Thành công lớn nhất của Dự án VnSAT là thay đổi nhận thức, hành vi, tập quán sản xuất của nông dân, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính..., góp phần quan trọng vào phát triển ngành hàng lúa gạo và cà phê bền vững, nâng tầm nông nghiệp Việt Nam và là bài học quý cho nền nông nghiệp của thế giới.
Theo Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), Dự án VnSAT (Dự án) được triển khai từ năm 2015, kết thúc vào tháng 6/2022, bao gồm 4 hợp phần: Tăng cường năng lực, thể chế, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp (hợp phần A); hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững (hợp phần B); hỗ trợ sản xuất và tái canh cà phê bền vững (hợp phần C); quản lý dự án (hợp phần tín dụng). Trong đó, có hơn 100 tiểu hợp phần đầu tư ở nhiều hạng mục.
Ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: Bên cạnh những thuận lợi, Dự án VnSAT cũng phải đối diện với nhiều khó trong quá trình triển khai như một số thay đổi về chính sách đã làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện.
Bên cạnh đó, đây là một dự án có tính toàn diện, bao trùm, phức tạp, với sự tham gia, kết hợp của nhiều ngành, lĩnh vực... Điều này đòi hỏi năng lực quản lý rất cao từ các tỉnh, trong khi năng lực của Ban Quản lý Dự án ở các tỉnh Tây Nguyên và ĐBSCL thời gian đầu còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, cố gắng, hết mình vì công việc, các đơn vị liên quan trong Dự án đã nhanh chóng khắc phục khó khăn, có những bước chạy đà đột phá, để cán đích một cách đầy ấn tượng.
Đến nay, mặc dù chưa đi hết chặng đường cuối cùng nhưng hiệu quả, tác động tích cực mà Dự án mang lại đã thể hiện rất rõ nét trong từng vùng đất, lĩnh vực mà Dự án đặt chân tới.
Chỉ trong vòng 7 năm, bằng sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đơn vị liên quan, nhất là Bộ NN-PTNT, các Ban Quản lý Dự án từ Trung ương đến địa phương, các chỉ số khung kết quả của Dự án đều đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra, cụ thể:
Đối với hợp phần A, kết quả đánh giá cập nhật cho thấy, tất cả 4/4 đơn vị tại Bộ NN-PTNT và 10/10 tỉnh được chọn đều có chất lượng dịch vụ công được cải thiện so với đánh giá lần đầu (2016 - 2017). Bên cạnh đó, Dự án đã giúp xây dựng được 3 khung chi tiêu công trung hạn (MTEF) cho chi thường xuyên và chi đầu tư (mục tiêu cuối kỳ là 3 MTEF); triển khai thực hiện được 7 đề án tái cơ cấu ngành (mục tiêu cuối kỳ là 3 đề án); giảm chênh lệch giữa thực chi và kế hoạch ngân sách năm 2021 là 30,6% (mục tiêu đặt ra là 20%).
Đối với hợp phần B, đã thực hành canh tác lúa gạo bền vững theo quy trình “3 giảm 3 tăng” (3G3T) hơn 184.600 ha, đạt 123% (mục tiêu 150.000 ha) và theo quy trình “1 phải 5 giảm” (1P5G) hơn 121.500 ha, đạt 162 % (mục tiêu 75.000 ha).
Lợi nhuận của nông dân trồng lúa tham gia Dự án cao hơn ngoài Dự án 31,6%, so với trước Dự án tăng 34,2% nhờ áp dụng các biện pháp canh tác bền vững và liên kết bao tiêu với các doanh nghiệp (mục tiêu cuối kỳ là 20%).
Diện tích lúa có hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp vụ đông xuân 2020 - 2021 hơn 74.200 ha, đạt 148% (mục tiêu cuối kỳ là 50.000 ha). Tổng số 91 tiểu dự án hỗ trợ tổ chức nông dân, hợp tác xã (HTX) về trang thiết bị, hạ tầng thiết yếu đã hoàn thành và từng bước phát huy hiệu quả đầu tư.
Đối với 86 tiểu dự án đầu tư công giai đoạn gia hạn (chia làm 87 gói thầu), đã hoàn thành việc trao 87 gói thầu từ cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Hiện tại, các tỉnh đang đẩy nhanh hoàn thành nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng.
Đối với hợp phần C, thực hành canh tác cà phê theo quy trình sản xuất cà phê bền vững hơn 52.100 ha, đạt 130% (mục tiêu cuối kỳ 40.000 ha); tái canh cà phê bền vững hơn 18.200 ha, đạt 183% (mục tiêu cuối kỳ 10.000 ha). Mức tăng lợi nhuận cho nông dân là 22,4% (mục tiêu cuối kỳ là 20%), mức tăng lợi nhuận so với trước dự án đạt 25,4%.
Tổng số 42 tiểu dự án hỗ trợ tổ chức nông dân, HTX về trang thiết bị, hạ tầng thiết yếu đã hoàn thành và từng bước phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với 29 tiểu dự án đầu tư công giai đoạn gia hạn (chia làm 32 gói thầu), đã hoàn thành việc trao 32 gói thầu từ cuối năm 2021. Hiện các tỉnh đang đẩy nhanh hoàn thành nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng.
Đối với hợp phần tín dụng, đã hoàn thành giải ngân 100% vốn tín dụng được phân bổ là 105 triệu USD (tương đương 2.413,56 tỷ đồng). Riêng hợp phần C, có 5.507 khoản vay của nông dân trồng và chăm sóc cà phê tái canh tại 5 tỉnh Tây Nguyên với tổng diện tích 11.870 ha. Dự kiến đến 30/6/2022, tỷ lệ giải ngân toàn dự án đạt 85,2% so với kế hoạch vốn tổng thể điều chỉnh (Quyết định số 2470/QĐ-BNN-HTQT ngày 30/6/2020).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: Thành công của Dự án VnSAT nằm ở việc ngay từ khi bắt đầu Dự án, đã xây dựng, thiết kế đúng và trúng hướng đi. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu mà ngành lúa gạo và cà phê đã đạt được, nội dung các hợp phần của Dự án đều được triển khai chính xác, sát thực tế, xây dựng khoa học theo các cấp độ từ thấp lên cao.
“Tôi đánh giá cao nhất ở các địa phương là sự nhiệt tình và làm việc hết mình của Ban Quản lý Dự án trong việc triển khai các nội dung, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Nếu không có sự tâm huyết đó, sẽ khó có thể vượt qua những khó khăn khi thực hiện Dự án”, ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB nói.
Qua gần 7 năm thực hiện, Dự án VnSAT đã làm thay đổi hành vi và phương thức sản xuất lúa gạo bền vững ở quy mô lớn. Thông qua việc đào tạo, tập huấn quy trình canh tác lúa tiên tiến ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã giúp nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điểm khác biệt của Dự án là đưa ra những tiêu chí cụ thể về canh tác bền vững, phổ biến, tuyên truyền cho người dân nắm rõ tiêu chí để họ tự đánh giá, tự điều chỉnh.
Bên cạnh đó, các tỉnh đều thuê đơn vị tư vấn độc lập cùng với hệ thống giám sát của Dự án đánh giá mức độ áp dụng sau khi được đào tạo. Chính vì vậy, diện tích áp dụng canh tác bền vững ngày càng tăng, vượt mục tiêu Dự án và giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo thống kê, nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật được đào tạo, lợi nhuận gia tăng trên mỗi ha của hộ tham gia Dự án ở vụ đông xuân 2021 - 2022 cao hơn trước khi tham gia Dự án 7 triệu đồng/ha. Nếu tính suy rộng cho 175.000 ha lúa áp dụng đúng quy trình của Dự án, lợi nhuận gia tăng là 1.330 tỷ đồng.
Đối với việc giảm các yếu tố đầu vào, về giảm giống: 83% số hộ áp dụng đúng việc sử dụng dưới 100 kg/ha (giảm 30 - 40% so với canh tác truyền thống trước đây), tương đương khoảng 0,7 triệu đồng/ha/vụ (giảm từ 2,2 triệu/ha về 1,5 triệu/ha/vụ). So với trước Dự án, lượng giống gieo sạ đã giảm 20 - 30 kg/ha.
Bên cạnh đó, các giống lúa chất lượng cao đã được sử dụng thay thế giống lúa có chất lượng trung bình và thấp ở tất cả các vùng Dự án (trước Dự án sử dụng giống lúa chất lượng khoảng 30 - 40, đến nay khoảng 80 - 90%).
Về giảm phân bón, có 93% nông dân đã áp dụng đúng chỉ tiêu này, chi phí cho phân bón giảm bình quân 35%, tương đương giảm 1,9 triệu đồng/ha/vụ (từ 5,5 triệu/ha về 3,6 triệu/ha).
Về giảm thuốc trừ sâu, có 97% nông dân đã áp dụng đúng chỉ tiêu này, chi phí cho thuốc BVTV giảm bình quân 48%, tương đương giảm 2,4 triệu đồng/ha/vụ (từ 5,1 triệu/ha xuống còn 2,6 triệu/ha).
Về giảm nước tưới, 99% nông dân được đánh giá đã áp dụng đúng kỹ thuật về tưới nước theo ngập - khô xen kẽ, việc áp dụng đúng kỹ thuật tưới nước đã gián tiếp làm giảm phát thải khí nhà kính.
Về năng suất, nhờ áp dụng các giống mới chất lượng cao, giống đặc sản, năng suất lúa bình quân của các hộ tham gia Dự án đạt được ở vụ đông xuân 2021 - 2022 khoảng 7,5 - 7,8 tấn/ha. Giá trị gia tăng mang lại khoảng 5%, tương đương 2,2 triệu/ha/vụ.
Việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững trong Dự án còn mang lại hiệu quả về môi trường. Sử dụng mô hình tính toán khí phát thải nhà kính, ước tính mỗi năm việc áp dụng đúng quy trình canh tác trong vùng Dự án đã giúp giảm tới 1,49 triệu tấn CO2/năm.
Ông Cao Văn Hoá, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang chia sẻ: Đến cuối năm 2021, theo điều tra của Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang, số lượng người hưởng lợi từ Dự án là hơn 108.800 người. Diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững hơn 17.800 ha. Tăng lợi nhuận/ha đất sản xuất của nông dân là 36,4% (mục tiêu 30%), giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa hơn 121.200 tấn (đạt 114%).
Cũng theo ông Hóa, Ban Quản lý Dự án VnSAT Tiền Giang đã phối hợp với các địa phương đề xuất danh mục công trình hạ tầng đầu tư tại các HTX và đã đạt tiêu chí đào tạo cũng như thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định của WB và Chính phủ Việt Nam.
Đến nay, Tiền Giang có 20 tiểu dự án với nhiều công trình đã và đang được đầu tư như: Nâng cấp 27 con đường giao thông nông thôn láng nhựa, trải bê tông có tổng chiều dài gần 74 km; 36 cây cầu giao thông; 30 cống điều tiết, cống kết hợp trạm bơm; 7 nhà kho tạm trữ; 1 lò sấy tháp...
Nhờ áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật được đào tạo, lợi nhuận gia tăng trên mỗi ha của hộ nông dân trồng cà phê tham gia Dự án ở Tây Nguyên niên vụ 2021 cao hơn trước khi tham gia là 21,7% (tương đương 10,9 triệu đồng/ha); cao hơn hộ không tham gia dự án là 19,1% (tương đương 9,7 triệu đồng/ha). Nếu tính suy rộng cho hơn 49.000 ha cà phê áp dụng đúng quy trình của Dự án, lợi nhuận gia tăng mỗi vụ là 476 tỷ đồng.
Về giảm vật tư đầu vào, lượng phân bón giảm 1,56 triệu đồng/ha, thuốc BVTV giảm 1,6 triệu đồng/ha, công lao động giảm 1,65 triệu đồng/ha, năng suất và chất lượng tăng tương đương 4,6 triệu đồng/ha.
Về sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm thích ứng với biến đổi khí hậu, Dự án VnSAT đã hỗ trợ người dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt và phun mưa tại gốc). Những tiến bộ này ngày càng phổ biến và lan tỏa trong vùng Dự án, giúp giảm lượng nước tưới, chi phí nhân công, phân bón...
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết: Dự án VnSAT đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp Lâm Đồng. Trong đó, Dự án đã góp phần cùng với các chương trình dự án của tỉnh tái canh, cải tạo giống cà phê, giúp ngành hàng cà phê của tỉnh phát triển bền vững.
Đến nay, toàn tỉnh đã cải tạo, tái canh được gần 70.000/174.000 ha cà phê, đưa năng suất cà phê của tỉnh lên 3,2 tấn/ha, chất lượng cà phê được nâng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà kho, sân phơi… giúp các vùng sản xuất cà phê của tỉnh giải được nhiều bài toán mà suốt thời gian qua đang phải loay hoay tìm hướng giải quyết…
Ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB chia sẻ: Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với rất nhiều khó khăn do giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ cạnh tranh càng ngày gay gắt..., Dự án VnSAT như “một làn gió mới” giúp nông dân ở các vùng triển khai đi đúng hướng, tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính...
Theo ông Bình, trên thế giới, hiếm có ngành hàng nào có thể thay đổi nhanh chóng trong vòng 5 - 10 năm, những ngành như lúa gạo, cà phê thậm chí còn phải cần tới vài chục năm. Tuy nhiên, khi Dự án VnSAT đặt chân đến Việt Nam, chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, chất lượng lúa gạo của ĐBSCL đã “lột xác” hoàn toàn, trên 90% gạo xuất khẩu là gạo chất lượng cao (trước đây 70 - 80% là gạo chất lượng thấp.
Ông Bình cũng đánh giá đến hiện tại, thành công của Dự án VnSAT đã vượt xa so với mong đợi ban đầu. Trong đó, thành công lớn nhất là thay đổi được thói quen, hành vi sản xuất của nông dân. Điều này cao hơn tất cả những con số, chỉ số thống kê được.
“Để thay đổi hành vi của nông dân không phải là việc dễ dàng, nếu làm theo cách cũ phải qua nhiều thế kỷ chứ không thể tính bằng năm. Bởi lẽ, để thay đổi được hành vi, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thêm kiến thức mà phải có thêm những động cơ. Nếu không đến với người dân bằng sự tâm huyết, giúp đỡ họ thực sự mà chỉ làm công tác khuyến nông theo kiểu thông thường thì chắc chắn sẽ không thể thành công. Tuy nhiên, Dự án VnSAT đã làm được, thậm chí là làm tốt hơn so với mong đợi”, ông Cao Thăng Bình chia sẻ.
Để có được thành quả này, ông Bình đánh giá rất cao vai trò của truyền thông, đặc biệt là Báo Nông nghiệp Việt Nam đã luôn đồng hành, sát cánh cùng Dự án trong việc lan tỏa những kiến thức, lợi ích mà Dự án VnSAT mang lại và đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong thành công của Dự án.
Báo Nông nghiệp Việt Nam được Bộ NN-PTNT giao là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật của Dự án VnSAT, đã thực hiện nhiệm vụ truyền thông cho Dự án VnSAT trong 3 năm 2020 – 2022. Theo đó, Báo đã thực hiện hàng trăm bài viết, bài phát thanh, bản tin - phóng sự truyền hình, diễn đàn – tọa đàm… Công tác tuyên truyền về Dự án VnSAT trên các ấn phẩm của Báo Nông nghiệp Việt Nam được Bộ NN-PTNT, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân… đánh giá rất cao, góp phần quan trọng vào thực hiện đạt và vượt các mục tiêu của Dự án VnSAT.
Ông Bình lý giải, khi những điều bổ ích, tốt đẹp chúng ta chia sẻ, thông tin một lần người dân có thể còn nghi ngờ, nhưng khi chia sẻ, thông tin nhiều lần chắc chắn người dân sẽ hình thành niềm tin, thậm chí chưa tin ngay cũng sẽ tò mò muốn làm thử. Bên cạnh đó, nhờ truyền thông, người dân sẽ học được những kiến thức từ các mô hình trình diễn, từ những hộ kế bên đã có kết quả. Từ đó, niềm tin vào Dự án sẽ ngày càng lớn, khi niềm tin đã đủ lớn thì việc nhân rộng sẽ rất nhanh.
“Trong 10 năm tới, nếu làm tốt công tác truyền thông và có những chủ trương chính sách phù hợp thì khả năng bao phủ của Dự án không chỉ dừng ở 1/10 ĐBSCL mà sẽ bao phủ toàn bộ khu vực này, tiến tới phủ khắp cả nước đối với ngành lúa gạo và cà phê”, ông Cao Thăng Bình đánh giá.
Theo ông Cao Thăng Bình, những kết quả, bài học kinh nghiệm thu được từ Dự án VnSAT không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà WB sẽ chia sẻ những thành quả này với các quốc gia khác trên thế giới. Các nước sẽ lấy Việt Nam làm mô hình mẫu để noi theo trong quá trình thực hiện.
Riêng ở Việt Nam, WB sẽ tiếp tục thảo luận với Chính phủ, nhất là Bộ NN-PTNT trong việc tiếp tục nhân rộng và phát huy hơn nữa hiệu quả của Dự án VnSAT. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh việc giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị cấp cao COP26 là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh đó, nếu những thành quả của Dự án được tiếp tục phát huy, sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao vị thế ngành nông nghiệp Việt Nam trên thế giới.
Ngoài ra, trên cơ sở những thành công của hai ngành hàng lúa gạo và cà phê, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng ra những ngành hàng khác. Có thể kể đến là lĩnh vực thủy sản vì vấn đề ô nhiễm môi trường, dư lượng trên sản phẩm thủy sản vẫn xảy ra nhiều, nếu thay đổi được thì giá trị ngành hàng này hứa hẹn sẽ có những bước đột phá.
“Phía trước còn dài, còn nhiều thách thức lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để chứng minh các sản phẩm nông sản của Việt Nam an toàn và không gây nhiều chỉ dấu về môi trường. Ngoài ra, khi đông đảo người dân phát triển sản xuất theo hướng xanh, an toàn, giảm phát thải khí nhà kính theo mô hình VnSAT và nâng cao thêm một bước thì Việt Nam hoàn toàn có thể kết nối với các thị trường buôn bán carbon để bán các tín chỉ carbon. Từ đó, sẽ giúp người dân gia tăng thu nhập, lợi nhuận. Không những vậy, việc tìm được hướng phát triển phù hợp cho người dân thì tiến tới sẽ không cần phải thực hiện việc giám sát sản xuất mà bản thân mỗi người dân sẽ tự ý thức, thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định.
Một thông tin đáng mừng khác là xuất phát từ thành công của Dự án VnSAT thực hiện ở ĐBSCL và Tây Nguyên cũng như yêu cầu mới của Việt Nam và WB, ngày 31/3/2022, WB đã cùng với Bộ NN-PTNT thảo luận nội dung và cách thức xây dựng “Dự án Phát triển nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh” với ý tưởng “Việt Nam đề xuất chương trình giảm 9 triệu tấn khí thải nhà kính trong ngành nông nghiệp”.
Nghiên cứu về sử dụng đất nông nghiệp và sinh kế bền vững ở ĐBSCL cho thấy, có thể giảm 12 - 23 tấn CO2e bằng cách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) và thực hành nông nghiệp tốt (GAP); thay thế đất lúa kém hiệu quả bằng các hệ thống canh tác thông minh thích ứng với khí hậu, giảm thất thoát sau thu hoạch và quản lý rơm rạ tốt hơn.
Theo Ông Cao Thăng Bình, nếu áp dụng biện pháp “1P5G” trên 600.000 ha (70% diện tích lúa còn lại trong vùng chính) ở ĐBSCL sẽ giảm khoảng 3,2 triệu tấn CO2e mỗi năm. Chuyển đổi 530.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả ở ĐBSCL sang các hệ thống canh tác carbon thấp có lượng phát thải bằng một nửa, có thể giảm được khoảng 2,6 triệu tấn CO2e mỗi năm.
Nếu tái chế 70% trong số 5 triệu tấn rơm khô ở ĐBSCL để sử dụng thay thế với ít phát thải khí nhà kính hơn (khoảng 50%) so với đốt, sẽ giảm được 2,6 triệu tấn CO2e mỗi năm. Giảm tổn thất thu hoạch, sau thu hoạch từ 13% xuống 7%, sẽ giảm khoảng 0,8 triệu tấn CO2e mỗi năm...
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, hiện nay, Việt Nam cam kết mạnh mẽ và đi tiên phong trong việc giảm phát thải. Do đó, trong thời gian tới, quan điểm của Bộ NN-PTNT là tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả mà Dự án VnSAT đã đạt được. Các cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục bám sát, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương những vấn đề còn thiếu kinh nghiệm.
Thứ Trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các địa phương, ngoài việc giữ vững những thành quả đã có, cần chủ động phát triển, nhân rộng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như "3G3T", "1P5G"... để lan tỏa hiệu quả của Dự án. Điều này vô cùng cần thiết trong bối cảnh vật tư đầu vào sản xuất đang tăng cao như hiện nay. “Những số liệu thống kê được không chỉ dừng lại ở việc đưa vào các báo cáo mà phải phân tích, lý giải, rút bài học kinh nghiệm cho tất cả các đơn vị tham gia, cho từng ngành hàng, từng địa phương”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.
Ngoài ra, các tổ chức nông dân, HTX là đơn vị thụ hưởng phải phát huy hết công năng, hiệu quả của các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được Dự án VnSAT đầu tư. Đây đều là những công trình có giá trị đầu tư lớn, giúp nâng cao năng lực của các HTX, mở rộng dịch vụ phục vụ xã viên, tăng thêm lợi nhuận, lợi tức cho các thành viên tham gia.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT