Giải pháp để nông nghiệp Việt Nam cất cánh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Đặc thù vị trí địa lý của Việt Nam trải dài ở Bắc bán cầu trên 15°B, từ điểm cực Nam 8° 37'B kéo dài xuống điểm cực Bắc 23°23'B; nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi sản xuất nông nghiệp hàng hóa với đa dạng cây trồng vật nuôi.

Sản xuất nông nghiệp diễn ra quanh năm nhờ bức xạ mặt trời cao. Nông thôn Việt Nam có nhiều cảnh quan đẹp, hiện nay toàn quốc đang tập trung chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, do đó cảnh quan môi trường luôn được tập trung, là cơ sở quan trọng thu hút các nguồn lực đầu tư nông nghiệp, nông thôn.

Cơ cấu kinh tế nông thôn đang chuyển dần từ kinh tế thuần nông sang các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong đó có cụm công nghiệp chế biến ở nông thôn như các cụm nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm rau quả, cá tra, tôm, chè, cà phê, điều... ở các vùng nguyên liệu, đặc biệt khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam bộ đã được hình thành.

Hệ thống dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển, nhất là dịch vụ cơ giới hoá nông nghiệp và dịch vụ thương mại cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, thú y, bảo vệ thực vật.

Tính đến 2021, cả nước có khoảng 34.400 trang trại nông nghiệp, khoảng 18.327 hợp tác xã nông nghiệp và 79 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, các thành phần kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh và khai thác các loại hình dịch vụ, du lịch góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với tầm nhìn dài hạn, nông nghiệp Việt Nam là ngành có lợi thế so sánh, bởi tính đa dạng và quy mô sản lượng, nhiều loại nông sản có sản lượng top đầu thế giới; sản lượng nông sản còn nhiều tiềm năng. Việt Nam đã từng bước khẳng định vị trí trên thị trường nông, lâm, thủy sản toàn cầu; vươn lên trở thành một nhà cung cấp lớn trên thị trường nông sản thế giới về quy mô và phạm vi thương mại.

Nếu như năm 1986, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp chỉ đạt 486,2 triệu USD; năm 2000 đạt 4,2 tỷ USD, thì đến năm 2021, mặc dù vấp phải muôn vàn khó khăn, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn có thể đạt 46-47 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, có 10 mặt hàng nông sản kim ngạch xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên.

Trên cơ sở tiềm năng lợi thế so sánh về khí hậu, đất đai, nguồn nhân lực và đầu tư trọng tâm khoa học công nghệ, nông sản Việt Nam sẽ có giá trị xuất khẩu có thể đạt 50 tỷ USD vào những năm tới.

Do đó, trong những năm qua, Chính phủ luôn có cơ chế chính sách mang tính đột phá và chiến lược xúc tiến thương mại thị trường quốc tế. Từ đó hỗ trợ các địa phương, ngành công thương phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng cũng như phát triển thương hiệu nông sản quốc gia cả trong và ngoài nước;

Đồng thời có chính sách nâng cao chuỗi giá trị một cách hiệu quả hàng nông sản của Việt Nam trước sự cạnh tranh của một số nông sản nước ngoài. Tuy nhiên thực tế ngành nông nghiệp Việt Nam còn gặp những khó khăn hạn chế cơ bản sau đây:

Khả năng hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng, thậm chí còn lúng túng, sức cạnh tranh và khả năng thích ứng thị trường còn hạn chế, mặc dù Việt Nam tham gia tổ chức thương mại thế giới từ năm 2007, đặc biệt từ năm 2015 đã tham gia các hiệp định thương mại tự do như: Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - EU…; hay việc tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP năm 2018 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu - EVFTA năm 2018.

Có thể nói, tính chủ động của doanh nghiệp trong việc nắm bắt các quy định luật pháp quốc tế còn hạn chế; khả năng đàm phám thương mại chưa sâu sắc, hiệu quả. Tỷ lệ cao sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến, chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu.

Thực tế cho thấy thị trường xuất khẩu lệ thuộc phần lớn vào Trung Quốc (trên 60% sản lượng rau quả, trên 60% cao su) nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên giá trị thấp.

Điểm qua các chỉ số (1) Xếp hạng toàn cầu về khối lượng, (2) Xếp hạng toàn cầu về giá trị, (3) Xếp hạng toàn cầu về giá bán (USD/tấn) của một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, ta thấy tăng trưởng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa trên cạnh tranh về giá (giá rẻ), chưa chú trọng bảo hộ thương hiệu toàn cầu, chưa dựa vào lợi thế cạnh tranh về chất lượng.

Tỷ lệ nông sản sản xuất không an toàn thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao; chất lượng nông sản không đồng đều; giá thành cao, không chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì nông sản Việt Nam sẽ khó cạnh tranh.

Nếu không quyết liệt khắc phục các hạn chế nêu trên thì Việt Nam không chỉ mất lợi thế thị trường xuất khẩu đến các nước thành viên hiệp định thương mại tự do mà còn trở thành thị trường tiêu thụ nông sản của các nước thành viên? Việc gỡ “thẻ vàng”đối với việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp vào thị trường châu Âu là một minh chứng điển hình.

Việt Nam là nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo đánh giá hàng năm về những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi các hiện tượng thời tiết cực đoạn giai đoạn 2000 -2020, Việt Nam đứng thứ 5 về Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về Chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn.

Những diễn biến của BĐKH tại Việt Nam bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng về tần suất và thường khó dự đoán. Trước tác động BĐKH, Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực quản lý và ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết và giảm thiểu tác động của BĐKH cũng như các rủi ro về thị trường, thường xuyên nghiên cứu các giải pháp phòng chống thiên tai, nhằm hạn chế rủi ro, ứng dụng nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH.

Kể từ đầu dịch đến ngày 30/11/2021, Việt Nam có 1.238.082 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; về tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.560 ca nhiễm), trong đó có 986.531 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thị trường lao động có khả năng chống chịu tương đối vững trong năm đầu của đại dịch, nhưng xu hướng gần đây bắt đầu phản ánh tác động trực tiếp của đợt bùng phát dịch thứ 4 đến người lao động khi mà trong 9 tháng năm 2021, cả nước có tới hơn 1,3 triệu người lao động thất nghiệp, 1,3 triệu lao động phải về quê do không có việc làm và cuộc sống khó khăn.

Do đại dịch Covid-19 đã tác động vật tư nông nghiệp đầu vào, giá phân bón và thức ăn gia súc tăng từ 35-50% so với năm 2020, ảnh hưởng rất lớn đến giá thành; sản xuất bị đứt gãy do chi phí vận chuyển xuất khẩu tăng cao chưa từng có; nông sản làm ra không chỉ không tiêu thụ được mà còn giá bán thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nông nghiệp hiện tại và tương lai.

Năng suất lao động Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng quá thấp so với các nước thành viên CPTPP và EVFTA, do tỷ lệ ứng dụng cơ giới trong sản xuất nông nghiệp thấp, tỷ lệ diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trên cây trồng, vật nuôi chưa nhiều so với tiềm năng.

Ngoài ra, quy mô diện tích sản xuất nhỏ, tỷ lệ kinh tế hộ chiếm tỷ trọng cao, là nguyên nhân dẫn đến giá thành nông sản cao, dẫn đến sức cạnh tranh tham gia chuỗi nông sản toàn cầu thấp so với một số nước thành viên.

Có nhiều cách hiểu khác nhau về năng suất lao động nói chung và năng suất lao động trong nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, cách tính năng suất lao động theo giá trị tăng thêm do một lao động tạo ra trong một năm được sử dụng nhiều hơn cả.

Năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam thấp nhất so với năng suất của lao động chung của toàn nền kinh tế và thấp nhất trong số lao động làm việc trong các ngành của nền kinh tế. Năng suất lao động (NSLĐ) của nông dân Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất châu Á.

Dù trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam có tốc độ tăng NSLĐ bình quân cao, với 5,2%/năm giai đoạn 2011-2018, cao hơn tốc độ tăng bình quân của khu vực công nghiệp và xây dựng (3%/năm) và khu vực dịch vụ (3,1%/năm), tuy nhiên khu vực này vẫn có mức NSLĐ thấp nhất trong các khu vực kinh tế; đến năm 2018 theo giá hiện hành đạt 39,8 triệu VND/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% khu vực dịch vụ.

Trong các nước ASEAN, NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Malaysia cao gấp 11,9 lần; Indonesia cao gấp 2,4 lần; Thái Lan cao gấp 2,1 lần và Philippines cao gấp 1,8 lần Việt Nam. Có thể thấy, NSLĐ trong nông nghiệp của Việt Nam so với các nước trong khu vực là thấp, thậm chí còn thấp hơn cả hai nước láng giềng là Lào và Campuchia.

Trong số trên 33 triệu ha đất đai của cả nước, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đang sử dụng 26,3 triệu ha, chiếm 79,4% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Diện tích đất nông nghiệp tăng đều trong suốt cả giai đoạn 1994-2012 từ 18,25 triệu ha lên 26,28 triệu ha. Quy mô sử dụng đất của các hộ sản xuất rất nhỏ, nhất là tại các tỉnh phía Bắc do quá trình đô thị hóa nhanh; do đó dẫn đến manh mún, nhất là tại các tỉnh phía Bắc.

Nếu như năm 1994 có tới 71% số hộ có ruộng đất dưới 0,5 ha thì sau 17 năm đến năm 2011 còn tới 60% và đến năm 2016 vẫn còn hơn 50% hộ có diện tích nhỏ hơn 0.5ha. Đây là mức giảm rất chậm chạp thể hiện quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đã và đang hạn chế ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, yêu cầu khối lượng nông sản lớn cùng một lúc gặp khó khăn cũng như khai thác lợi thế theo quy mô.

Cơ cấu ngành nghề của các hộ gia đình nông thôn có sự thay đổi tích cực, tỷ lệ hộ nông nghiệp giảm mạnh, tỷ lệ hộ phi nông nghiệp tăng nhanh. Hình thức tổ chức sản xuất chính trong nông nghiệp ở Việt Nam là nông hộ, chiếm 90% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp, hiện có khoảng 13 triệu hộ nông dân, do đó yêu cầu về chất lượng nông sản đồng đều là vấn đề vô cùng nan giải đối với nông sản hiện nay.

Tuy tỷ lệ nông hộ chiếm trên 90%, song trong vòng 15 năm gần đây đã cho thấy có sự thay đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất các ngành và phân ngành trong nông nghiệp. Tỷ lệ ngành trồng trọt đã giảm mạnh, tuy vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chăn nuôi có sự tăng đáng kể, đặc biệt ngành nuôi trồng thủy sản có sự gia tăng mạnh cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ thủy sản đánh bắt sang nuôi trồng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Những kết quả này rất quan trọng, xét trong bối cảnh khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13.96% trong GDP.

Doanh nghiệp Việt Nam tính trên tổng dân số vào thuộc loại cao. Tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp.

Theo số liệu thống kê đến quý II/ 2018 cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, trong đó có 55% doanh nghiệp có nguồn lực tài chính nhỏ hơn 5 tỷ đồng.

Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này cũng tương đối hạn chế, chỉ chiếm 2,9% tổng số dự án FDI, vì vậy chưa trở thành đầu tàu cho nền sản xuất hàng hóa, chưa tạo chuỗi giá trị hiệu quả, chưa tạo tính đồng nhất của nông sản khi có đơn đặt hàng sản lượng lớn trong một thời gian nhất định, do đó một trong những nguyên nhân dẫn đến mất khách hành tiềm năng, các nước thành viên sẵn sàng tìm khách hàng mới trong các nước thành viên mới sẽ cạnh tranh thị trường nông sản Việt Nam.

Đặc biệt là ngành chăn nuôi, nếu các doanh nghiệp ngành chăn nuôi của nước ta không nhanh chóng, linh hoạt chuyển đổi tích cực từ công nghệ đến tổ chức sản xuất thì kết cục xấu như thua lỗ, phá sản là việc khó tránh khỏi.

Để nông nghiệp Việt Nam cất cánh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chúng tôi xin đề xuất những giải pháp cơ bản sau đây:

1. Cần có giải pháp trước mắt và lâu dài khắc phục những thách thức hiện nay

Rà soát, sơ kết đánh giá các chính sách thực tiễn, tiếp tục xây dựng các chính sách mang tính đột phá đáp ứng yêu cầu mới: cần đổi mới quan hệ sản xuất phù hợp, từng bước chuyển dần quy mô kinh tế nông hộ sang kinh tế hợp tác (tổ hợp tác, hợp tác xã); thực hiện liên kết sản xuất đa chiều; có cơ chế hình thành các hợp tác xã nông nghiệp đa ngành, đa quản trị (mô hình doanh nghiệp chuyên doanh trong họp tác xã) và liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Khẩn trương trong việc đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu hội nhập, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0. và nông nghiệp hữu cơ.

Cần tiến hành các hình thức đào tạo phong phú, song song với đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; cần phong phú hình thức đào tạo, cùng với đạo tạo chính quy từ cao đẳng, đại học cần có giải pháp đào tạo đồng bộ nguồn nhân lực với các thành phần tham gia trực tiếp nâng cao tính cạnh tranh nông sản Việt Nam như: cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân để họ nắm vững các thành tựu khoa học công nghệ trong và ngoài nước, kiến thức thị trường và luật pháp quốc tế.

Đồng thời, làm thay đổi nhận thức người nông dân sản xuất nông sản trong thời kỳ hội nhập để họ chủ động điều chỉnh phương thức sản xuất, đảm bảo các yêu cầu hội nhập quốc tế, từ đó tăng khả năng cạnh tranh các nông sản trong quá trình hội nhập.

Cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại theo nguyên lý: “lấy khoa học công nghệ làm khâu đột phá; triển khai đồng bộ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng; thực hiện triệt để tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khai thác tối ưu lợi thế so sánh giá trị tổng hợp ngành hàng; chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu để nâng cao năng lực cạnh tranh nông sản trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Cần có tầm nhìn mới trong nông nghiệp Việt Nam, trước hết là xác định thị trường tiềm năng của các nước thành viên các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết. Trước hết xem họ có lợi thế và hạn chế nào, yêu cầu rào cản kỹ thuật của họ quan tâm yếu tố “bất biến” của họ là gì? Từ đó phân tích thị trường mang tính chiến lược tập trung sản xuất nông sản xuất khẩu theo tiêu chuẩn của từng quốc gia đó.

Muốn làm được điều này Việt Nam cần tập trung quản lý chặt chẽ quy hoạch, sản xuất các cây trồng, vật nuôi có lợi thế tiềm năng xuất khẩu cao như: tiêu, gạo, cao su, chè, cà phê, điều, tơ tằm, rau, hoa, cacao, thủy sản, cây dược liệu….

2. Việt Nam sẽ chọn cho mình một phân khúc thị trường nào để phát huy những lợi thế, tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp toàn cầu?

Để giá trị nông sản có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp bền vững, thì việc tổ chức sản xuất theo hướng toàn diện, hiện đại, đa chức năng trong nông nghiệp luôn là vấn đề đặt ra trước mắt và lâu dài.

Chúng ta cần sản lượng cao, nhưng không chỉ riêng sản lượng là đủ mà cần chú trọng yếu tố chất lượng nông sản, do đó việc đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất để khai thác ngưỡng đội trần năng suất cây trồng, vật nuôi, đột phá khâu chế biến nông sản và phát triển thị trường một cách khoa học và sáng tạo sẽ có tác dụng thúc đẩy cung ứng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngày càng có vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

3. Đầu tư khoa học công nghệ, xem khoa học công nghệ là khâu đột phá sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế và thích ứng với BĐKH

Trong suốt 76 năm qua, quá trình nghiên cứu khoa học chúng ta thường áp dụng theo một chiều, các đề tài nghiên cứu khoa học chỉ tập trung cho các tổ chức khoa học công nghệ.

Trong quá trình thực hiện, nhiều đề tài đóng góp thiết thực trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất chất lượng cây trồng; song cũng không ít đề tài nội dung nghiên cứu còn trùng lặp; kết quả nghiên cứu tính thời sự hạn chế, khi công bố kết quả thì thực tế sản xuất đã có tính sáng tạo hơn; đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu không phải xuất phát từ yêu cầu bức xúc từ thực tiễn sản xuất mà đề xuất do ý chí riêng của tổ chức nghiên cứu, của nhà khoa học, do đó kết quả nghiên cứu tính khoa học và thực tiễn còn hạn chế; nhiều để tài sau nghiệm thu xong nhưng tính ứng dụng quá thấp, gây lãng phí thời gian và kinh phí; thậm chí có đề tài giá trị từ kết quả sản phẩm đề tài tạo ra còn nhỏ hơn kinh phí đầu tư nghiên cứu…

Do đó, trong thời gian tới, song song với việc giao nhiệm vụ cho các tổ chức khoa học công nghệ, cần thực hiện xã hội hóa trong nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ cho các tổ chức và cá nhân nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường, các quy trình kỹ thuật hiệu quả kinh tế cao; tăng tỷ trọng các đề tài nghiên cứu theo hướng đặt hàng; mua kết quả nghiên cứu của các tổ chức và nhà khoa học có tính sáng tạo và mang lại hiệu quả đột phá trong thực tiễn sản xuất.

Thực hiện việc trích tỷ lệ thụ hưởng nhất định cho các tác giả đề tài khoa học có đóng góp giá trị sản xuất hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng như một số quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đã áp dụng, nhằm huy động sức sáng tạo toàn dân. Triển khai nhanh thị trường khoa học công nghệ trong nông nghiệp để khuyến khích đổi mới sáng tạo trong sản xuất.

Thực hiện rộng khắp trong phạm vi cả nước chuyển đổi số trong nông nghiệp; tiến hành đồng bộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ để tạo nông sản có sức cạnh tranh cao, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

4. Cần thực hiện quản lý quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong nước có nhiều tiềm năng đầu tư vào nông nghiệp

Những năm qua, trong lĩnh vực nông nghiệp, từ Trung ương đến địa phương có rất nhiều quy hoạch song chất lượng quy hoạch còn thấp, vì vậy thực tế luôn có nhiều quy hoạch bị vỡ sau 2-3 năm, trong thực tiễn sản xuất cho thấy trong quá trình triển khai quy hoạch xuất hiện theo 2 xu hướng không tích cực đều gây hệ lụy đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Một là, thực hiện quá thấp so với mục tiêu quy hoạch (cacao, chè, ngô); hai là, thực tế diễn ra quy mô diện tích vượt quá nhiều lần so với quy hoạch (tiêu, cà phê, cây có múi).

Ngoài ra, còn thiếu quy hoạch dài hạn để tạo ra những vùng nguyên liệu bền vững, công tác dự báo thị trường nông sản thế giới chưa hiệu quả; thiếu các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ đi kèm làm tăng giá thành sản xuất nông sản Việt.

Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, ảnh hưởng đến quá trình cơ giới hóa, đưa kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn.

Muốn khắc phục vấn đề này, cần hình thành các liên minh sản xuất trên cơ sở lấy doanh nghiệp làm hạt nhân tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng; song việc bàn đi tính lại để có liên minh sản xuất phát triển bền vững cũng là vấn đề nhiều phức tạp phát sinh mới giữa doanh nghiệp và nông dân làm mất cơ hội đầu tư.

Việc tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn và công nghệ cao theo tôi đây là điều đáng mừng. Tuy vậy, giá như mức độ quan tâm hiện nay tới nông nghiệp Việt Nam của các nhà đầu tư được thể hiện cách đây khoảng 10 năm thì nền nông nghiệp Việt Nam đến nay có bức tranh sẽ khác, thương hiệu nông sản Việt sẽ có vị thế nhất định trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu?

Nhưng theo tôi, bây giờ các doanh nghiệp có quy mô lớn quan tâm đầu tư đến nông nghiệp mặc dù chậm nhưng chưa muộn? Để doanh nghiệp sản xuất đồng bộ công nghệ cao thì việc có quỹ đất đủ lớn là vấn đề cốt lõi cho chiến lược hội nhập đối với doanh nghiệp, song thực tế hiện nay các doanh nghiệp đầu tư chiến lược đều thiếu điều này.

Nhiều địa phương hiện nay để tìm một quỹ đất đủ lớn, liền vùng khoảng 250 - 500 ha để các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng trọt các cây trồng có lợi thế so sánh, tính cạnh tranh cao, còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, mất rất nhiều thời gian và chi phí, do vậy phần nào làm nản lòng nhà đầu tư.

5. Cần có cuộc cách mạng đối với ngành nông nghiệp trước yêu cầu hội nhập quốc tế

Trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành nông nghiệpViệt Nam vừa có nhiều cơ hội, song cũng có nhiều thách thức đan xen.

Trong vô vàn khó khăn thách thức nhưng chúng ta vẫn phải tìm ra những thế mạnh để mở đường cho ngành nông nghiệp Việt Nam cất cánh, hội nhập với các nước thành viên mà Việt Nam tham gia. Do đó cần cuộc cách mạng trong nông nghiệpvới những nội dung đột phá cơ bản sau đây:

- Đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc và thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất.

- Tập trung chỉ đạo toàn quốc tùy theo điều kiện thực tiễn về điều kiện sinh thái, lực lượng sản xuất, lợi thế cây trồng vật nuôi, sự sẵn sàng và năng động của doanh nghiệp và nông dân của từng địa phương.

- Cần chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0, coi đây là cuộc cách mạng vừa trước mắt và lâu dài đối với ngành nông nghiệp nghiệp Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Bởi lẽ, nếu chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0 của Việt Nam triển khai chậm bao nhiêu thì sự cạnh tranh nông sản Việt Nam mất lợi thế trước yêu cầu hội nhập quốc tế bấy nhiêu.

- Từng bước đột phá phát triển, tạo cuộc cách mạng nông nghiệp Việt Nam theo hướng toàn diện, bền vững, hiện đại và đa chức năng.

6. Tiếp tục giải phóng và phát huy cao các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Đẩy nhanh và sớm hoàn thiện chương trình xây dựng nông thôn gắn với quy quá trình đô thị hóa; quy hoạch sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở, căn cứ cho xây dựng và thực hiện nhanh các chương trình phát triển nông thôn, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Hoàn thiện công tác quy hoạch tổng thể sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản để làm cơ sở cho kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và quản lý nhà nước;

Ưu tiên sớm làm rõ các quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung cây lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, bò, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản gắn với quy hoạch các nhà máy chế biến nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu;

Nâng cao trình độ, năng lực và khả năng tiếp thu kiến thức mới của người lao động. Nhà nước nên có những chương trình đào tạo (hoặc đào tạo lại) phù hợp với từng nhóm lứa tuổi, giới tính ở nông thôn, đào tạo nghề gắn kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sẽ sử dụng lao động được đào tạo. Công tác đào tạo nghề nhất thiết cần được xã hội hóa cao hơn nữa, đặc biệt sự tham gia của các doanh nghiệp;

Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ;

Tập trung nguồn lực cho phát triển một số ngành hàng chiến lược, những ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế, tham gia chuỗi nông sản toàn cầu;

Có biện pháp hữu hiệu để giữ đất canh tác tốt cho sản xuất nông nghiệp tránh đô thị hóa tràn lan, thiếu quy hoạch, đảm bảo an ninh lương thực vững chắc không chỉ hiện tại mà cho cả các thế hệ mai sau.

7. Tăng cường họp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ mới

Trong thời gian qua Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện rất tốt hợp tác quốc tế; thông qua đó tiếp cận nhiều dự án ODA hỗ trợ các địa phương về nâng cao năng lực, phát triển hạ tầng nông thôn, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ thị trường, giải pháp thích ứng với BĐKH,... góp phần cho nông nghiệp nước nhà cải thiện nhiều mặt, năng suất và chất lượng nông sản tăng cao, tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản ngày càng tăng, góp phần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Vấn đề này được chứng minh thực tiễn tại tỉnh Lâm Đồng, thông qua họp tác quốc tế đã thu hút đầu tư hàng chục dự án FDI trong nông nghiệp và thu hút nguồn vốn ODA nâng cao năng lực quản lý và tiếp cận trình độ khoa học công nghệ bất ngờ.

Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, cần tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế toàn diện hơn để thu hút các nguồn vốn ODA và FDI nhằm thu hút các dự án trọng tâm để nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận công nghệ mới, đầu tư trang thiết bị, tham gia trực tiếp sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới góp phần tạo bước đột phá ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai, chủ động hội nhập quốc tế, chủ động thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nâng cao sức cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tạo đà để Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp vào năm 2025- 2030.

TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
Trọng Toàn
Duy Hậu - TG - PS