Tròn một niên giáp tôi mới có dịp quay trở lại A Pa Chải, bản biên giới đặc biệt ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nơi ấy là ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc. Nơi có đỉnh núi Khoang La San đặt Cột mốc số 0 phân định ranh giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, thường được ví “một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe”. A Pa Chải cũng là điểm quần cư tự bao đời nay của cộng đồng người Hà Nhì.
Buổi chiều hôm trước, khi mới đặt chân đến trung tâm huyện lỵ Mường Nhé, tôi liền bốc máy gọi điện Sừng Sừng Khai, một người quen cũ. Là vì, 12 năm trước, khi cùng mấy anh em báo chí Trung ương lên đón Tết cổ truyền Hồ Sự Chà của người Hà Nhì ở ngã ba biên giới này, cả đoàn đã được Sừng Sừng Khai, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn lúc ấy, tiếp đón và tạo điều kiện ăn ở, tác nghiệp. Điều kiện cơ sở vật chất của xã vùng biên lúc ấy còn lắm gian khó do mới tách ra từ xã Sín Thầu và Chung Chải. Không điện, không nước sinh hoạt, tất cả cùng ở nhà công vụ của xã, trời rét xuống dưới 10 độ C vẫn phải tắm suối, vậy mà anh em cũng ăn ở được với nhau đến cả tháng trời, tất cả nhờ vào Sừng Sừng Khai.
Cái tên “thủ lĩnh người Hà Nhì” của Sừng Sừng Khai cũng có từ ngày đó. Leng Su Sìn mới tách ra nên lắm bộn bề. Sừng Sừng Khai ngày đi vận động nhân dân sản xuất, mở đường, vận động người dân không di cư tự do, chống tà đạo..., tối lại về nhà công vụ của xã cùng với anh em uống rượu, chuyện trò và ở lại luôn ở đó.
Gần gũi nhau đến nỗi dù đã chia xa nhau chừng ấy thời gian nhưng vừa nghe điện thoại, Sừng Sừng Khai vội hồ hởi: Lên nhà tao uống rượu nhé. Người Hà Nhì ở ngã ba biên giới sẽ đón các bạn như đón người thân đi xa lâu ngày trở về nhà.
Đường từ trung tâm huyện Mường Nhé đi lên Sín Thầu bây giờ đã đẹp hơn rất nhiều so với 12 năm trước. Đa phần đã được thảm nhựa phẳng lỳ, dọc hai bên đường, ti tỉ cánh hoa dã quỳ vàng rực dưới nắng ban mai, một chỉ dấu của thiên nhiên báo hiệu mùa xuân sắp về. Chỉ mất có hơn một tiếng đồng hồ chạy xe từ trung tâm huyện Mường Nhé, bản A Pa Chải đã hiện ra dưới làn sương mỏng còn chưa tan hẳn. Những mái nhà trình tường truyền thống của người Hà Nhì lấp ló giữa bạt ngàn xanh. Từng làn khói bếp nhẩn nha bay lên, một tiếng mõ trâu đồng bào chăn thả đang văng vẳng đâu đó lên từ dưới suối. A Pa Chải, theo tiếng Hà Nhì nghĩa là người chị cả, hoặc “một vùng đất bằng phẳng, rộng lớn”, trông xa xa hệt như một thảo nguyên mênh mông. Dải đất biên cương thật đẹp và quá đỗi yên bình.
Nhà của Sừng Sừng Khai nằm ngay trung tâm bản A Pa Chải. Đón khách chỉ có hai vợ chồng và một nhành đào rừng cổ thụ trước sân đang phất phơ trong sương giá. Gia chủ nói thêm, chỉ độ vài hôm nữa, khi đào rừng hé nụ, khi mùa màng thóc lúa gặt hái xong xuôi, người Hà Nhì sẽ bước vào dịp Tết cổ truyền của đồng bào. Năm nay dự báo sẽ là một cái Tết ấm no, hoành tráng bởi ông trời tốt bụng giúp cho A Pa Chải mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi nhà đều được ấm no.
Sau vài phút chào hỏi nhau bằng những cái ôm thật chặt, hai vợ chồng đã vội vã giục khách ngồi vào bữa. Thịt trâu, thị bò, rau cải luộc nóng hổi nhanh chóng được bày ra ngay bên bếp lửa. Tất nhiên là cả rượu men lá của đồng bào. Chuyện xưa, chuyện nay cứ thế tuôn trào trong từng khoảnh khắc nâng ly. Dường như đã thành nề nếp, bà vợ ông Khai tên là Chang Dìu Số cần mẫn ngồi bên bếp lửa canh nồi rượu chuẩn bị cho dịp Tết, thi thoảng lại lên góp vui đôi ba chén với bạn chồng. Bà Số không biết tiếng Kinh. Cứ mỗi lần đứng lên giao lưu lại cười thật tươi, tay nâng chén miệng liên tục “kha pi pô”, nghĩa là chúc sức khỏe, rồi lại quay xuống bếp. Quanh quẩn và có phần lầm lụi, giống như bao người phụ nữ Hà Nhì khác ở trên này.
Nói thêm về Sừng Sừng Khai một chút. Năm nay 64 tuổi, một huyền thoại sống của người Hà Nhì. Ngày trước tôi đã từng viết về chuyện ông Khai là người đầu tiên dắt mẹ đi cai nghiện thành công, khởi đầu của phong trào đưa người Hà Nhì ở cực Tây thoát khỏi bóng tối. Người đầu tiên vận động dân bản chuyển từ trồng lúa nương sang lúa nước, trở thành tỷ phú đầu tiên ở ngã ba biên giới. Sau mấy chục năm “đi theo cách mạng”, hết làm dân quân tự vệ, làm Chủ tịch xã Sín Thầu, Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn, 3 năm trước thủ lĩnh người Hà Nhì mới nghỉ chế độ theo quy định, về hẳn với bà Số ở A Pa Chải.
Bây giờ Sừng Sừng Khai “chỉ” làm một người có uy tín của cộng đồng ở ngã ba biên giới. Cái chất thủ lĩnh còn hừng hực chảy trong huyết quản. Một mình vẫn cày hơn 6ha ruộng, chăn nuôi hơn 130 con bò, đào 6 - 7 ao nuôi cá... Con cái cả thảy có 5 người đã thoát ly và ra riêng hết cả. Thằng cu út tên là Sừng Bình Minh hiện đang làm bộ đội biên phòng, đóng ở đồn Leng Su Sìn. Ông Khai khoe, mỗi đứa dựng vợ gả chồng ông bà đều cho một đàn bò khoảng chừng 5 - 7 con. Lấy xa về bên thị xã Mường Lay thì cho nhiều hơn, nhưng nhìn chung là công bằng, trai gái như nhau. Lại nâng ly, lại cất giọng cười sảng khoái. Nhìn thủ lĩnh người Hà Nhì bây giờ tuổi tác tuy có in hằn trên khuôn mặt sương gió, nhưng vẫn ánh mắt tinh anh và sức vóc không thua gì trai tráng. Nghe khoe, gặp những hôm mát trời vẫn có thể lao động quần quật từ sáng đến tối không hề biết mệt.
Riêng cái sức khỏe vô biên ấy của Sừng Sừng Khai, tôi từng tận mắt chứng kiến. 12 năm trước đã từng thấy một mình ông kéo con trục làm bằng gỗ nghiến dễ chừng phải nặng đến cả tấn, lăn phẳng đất đá lởm chởm của sân UBND xã Leng Su Sìn. Khỏe không khác gì một con trâu mộng ở trên đồng, từng bắp tay, bắp chân của Sừng Sừng Khai lúc ấy đã khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh của những nhân vật anh hùng trong các bộ phim hành động.
Chuyện tán dương sức khỏe của thủ lĩnh người Hà Nhì đang độ cao trào, ánh mắt Sừng Sừng Khai đột nhiên chùng xuống. Rót một chén rượu đầy và nốc cạn đáy, ông xúc động: Cuộc đời tao nếu không có người dưới xuôi lên, không có ánh sáng cách mạng, không có bộ đội biên phòng chắc cũng vứt đi rồi đấy. Mà kể ra cả cái cộng đồng người Hà Nhì ở trên này cũng vậy.
Cái tình của người Hà Nhì. Cái tình mà Sừng Sừng Khai bảo như là máu thịt. Cho nên, không chỉ với chúng tôi mà bất kỳ ai ở “dưới xuôi” lên trên này cũng vậy. Người Hà Nhì ở ngã ba biên giới luôn sẵn sàng đối đãi nồng hậu nhất, bằng thứ tình cảm dường như được xuất phát từ lòng biết ơn, từ sự gắn bó thủy chung đã từng cùng nhau vượt qua gian nan khổ ải, cùng nhau giữ gìn từng tấc đất, cành cây, ngọn cỏ nơi biên cương Tổ quốc.
Cuộc đời Sừng Sừng Khai và nhiều người Hà Nhì khác cũng được tái sinh từ thứ tình cảm miền xuôi và miền ngược ấy. Ông kể, trước những năm 2000, bản A Pa Chải đa phần là người nghiện, cả nhà Sừng Sừng Khai đều nghiện. A Pa Chải như một người chị cả lầm đường, lạc lối và u mê trong khói thuốc bàn đèn.
Nhằm kéo người chị cả ấy ra khỏi bóng tối, bộ đội biên phòng thành lập tổ công tác lên bản vận động bà con cai thuốc. Khổ nỗi, việc ấy khó quá, đi đến nhà nào thì nhà ấy trốn biệt vào rừng. Cuối cùng, bộ đội biên phòng xác định phải tìm một người tiên phong, người ấy là Sừng Sừng Khai, đơn giản vì lúc ấy ông Khai đang là cán bộ xã Sín Thầu.
Nghe vận động, việc đầu tiên Sừng Sừng Khai làm là cõng bà mẹ Sừng Lòng Sừ lên đồn nhờ bộ đội biên phòng cai hộ. Cái lý thật đơn giản: Người nghiện lâu năm như mẹ Sừ mà cai nghiện thành công chắc chắn dân bản sẽ nghe. Ròng rã mất cả năm trời, khi hai mẹ con ông Khai cai thuốc thành công, “người chị cả” A Pa Chải bắt đầu hành trình thoát khỏi bóng tối. Hết nghiện ngập lại tính chuyện làm ăn. Những năm ấy, mấy chục nóc nhà ở A Pa Chải chủ yếu sống dựa vào lúa nương, mỗi năm chỉ làm một vụ. Nghe kể, ngày trước nhờ Anh hùng Trần Văn Thọ mà bà con đã biết trồng lúa nước, nhưng cái đận chiến tranh biên giới, dân bản chạy hết vào rừng, trở về với tập quán phát nương làm rẫy. Bộ đội tìm về bảo bây giờ bà con giữ rừng, phải làm lúa nước. Sừng Sừng Khai lại là người tiên phong chặn dòng suối Mo Phí làm mô hình điểm. Trồng lúa, kết hợp chăn nuôi trâu bò, mấy năm sau, ông trở thành người giàu nhất bản, được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu.
Cái chất thủ lĩnh trong máu Sừng Sừng Khai càng có thêm điều kiện để phát lộ. Ông vận động dân bản A Pa Chải và các bản Tả Kố Khừ, Lỳ Mà Tá, Tá Miếu… khai hoang, mở rộng diện tích đất sản xuất, tìm kiếm các mô hình phát triển kinh tế, bỏ tập quán phá rừng làm nương, vận động dân các bản cho trẻ con đi học… Trong tiếng Hà Nhì, tên gọi Sín Thầu có nghĩa là vùng đất mới. Nhờ những con người như Sừng Sừng Khai mà bộ mặt của vùng đất ngã ba biên giới dần dà thay đổi, trở thành cộng đồng vững mạnh ở vùng biên.
Chỉ riêng chuyện giúp dân làm giàu của Sừng Sừng Khai cũng có nhiều giai thoại. Chẳng hạn như chuyện ông cho anh rể Pờ Dần Sinh - người sau này làm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu, hay trưởng bản Sừng Pó Tư và nhiều hộ dân khác vay bò. Nhận thấy thảo nguyên Sín Thầu có điều kiện phát triển chăn nuôi, Sừng Sừng Khai cho mỗi hộ có nhu cầu vay bò để phát triển kinh tế. Ban đầu chỉ 1 - 2 hộ, cho vay độ vài con, đến khi gầy dựng thành đàn lại chuyển “khoản vay” ấy sang hộ khác. Nhờ “chính sách” xoay vòng như thế mà trong vòng mấy năm Sín Thầu là xã có nhiều tỷ phú nhất ở Mường Nhé.
Từ Pờ Dần Sinh, Sừng Pó Tư đến Chang Vãng Sinh, Sừng Chàng Sinh..., hộ nào cũng chăn nuôi hàng trăm con bò. Bò nhiều đến nỗi, muốn tìm người chăn nuôi nhiều nhất Sín Thầu, mấy ông tỷ phú ngồi cãi nhau hàng tiếng đồng hồ. Là vì bò chăn thả trên bãi, chỉ ước lượng được khoảng chừng trăm mấy chục con thôi chứ không thể nào biết chính xác ông nào nhiều nhất. Bò lúc nhúc trên bãi, mỗi dịp nhà có việc như cần mua xe máy, dựng vợ gả chồng cho con cái hay tết nhất thì lên dắt lấy một vài con về bán hoặc giết thịt chứ hơi đâu đi đếm làm gì.
Cũng giống như lần trước khi đón chúng tôi lên A Pa Chải, Sừng Sừng Khai hào sảng: Để tao điện thoại trước bảo người bắt lấy một con về thịt anh em mình uống rượu, đãi khách quý dưới xuôi lên mà.
Sừng Sừng Khai là vậy và người Hà Nhì ở ngã ba biên giới này là vậy. Tính cộng đồng và tinh thần cầu tiến của họ cực kỳ cao. Và có lẽ nhờ vào những đức tính ấy mà bây giờ Sín Thầu là một trong những ngọn cờ đầu của huyện Mường Nhé.
Năm 2021, “vùng đất mới” Sín Thầu là xã đầu tiên của huyện Mường Nhé đạt chuẩn nông thôn mới. Từ một xã bốn không - không điện, đường, trường, trạm những năm trước, giờ đây Sín Thầu đã vươn mình trở thành điển hình trong nhiều hoạt động, một điển hình của các xã miền biên viễn. Ngoài những tỷ phú chăn nuôi trâu bò, những năm gần đây Sín Thầu chú trọng phát triển mô hình trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng, vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ rừng rất hiệu quả. Hiện giá bán sa nhân tím đạt trên 70.000 đồng/kg, giúp nhiều hộ gia đình có thể thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ thêm để người dân có điều kiện trồng và bảo vệ rừng, cải thiện thêm thu nhập.
“Mạng nó về đến tận bếp của bà con rồi đấy”, Sừng Sừng Khai khoe. Mặc dù ở bản nhưng giờ đây cần bất cứ thứ gì cứ bấm điện thoại là có. Từ vật dụng sản xuất, sinh hoạt như máy xay xát, ti vi, tủ lạnh cho đến cái mũ đang đội trên đầu, chẳng cần phải đi xuống chợ huyện nữa. Bản cũng đông đúc hơn, có thêm người Thái, người Kinh lên làm dâu, làm rể. Từ bản A Pa Chải thời điểm Trung Quốc đánh sang chỉ có 36 hộ người Hà Nhì, bây giờ vùng đất mới Sín Thầu có thêm bản Tả Kố Khừ bên Sen Thượng xuống, một số bà con ở Tả Ló San sang. Tất cả đều nhờ chính sách định canh định cư và giãn dân ra khu vực vùng biên. Mỗi hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng xây dựng nhà cửa, hỗ trợ mua giống trâu bò, cây trồng để phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Đất đai còn rộng mênh mông thế sao không nuôi thêm trâu, dê? Không. Sừng Sừng Khai quả quyết. Thử hết cả rồi nhưng trên này chỉ phù hợp nuôi bò. Hiện tại, hoạt động giao thương khu vực biên giới đang khó khăn nên mỗi con bò chỉ bán được hơn 10 triệu đồng, tới đây khi nâng cấp lên thành cửa khẩu chắc chắn sẽ khác. Với lại, bà con còn phải giữ đất khoanh nuôi phát triển thành rừng, giữ chút tài sản xanh cho con cháu sau này.
Đặc biệt, đồng bào Hà Nhì cực kỳ hiếu học. Đức tính mà ông Khai bảo “cha ông ngày trước không có điều kiện học tập nên khổ, đến thế hệ sau này phải tạo điều kiện cho con cái học tập, học đến khi nào không học được nữa thì thôi”. Nhờ đức tính hiếu học ấy mà người Hà Nhì ở ngã ba biên giới có những người làm đến lãnh đạo huyện Mường Nhé. Ngay cả Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu Pừ Mý Lế cũng là tấm gương vượt khó học tập vươn lên.
Chúng tôi chia tay Sừng Sừng Khai và vùng đất ngã ba biên giới khi đồng bào Hà Nhì chuẩn bị đón Tết cổ truyền dân tộc có tên là Hồ Sự Chà. Rượu đã nấu sẵn. Lợn đã trói ở góc vườn. Những bộ váy áo cổ truyền đã được mang ra để chuẩn bị cho lễ hội đánh đu, ném còn... Theo truyền thống, người Hà Nhì đón Tết vào ngày Thìn của tháng 12 Dương lịch, ngày của thánh thần. Sừng Sừng Khai xúc động nói: Vào dịp Tết này thì người Hà Nhì dù ở bất cứ đâu, Hà Nội, Sài Gòn hay bên Lào, Thái, Trung Quốc đều cố gắng sắp xếp công việc để về chung vui với cộng đồng.
Bên chén rượu, họ lại cùng nhau vui vẻ ca hát, cùng nhau ôn lại hành trình không khác gì cổ tích, rất đáng tự hào của người Hà Nhì ở ngã ba biên giới.