Giải mã Bình Phước 'hút' đầu tư

Quỹ đất rộng, nhân lực dồi dào, chính quyền thân thiện, chính sách cởi mở, hạ tầng dần hoàn thiện đưa Bình Phước trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư.

Bình Phước có diện tích tự nhiên trên 6.870 km2, lớn nhất miền Nam và Đông Nam bộ, có vị trí chiến lược, cạnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM - trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước. Hiện Bình Phước có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, kết nối với Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ thông qua quốc lộ 13, quốc lộ 14, đường ĐT 741. Chỉ mất hơn 2 tiếng di chuyển để đến các sân bay, cụm cảng quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cái Mép, Thị Vải cho thấy Bình Phước có vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây, là cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL với Tây Nguyên. Tỉnh còn là cửa ngõ giao thương hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Đến nay Bình Phước đã quy hoạch 13 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 6.000 ha, có 12/13 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Ngoài ra, Bình Phước được xem thủ phủ cây công nghiệp của vùng Đông Nam bộ, có tiềm năng phát triển nông sản hàng hóa và du lịch. Những năm qua, Bình Phước luôn không ngừng nỗ lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, giải quyết những nút thắt chiến lược để đưa Bình Phước từ vị trí “dự trữ” thành một “động lực” tăng trưởng và phát triển của vùng Đông Nam bộ.

  Với sự phát triển nóng và đô thị hóa trên địa bàn các tỉnh thành lân cận như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai nên các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp mới nổi, doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng lựa chọn những vùng đất mới để đầu tư. Nhờ những chiến lược “đi tắt, đón đầu”, với nhiều chính sách cởi mở, hành lang pháp lý thông thoáng, Bình Phước đang trở thành bến đỗ của nhiều doanh nghiệp.

Quỹ đất rộng, nhân lực dồi dào, chính quyền thân thiện, chính sách cởi mở, hạ tầng dần hoàn thiện đưa Bình Phước trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư.

Quỹ đất rộng, nhân lực dồi dào, chính quyền thân thiện, chính sách cởi mở, hạ tầng dần hoàn thiện đưa Bình Phước trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bình Phước, để đón đầu làn sóng dịch chuyển, ngoài việc quy định đầy đủ nội dung ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh còn quy định một số chính sách ưu đãi đặc thù riêng để thu hút đầu tư trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt với đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (đặc biệt là chăn nuôi), tỉnh đã ban hành các chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

“Với lợi thế đi sau, Bình Phước có được những kinh nghiệm “vàng” trong thu hút đầu tư. Với  phương châm “luôn hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh đã thường xuyên tổ chức các hội nghị Xúc tiến đầu tư nhằm gặp gỡ, giới thiệu tới các nhà đầu tư về tiềm năng và chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh dành cho các doanh nghiệp. Luôn đối thoại, lắng nghe, tiếp thu và giải đáp kịp thời các ý kiến đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, vấn đề môi trường và việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở ban ngành địa phương, trong đó có vai trò của Sở Kế hoạch – Đầu tư nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” cam kết rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư vào Bình Phước. Đồng thời, tỉnh cũng chọn lọc và tiếp nhận các làn sóng dịch chuyển đầu tư theo hướng bền vững, giá trị gia tăng cao và khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh”, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bình Phước chia sẻ.

Theo các chuyên gia, Bình Phước đang chuyển nhanh từ vị trí dự trữ phát triển sang động lực phát triển với nhiều thế mạnh, do đó nơi đây đang có cơ hội rất lớn trong việc đón làn sóng đầu tư. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Bình Phước là trung tâm kết nối Tây Nguyên – Tây Nam Bộ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có cảng trung chuyển quốc tế hàng không và hàng hải; trong đó TP. HCM là hạt nhân, đầu tàu. Bình Phước nằm trên hành lang Đông – Tây kết nối vùng Tây Bắc ASEAN có tiềm năng phát triển rất lớn.

Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe HAOHUA đưa Bình Phước vào 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất nước trong 6 tháng đầu năm 2023.

Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe HAOHUA đưa Bình Phước vào 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất nước trong 6 tháng đầu năm 2023.

Hệ quả, khi đầu tư vào một địa phương, chủ đầu tư sẽ tìm hiểu rất nhiều yếu tố từ điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, đến giao thông, dịch vụ, nhân lực… Trong đó, quan trọng nhất là sự tin cậy về cơ chế, chính sách, việc giải quyết thủ tục hành chính, chính quyền địa phương cởi mở, sẵn sàng chào đón và hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh tiềm năng, lợi thế sẵn có, với môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, Bình Phước đã và đang trở thành điểm đến và dừng chân của nhiều nhà đầu tư.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, làn sóng đầu tư vào Bình Phước vẫn tiếp tục tăng mạnh, nhờ tỉnh liên tục cải thiện chính sách thu hút đầu tư, làm tốt công tác phòng, chống dịch và cung ứng đủ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, Bình Phước trở thành thỏi nam châm thu hút đầu tư. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp đến Bình Phước chủ yếu chỉ đầu tư các lĩnh vực da giày, dệt may - nhuộm,… để tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ thì nay đầu tư đa dạng hơn, hướng đến các lĩnh vực công ngh

ệ cao. Đặc biệt, đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhiều nhà đầu tư tầm cỡ cũng chọn Bình Phước làm bến đỗ để chế biến sâu sản phẩm theo chuỗi khép kín các sản phẩm thịt heo, gà khép kín.

Đơn cử Công ty TNHH CPV Food đã đầu tư khu phức hợp 230 triệu USD, được xem là nhà máy chế biến thực phẩm theo chuỗi khép kín các sản phẩm thịt gà với công suất 170 nghìn tấn sản phẩm/năm để xuất khẩu, hiện đại nhất Đông Nam Á. Công ty Japfa Coomfeed Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 420 nghìn tấn/năm, nhà máy gi

ết mổ công suất 37,4 triệu con gà/năm, 374,4 nghìn con heo/năm, nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm 2.000 tấn sản phẩm/năm. Toàn tỉnh hiện có 4 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 1,1 triệu tấn/năm và có 2 nhà máy sản xuất thức ăn đang xây dựng công suất dự kiến đạt 1,2 triệu tấn/năm; có 2 nhà máy ấp trứng gia cầm công suất 100 triệu con gà giống/năm….

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) Bình Phước góp phần thực hiện mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ; trở thành công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước điều hành một cách linh hoạt, khoa học hơn.

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) Bình Phước góp phần thực hiện mục tiêu Chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ; trở thành công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước điều hành một cách linh hoạt, khoa học hơn.

Ông  Montri Suwaporsi , Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: Năm 2018, công ty nhận được giấy chứng nhận đầu tư tổ hợp nhà máy sản xuất thịt gà xuất khẩu tại huyện Chơn Thành. Ðây là dự án tổ hợp các nhà máy và trang trại chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín hoàn chỉnh với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, công suất 50 triệu con/năm trong giai đoạn 1 và 100 triệu con/năm trong giai đoạn 2 (năm 2023). “Ngay sau khi trao giấy chứng nhận đầu tư, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành đã hỗ trợ tích cực, linh hoạt, hướng dẫn hiệu quả để DN nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Cuối năm 2020, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã đi vào hoạt động giai đoạn 1 và xuất khẩu lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên ra nước ngoài”, ông  Montri Suwaporsi chia sẻ.

Ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết, với thế mạnh đất nông nghiệp chiếm trên 64% diện tích cả tỉnh, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm 25% cơ cấu kinh tế. Những năm qua nông nghiệp đạt thành quả nổi bật trên cả 3 trụ cột, đó là sản phẩm trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi và sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Các trụ cột ấy gắn liền với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, tạo nên phương thức sản xuất tiêu thụ mới, hiện đại và thông minh, bảo đảm minh bạch về sản phẩm. Từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo uy tín, thương hiệu, tăng khả năng gia nhập thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới phát triển bền vững và nền tảng để thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

 “Việc thu hút đầu tư góp phần khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu tại địa phương, mang lại giá trị gia tăng cao, từng bước tạo ra chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ bền vững. Đồng thời, tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao hơn, sản phẩm chế biến sâu, đa dạng mẫu mã, chủng loại sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường. Có thể khẳng định, các dự án góp phần “thay da đổi thịt” diện mạo ngành nông nghiệp địa phương”, ông Luân khẳng định.

Với nhiều nỗ lực, lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên của Bình Phước đã thành công xuất khẩu sang Nhật Bản.

Với nhiều nỗ lực, lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên của Bình Phước đã thành công xuất khẩu sang Nhật Bản.

Theo Sở KH-ĐT Bình Phước, 6 tháng đầu năm, địa phương đã thu hút được 16 dự án FDI với số vốn 632 triệu USD, tăng hơn 12 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 200% kế hoạch cả năm 2023.

Đáng chú ý, tháng 9 vừa qua, Bình Phước vừa tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe HAOHUA (Việt Nam) cho nhà đầu tư SHANDONG HAOHUA TIRE, thuộc Tập đoàn HAOHUA với tổng vốn 500 triệu USD (khoảng trên 11.000 tỷ đồng). Đây là dự án có tổng vốn đầu tư cao nhất từ trước đến nay, Việc này đã giúp Bình Phước từng đứng dưới đáy vươn lên tốp 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất nước trong 6 tháng đầu năm 2023. Từ đó cho thấy chiến lược thu hút đầu tư của Bình Phước đã và đang phát huy hiệu quả.

Theo đó, Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe HAOHUA (Việt Nam) triển khai tại khu công nghiệp Minh Hưng Sikico (xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) trên tổng diện tích thuê đất 43ha. Sau khi hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công, xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị cho hệ thống dây chuyền sản xuất vào quý I/2024. Công suất sản xuất lốp xe tải Radial toàn thép không săm với sản lượng hằng năm là 2,4 triệu bộ/năm và lốp Radial bán thép với sản lượng 12 triệu bộ/năm. Giá trị sản lượng hằng năm dự kiến đạt 770 triệu USD. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động địa phương và 200 lao động nước ngoài.

Doanh nghiệp Bình Phước nắm bắt thị trường, tập trung chế biến sâu sản phẩm, giúp nông sản vươn khơi.

Doanh nghiệp Bình Phước nắm bắt thị trường, tập trung chế biến sâu sản phẩm, giúp nông sản vươn khơi.

Sau khi đi vào hoạt động, theo kế hoạch là vào quý III/2025, tổng sản lượng cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp nhà máy này tiêu thụ dự kiến trên 120.000 tấn/năm được nhập khẩu từ Trung Quốc và tại Việt Nam. Trong đó, sản lượng tiêu thụ cao su tại Việt Nam trên 96.000 tấn/năm. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi tỉnh Bình Phước là địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất cả nước với hơn 240 nghìn ha. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng doanh thu ngành cao su của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân Bình Phước.

Là một trong những đơn vị của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đứng chân trên địa bàn Bình Phước, ông Lê Thanh Nghị - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh chia sẻ: “Trước thông tin có doanh nghiệp lớn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực cao su tại Bình Phước, chúng tôi rất vui mừng bởi nhìn chung mủ cao su Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp. Với việc có thêm doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường cao su, đặc biệt là chế biến sâu sẽ giúp các doanh nghiệp cao su trong nước có thêm nhiều lựa chọn, giá bán. Từ đó, người trồng cao su được hưởng lợi từ giá thu mua mủ”.

Bình Phước đẩy mạnh đầu tư giao thông, tăng cường kết nối liên vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư.

Bình Phước đẩy mạnh đầu tư giao thông, tăng cường kết nối liên vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư.

Bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: “Tỉnh cam kết đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình triển khai, sẽ tạo các điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, về môi trường đầu tư, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật để dự án sớm đi vào hoạt động và đạt hiệu quả cao nhất. Đề nghị lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế và các sở, ngành, địa phương có liên quan quan tâm, xác định đây là dự án trọng điểm của tỉnh để phối hợp, hỗ trợ; giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính có liên quan đến dự án theo quy định; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh để đưa dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ đã đề ra”.

“Hiện toàn tỉnh Bình Phước có 382 dự án FDI với số vốn đầu tư hơn 4,08 tỷ USD. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2023, Bình Phước đã lọt vào TOP 10 tỉnh, thành về thu hút vốn FDI cao nhất. Số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn trên 11.200 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký khoảng 194.000 tỷ đồng.

Bình Phước đang tích cực tăng cường thúc đẩy các dự án kết nối vùng, kết nối các đầu mối vận tải quan trọng (sân bay, cảng biển, hệ thống cao tốc, đường sắt quốc gia, các trung tâm logistic...) nhằm giảm chi phí, rút ngắn thời gian di chuyển, đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Tỉnh cũng hết sức coi trọng phát triển hạ tầng xã hội, để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, du lịch; tập trung phát huy lợi thế để phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư….”, bà Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước, một trong những cơ hội lớn nhất để kinh tế Bình Phước tận dụng “cất cánh” trong thời gian tới, đó là sự lan tỏa của các hoạt động kinh tế trong vùng. Vị trí địa lý của Bình Phước gần như không bị tác động bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Cùng với đó là quyết tâm và khát vọng phát triển của đội ngũ cán bộ, cũng như khát vọng vươn lên của người dân trong tỉnh. Đây được xem là những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà Bình Phước cần tận dụng thời cơ để bứt phá vươn lên trong tương lai. Đặc biệt, tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp của Bình Phước rất lớn nhưng vẫn chưa có giải pháp tối ưu để khai thác tối đa lợi thế này. 

Bình Phước xác định nông nghiệp là một trong 3 ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, thu hút nguồn lực xã hội hóa để phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với hình thức tổ chức và kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái và bền vững.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch đặt ra là nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ của các tổ chức khoa học, công nghệ công lập và khu vực tư nhân; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức 40% trở lên.

 

Đồng thời, nhân rộng quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương trở lên đạt 40% trở lên. Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống cây trồng, vật nuôi, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật,… được ứng dụng vào sản xuất đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% trở lên vào năm 2030.

Tỉnh kỳ vọng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến nông sản,… với tổng mức đầu tư lũy kế khoảng 28 ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bình Phước vừa mới ban hành kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2023-2030.

Về thể chế, tăng cường sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng đều và thực chất của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch. Bảo đảm môi trường đầu tư, pháp luật ổn định, thống nhất, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, thích ứng kịp thời với vấn đề mới, xử lý được các bất cập để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư nước ngoài.

Thực hiện áp dụng các thủ tục đầu tư kinh doanh một cách linh hoạt theo nguyên tắc hậu kiểm đối với những ngành, nghề kinh doanh phù hợp theo quy định của pháp luật để tạo sự cạnh tranh trong quá trình thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Rà soát và tham mưu đề xuất các bộ, ngành trung ương tiếp tục cắt giảm ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, đảm bảo thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.

Dự án được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp cao su trong nước có thêm nhiều lựa chọn, giá bán

Dự án được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp cao su trong nước có thêm nhiều lựa chọn, giá bán

Tăng cường minh bạch hóa các hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, công tác giám sát và thi hành pháp luật, công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa tranh chấp đầu tư; đề xuất giải pháp nhằm giải quyết vướng mắc. Theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hành vi thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chiến lược; kiểm soát chặt chẽ đối với dự án đầu tư có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh, trật tự công cộng và môi trường.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh; đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nhằm nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết trong EVFTA theo hướng đảm bảo lợi ích giữa Việt Nam - EU, trong đó tăng cường giám sát thực thi ở cấp cơ sở để bảo đảm các chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh được triển khai có hiệu quả trên thực tế. 

Về cơ sở hạ tầng, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ hiện đại, với tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn, gắn với liên kết vùng nhằm tạo động lực lan tỏa phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực đầu tư nước ngoài, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức tuân thủ theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Rà soát sửa đổi, bổ sung danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao như: hạ tầng giao thông, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, điện, nước, logistics...; hạ tầng xã hội như: bệnh viện, trường học, trung tâm dạy nghề, khách sạn...

Có thể thấy, cùng với nông nghiệp, các lĩnh vực đầu tư tại Bình Phước đang dịch chuyển theo hướng đa dạng hơn, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh đó, Bình Phước tiếp tục ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với danh mục 80 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số vốn hơn 2 tỷ USD. Theo đó, định hướng thu hút đầu tư tại tỉnh sẽ là các dự án phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ logistics…

 “Với khát vọng mạnh mẽ đưa Bình Phước phát triển bền vững, chính quyền tỉnh đồng hành với các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là “chìa khóa” mở ra cơ hội và tạo niềm tin cho doanh nghiệp phát triển. Bình Phước kỳ vọng “thay da đổi thịt” từ thu hút đầu tư, trong đó có ngành nông nghiệp”,  ông Nguyễn Đức Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Bình Phước chia sẻ.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Phước mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, Bình Phước có đầy đủ yếu tố đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đặc biệt về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và thương mại, dịch vụ, du lịch.

Trần Trung - Nguyễn Thủy - Thanh Sơn
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Trần Trung - Thanh Sơn
Trần Trung