Giải pháp phục hồi sản xuất thủy sản sau bão số 3

Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành nông nghiệp. Trong đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề. Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến để hiểu rõ hơn về những giải pháp trước mắt và lâu dài để nuôi trồng thủy sản các tỉnh phía Bắc sớm phục hồi sau bão lũ.

Thứ trưởng đánh giá thế nào về những thiệt hại đối với ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng sau cơn bão số 3 vừa qua?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngành nông nghiệp chịu thiệt hại rất lớn sau cơn bão số 3. Cụ thể, hơn 200.000ha lúa bị úng ngập; 50.000ha rau màu, 61.000ha cây ăn quả thiệt hại, gãy đổ; 26.500 con gia súc và 2,9 triệu con gia cầm bị chết.

Riêng với lĩnh vực thủy sản, hơn 4.200 lồng bè nuôi trồng đã bị hư hỏng, cuốn trôi. Tính toán sơ bộ bước đầu, thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng.

Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với ngành nông nghiệp bây giờ là phục hồi sản xuất để đáp ứng được nhu cầu lương thực, thực phẩm cũng như đảm bảo được các chỉ tiêu về tăng trưởng trong xuất khẩu mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho toàn ngành.

Như Thứ trưởng vừa chia sẻ, lĩnh vực thủy sản ước tính thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng, đây là một con số lớn. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang có những biện pháp kỹ thuật nào để khôi phục hệ thống nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng sau bão?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Bộ NN-PTNT sẽ có một cuộc họp với Cục Thủy sản, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng… huy động nguồn lực về con giống, thức ăn, hóa chất, lồng bè… để hỗ trợ cho các địa phương, đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng nhằm sớm khôi phục sản xuất, để chu kỳ sản xuất đáp ứng được nhu cầu nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Theo Thứ trưởng, sẽ mất thời gian khoảng bao lâu để thủy sản có thể hồi phục sản xuất?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cuối năm 2020, bão lũ trắng trời miền Trung, nhưng Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các tỉnh triển khai phục hồi rất nhanh chóng. Tuy nhiên với nuôi biển, theo Quyết định số 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta đặt mục tiêu sản lượng đạt 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỷ USD vào cuối năm 2025. Nếu không bị ảnh hưởng của bão số 3 thì mục tiêu này đã đạt được vào cuối năm 2024, tức là trước 1 năm. Nhưng với ảnh hưởng này thì chúng ta vẫn sẽ đạt mục tiêu vào cuối năm 2025 như đã đề ra.

Chúng ta sẽ tăng cường khai thác, nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, các tỉnh khu vực phía Nam để bù đắp sản lượng thiếu hụt của các tỉnh miền núi phía Bắc.

Đồng thời, cũng sẽ triển khai khôi phục sản xuất quyết liệt nhất, nhanh nhất để có thể đảm bảo được mục tiêu về sản lượng cũng như tăng trưởng của thủy sản trong năm 2024.

Về mặt chính sách, Thứ trưởng có thể cho biết, hiện nay Bộ NN-PTNT đang hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản ra sao để khắc phục thiệt hại sau mưa bão?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Với kinh nghiệm ứng phó bão lũ miền Trung cuối năm 2020 và dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019, nếu hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh sẽ không phù hợp với tình hình thực tiễn.

Do vậy, Bộ NN-PTNT sẽ kiến nghị với Chính phủ có một nghị quyết về hỗ trợ thiệt hại cũng như phục hồi sản xuất cho tất cả lĩnh vực trong ngành nông nghiệp, trong đó có thủy sản. Đây là một văn bản rất quan trọng để chúng ta đạt được mục tiêu quan trọng nhất là phục hồi sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Khoanh nợ, giãn nợ là mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng thủy sản hiện nay sau những mất mát từ bão lũ, Bộ NN-PTNT có kiến nghị như thế nào đối với Chính phủ về vấn đề này?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đầu tư cho nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Với quy mô lớn, phương thức nuôi trồng thủy sản rất hiện đại, đặc biệt là nuôi biển, nhiều hộ gia đình đã phải vay vốn rất lớn. Thiệt hại vừa qua, có những hộ gia đình mất vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng. Để sớm hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất, như tôi đã chia sẻ, sẽ có nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ thiệt hại.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sẽ giao cho các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực họp với các địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ các giải pháp về kỹ thuật, con giống, vật tư sản xuất, thức ăn, thuốc…

Bộ NN-PTNT cũng đề xuất Chính phủ hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và đặc biệt phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.

Ngay sau hội nghị do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 15/9, chiều 16/9, Bộ NN-PTNT đã họp triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ngân hàng thương mại trên cơ sở xác nhận của các địa phương để đình hoãn, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, thậm chí có những hỗ trợ để sớm phục hồi sản xuất chăn nuôi và thủy sản trong thời gian ngắn nhất.

Sau cơn bão vừa qua, một số ý kiến cho rằng, có khả năng nhiều hộ nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ sẽ không còn đủ sức để tiếp tục gắn bó với ngành, chỉ những doanh nghiệp vừa hoặc lớn mới mạnh mẽ bước tiếp. Thứ trưởng nghĩ như thế nào về nhận định này và liệu điều này tác động ra sao đối với nuôi trồng thủy sản?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Các hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nuôi biển với quy mô tương đối lớn, nếu được đình hoãn, giãn nợ, khoanh nợ, cho vay chu kỳ sản xuất mới, thì số hộ, số doanh nghiệp, số hợp tác xã tham gia nuôi biển sẽ phục hồi sớm.

Nuôi biển nước ta có tiềm năng, lợi thế lớn, đó là đường bờ biển dài 3.260 km, đó là diện tích mặt nước biển hơn 1 triệu km2. Nuôi biển đã khẳng định được những hiệu quả trong thời gian vừa qua, đã đạt được những mục tiêu về sản lượng, giá trị xuất khẩu đặt ra trong Quyết định 1664 cho các giai đoạn từ năm 2021 - 2025 và đến năm 2030.

Dự báo mưa bão sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành thủy sản sẽ có những kịch bản dài hạn nào để nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Các nước như Đan Mạch, Na Uy nuôi thủy sản với quy mô công nghiệp, hệ thống trang thiết bị rất hiện đại. Với cơn bão gió giật cấp 12, hệ thống lồng bè tự đánh chìm và khi bão tan có thể trở lại bình thường.

Chúng ta phải tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi khép kín, như vậy mới có thể tránh được các sự cố như cơn bão số 3 vừa rồi.

Như Thứ trưởng vừa nói thì khoa học công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hạn chế những rủi ro của ngành thủy sản trước thiên tai. Những thuận lợi và khó khăn mà chúng ta đang đối mặt trong việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện nay ra sao?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong rất nhiều văn kiện, kể cả hiến pháp đều xác định khoa học công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Trong nhiều năm qua, những nghiên cứu của lĩnh vực nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng đã đi vào cuộc sống, đã khẳng định được vai trò của khoa học công nghệ, kể cả khai thác, kể cả nuôi trồng và kể cả bảo tồn.

 

Tuy nhiên, đầu tư cho nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao khoa học công nghệ đối với nông nghiệp nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng còn rất hạn chế. Trong nhiều năm qua, không có thay đổi về kinh phí, chỉ ở mức trên 830 tỷ đồng, trong đó bộ máy đã hết một nửa, nửa còn lại phân bổ cho các lĩnh vực như: Thủy lợi, phòng chống thiên tai, lâm nghiệp, chăn nuôi, thú y, thủy sản, chế biến…

Tới đây, để khoa học công nghệ thực sự là động lực, là vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng thì việc cải cách các thủ tục hành chính, thay đổi các cơ chế chính sách đầu tư cho khoa học công nghệ phải đúng với vị trí và yêu cầu của cuộc sống.

Bên cạnh khoa học công nghệ, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân trong việc ứng phó và thích nghi với các tình huống thiên tai liên quan đến ngành thủy sản có lẽ cũng rất cần thiết?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trong nhiều năm qua, Bộ NN-PTNT đã giao Cục Thủy sản phối hợp với các hiệp hội, như: Hội Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội nuôi biển Việt Nam… tập huấn rất nhiều lớp về kỹ năng cũng như kỹ thuật ứng phó trong tình huống có sự cố xảy ra.

Với kịch bản biến đổi khí hậu như thế này thì những kỹ năng, kỹ thuật cho nuôi biển nói riêng, nuôi trồng thủy sản nói chung sẽ phải được cập nhật. Chúng ta sẽ biên tập thành các tài liệu, tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị để phổ biến kỹ năng cho người trồng thủy sản ứng phó với biến đổi khí hậu.

Liệu chúng ta có kế hoạch để xây dựng quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân và người nuôi trồng thủy sản trong thời điểm khó khăn này hay không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trước đây đã có Quỹ phát triển thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tuy nhiên theo quy định mới không thể tồn tại được.

Chúng tôi sẽ bàn và trao đổi với các hiệp hội để xây dựng quỹ để có thể hỗ trợ phòng chống thiên tai, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ phát triển sản xuất… Như vậy chúng ta sẽ có một nguồn lực chủ động để điều tiết được hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu đối với thủy sản.

Thứ trưởng nhận định như thế nào về kết quả của xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm nay?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chúng ta phấn đấu kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 10 tỷ USD trong năm 2024. Trong 8 tháng đầu năm đã đạt 6,23 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm, cá tra, nhuyễn thể, nhuyễn thể hai mảnh vỏ là các đối tượng chủ lực. Những đối tượng này tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải tập trung cho khai thác, tập trung nuôi thủy sản nội đồng để sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu có thể bù đắp một phần nào đó cho các tỉnh phía Bắc.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Thắm
Tiến Thành
Tùng Đinh - Hữu Nguyễn
Duy Học