LTS: Có quãng thời gian dài công tác, gắn bó với Trung du miền núi phía Bắc, PGS.TS Lê Quốc Doanh luôn đau đáu, trăn trở làm sao để khu vực này phát triển bền vững.
Xuân Giáp Thìn 2024, Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, hiện là Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam.
Tôi bắt đầu gắn bó với miền núi phía Bắc từ năm 1993 khi công tác ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam (VASI). Sau này là quãng thời gian dài công tác, chủ trì và thực hiện nhiều đề tài và dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và có gần 7 năm làm Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI)…
Những năm tháng đó đã giúp tôi hiểu đôi chút về vùng đất, con người, phong tục tập quán đồng bào ở nơi gian khó nhất đất nước và từ đó có cách tiếp cận, đặt vấn đề nghiên cứu khoa học phù hợp.
Trước hết, có thể khẳng định miền núi phía Bắc là khu vực hết sức đặc thù, chính vì vậy chủ trương, chính sách nói chung và nông nghiệp nói riêng cần phải tiếp cận ở cả 3 yếu tố là kinh tế, môi trường và xã hội, muốn thành công không thể coi nhẹ bất cứ yếu tố nào.
Nhìn lại cả một hành trình dài có thể thấy miền núi phía Bắc hôm nay đã đạt được rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Đó là nhờ cách tiếp cận đúng đắn, đã chọn được con đường đi ngắn, đầu tư thấp, nhưng đạt được kết quả to lớn. Trong đó khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp thực sự đóng vai trò thúc đẩy, lấy người dân là chủ thể để làm nên câu chuyện mà tôi nghĩ là kỳ diệu.
Nhớ lại, vào những năm 1990, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước, Đảng - Nhà nước đã có chương trình khoa học công nghệ dành riêng cho vùng đặc biệt khó khăn là trung du miền núi phía Bắc.
Mục tiêu cấp bách là đảm bảo cái ăn, cái mặc cho đồng bào. Lúc đó, chúng tôi là những cán bộ trẻ của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam cùng với nhiều cán bộ khác ở Bộ Nông nghiệp và PTNT đã được huy động lên các tỉnh miền núi. Viện chúng tôi thực hiện các dự án tại Sơn La, Bắc Kạn, Cao Bằng...; Viện Bảo vệ Thực vật lên Điện Biên… Hầu hết là các nhà khoa học đầu ngành được lựa chọn để mang theo sứ mệnh đưa tất cả những giống cây trồng tốt nhất lên cho bà con, phổ biến kỹ thuật canh tác, xây dựng mô hình theo kiểu “đốm lửa” để làm sao lan tỏa nhanh nhất.
Trồng lúa, trồng ngô, trồng sắn, cà phê, chè, cây ăn trái trên đất dốc. Trồng cây phủ đất, vận động bà con không đốt bỏ xác thực vật để phủ đất vừa giữ nước, vừa tạo độ mùn cho đất, hạn chế xói mòn bằng tạo tiểu bậc thang...
Có thời điểm chúng tôi chủ trì thực hiện cùng lúc 8 dự án ở khu vực miền núi. Anh em cắm bản vận động bà con, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, tạo thành cả một phong trào rộng khắp, cũng nhờ đó mà đã đạt được nhiều kết quả rõ ràng, kịp thời, làm cơ sở nhân rộng trong sản xuất.
Khi đó, Giáo sư Đào Thế Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam chỉ đạo đưa giống lúa IR64 lên Điện Biên, sản xuất ở cánh đồng Mường Thanh và dần nhân ra diện rộng. Và thương hiệu gạo “Tám thơm Điện Biên” hôm nay một phần là nhờ vào những ngày đầu tiên đó. Rồi các chương trình lúa lai, ngô lai…
Giáo sư Trần Hồng Uy và các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Ngô đưa những giống ngô lai lên miền núi phía Bắc và đều thành công với năng suất từ 7-8 tấn/ha. Chương trình cây ăn quả dọc đường 6 với người tiên phong là Giáo sư Trần Thế Tục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, từ những năm tháng đó chính là tiền đề và nền tảng của vùng cây ăn quả Hòa Bình, Sơn La hôm nay.
Chương trình nghiên cứu giống keo lai, bạch đàn lai của Giáo sư Lê Đình Khả và cộng sự cùng với chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng đã góp phần nâng độ che phủ của vùng miền núi phía Bắc lên gần 55% và đóng góp vào kỳ tích xuất khẩu gỗ như ngày nay…
Tôi nghĩ rằng, tất cả những thành quả đó chính là xuất phát từ khoa học công nghệ và thành tựu của miền núi phía Bắc hôm nay chính là hình mẫu về nông lâm kết hợp. Nhờ cách tiếp cận đúng, khoa học, chúng ta đã xác định nông nghiệp và lâm nghiệp ở miền núi không thể tách rời mà bổ trợ, thúc đẩy nhau phát triển, gắn bó và song hành để từ đó làm nên những thành quả trên vùng đất này.
Những năm tháng còn thiếu ăn, khó khăn trăm bề, thiếu đất sản xuất, năng suất cây trồng còn rất thấp nên rừng cũng bị tác động để canh tác cây lương thực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm độ che phủ của rừng, năm 1990 độ che phủ rừng của nước ta chỉ còn khoảng 27%.
Nhận diện được thách thức đó, nhiều dự án thâm canh cây lương thực, đặc biệt là lúa nước ở thung lũng, ruộng bậc thang được triển khai đồng bộ từ giống mới ngắn ngày cùng kỹ thuật thâm canh đã mang lại kết quả rất ấn tượng.
Năng suất lúa trước chỉ 2-3 tấn/ha thì nay đã đạt 6 - 7 tấn, thậm chí nhiều nơi cao hơn cả năng suất lúa ở miền xuôi. Bà con nhanh chóng tự túc ổn định lương thực, không còn đốt nương làm rẫy và rừng dần trở lại. Khi cái bụng đã ấm, cái ăn đã đủ, bà con giữ rừng, bảo vệ rừng, trồng và chăm sóc rừng.
Nhờ khoa học trong nông nghiệp mà rừng được giữ lại và bây giờ rừng đang trữ nước, giữ độ ẩm, là nguồn sinh thủy vô tận phục vụ trở lại cho nông nghiệp. Điển hình như ở tỉnh Bắc Kạn, bình quân lương thực hiện nay trên 550 kg/người/năm, độ che phủ của rừng đạt tới 74%... Rồi Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn…
Một màu xanh ngan ngát của rừng. Rừng ngày càng giàu, càng thêm nhiều sinh kế và nhờ đó đời sống bà con không ngừng được cải thiện. Phát triển nông lâm nghiệp miền núi tích hợp đa tầng, đa giá trị và rất hài hòa.
Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc tiếp tục chuyển động từng bước. Từ chỗ đói ăn đến khi đủ lương thực và nay chuyển thành sản xuất hàng hóa, theo trật tự rõ ràng. Ví dụ Sơn La trước đây cũng có giai đoạn trồng lúa nương rồi chuyển sang ngô lai và bây giờ là trên 84.000 ha cây ăn quả, trên 20.000 ha cà phê chè, mang lại giá trị kinh tế rất cao.
Vùng Sông Mã, Mai Sơn, Thuận Châu, Mộc Châu của Sơn La trở thành vùng nhãn lớn nhất miền Bắc với gần 20.000 ha; vùng xoài cũng 20.000 ha ở Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, thành phố Sơn La, sản lượng lên đến 70.000 tấn; 12.500 ha sơn tra ở Mường La, Thuận Châu, Bắc Yên; 11.500 ha mận, mơ ở Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Thuận Châu cho sản lượng trên 62.000 tấn; bơ Mộc Châu, Vân Hồ là đặc sản, cho thu nhập rất cao. Người dân Sơn La giờ đây thuần thục ghép cải tạo cây ăn quả, đốn tỉa không khác gì bon sai, rất đẹp, và bắt đầu gắn với phát triển du lịch. Mắc ca ở Điện Biên, quế ở Yên Bái, Lào Cai, quýt vàng, thạch đen, hồi, na ở Lạng Sơn, Quảng Ninh và nhiều cây trồng ở các tỉnh khác trong khu vực cũng vậy.
Trong đó có nhiều giống cây trồng lưỡng dụng, vừa tạo giá trị kinh tế vừa mang lại độ che phủ cho rừng, tái tạo, phục hồi đất. Khi bụng đồng bào no ấm, những giá trị khác cũng từ đó hình thành.
Điển hình nhất là cây chè, với diện tích khu vực hiện có khoảng 100.000 ha, tôi cho rằng sẽ luôn là thế mạnh của miền núi phía Bắc. Thời tôi làm Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn lên thăm từng nói: Doanh ơi, chè là cây lưỡng dụng, ngoài giá trị kinh tế thì vai trò che phủ rất tuyệt vời, giữ đất không cây nào bằng. Đến nay câu chuyện đó càng ngày càng rõ. Đất trồng chè không có chuyện bị suy thoái, rửa trôi, xói mòn…
Năng suất ngày đó chỉ đạt 5 tấn búp/ha thì bây giờ bình quân của khu vực đã đạt gần 10 tấn búp/ha và chất lượng giống chè được cải thiện rõ rệt. Đó là nhờ vào khoa học, khi chúng ta lai tạo và du nhập thành công nhiều giống chè năng suất, chất lượng cao phù hợp điều kiện của Vùng.
Gần 70% diện tích được trồng bằng giống chè mới từ Viện NOMAFSI đã giúp bà con trồng chè có thu nhập bình quân từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Riêng tỉnh Thái Nguyên thu nhập từ trồng chè 350 - 400 triệu đồng/ha, diện tích mở rộng từ 15.000 - 16.000 ha lên gần 23.000 ha, nhiều nơi bà con đưa chè xuống ruộng bậc thang rất hiệu quả.
Điều đó chứng minh vai trò và thành tựu của khoa học công nghệ đối với miền núi phía Bắc rất rõ. Cùng với đó là những chủ trương, chính sách khác như di dân lên miền núi để cân bằng dân cư, xen kẽ giữa người xuôi và người bản địa đã tạo động lực mới cho miền núi, tạo thành những cộng đồng bổ trợ cho nhau.
Những người miền xuôi lên đây cũng góp phần đưa giống, kỹ thuật lên cùng bà con canh tác trên quê hương mới. Tất cả cùng nhau làm nên thành tựu với miền núi phía Bắc hôm nay, thành tựu tôi nghĩ là rất diệu kỳ.
Nhìn lại những thành tựu khoa học công nghệ làm thay đổi bộ mặt miền núi phía Bắc giúp chúng ta đúc rút ra được nhiều bài học. Từ chính sách, cách thức tổ chức sản xuất, quyết tâm chính trị của các cấp chính quyền và tâm huyết, trí tuệ của các nhà khoa học, nỗ lực của bà con... Để khi xét cả ba yếu tố kinh tế, môi trường, xã hội ở khu vực này chúng ta thấy đã đạt được những kết quả đáng tự hào.
Bài học thứ nhất là cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu khoa học, quyết tâm chính trị của các địa phương. Sơn La có thành tựu cây ăn quả, cà phê hôm nay là nhờ có quy hoạch, có quyết tâm lớn trong nhiều năm. Người đứng đầu tỉnh, bộ máy lãnh đạo các cấp có quyết liệt như thế nào thì mới hình thành vùng nhãn ở Sông Mã, vùng cà phê ở Mai Sơn, vùng rau ở Mộc Châu… và hàng trăm hợp tác xã quy mô như thế. Quyết tâm từ “đốm lửa” đã cháy lên thành cả một phong trào rộng lớn.
Tôi đã dự nhiều cuộc tổng kết năm của tỉnh, ở đó các hộ dân, hợp tác xã sản xuất kinh doanh giỏi được cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy tôn vinh. Đó vừa là quyết tâm vừa là vai trò đồng hành. Và bài học đưa khoa học công nghệ lên miền núi chính là sự gắn bó cụ thể, sâu sát với chính quyền địa phương để cùng nhau nghiên cứu, điều chỉnh, mục tiêu chính là mang lại những kết quả, giá trị tốt đẹp nhất đến người dân.
Bài học thứ hai là tư duy tiếp cận với người dân miền núi. Đừng nghĩ đồng bào hạn chế tiếp thu cái hay, cái mới. Bà con nhanh nhẹn và chịu khó và rất trách nhiệm. Những năm tháng cùng đồng bào thực hiện các chương trình, dự án tự túc lương thực đã giúp anh em chúng tôi nhận thức nhiều bài học, rằng cần phải kiên định, kiên trì, khoa học và phải mang lại kết quả rõ ràng.
Tất nhiên câu chuyện phổ biến kiến thức khoa học, xây dựng và nhân rộng mô hình luôn khó khăn, vấn đề nếu mình có cách tiếp cận đúng sẽ hiệu quả. Còn nhớ giai đoạn đó chúng tôi kêu gọi được nhiều tổ chức quốc tế đồng hành ở Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), Mường Lò (Yên Bái)… Thực tiễn cho thấy, với bà con miền núi, các mô hình phải cụ thể, bà con phải thấy mới tin và khi đã tin rồi sẽ làm rất tốt. Chúng tôi xây dựng những cuốn sổ tay phổ biến kiến thức dễ hiểu nhất. Tập huấn các mô hình, giải đáp thắc mắc của bà con ở ngay trên ruộng nương.
Tất cả các dự án đều phải có cán bộ cắm bản, ăn ở cùng bà con, gần gũi với đồng bào… Nhờ đó mà các nhà khoa học cùng với chính quyền và bà con cùng làm nên những kỳ tích như các mô hình vừa canh tác vừa bảo tồn đất dốc, sau này trở thành mô hình chuyển giao cho nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Hay như mô hình phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) phát triển rau ôn đới, đến bây giờ bà con ở các hợp tác xã ở Mộc Châu, Sơn La đang ngày ngày đưa rau quả về các siêu thị ở Hà Nội.
Tôi vẫn luôn cho rằng, đóng góp của khoa học công nghệ đối với nông nghiệp nói chung và miền núi phía Bắc nói riêng là rất lớn. Đây là lĩnh vực đặc thù, chúng ta không thể nhìn kết quả nghiên cứu khoa học trong ngắn hạn, theo từng năm mà phải nhìn cả giai đoạn, cả quá trình. Ví dụ câu chuyện cây ăn quả ở Sơn La đâu phải có ngay thành tựu mà là kết quả của hàng chục năm, tích dần nhiều yếu tố từ khoa học, khảo nghiệm mô hình, hoàn thiện quy trình, nhân rộng mô hình, từng nấc thang bài bản mới hình thành được. Chè Thái Nguyên, na Lạng Sơn, quế Yên Bái được hình thành như vậy.
Có thể khẳng định, với sự quan tâm của Nhà nước, sự vào cuộc của các đơn vị nghiên cứu và phối hợp của các địa phương đã tạo ra những kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ tốt nhất cho miền núi và giúp khu vực này đạt được những thành tựu ấn tượng trong thời gian qua. Tuy nhiên hiện tại và tương lai vẫn còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi những cách tiếp cận mới, những chính sách, đầu tư nghiên cứu mới để miền núi phía Bắc phát triển nhanh và bền vững.
Theo tôi, cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận, đừng nhìn miền núi chỉ có khó khăn. Tất nhiên những khó khăn về điều kiện tự nhiên, địa hình, giao thông, tiếp cận khoa học còn nhiều hạn chế nhưng cùng với đó là những tiềm năng, lợi thế của khu vực cũng rất lớn. Trước hết là tài nguyên đất đai, khí hậu, tài nguyên về nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý là những tiềm năng, lợi thế chúng ta cần tiếp cận theo tư duy mới để khai thác. Cùng với đó là lợi thế về vị trí địa lý, nhiều tỉnh giáp biên với thị trường Trung Quốc, có các cặp cửa khẩu giao thương quốc tế, giao thông ngày càng thuận lợi hơn.
Đặc biệt là lợi thế rừng. Khu vực miền núi phía Bắc có diện tích rừng lớn, những năm qua diện tích rừng trồng không ngừng được nâng cao cả diện tích và chất lượng, trở thành vùng gỗ nguyên liệu trọng điểm của cả nước và mở thêm nhiều sinh kế giúp bà con. Xu thế thời đại mới mở ra thêm nhiều hướng phát triển, nguồn thu từ rừng. Trồng rừng kinh tế, thu dịch vụ môi trường rừng, thu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, du lịch… Nhất là câu chuyện bán tín chỉ carbon chắc chắn sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho người trồng rừng, giữ rừng trong khu vực. Tạo thêm nguồn để giúp bà con có thêm động lực trồng rừng, giữ rừng, từ đó góp phần phát triển rừng đa tầng, đa giá trị.
Xu thế tiêu dùng, thị trường thế giới đang hướng tới câu chuyện nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, tuần hoàn cũng mở ra nhiều hướng phát triển mới. Với điều kiện tự nhiên, cảnh quan, khí hậu đặc trưng của vùng sẽ mở thêm nhiều không gian phát triển cho khu vực miền núi phía Bắc.
Đi kèm với thuận lợi dĩ nhiên có nhiều khó khăn, thách thức. Nông lâm nghiệp ở miền núi phía Bắc trong thời gian tới sẽ phải cạnh tranh với các ngành khác. Phải chia sẻ đất đai, nguồn nhân lực, nguồn lực đầu tư với các lĩnh vực khác trong bối cảnh đầu tư cho khu vực vẫn còn nhiều hạn chế. Dù đã xuất hiện những vùng sản xuất tập trung nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.
Chính vì vậy, để phát triển miền núi phía Bắc bền vững tôi cho rằng vai trò của khoa học công nghệ vẫn là số 1. Chúng ta cần phải tạo ra các gói kỹ thuật hoàn thiện và phù hợp với từng đối tượng, từng tiểu vùng của khu vực. Đối với miền núi phía Bắc, khái niệm tiểu vùng bao gồm tất cả các yếu tố tự nhiên, xã hội, phong tục tập quán và đặc biệt là khí hậu… cần phải có những nghiên cứu kỹ, chính xác để đưa ra các gói kỹ thuật phù hợp cho từng tiểu vùng của khu vực.
Thứ hai, với những đặc thù như đã phân tích ở trên, cần hết sức thận trọng đối với các đối tượng cây trồng, vật nuôi mới khi đưa vào miền núi. Đã có những thất bại, đã có những bài học đắt giá đòi hỏi chúng ta cần có cách tiếp cận, cách chuyển giao khoa học công nghệ. Tiếp tục nghiên cứu cái mới nhưng song hành với đó phải biết nâng niu và làm sâu sắc những giá trị đang có, bằng khoa học công nghệ.
Thứ ba là phát huy vai trò, mở rộng không gian sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thực tế thời gian qua ở khu vực miền núi phía Bắc đã chứng minh rất rõ hiệu quả vai trò liên kết của các doanh nghiệp. Thu hút đầu tư các doanh nghiệp giúp bà con yên tâm sản xuất, đồng thời mở thêm nhiều cơ hội cho nghiên cứu khoa học công nghệ. Bằng chứng là các doanh nghiệp như Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Tập đoàn TH, Nafoods… khi đầu tư lên miền núi phía Bắc đã kéo theo rất nhiều nhà khoa học.
Cùng với đó là phát huy vai trò của các hội và hiệp hội. Vận động và vận dụng trí tuệ khoa học của những nhà khoa học có tâm huyết cũng sẽ tạo thành động lực lớn để phát triển miền núi phía Bắc. Hội Làm vườn Việt Nam hiện cũng đang có các chương trình, dự án với mục tiêu xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp du lịch ở khu vực miền núi phía Bắc. Đó sẽ là những mô hình, những điểm đến thu hút khách du lịch tham quan, thưởng thức sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của vùng.
Cách tiếp cận mới, tư duy mới sẽ khơi mở, đánh thức tiềm năng, đưa miền núi phía Bắc phát triển nhanh và bền vững.