'Ga chim quốc tế' Xuân Thủy - nơi đàn chim trở về

 

 

Tháng 3, khi những bông gạo đang đỏ rực, nổi bật như đốm lửa trên nền trời xám xịt của vùng duyên hải Bắc bộ cũng là lúc vào giai đoạn cuối mùa chim về tránh rét ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy.

Mỗi mùa chim về vườn thường kéo từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Đó cũng là lúc phương Bắc đang chìm trong giá rét nhưng ở phía vỹ tuyến thấp thời tiết lại ấm áp, thức ăn thì phong phú. Với diện tích hơn 15.000ha, Xuân Thủy hiện là nơi trú ngụ cho 222 loài chim, chủ yếu là chim nước và hơn 100 trong số đó là những loài di cư.

Với đặc điểm là các vùng đầm lầy, đất ngập nước gần cửa biển, Vườn Quốc gia Xuân Thủy nổi bật với những đầm, bãi bị chia cắt bởi những vạt cây sú, cây vẹt, tạo thành những mảng xanh, xám xen kẽ với nhau. Đây chính là nơi được gọi là "sân chim", nơi hàng vạn con chim vẫn về trú ngụ mỗi mùa đông.

Đứng giữa sân chim, Lê Tiến Dũng ghé mắt vào chiếc ống nhòm tiêu cự siêu xa mà anh vẫn gọi là “tê lê cốp” (telescope) để theo dõi đàn cò mỏ thìa quý hiếm vừa liệng từ trên trời xuống mặt đầm đã cạn trơ đáy.

Gắn bó với vườn từ những ngày đầu mới thành lập năm 2003, luân chuyển từ cán bộ kiểm lâm sang chuyên môn về bảo tồn, hiện nay anh Dũng đang là nhân viên Phòng Bảo tồn Tài nguyên và Môi trường của vườn. Anh có một tình yêu đặc biệt là sự hiểu biết rất sâu về những loài chim ở đây.

"Giờ đã là cuối mùa nhưng cam đoan với các anh, cứ đi theo tôi ra sân chim thì sẽ gặp. Tôi sẽ không để các anh phải ra về tay trắng", trước đó khoảng 20 phút, tại trụ sở Ban Quản lý, anh Dũng đã quả quyết như vậy với đoàn công tác về vườn tìm hiểu, ghi tư liệu về bảo tồn chim di cư.

Đặt chiếc ống nhòm cố định giữa dóng xe, cán bộ bảo tồn này nổ máy, chở thêm một vị khách trong đoàn công tác phía sau, hướng thẳng ra biển, nơi có hàng vạn con chim đang kiếm ăn.

Qua lời kể của anh, sở dĩ Xuân Thủy là nơi đàn chim lựa chọn làm điểm dừng chân trong chuyến di cư về phương nam là vì có môi trường trong lành và đặc biệt là nguồn thức ăn rất phong phú.

“Hệ động vật nước lợ, đầm lầy ở đây rất đặc biệt và là nguồn thức ăn đa dạng cho các loài chim di cư. Ngoài ra, mùa đông cũng là thời điểm các đầm nuôi thủy sản của người dân trong khu vực được tháo cạn, thức ăn lại được bổ sung thêm một lần nữa, nên chim rất thích”, anh Dũng vừa lái xe vừa phổ biến thêm kiến thức về Xuân Thủy.

Ở sân chim này, khi có đầm nào cạn là đàn chim dồn về đó, chúng đi cùng nhau rồi cùng nhau kiếm ăn. Loài này sục nước thì loài kia bắt tôm, bắt cá, cộng sinh với nhau chứ hiếm khi thấy tranh giành, đánh nhau vì thức ăn.

Vừa băng qua những rặng sú, bần, anh Dũng phanh vội chiếc xe rồi tắt máy gần như ngay lập tức nhưng đàn chim rất nhạy, hàng trăm con xáo xác vọt khỏi mặt đất, trắng cả một vùng rừng ngập mặn xanh mướt.

 

 

Từ đoạn cuối đê sông Hồng, gần cửa Ba Lạt rẽ xuống, qua khỏi rặng phi lao là trụ sở của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Trên cổng của trụ sở là biểu tượng của vườn với một con cò mỏ thìa thân đỏ đầu đen nổi bật.

Cụ thể, cò mỏ thìa (Platalea minor) là loài chim đặc hữu cho khu vực Đông Á đang được xếp hạng Nguy cấp (EN) trong Danh lục đỏ của IUCN cũng như Sách đỏ Việt Nam.

Theo ông Phạm Vũ Ánh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy, cò mỏ thìa là loài chim đặc trưng của vùng đất ngập nước. Đặc biệt, ở Xuân Thủy loài chim quý hiếm này được xem như một chỉ thị cho độ đa dạng sinh học, thành quả bảo tồn sinh thái của vườn.

“Nếu môi trường không sạch, thức ăn không dồi dào, sinh thái không đa dạng thì cò mỏ thìa sẽ không bao giờ lựa chọn làm nơi dừng chân. Do đó chúng chính là một chỉ thị quan trọng về bảo tồn”, ông Phạm Vũ Ánh phân tích thêm.

Cách trụ sở khoảng 1km, giữa sân chim, Lê Tiến Dũng đang nheo mắt, phóng tầm nhìn ra xa để xem hôm nay đám cò mỏ thìa chọn sân nào làm bãi ăn. Trời về cuối buổi chiều, lác đác đã thấy những đàn cò liệng xuống những bụi cây sú, cây vẹt tìm chỗ nghỉ ngơi, chuẩn bị cho giấc ngủ mà cò mỏ thìa thì vẫn chưa thấy đâu.

Những tưởng đoàn công tác đã lỡ hẹn với "linh vật" của vườn thì anh Dũng đột nhiên chỉ tay về phía biển và nói như reo lên: "Cò mỏ thìa kìa, một đàn luôn đấy". Đánh mắt theo hướng tay của người cán bộ vườn quốc gia, trên nền trời xám xịt hiện ra hơn chục con cò mỏ thìa, nối đuôi nhau bay theo hình mũi tên hướng về phía đất liền.

"Loài này có đặc điểm không bao giờ bay lẻ, hiếm lắm mới gặp chúng bay lẻ, còn đa phần sẽ bay theo đoàn", miệng nói nhưng tay của anh đã lắp gần xong chiếc ống nhòm siêu xa, có lẽ chỉ nhìn hướng bay, Dũng đã đoán được bầy chim này sẽ đáp ở sân nào.

Trên trời, những cánh chim vẫn đập rồi liệng đều tăm tắp, toàn thân chúng là lông vũ trắng muốt nhưng chân và mỏ thì đen nhánh. Một đặc điểm nhận dạng rất dễ thấy của Platalea minor là chiếc mỏ xòe ra như cái thìa. Chiếc mỏ đặc biệt này là dụng cụ giúp chúng sục xuống nước, đẩy tôm cá ra khỏi nơi ẩn nấp, trở thành thức ăn cho đàn cò.

Khéo léo hướng chiếc ống nhòm vào giữa 2 rặng đước, anh Dũng hướng dẫn mấy vị khách cách quan sát đàn cò mỏ thìa vừa đáp xuống bãi bùn lầy cách đó phải gần 100m. "Em điều chỉnh bằng núm vặn phía trên khi nào nét thì dừng lại, sẽ thấy đàn cò mỏ thìa rất rõ, chúng đang kiếm ăn nốt", người đàn ông hơn 20 năm gắn bó với Vườn Quốc gia Xuân Thủy khẽ nói.

Quả thật, sau khi vặn tới vặn lui để lấy nét, những con chim nằm trong Sách đỏ Việt Nam hiện ra rõ mồn một, có thể quan sát được từng động tác của chúng, như thể đang ở ngay trước mặt. Chẳng biết từ lúc nào, anh Dũng đã đếm được đàn này có 23 con, phần còn lại có lẽ đang ở đâu đó quanh đây.

Sau hàng chục năm tích lũy kinh nghiệm đếm chim ở Xuân Thủy, anh Dũng nói mùa chim di cư 2023 – 2024 là mùa có số lượng cò mỏ thìa đông nhất ghé vườn, 103 cá thể.

Theo đó, cò mỏ thìa xuất xứ ở Bắc Triều Tiên, Nga, thường bay về đây để tránh lạnh đến hết tháng 4 sau đó di chuyển lên phương Bắc. Ở đâu xuất hiện cò mỏ thìa, ở đấy có nguồn thức ăn dồi dào, phong phú. Như vậy, có thể thấy môi trường ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy ngày càng phù hợp hơn với loài chim quý hiếm này.

Di cư về Việt Nam vào mùa đông, cò mỏ thìa kiếm ăn ở bãi ngập triều ven biển ở các cửa sông. Thức ăn là cá, động vật thủy sinh nhỏ khác. Trên thế giới, loài này xuất hiện tại Nga, Triều Tiên, phía nam Nhật Bản, dọc khu vực biển phía đông Trung Quốc. Số lượng cò mỏ thìa trên toàn cầu hiện chỉ dừng ở khoảng trên 5.000 cá thể.

Ngoài cò mỏ thìa, Vườn Quốc gia Xuân Thủy còn là nơi tập hợp, trú chân của nhiều loài chim nước phổ biến di cư trong mùa đông. Trên con đường di trú vạn dặm, nhiều loài chim, cò đã chọn nơi đây làm nơi dừng chân kiếm ăn, tích lũy năng lượng chờ những mùa sinh trưởng sau.

 

 

Vườn Quốc gia Xuân Thủy là vùng đất ngập nước có khu hệ chim khá phong phú. Qua điều tra khảo sát thực địa và kế thừa kết quả các công trình nghiên cứu trước đây về chim ở Xuân Thủy, đã thống kê được 222 loài chim thuộc 42 họ của 12 bộ. Trong đó, có 90 loài đã ghi nhận được trong các đợt khảo sát tháng 12/2012 và tháng 7/2013.

Thành phần loài chim ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy có sự biến động theo mùa: Mùa đông – xuân từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau là mùa di cư của các loài chim từ phương bắc tới, đây là thời điểm ghi nhận được cả các loài chim di cư và định cư.

Mùa hè – thu, từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm chỉ ghi nhận được các loài chim định cư. Trong tổng số 222 loài chim ghi nhận được ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy, đã thống kê được có 166 loài chim di cư (chiếm 75,45% tổng số loài chim); 51 loài chim định cư (23,18%) và 3 loài chim lang thang (1,36%).

Độ phong phú của các loài chim ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy được xác định theo phương pháp định tính, gồm có 3 mức độ là phổ biến, ít, hiếm. Trong số 222 loài chim ghi nhận được ở khu vực nghiên cứu có 108 loài phổ biến (chiếm 49,09% tổng số loài), 89 loài không phổ biến (40,45%) và 23 loài hiếm gặp (10,45%).

Trong số các loài sinh vật quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy, nhóm chim được chú ý bảo tồn nhiều hơn cả, đặc biệt là nhóm chim nước di cư.

Có hai dòng di cư chính theo trục Bắc Nam và ngược lại. Vào mùa đông, chim di cư tránh rét từ phương Bắc xuống trú đông, vào dịp hè thu các loài di cư tránh nóng từ phương Nam lên như các loài Giang Sen, Bồ Nông…từ miền Nam Việt Nam và Campuchia đã chọn Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ làm nơi tránh nóng trong vòng đời di cư hàng năm của chúng.

Chính vì vậy, Vườn Quốc gia Xuân Thủy được ví như “Ga chim quốc tế” quan trọng của nhiều loài chim quý, hiếm và đặc biệt là nơi sống của nhiều loài chim nước.

Tùng Đinh - Bảo Thắng - Phạm Huy
Trương Khánh Thiện
Tùng Đinh