Du học sinh và hành trình trở về

Thời sinh viên, tôi theo đuổi chuyên ngành Lịch sử Mỹ thuật và tìm hiểu sâu về văn hóa các nước châu Phi. Mục tiêu của tôi là tìm ra phương pháp tiếp cận nghiên cứu nhân học tại Việt Nam. 

Năm 18 tuổi, chân ướt chân ráo bay nửa vòng trái đất tới nơi xa lạ, nhiều người cho rằng đấy là dũng cảm. Nhưng lòng tôi đầy lo âu, chưa biết mình thuộc về nơi nào. Có những lúc tôi cảm thấy lạc lõng giữa hai thế giới: một bên là quê hương Việt Nam đầy yêu thương và gắn bó, một bên là nước Mỹ hiện đại và rộng mở. Mâu thuẫn trong tôi là sự đối nghịch giữa hai khái niệm “người Việt” và “công dân toàn cầu”.

Nhiều khi trằn trọc, tôi tự hỏi liệu mình có thể hòa nhập và đóng góp gì cho cả hai nơi. Sự mâu thuẫn nội tâm và cảm giác mất phương hướng đã khiến tôi nhiều lần rơi vào tình trạng “khủng hoảng nhân sinh” mà nhiều du học sinh cũng trải qua - cảm giác bị mất định vị của bản thân khi là người Việt ở nước ngoài.

Khi Covid-19 bất ngờ xảy ra, tôi trở về Việt Nam và làm việc tại nhiều trung tâm nghệ thuật trong nước. Dù rất yêu thích công việc và đam mê nghệ thuật, tôi cảm thấy lời nói, câu chữ của mình chưa thực sự có sức nặng cho xã hội, hơi xa vời với thực tế vì người Việt Nam chưa đủ kinh tế để có điều kiện hưởng thụ nghệ thuật. Tuy vậy, trải nghiệm một năm về nước do ảnh hưởng đại dịch đã trở thành mỏ neo, giúp tôi quay lại Mỹ và hoàn thiện bằng đại học.

Dần dần tôi nhận ra rằng, “ở nước ngoài” là yếu tố có thể thay đổi, nhưng mình mãi mãi là người Việt Nam. Chính sự định vị từ gốc rễ quê hương đã giúp tôi vượt qua những khủng hoảng nội tâm. Tôi tự tin trở thành đại diện sinh viên ở khoa, tham gia các chương trình học thuật chuyên sâu trong lĩnh vực nhân văn, được trao đổi với các triết gia, nhà sử học, nhà báo có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Đối với cách tiếp cận vấn đề, góc nhìn của du học sinh đem lại lợi thế cho tôi. Tôi cảm thấy bản thân có động lực giải quyết các vấn đề xã hội không kém gì các sinh viên gốc Mỹ. Do đó, tôi và các bạn thường xuyên học hỏi lẫn nhau.

Sang tuổi 20, tôi biết mình muốn đủ trưởng thành, đủ kiến thức để có thể đưa những câu chuyện về nông thôn Việt Nam ra thế giới. Nhờ những trải nghiệm và cảm xúc phong phú, tôi hy vọng có thể góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng và phát triển quê hương, đồng thời kết nối văn hóa và tri thức giữa Việt Nam và thế giới.

Dù đã bước đầu vượt qua được cảm xúc nội tâm, không một ai, không quyển sách nào có thể giúp tôi chuẩn bị tâm lý cho điều bất ngờ nhất: người ông, người nuôi nấng tôi trưởng thành và luôn dõi theo từng bước đi của tôi ở Mỹ, đã qua đời vì tuổi già. Ông tôi mất vào giữa năm học nên tôi không thể trở về. Tôi day dứt, cảm thấy có lỗi vì không thể ở bên chăm sóc ông được ngày nào.

Những ngày tháng ở xa, tôi nhớ ông da diết. Ông từng gọi tôi mỗi tối thứ 7 để hỏi han chuyện học hành. Tôi nghĩ về hình ảnh ông lúc cuối đời. Ông chỉ nhìn cháu gái qua màn hình điện thoại, nước mắt trào ra, im lặng không nói một câu.

Những kỷ niệm bên ông luôn hiện hữu, khiến tôi không thể nào nguôi ngoai. Ông đã dạy tôi biết bao điều quý báu về cuộc sống, về tình yêu quê hương và giá trị của gia đình. Những bài học ấy mãi mãi là hành trang quý giá, giúp tôi vững bước trên con đường đời.

Vì thế, tôi quyết định bỏ qua cơ hội làm việc ở Mỹ để trở về Việt Nam, với lý do chính là muốn được ở gần người thân. Tôi nhận ra, dù có những cơ hội và trải nghiệm tuyệt vời ở xứ sở cờ hoa, nhưng trái tim tôi vẫn luôn thuộc về gia đình và những người tôi yêu thương.

Trước khi tốt nghiệp đại học, tôi dành trọn vẹn một mùa hè tham dự triển lãm documenta ở thành phố Kassel, nước Đức - nơi được coi là “cái nôi” của nghệ thuật đương đại. Tại đây, lần đầu tiên tôi được biết đến sự giao thoa giữa nghệ thuật và nông nghiệp thông qua khái niệm “lumbung” (nghĩa là kho chứa gạo), do các nhà tổ chức triển lãm người Indonesia đề xuất.

Trong văn hóa Indonesia, lumbung không đơn thuần là nơi cất trữ lương thực. Một phần của hệ thống tri thức, lumbung là nơi diễn ra các nghi lễ hàng ngày và lễ hội của ngôi làng. Nói cách khác, lumbung là thực thể văn hóa không thể tách rời của nông thôn. 

Đối với một số cộng đồng, lumbung là nơi thờ cúng nữ thần lúa gạo. Ở Bali, nông dân thu hoạch lúa cực kỳ cẩn thận để đảm bảo không hạt nào rơi xuống mặt đất hay bị trộn lẫn với các loại ngũ cốc khác. Nông dân Indonesia tin rằng, vì linh hồn lumbung của nữ thần lúa gạo đã giáng xuống trái đất và thấm vào những hạt lúa, nên họ phải cẩn thận lưu trữ, bảo quản gạo, kẻo sẽ gặp phải cơn thịnh nộ của nữ thần. Kiến trúc lumbung trường tồn qua thời gian, dần trở thành biểu tượng của kết nối giữa con người Indonesia và trời đất. 

Do tài nguyên và lương thực đều hữu hạn, những ngôi làng Indonesia phải tổ chức, duy trì và quản lý hiệu quả nguồn thực phẩm. Lumbung trở nên quan trọng về mặt kinh tế, đặc biệt có ý nghĩa về an ninh lương thực. Theo đó, ở triển lãm quốc tế documenta, với chủ đề chính là ý nghĩa cộng đồng trong hình ảnh kho chứa gạo, các nhà hoạt động xã hội Indonesia kêu gọi thế giới cùng hợp tác, chia sẻ nguồn lực, vì sự phát triển bền vững.

Năm 2022 ở documenta, châu Âu biến thành một ngôi làng. Hơn 1.500 nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới hội tụ tại Đức để trao đổi ý tưởng, chia sẻ thời gian và tài nguyên, cũng như tạo ra không gian chung của hệ sinh thái nghệ thuật. Tại đây, tôi không chỉ được tiếp cận với sáng tạo nghệ thuật mà còn được truyền cảm hứng về sự gắn kết giữa nghệ thuật và đời sống, giữa con người và thiên nhiên.

Những ngày tháng ở Kassel đã giúp tôi mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về nghệ thuật đương đại, đồng thời khơi dậy trong tôi ý tưởng về việc áp dụng những giá trị văn hóa truyền thống vào các dự án xã hội tại Việt Nam. Tôi học được nhiều phương tiện vừa biểu đạt cái đẹp, vừa là một công cụ để truyền tải thông điệp xã hội, nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự thay đổi.

Rời khỏi thành phố Kassel, tôi mang theo những tri thức về lumbung, tìm thấy nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa lumbung của Indonesia và những giá trị truyền thống của người Việt Nam. Tôi bắt đầu khám phá và nghiên cứu sâu hơn về các phong tục, tập quán và hệ thống tri thức nông thôn Việt Nam. 

Du học là hành trình đầy mới mẻ, mở ra cho tôi những chân trời tri thức và văn hóa phong phú. Bốn năm du học tại Mỹ đã đem lại cho tôi vô vàn trải nghiệm quý báu, khi được tiếp cận với các môn học về lịch sử và văn hóa thế giới. Tuy nhiên, tôi thực sự cảm thấy giá trị xã hội của bản thân khi bắt đầu làm việc tại Báo Nông nghiệp Việt Nam, được đi nhiều nơi và nhìn nhận cuộc sống qua lăng kính của riêng mình.

Chuyến công tác đầu tiên, tôi đi ĐBSCL, nơi nông nghiệp phát triển bậc nhất cả nước nhưng cũng chịu nhiều thiên tai, hạn hán. Tôi gặp gỡ những người nông dân kiên cường, luôn nỗ lực bám trụ với mảnh đất quê hương dù điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Mỗi câu chuyện mà họ kể, mỗi nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt cháy nắng đã truyền cho tôi nguồn cảm hứng làm việc. Họ là những người hùng thầm lặng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của đất nước.

Một hôm sau buổi làm việc, tôi rong ruổi ven bờ sông chảy qua thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ngắm nhìn hoàng hôn miền Tây, tận hưởng làn gió thoảng của buổi chiều mát mẻ, tôi bắt gặp hình ảnh mình không bao giờ quên. Trong ngôi nhà nhỏ, một cụ bà già yếu ngồi trên xe lăn. Một tay thõng xuống, tay còn lại bà ôm mặt. Ngôi nhà rộng rãi nhưng không có nhiều đồ đạc, sau lưng bà là chiếc bàn thờ gia đình tỏa hương khói.

Tôi nghĩ mãi về ngày hôm ấy. Sự khác biệt lớn nhất mà tôi nhận ra giữa cuộc sống ở Mỹ và Việt Nam chính là lòng trắc ẩn. Ở Mỹ, nhìn thấy người vô gia cư tôi không cảm thấy gì, nhưng khi trở về Việt Nam, chứng kiến cuộc sống bà con khó khăn khiến lòng tôi cồn cào. Đây là đồng bào. Tôi nhận ra đặc quyền của bản thân và hiểu mình cần làm gì để khuyến khích xã hội quan tâm đến việc xóa đói giảm nghèo.

Công việc tại Báo giúp tôi nhận ra rằng, giá trị của mình không chỉ nằm ở những bài viết, mà còn ở những hành động cụ thể, góp phần cải thiện cuộc sống của họ. Tôi tích cực tham gia các dự án cộng đồng, giúp kết nối các tổ chức phi chính phủ với người dân địa phương, mang lại những hỗ trợ thiết thực.

Đồng thời, tôi tham gia và chia sẻ các hoạt động xây dựng hệ thống nước sạch, cải thiện điều kiện sống, dự án hỗ trợ nông dân canh tác an toàn… ở những buổi sinh hoạt cộng đồng do thanh niên Hà Nội tổ chức. 

Những ngày tháng rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước đã cho tôi một góc nhìn sâu sắc hơn về quê hương. Tôi được chứng kiến sự thay đổi và phát triển, nhưng cũng thấy rõ những khó khăn và thách thức còn tồn tại. Những trải nghiệm đó càng làm tôi thêm trân quý giá trị của công việc mình đang làm, và thôi thúc tôi cố gắng hơn nữa.

Tôi lưu luyến những câu chuyện của ĐBSCL và tiếp tục quay lại, có lúc để tìm cảm hứng, lúc thì ghi nhận cuộc sống của bà con. Tôi viết về những nỗ lực và khát vọng của người nông dân, về những khó khăn mà họ phải đối mặt, về những giải pháp để cải thiện tình hình. Thông qua nền tảng của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tôi hy vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sự quan tâm và hành động từ xã hội. 

Khi ngòi bút cứng cỏi hơn, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà tôi tự đặt ra cho mình là mang những giá trị văn hóa, tri thức bản địa của Việt Nam giới thiệu ra thế giới. Tôi bắt đầu dịch các bài báo tiếng Anh, gửi cho bạn bè quốc tế để chia sẻ những câu chuyện về văn hóa, con người và phong cảnh Việt Nam. Tôi còn vinh dự được Báo cử tham gia các hội thảo, diễn đàn quốc tế, nhằm góp phần thúc đẩy trao đổi kiến thức nông nghiệp giữa các nước.

Những hội thảo quốc tế đó đã mở ra cho tôi cơ hội gặp gỡ và học hỏi các chuyên gia nông nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Vừa ghi chép những sáng kiến và những phương pháp tốt nhất để phát triển nông nghiệp bền vững, tôi cũng hiểu thêm một số thách thức của ngành nông nghiệp toàn cầu.

Tôi không còn thấy mâu thuẫn “tính Việt Nam” và “tính toàn cầu” nữa. Thay vào đó, hai yếu tố này bổ trợ cho nhau, tạo nên tiếng nói độc đáo và góc nhìn độc lập. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống không hề mâu thuẫn với việc tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ nước ngoài. Trái lại, sự hòa quyện này làm tâm hồn tôi thêm phong phú. 

Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất là lần tôi hỗ trợ đoàn 91 nhà khoa học quốc tế đến tham dự Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 và học hỏi kinh nghiệm phát triển của Việt Nam. Phần lớn các nhà khoa học đang công tác ở châu Phi. Tôi kể cho họ về vẻ đẹp của văn hóa lúa nước Việt Nam và chia sẻ định hướng của Bộ NN-PTNT về sản xuất lúa gạo trong Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.

Đáp lại, các nhà khoa học cởi mở chia sẻ với tôi rằng, ở quê hương của họ, nông dân trồng lúa nước trời và thiếu hệ thống thủy lợi, nên rủi ro cao, kém hiệu quả, năng suất thấp. Khi biết vùng ĐBSCL có thể trồng ba vụ lúa mỗi năm, họ không khỏi bất ngờ. Khi quay lại các viện nghiên cứu ở châu Phi, họ chia sẻ với đồng nghiệp về trải nghiệm thực tế tại ĐBSCL. Qua đó, giới khoa học quốc tế nhìn nhận tính hiệu quả của ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, cũng như những tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong tương lai.

Những thành công bước đầu đã khích lệ tôi tiếp tục theo đuổi con đường làm nông nghiệp. Tôi viết nhiều hơn về những mô hình sản xuất bền vững, về những câu chuyện thành công của người nông dân Việt Nam. Mỗi bài viết là niềm tự hào về quê hương, là khát khao đưa hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới.

Qua những trải nghiệm ban đầu, có phần còn ngây thơ và rụt rè, tôi nhận ra hành trình của mình mới bắt đầu. Trên con đường đó, tôi sẽ tiếp tục viết, tiếp tục chia sẻ và kết nối. Tôi sẽ mang những câu chuyện, những giá trị văn hóa và tri thức của Việt Nam ra thế giới, để mỗi người bạn quốc tế đều có thể hiểu và yêu mến đất nước chúng ta như tôi đã và đang làm. Tôi tin rằng, sự kết nối giữa “tính Việt Nam” và “tính toàn cầu” sẽ mở ra những chân trời mới, mang lại nhiều cơ hội và thành công cho tất cả chúng ta.

Quỳnh Chi
Tiến Thành