Giảm khai thác, tăng giá trị thủy sản

Cách đây tròn 63 năm, khi về thăm các làng cá và ngư dân ở Cát Bà (Hải Phòng), Bác Hồ căn dặn “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Ý nghĩa của từ “làm chủ” là chúng ta khai thác tiềm năng, lợi thế để phục vụ đời sống dân sinh và phát triển bền vững, đúng nghĩa của một quốc gia ven biển.

Thể theo nguyện vọng của ngành thủy sản và đông đảo bà con ngư dân, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1/4 hàng năm chính thức là Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam tại Quyết định số 173-TTg ngày 18/3/1995.

Ở thời điểm đó, thật khó có thể tưởng tượng được rằng sau hơn 60 năm trưởng thành và phát triển, Việt Nam trở thành quốc gia có kim ngạch xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 thế giới.

Tuy nhiên, phía sau những thành công ngoài mong đợi, ngành thủy sản vẫn còn đó những câu chuyện buồn với một hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu, thiếu đồng bộ. Chúng ta tạo ra sản lượng cao nhưng hiệu quả thấp. Việc phát triển thương hiệu sản phẩm thủy sản quốc gia chưa gắn chặt với mở rộng thị trường và hội nhập kinh tế toàn cầu.

Những trăn trở ấy được ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) chia sẻ nhân kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản (1/4/1959 -1/4/2022).

Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành thủy sản trong thời gian qua, những con số nào khiến ông ấn tượng và đâu là những vấn đề ông đang trăn trở?

Với bề dày truyền thống và tư duy hội nhập từ rất sớm, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu thủy sản liên tục. Mặc dù gặp vô vàn khó khăn, nhưng đến năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản nước ta đạt trên 8,9 tỷ USD, đứng thứ 3 thế giới sau Na Uy và Trung Quốc.

Chúng ta cũng xây dựng được đội tàu khai thác thủy sản hùng mạnh với trên 91.000 chiếc, trong đó hơn 29.000 tàu có chiều dài trên 15m. Sự hiện diện của ngư dân trên biển đã khẳng định vai trò, vị thế của ngành thủy sản trong phát triển kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Bên cạnh đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng đạt được kỳ tích. Hiếm có một quốc gia nào có hai đối tượng chủ lực là tôm và cá tra phát triển như Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,26 tỷ USD trong khi diện tích nuôi chỉ 5.400ha. Đặc biệt, đứng trước khó khăn rất lớn do dịch bệnh Covid-19, chi phí vận tải quốc tế và đầu vào sản xuất tăng cao, kim ngạch xuất khẩu tôm vẫn đạt 3,9 tỷ USD. Đây là điểm nhấn rất mạnh mẽ trên trường quốc tế.

 

Tuy nhiên, phía sau quá trình phát triển, ngành thủy sản đang bộc lộ những bất cập. Một thời gian dài chúng ta đặt nặng về sản lượng mà quên mất việc phải nâng cao giá trị sản phẩm. Chúng ta cũng chưa chú trọng đúng mức cho phát triển thủy sản bền vững; năng lực khai thác và khả năng tái tạo nguồn lợi chưa tương xứng khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm.

Việc tăng trưởng nóng sản lượng thủy sản chưa gắn với bảo vệ môi trường và đầu tư phát triển hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ. Suốt 4 năm qua, chúng ta vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng IUU" của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản khai thác.

Một vấn đề mà chúng ta nói rất nhiều nhưng làm chưa được nhiều, đó là bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các luồng di cư của cá non. Thậm chí, nhiều khu bảo tồn, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành lập rồi nhưng vẫn bị các hoạt động kinh tế khác gây ảnh hưởng.

Điều chúng tôi luôn trăn trở là làm sao để cơ cấu lại đội tàu theo hướng giảm xuống dưới 77.000 tàu; làm sao giúp bà con cơ cấu lại nghề, ứng dụng công nghệ để sản xuất và khai thác hiệu quả, bền vững. Chúng ta có tiềm năng nuôi biển rất lớn, nhưng từ hạ tầng đến quy trình công nghệ vẫn chưa tương thích. Chúng ta có những mô hình nuôi tôm đặc thù như nuôi tôm sú, tôm rừng, tôm lúa nhưng vẫn chưa phát huy được hết lợi thế để xây dựng thương hiệu riêng biệt cho con tôm Việt Nam. Con cá tra mặc dù sản lượng cao nhưng chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, xuất khẩu qua trung gian là chủ yếu.

Rất mừng là thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định 150 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đưa ra những quan điểm, định hướng mới để phát triển thủy sản Việt Nam hiệu quả bền vững.

Đến những làng chài ven biển, hình ảnh của sự nghèo khó, lạc hậu vẫn luôn ẩn hiện. Theo ông, đâu là giải pháp căn cơ để phát triển sinh kế và nâng cao đời sống của bà con ngư dân?

Phải khẳng định rằng, những làng cá, làng chài ven biển là nét đẹp văn hóa truyền thống của chúng ta. Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta quá tập trung đến việc tăng năng suất, tăng sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản mà quên mất giá trị văn hóa của những làng nghề mang lại. Bởi vậy, việc đầu tư, khai thác những “giá trị mềm” của những làng cá rất kém.

Trong quá trình xây dựng Đề án phát triển dịch vụ du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, chúng tôi đề nghị là các làng cá, các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển phải là một thành phần trong chuỗi du lịch làng nghề. Thông qua đó, người dân thấy được vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

Chúng tôi cũng phối hợp với các tổ chức xã hội như Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Quỹ Môi trường toàn cầu… để tổ chức lại các làng nghề, tổ đồng quản lý, từ đó nâng cao năng lực cho bà con về cách quản trị, cách tổ chức những hoạt động để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức sản xuất để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, hướng dẫn cho các cộng đồng tổ chức các hoạt động, cung ứng dịch vụ để thu hút khách du lịch đến tham quan.

Tôi tin rằng nếu bà con làm tốt, khách du lịch sẵn sàng trả tiền để được trải nghiệm những truyền thống văn hóa, lịch sử cũng như vẻ đẹp thiên nhiên hòa quyện với sản phẩm đặc thù của địa phương. Từ đó, cuộc sống của những cư dân làng chài sẽ được nâng cao.

Để phát triển ngành thủy sản bền vững, chúng ta đưa ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm số lượng đội tàu khai thác cá từ 91.000 chiếc (như hiện nay) xuống dưới 77.000. Cùng với đó, sản lượng thủy sản khai thác chỉ còn 2,8 triệu tấn (tức giảm khoảng 1 triệu tấn so với hiện nay). Tuy nhiên, Cơ quan quản lý Nhà nước không thể dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt ngư dân phải giảm số lượng tàu và chuyển đổi sang nghề khác. Vậy giải pháp trước mắt và lâu dài để người dân vừa có sinh kế ổn định vừa đạt được mục tiêu phát triển thủy sản bền vững là gì, thưa ông?

Đây là câu hỏi rất hay! Hiện nay chúng ta căn cứ vào dữ liệu điều tra nguồn lợi thủy hải sản để chứng minh cho bà con thấy nếu không giảm đội tàu mà cứ khai thác như hiện nay là không bền vững. Và người dân cần hiểu rằng, giảm đội tàu không phải phục vụ cho cơ quan quản lý.

Song song với quá trình giảm số lượng tàu khai thác cá, cần đẩy mạnh công tác đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân. Đối với số lượng tàu đánh bắt cá rất lớn ven bờ nên chuyển sang phương án đồng quản lý để khai thác du lịch. Mặt khác, chúng tôi cũng đang xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp để cho bà con không phải đi biển.

Ví dụ như làng chài Vung Viêng trên vịnh Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), trước đây người dân sống bằng nghề khai thác cá, nhưng hiện nay hầu hết đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản và đón khách du lịch đến thăm. Đó là những mô hình mà tới đây chúng ta phải nhân rộng.

Đặc biệt, Luật Thủy sản quy định trong vùng 3 hải lý ven bờ, UBND huyện có trách nhiệm quy hoạch và giao mặt nước cho bà con ngư dân có đời sống sinh kế phụ thuộc vào biển tổ chức sản xuất. Chúng tôi cũng hướng dẫn các địa phương dựa vào từng điều kiện và thế mạnh của mình, không chuyển đổi một cách ồ ạt mà chuyển đổi có tổ chức, cố gắng thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, sản xuất phải đủ lượng để chúng ta đưa ra thị trường, hoặc phải gắn với sản phẩm OCOP, sản phẩm bản địa để giúp người dân yên tâm sản xuất, tránh phát triển nhỏ lẻ, tự phát như hiện nay.

Song song với đó, chúng ta giảm sản lượng khai thác hải sản nhưng không giảm giá trị. Như vậy, phải giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cấp hệ thống bảo quản, tăng tự động hóa để chúng ta giảm áp lực và nguồn nhân lực đi biển. Và từ nguồn nguyên liệu tốt, chúng ta phải phát triển thành các sản phẩm chế biến giá trị cao, thay vì chủ yếu chế biến thành bột cá và sản phẩm giá trị thấp.

Nói về thực trạng hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản, tôi nhớ tới loạt bài “Nhếch nhác cảng cá” mà báo Nông nghiệp Việt Nam vừa thực hiện. Nhưng, tình trạng nhếch nhác, lạc hậu, thiếu cơ sở vật chất đâu phải chỉ có ở hệ thống cảng cá, phải không ông?

Đúng vậy. Không chỉ hệ thống cảng cá mà cả hạ tầng nuôi trồng và các hạ tầng khác hiện nay đang rất yếu. Như chúng ta đã biết, hiện nay rất nhiều địa phương sử dụng chung hạ thủy sản và nông nghiệp. Đây là yếu tố rất rủi ro. Bởi vậy trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà các địa phương đang xây dựng cần phải tích hợp và bố trí một không gian phù hợp để các vùng nuôi trồng thủy sản được đầu tư và khai thác hạ tầng riêng, từ đó cung cấp nguồn nước phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển của đối tượng nuôi.

Tới đây, nhiều khu bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản sau khi được phê duyệt quy hoạch cũng phải được đầu tư để chúng ta phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của khu vực đó.

Bên cạnh đó, bây giờ chúng ta triển khai các hoạt động chứng nhận, xác nhận theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Tất cả các sản phẩm thủy sản khai thác phải được thống kê và được theo dõi thường xuyên, liên tục, đảm bảo cung cấp số liệu minh chứng về khai thác, thì rất cần có cảng được bố trí phù hợp để bà con yên tâm về cảng, lên hàng và tuân thủ quy định pháp luật. Từ đó, chúng ta kiểm soát được sản lượng, nguồn gốc thủy sản qua bến…

Xin ông chia sẻ về định hướng phát triển nuôi trồng thuỷ sản trong thời gian tới?

Sản phẩm thủy sản cũng giống như ngành nông nghiệp. Chúng ta có nhóm sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng miền và sản phẩm địa phương. Vừa qua chúng ta đang tập trung nhiều vào xây dựng sản phẩm quốc gia, còn sản phẩm vùng miền và sản phẩm địa phương chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế. Cho nên bên cạnh sản phẩm quốc gia thì chúng ta cần phải khai thác tối đa các đối tượng nuôi có tiềm năng, lợi thế, ví dụ như ngao, hàu, cá rô phi.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, rất nhiều loài thủy sản trở thành những đối tượng nuôi có thể phát triển thành sản phẩm hàng hóa rất tốt. Vấn đề này đã và đang được chúng tôi đưa vào các chương trình nghiên cứu, sản xuất để khai thác được tiềm năng, lợi thế.

Điển hình như vừa qua, chúng ta đang phối hợp với Hậu Giang để phát triển nuôi lươn. Bước đầu đã có những doanh nghiệp tiếp cận với Hậu Giang để đưa sản phẩm lươn trở thành sản phẩm của vùng miền gắn với tiêu thụ trên thị trường. Chúng ta cũng đang tập trung phát triển trồng rong biển kết hợp với nuôi các đối tượng thủy sản khác gắn với các nhà máy chế biến và nghiên cứu tạo nhiều sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ ngành y, dược để tạo giá trị gia tăng.

Đây là những định hướng lớn để chúng ta đạt được mục tiêu đến năm 2030, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD, giảm cường lực khai thác, đầu tư phát triển nuôi trồng.

 Theo ông, chúng ta cần làm gì để để khai thác tối đa tiềm năng to lớn từ mặt nước biển trong nuôi trồng thủy sản?

Ngày 04/10/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1664/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có thể nói, đây là trọng tâm ưu tiên để khai thác các tiềm năng, đặc biệt là các vùng biển hở để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Mục tiêu của Đề án là: diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha; sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn; nuôi biển xa bờ 30.000 ha; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8-2,0 tỷ USD;…

Bên cạnh đó, một số giải pháp để thực hiện mục tiêu trên đã được đề ra như hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm trong hoạt động thủy sản theo quy định pháp luật; hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư đồng bộ các khâu vào phát triển nuôi biển xa bờ; nghiên cứu, áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho lồng bè, lao động tham gia nuôi biển trước các điều kiện thời tiết không thuận lợi;…

Ngoài ra, nhóm các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục nuôi biển chủ yếu bao gồm nhóm dự án thí điểm nuôi biển quy mô công nghiệp giai đoạn 2021-2025 ở Quảng Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận và Kiên Giang; nhóm dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ các vùng nuôi biển tập trung xa bờ tại Quảng Ninh, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên và Kiên Giang; nhóm dự án đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống phục vụ nuôi biển.

Hiện nay, chúng ta cũng đã có những mô hình nuôi biển hiệu quả cao. Tuy nhiên, chúng ta phải kêu gọi những nhà đầu tư đủ tầm, lĩnh vực nuôi biển không thể đầu tư một cách nhỏ giọt. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đầu tư để nghiên cứu về giống, tổ chức sản xuất bài bản, đủ sản lượng, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nghiên cứu về dinh dưỡng để các đối tượng nuôi được sử dụng thức ăn hoàn chỉnh thay vì sử dụng cá tạp như hiện nay.

Thứ ba là phải tính trước đón đầu để lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp và công nghệ chế biến đáp ứng được nhu cầu các thị trường mà chúng ta mong muốn sản phẩm đi tới, từ đó lập quy hoạch sản xuất cho phù hợp, đảm bảo thành công cao.

Nhân ngày 1/4, là ngày truyền thống ngành thủy sản, ông có thể chia sẻ thông điệp để ngành thủy sản của Việt Nam phát triển hiệu quả bền vững trong tương lai?

Với truyền thống 63 năm trưởng thành và phát triển, chúng ta đã tạo dựng cho ngành thủy sản có một chỗ đứng, một vị thế không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế. Đồng thời, chúng ta đã bước đầu khai thác được lợi thế kinh tế biển. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, cần có cách nhìn nhận và tư duy mới để phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn, việc tổ chức sản xuất phải tuân thủ quy định pháp luật và yêu cầu của thị trường mà chúng ta nhập khẩu.

Và hơn bao giờ hết, từ những nhà quản lý đến cộng đồng nhân dân, chúng ta cần nhìn nhận lại những kết quả đạt được, xem xét những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong thời gian tới, từ đó quyết tâm hành động thực hiện thắng lợi mong muốn của Bác Hồ để khai thác tiềm năng từ biển, giàu lên từ biển và giữ vững chủ quyền, an ninh biển đảo của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Minh Phúc - Phạm Hiếu
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Phạm Hiếu - Lê Hoàng Vũ - Nguyễn Thành
Phạm Huy - Ngô Huân