Dự án VnSAT được xem là “cuộc cách mạng xanh” làm thay đổi nhanh chóng tư duy sản xuất, đổi mới phương thức canh tác của nông dân theo hướng bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo tại ĐBSCL.
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) được triển khai tại Tây Nguyên và ĐBSCL từ năm 2017, gồm 13 tỉnh, thành tham gia thực hiện với 2 ngành hàng chủ lực là cà phê và lúa gạo. Tổng nguồn vốn của Dự án là 288,237 triệu USD, tương đương 6.629 tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 221,822 triệu USD, tương đương khoảng 5.102 tỷ đồng, vốn đối ứng Chính phủ Việt Nam là 31,4 triệu USD, tương đương 723 tỷ đồng. Còn lại là vốn tư nhân do nông dân, các tổ chức nông dân, hợp tác xã (HTX) tham gia dự án đóng góp khoảng 35 triệu USD, tương đương 805 tỷ đồng.
Dự án VnSAT được triển khai với 4 hợp phần, bao gồm: Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp (hợp phần A); Phát triển lúa gạo bền vững (hợp phần B); Phát triển cà phê bền vững (hợp phần C) và Công tác Quản lý Dự án (hợp phần D).
Sau thời gian triển khai, Dự án đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực, thể chế của ngành. Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, qua quá trình triển khai đạt hiệu quả, Dự án VnSAT đã được WB đánh giá rất cao.
Dự án đã thay đổi thói quen, tập quán sản xuất lúa của nông dân ĐBSCL. Dấu ấn rõ nét nhất là việc giảm lượng lúa giống trong gieo sạ, kéo theo đó là giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác. Qua đó, góp phần hạ giá thành sản xuất lúa, nâng cao giá trị hạt gạo hàng hóa, tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của Dự án, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương cần tiếp tục duy trì thực hiện các hoạt động không tốn nhiều chi phí, nhất là nhân rộng các giải pháp kỹ thuật trong canh tác lúa như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm". Bởi hiện nay, giá phân bón tăng cao, vì vậy các tiến bộ kỹ thuật mà Dự án VnSAT chuyển giao sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất lúa gạo, nâng cao lợi nhuận cho người dân.
Hợp phần lúa gạo được triển khai tại ĐBSCL có 8 tỉnh, thành tham gia gồm: An Giang, Thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang. Nông dân tham gia Dự án VnSAT được các bộ kỹ thuật tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa tiến tiến “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”.
Lũy kế từ đầu Dự án cho đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã đào tạo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” cho 155.780 nông dân với diện tích 213.663 ha. Qua đánh giá thực tế sau đào tạo, diện tích được nông dân áp dụng đủ 4 tiêu chí của quy trình “3 giảm, 3 tăng” đạt khoảng 175.442 ha, vượt so với mục tiêu Dự án đề ra đến cuối kỳ là 150.000 ha.
Thành phố Cần Thơ là địa phương có diện tích áp dụng quy trình “3 giảm, 3 tăng” cao nhất so với mục tiêu đề ra. Đến nay, Ban quản lý Dự án VnSAT Thành phố Cần Thơ đã đào tạo được 25.435 hộ nông dân, với diện tích canh tác là 31.794 ha. Diện tích nông dân trong vùng Dự án áp dụng thành công “3 giảm, 3 tăng” trên đồng ruộng là 26.997/19.000 ha mục tiêu (đạt 142% so với mục tiêu).
Xã viên Nguyễn Bá Tòng ở xã Phi Thông, TP Rạch Giá (Kiên Giang) có 1,3 ha lúa nằm trong vùng triển khai Dự án VnSAT phấn khởi cho biết: “Từ năm 2018 đến nay, HTX được cán bộ kỹ thuật về tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, tôi đều tham gia hết. Nhờ đó mà nhiều vụ lúa vừa qua, tôi đã sạ thưa, không chỉ giảm được lúa giống mà còn giảm nhiều chi phí khác, hạ giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế”.
Anh Tòng cho biết, trước đây mỗi công ruộng nông dân sử dụng từ 20 - 24 kg lúa giống để gieo sạ. Từ khi tham gia Dự án VnSAT, nông dân đã biết quan tâm đến chất lượng lúa giống, lúa đạt chuẩn thì chỉ cần sạ từ 10 - 12 kg/công là đủ. Sạ thưa không chỉ giúp nhẹ phân bón, mà sâu bệnh cũng giảm, nhẹ được cả chi phí thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc.
Nhớ lại thời nông dân còn tự để lúa giống từ ruộng nhà, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn kết I, ông Nguyễn Thanh Hùng (TP Rạch Giá, Kiên Giang) bảo: “Cứ đếm đầu công (công gần 1.300 m2) mà tính, mỗi công quẳng xuống ao ngâm một bao lúa giống. Chỉ chuyển lúa giống ra ruộng sạ thôi đã đủ mệt. Từ khi tham gia Dự án VnSAT, nông dân đã giảm lúa giống khá nhiều, giờ chỉ còn 80 - 100 kg/ha. Sạ thưa không chỉ là giảm lúa giống mà nhiều cái lợi lắm”.
Đối với quy trình “1 phải, 5 giảm”, Ban quản lý Dự án VnSAT các tỉnh, thành ĐBSCL đã đào tạo cho 104.448 nông dân, với diện tích 146.882 ha. Diện tích nông dân trong vùng Dự án áp dụng đủ 6 tiêu chí của quy trình “1 phải, 5 giảm” đạt khoảng 113.870 ha, so với mục tiêu cuối kỳ là 75.000 ha.
Tại tỉnh Long An, có 18.833 hộ nông dân tham gia Dự án VnSAT đã được đào tạo “1 phải, 5 giảm”, với diện tích canh tác là 25.417 ha. Long An cũng là địa phương nông dân áp dụng “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa đạt cao nhất, với 19.851 ha/vụ, đạt 234% so với mục tiêu Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh đề ra (8.500 ha).
Với những kết quả đã đạt được, Dự án VnSAT đã tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi cho bà con nông dân trồng lúa, góp phần tích cực giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng. Điều này đặc biệt ý nghĩa đối với những vụ sản xuất gần đây, khi giá vật tư đầu vào tăng rất cao, nhất là giá phân bón, giúp nông dân giữ được ổn đinh mức lợi nhuận.
Ngoài ra, Dự án VnSAT còn tập huấn các kỹ thuật bổ trợ khác cho các tổ chức nông dân tham gia thực hiện các nội dung của Dự án.
Cụ thể là đào tạo quản lý và phát triển HTX cho 9.126 người; đào tạo kỹ thuật luân canh sản xuất rau màu trên nền đất lúa cho 3.942 nông dân; tập huấn về kỹ thuật tận dụng sản phẩm phụ lúa gạo để đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng giá trị với 4.898 lượt người tham gia. Đào tạo kỹ thuật nhân giống lúa xác nhận cho 4.896 người. Tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa VietGAP với 3.275 nông dân tham gia và áp dụng vào sản suất, tạo ra sản phẩm có phẩm chất, chất lượng tốt hơn.
Tại Tiền Giang, Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh đã tập huấn và xây dựng mô hình trồng nấm rơm với hàng chục lớp. Ngoài ra, nông dân còn được học hỏi cách sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp. Qua các lớp học này, nông dân đã tận dụng nguồn rơm, rạ sẵn có của gia đình sau vụ lúa và tạo ra việc làm trong những lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Nguyền, Giám đốc HTX Dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Mỹ Quới (xã Mỹ Hậu Bắc B, huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, với diện tích sản xuất lúa khá lớn và làm 2 - 3 vụ lúa/năm, lượng sản phẩm phụ như rơm rạ, vỏ trấu thải ra hàng năm khá lớn. Rất mừng là những năm gần đây, do nhu cầu phát triển chăn nuôi trâu, bò, sấy lúa, trồng nấm rơm ngày càng tăng nên tình trạng đốt đồng sau thu hoạch lúa hay thải vỏ trấu sau khi xay xát lúa ra các sông rạch đã giảm đi đáng kể.
Sau mỗi vụ lúa, nông dân đều thuê máy cuốn rơm thành từng cuộn mang về dự trữ làm nguyên liệu trồng nấm hoặc bán cho các hộ nông dân khác để có thêm thu nhập.
Dự án VnSAT không chỉ đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực cho các HTX, thay đổi tập quán canh tác của nông dân để sản xuất lúa hiệu quả, bền vững, mà còn thúc đẩy chuỗi liên kết lúa gạo, tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị.
Theo đánh giá, tại 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia Dự án VnSAT, diện tích canh tác lúa gạo được các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ liên tục tăng qua các vụ. Cụ thể, tổng diện tích lúa được doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu trong vụ hè thu 2021 là 61.372 ha.
Tại tỉnh Kiên Giang, diện tích canh tác lúa trong vùng Dự án VnSAT trong 3 năm (từ 2019 - 2021) luôn vượt so với mục tiêu đề ra, lần lượt đạt là 8.605 ha, 8.529 ha và 9.285 ha (mục tiêu khi kết thúc Dự án là 7.000 ha).
Riêng tại Thành phố Cần Thơ, diện tích được các công ty ký hợp đồng tiêu thụ hiện đã tăng gần gấp đôi với mục tiêu khi tham gia thực hiện Dự án VnSAT (6.500 ha). Diện tích thực hiện đạt qua các năm là 4.157 ha, 12.959 ha và 12.777ha. Diện tích sản xuất lúa của Dự án VnSAT có hợp đồng bao tiêu tại Tiền Giang tăng mạnh qua các năm, cụ thể là 2.076 ha (năm 2019), lên 4.847 ha (2020) và 9.274 ha (năm 2021).
Ngoài việc ký hợp đồng tiêu thụ, tạo đầu ra thuận lợi, Ban quản lý Dự án VnSAT Trung ương còn hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ với sản phẩm gạo ST24 và Đài thơm 8. Đây là 2 giống lúa được canh tác trên các cánh đồng triển khai Dự án VnSAT tại HTX Nông nghiệp Tiến Cường (tỉnh Đồng Tháp) được chế biến, phân phối theo chuỗi của Dự án VnSAT. Sản phẩm đạt giải TOP 10 thương hiệu – nhãn hiệu độc quyền uy tín năm 2019 do Cục Sở hữu trí tuệ và Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội tổ chức. Riêng gạo ST được tiêu thụ tại Hà Nội với sản lượng trung bình khoảng 50 tấn/tháng.
Dự án VnSAT thực hiện 3 đợt đầu tư cho các tổ chức nông dân/HTX tại ĐBSCL với tổng số 91 Tiểu dự án được thực hiện. Các Ban quản lý dự án (PPMU) địa phương đã tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 88/91 Tiểu dự án. Các Tiểu dự án còn lại khối lượng thi công còn dở dang, đang được địa phương bố trí vốn đối ứng để gấp rút hoàn thành.
Dự án VnSAT cũng hỗ trợ các tổ chức nông dân/HTX nâng cao năng lực, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và bao tiêu sản phẩm, hoàn thiện các máy sấy để sử dụng hiệu quả trang thiết bị, cơ sở hạ tầng mà Dự án đã hỗ trợ, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tham gia Dự án VnSAT, HTX Hòa Thuận I (huyện Châu Thành, Kiên Giang) đã được đầu tư khắc phục điểm yếu về cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, làm dịch vụ cho xã viên ngày càng tốt hơn.
Hiện vốn tài sản cố định và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất của đơn vị có tổng giá trị hơn 9,1 tỷ đồng, trong đó riêng Dự án VnSAT đầu tư 7,4 tỷ đồng. Cụ thể là đầu tư cống, máng bơm tưới kiên cố, đường giao thông nội đồng kênh Hàu Bàn, đường kênh cấp I, 2 nhà kho chứa lúa, vật tư nông nghiệp
“Hiện HTX Hòa Thuận I đang làm các dịch vụ như sản xuất và cung ứng lúa giống, làm đất, bơm tưới, máy liên hợp thu hoạch lúa… phục vụ cho xã viên với giá rẻ hơn thị trường từ 10 - 20%. Riêng khâu chăm sóc lúa, HTX có đội dịch vụ sạ lúa, phun thuốc, sạ phân… nên nông dân nhàn hạ lắm, chả mấy khi phải lặn rội ra đồng làm việc nặng nhọc. Mục tiêu của chúng tôi là giúp nông dân sản xuất lúa giảm chi phí đầu vào, hạn chế khâu trung gian, sản phẩm lúa có đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho bà con ”, ông Nhiều nói như khoe.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang đánh giá: “Cơ sở hạng tầng mà Dự án VnSAT đầu tư cho các tổ chức nông dân mang lại hiệu quả cao, nhất là các trạm bơm điện đã giúp nông dân bơm tát tập thể với chi phí rẻ, hạn chế được những tác động của giá xăng, dầu tăng cao như thời gian vừa qua”.
Tổng số Tiểu dự án đầu tư công tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thực hiện giai đoạn gia hạn là 86 Tiểu dự án, chia làm 87 gói thầu, với tổng vốn đầu tư hơn 1.094 tỷ đồng. Đến nay, số lượng gói thầu được các tỉnh trao hợp đồng là 87/87 gói (đạt 100%). Sau khi được trao hợp đồng, các gói thầu đều được chủ đầu tư, địa phương và nhà thầu phối hợp bàn giao ngay mặt bằng tổ chức thi công.
Một số tỉnh như Sóc Trăng, Tiền Giang có tiến độ thi công nhanh, hiện đã đạt từ 60% - 70% khối lượng hợp đồng. Ông Cao Văn Hoá, Phó Giám đốc BQL Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang thông tin: "Đến nay, tiến độ thi công các Tiểu dự án cơ bản đạt từ 60 - 70%; có những Tiểu dự án đã hoàn thành, chuẩn bị nghiệm thu. Chúng tôi đặt kế hoạch hoàn thành nghiệm thu các Tiểu dự án trong tháng 5/2022, hoàn thành đúng tiến độ, trước khi Dự án VnSAT kết thúc (ngày 30/6)”.
Các hoạt động tín dụng của Dự án VnSAT do ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai với vai trò là ngân hàng bán buôn, thông qua 10 ngân hàng bán lẻ (PFI). Tổng vốn được phân bổ của phần tín dụng Dự án là 105 triệu USD (tương đương 2.415 tỷ đồng). Đến cuối năn 2020, toàn bộ nguồn vốn tín dụng của Dự án đã giải ngân hết 100%. Trong đó, riêng Hợp phần Lúa gạo có tổng số 10 doanh nghiệp được vay vốn nâng cấp cơ sở chế biến với số vốn vay là 764 tỷ đồng (tương đương 33,27 triệu USD).
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng Ban quản lý các Dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), Giám đốc Dự án VnSAT Trung ương cho biết: Dự án VnSAT được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho hai ngành hàng là lúa gạo (ĐBSCL) và cà phê (Tây Nguyên). Đến nay, sau 6 năm thực hiện, các chỉ tiêu của Dự án đã cơ bản hoàn thành. Ngay cả khi chưa được gia hạn và sử dụng chưa hết nguồn vốn của Dự án, nhiều chỉ tiêu đã vượt kế hoạch đề ra, nhất là về diện tích vùng Dự án và số người tha gia hưởng lợi.
Đối với Hợp phần Lúa gạo, việc đào tạo về quy trình canh tác lúa tiên tiến "3 giảm 3 tăng" và "1 phải 5 giảm" đến nay đã vượt khá xa mục tiêu đề ra và được WB đánh giá rất cao, trở thành dự án điển hình. Sau khi Dự án VnSAT kết thúc, giá trị gia tăng đối với cà phê đạt gần 20%, đối với lúa gạo là 25% so với trước Dự án.
Các Tiểu dự án đầu tư hạ tầng tại các khu vực sản xuất lúa trọng điểm của ĐBSCL như công trình giao thông, thuỷ lợi, các trạm bơm điện được kiên cố hóa, đã nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân, góp phần cho sản xuất an toàn và hiệu quả hơn, cải thiện đáng kể đời sống của nhiều nông dân. Đến nay, đã khoảng 200 nghàn hộ nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đã thay đổi tập quán sản xuất, mang lại hiệu quả môi trường, xã hội và thu nhập kinh tế cao hơn hẳn.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, World Bank đánh giá Dự án VnSAT là dự án hình mẫu. Từ Dự án VnSAT, chúng ta cũng đã xác định việc sản xuất đối với lúa gạo và cà phê nói riêng, các ngành hàng khác của nông nghiệp nói chung luôn luôn phải hướng tới mục tiêu phải phát triển bền vững. Không chỉ tăng năng suất mà phải đi đôi với giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất… Từ việc giảm chi phí sản xuất, sẽ có tác động giúp bảo vệ môi trường tốt hơn, đặc biệt là việc giảm được phân bón, thuốc BVTV trong trồng trọt.
“Đây là cách tiếp cận rất đúng, và cũng không phải là điều gì quá xa xôi, mà bản thân chúng ta cũng có thể tổng kết thành các gói kỹ thuật để đưa vào sản xuất, kết hợp với việc tổ chức sản xuất của nông dân, hỗ trợ hợp tác xã/tổ chức nông dân để liên kết khép kín trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết, từ Dự án VnSAT, Bộ NN-PTNT cùng với World Bank và các địa phương sẽ cùng nhau tổng kết dự án để mở ra với các đối tác mới, các dự án mới trong giai đoạn tới.
Đánh giá kết quả Dự án VnSAT tại hội nghị tổng kết dự án ngày 14/1/2022, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng các đơn vị thực hiện đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, tìm ra nhiều giải pháp "thuận thiên", thúc đẩy liên kết đa giá trị của chuỗi ngành hàng cho lúa gạo và cà phê, nhất là đã thay đổi thói quen, tập quán sản xuất của nông dân.
Đánh giá cao những tác động của Dự án VnSAT tới sản xuất, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thời gian qua cũng đã chỉ đạo bên cạnh việc đảm bảo các nội dung về đầu tư, xây dựng công trình của dự án, các địa phương cần phải tiếp tục duy trì thực hiện các hoạt động mang tính chất “mềm”, không ngơi chỉ đạo nhân rộng các giải pháp kỹ thuật để lan tỏa ra sản xuất, ví dụ các quy trình kỹ thuật trong canh tác lúa như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm". Bởi hiện nay, giá phân bón tăng cao, các tiến bộ kỹ thuật mà Dự án VnSAT chuyển giao sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất lúa gạo, nâng cao lợi nhuận cho người dân. Vì vậy thời gian tới, Ban Quản lý Dự án VnSAT cũng như các địa phương cần tiếp tục đánh giá kết quả trong thực tế sản xuất của dự án để nhân rộng.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT