua giống lúa xác nhận ở định mức lượng giống sử dụng là 80kg/ha trong 4 vụ đầu liên tiếp tham gia dự án. Bên cạnh đó, nông dân tham gia liên kết sẽ được vay vốn ngân hàng không thế chấp tối đa 30 triệu/vụ sản xuất với thời gian vay trong 6 tháng.

Đối với HTX hoặc tổ chức nông dân khác tham gia liên kết sẽ được ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng. Ngoài ra các tổ chức này còn được vay vốn ưu đãi không thế chấp để xây dựng kho bãi, máy sấy và máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất lúa để phát triển các dịch vụ trong sản xuất, chế biến phụ phẩm lúa gạo.

Còn đối với doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa sẽ được vay vốn ngắn hạn và dài để đầu tư xây dựng kho bãi, hệ thống sấy, chế biến. Đồng thời được hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sản phẩm tốt (GAP) trong nước hoặc quốc tế. Đặc biệt là được hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn các bon thấp.

Kim Anh - Văn Vũ - Hoàng Vũ
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Kim Anh - Văn Vũ
Văn Vũ