Gìn giữ hương sắc nếp cái hoa vàng

Nếp cái hoa vàng là giống lúa quý được sản xuất từ nhiều năm nay và TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) lựa chọn là sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

TX Đông Triều được gọi là vựa lúa lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây sở hữu địa thế, thổ nhưỡng thích hợp để trồng lúa với diện tích trên 8.300ha. Được biết, TX Đông Triều có nhiều loại đặc sản nông nghiệp, trong đó, không thể không kể tới sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng.

Nếp cái hoa vàng là giống lúa cổ truyền được bà con nông dân TX Đông Triều sản xuất từ nhiều năm nay và đã được lựa chọn là sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Đông Triều là thị xã cửa ngõ phía tây của tỉnh Quảng Ninh, nằm gần tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Nơi đây có hệ thống giao thông vận tải thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy và đường sắt, phù hợp để phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa.

Đặc biệt, thị xã được bao quanh bởi nhiều con sông như Đạm Thủy, Đá Vách… mang theo phù sa giúp chất đất thêm màu mỡ, thích hợp để phát triển lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là trồng lúa.

Đến thăm cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng vào những ngày cuối tháng 10, du khách có thể dễ dàng thưởng thức hương vị thơm nức, ngọt ngào của lúa chín, hòa quyện trong từng cơn gió nhẹ nhàng của mùa thu.

Nếp cái hoa vàng có được chất lượng vượt trội là nhờ khí hậu, chất đất của Đông Triều tạo nên đặc trưng riêng, đất đai có nhiều vi lượng, hệ thống núi non xen lẫn đồng bằng và hệ thống sông ngòi dày đặc đã tạo ra những vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tập trung với diện tích lớn mà ít địa phương nào có được.

Gạo có chất lượng thơm ngon, bởi giống lúa này được cấy trên những cánh đồng trũng, có độ chua, phèn và thuận lợi có được nguồn nước từ hệ thống sông bao quanh, mang theo phù sa cho đồng ruộng. Ngoài ra, phân bón cho lúa chủ yếu được người dân nơi đây sử dụng là phân hữu cơ và thời gian gieo cấy mất 180 ngày.

Bà Trần Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh chia sẻ: "Sở dĩ có cái tên 'nếp cái hoa vàng' là bởi khi lúa trên đồng trổ đòng, phấn hoa có màu vàng trắng. Hạt thóc lúc vào mẩy thì tròn, có râu ở cuối hạt, khi già xung quanh vỏ hạt thóc có ít lông. Hạt gạo xay xát ra có màu vàng xám và gầy hơn các giống nếp lai".

"Đặc biệt, chất lượng gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều được đánh giá là ngon đứng đầu trong các loại gạo nếp, hạt đầy tròn, bóng mịn, không vỡ, không bạc bụng. Khi nấu cơm nếp, hạt gạo rất trong, mềm nhưng không nát và ráo nước, để lâu sau khi chế biến cũng không đổi vị, mùi thơm ngát, hấp dẫn, cơm dẻo, hạt cơm bóng, có giá trị dinh dưỡng cao, với hàm lượng khoáng chất và axit amin tốt cho sức khỏe như sắt, canxi, magie", bà Hồng cho biết.

Không chỉ sở hữu vẻ đẹp bắt mắt, chất lượng gạo nếp hoa vàng Đông Triều khi nấu xôi, cơm nếp, chế biến các loại bánh ăn đều ngon, dẻo và có mùi thơm ngậy đặc biệt. Ngoài ra, gạo nếp cái hoa vàng dùng nấu rượu hay làm cốm đều mang đến hương vị đặc biệt, ai đã thưởng thức một lần là nhớ mãi.

Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 14/10/2020 của Thị ủy Đông Triều, đặt mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu theo hướng thực chất, hiệu quả, toàn diện và bền vững. Trong đó, mục tiêu cụ thể đối với cây lúa được thị xã xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, sau 3 năm thực hiện, đến nay, tổng sản lượng lương thực của toàn thị xã đạt trên 52.000 tấn. Riêng lúa đạt sản lượng trên 50.000 tấn.

Theo bà Trần Thị Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh, để duy trì và phát triển chất lượng cũng như danh tiếng của sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều, từ năm 2010, giống lúa đặc sản này được lưu giữ, phục tráng và dần đưa vào sản xuất diện rộng ở nhiều xã.

“Nếp cái hoa vàng là giống cảm quang (phản ứng mạnh với ánh sáng) nên chỉ gieo cấy được 1 vụ trong năm. Do tính ổn định cao và gieo cấy một mình một thời vụ nên việc lai tạp ít hơn song vẫn bị ảnh hưởng của xu hướng thoái hóa giống. Hiện nay, giống lúa nếp cái hoa vàng chủ yếu do người dân chọn tạo, giữ giống nên chỉ đảm bảo được yếu tố chất lượng gieo trồng của giống (tỷ lệ nảy mầm, độ lẫn, độ sạch, cỏ dại...) còn độ thuần và phân ly, đặc trưng, đặc tính thì người dân không thể giữ được”, bà Hồng chia sẻ.

Được biết, thời điểm trước năm 2014, mỗi năm, TX Đông Triều gieo trồng trên 400ha lúa nếp cái hoa vàng, năng suất bình quân chỉ đạt được 3,5 tấn/ha, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ngoài chợ truyền thống.

Đến năm 2015, sau khi phục tráng thành công về giống, đặc biệt sau khi gạo nếp cái hoa vàng được xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, diện tích nếp cái hoa vàng ở Đông Triều đã tăng nhanh chóng.

Năm 2018, TX Đông Triều có diện tích trồng nếp cái hoa vàng là 1.030ha, bình quân cho năng suất khoảng 4 tấn/ha, sản lượng lúa trên 4.100 tấn, sản lượng gạo 2.900 tấn. Việc áp dụng và tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cùng với kinh nghiệm chọn giống của người dân, đã giữ được chất lượng của giống lúa quý, giúp tăng năng suất nếp cái hoa vàng trong những năm qua.

Giống phục tráng cho năng suất tăng 10-15%, chất lượng, mẫu mã được nâng cao. Đặc biệt, gạo làm ra vẫn giữ được độ thơm ngon nên đã được lựa chọn là sản phẩm OCOP đặc trưng của TX Đông Triều.

Đặc biệt, tiềm năng kinh tế của sản xuất lúa nếp cái hoa vàng rất lớn, giá thóc nếp cái hoa vàng tăng cao gấp 2 – 2,5 lần so với cấy lúa tẻ thường. Sự chênh lệch giá này đã tạo ra thu nhập cao hơn từ 10 - 14 triệu đồng/ha.

Trong năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp để triển khai dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Đông Triều”.

Dự án đã quy hoạch được vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tập trung ở 4 xã là Yên Đức, Hồng Phong, Hoàng Quế và Nguyễn Huệ với tổng diện tích 50ha và được phát triển và mở rộng diện tích sản xuất trong những năm tiếp theo. Dự án đã xây dựng được hệ thống nhận diện sản phẩm, đăng ký và được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Đông Triều” tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ).

Theo người dân Đông Triều, để giữ giống lúa thì việc chọn giống phải chọn ngay sau khi gặt lúa về, thu hoạch lúa phải chọn ngày nắng ráo. Sau khi thu hoạch, mỗi lượm lúa chỉ chọn được 5-7 bông, đem tuốt lấy hạt phơi trong 3-4 nắng tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết. Kinh nghiệm là phải chọn giống bông có hạt xếp nếp đều, gọn bông để giữ chất lượng gạo.

Năm 2015, gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều được xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh; đã được cấp mã số, mã vạch, thiết kế bao bì, nhãn mác, xác lập quyền đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Năm 2017, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều (Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh) được Ban điều hành OCOP TX Đông Triều chấm điểm xếp hạng 4 sao. Sản phẩm đã xây dựng và được cấp nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Đông Triều”.

Gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều được đánh giá là ngon đứng đầu trong các loại gạo nếp. Được TX Đông Triều lựa chọn là sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Hiện nay, diện tích trồng lúa nếp cái hoa vàng ở TX Đông Triều là 2.000ha, mỗi ha cho thu hoạch từ 3 - 3,5 tấn.

Hồng Phong là một trong những địa phương có quy mô sản xuất nếp cái hoa vàng lớn, toàn xã có trên 120ha sản xuất nếp cái hoa vàng. Trong đó, 50ha quy hoạch vùng sản xuất liên kết bao tiêu sản phẩm.

Những năm gần đây, người dân địa phương đã được tiếp cận về các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, lịch gieo cấy. Từ đó, các mô hình sản xuất nếp cái hoa vàng của xã đã mang lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Quang Hồng, người dân thôn Triều Khê, chia sẻ: “Gia đình sản xuất nếp cái hoa vàng đã nhiều năm, trước đây năng suất rất thấp. Những năm gần đây, bà con được chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và chỉ đạo, kiểm tra sát sao, nhờ vậy năng suất lúa dần được cải thiện, vụ vừa rồi gia đình cấy 3 sào, năng suất đạt 1,8 tạ/sào, tương đương 4,8 tấn/ha”.

Nếp cái hoa vàng được xác định là sản phẩm đặc trưng của địa phương trên cơ sở những yếu tố lợi thế như chi phí sản xuất thấp, chất lượng gạo ngon, không đòi hỏi cao về khoa học kỹ thuật và phù hợp với chất đất của địa phương.

Gia đình anh Nguyễn Văn Năm, ở thôn Bình Lục Thượng, không giấu được niềm vui vì trong vụ nếp cái hoa vàng vừa qua, anh thu được trên 2 tấn thóc, trị giá gần 50 triệu đồng.

Anh Năm cho biết: “Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng nếp cái hoa vàng tuy không so được với loại hình công nghiệp dịch vụ khác nhưng so với trồng lúa đơn thuần như vậy là thắng lợi rồi”.

Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong Nguyễn Hoàng Thiện cho biết: “Phải khẳng định, nếp cái hoa vàng đã và đang mang lại giá trị cao cho nông dân, bởi cung luôn không đủ cầu, bà con không phải lo đầu ra. Kết quả này có được là nhờ sự tác động lớn của Chương trình xây dựng thương hiệu nông sản nếp cái hoa vàng của thị xã Đông Triều”.

“Nhờ việc thị xã đẩy mạnh xây dựng thương hiệu kết hợp với xúc tiến thương mại mà sản phẩm này ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Trước khi có thương hiệu sản phẩm, giá bán trên thị trường mặc dù có cao hơn sản phẩm cùng loại, song cũng chỉ chênh lệch 2 - 3 giá nhưng  hiện nay chỉ số chênh lệch của sản phẩm này với loại thông thường đã tăng lên 7 - 10 giá, lúc cao điểm có thể lên đến 15 giá, góp phần tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho bà con nông dân”, ông Thiện nhấn mạnh. 

Thực tế cho thấy, từ xã còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nguồn thu nhập còn hạn chế, nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay, đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể.

Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết với người nông dân trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng. Tiêu biểu là Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh đang quản lý sản phẩm theo chuỗi khép kín, từ khâu giống, sản xuất theo quy trình VietGAP, đến chế biến và tiêu thụ. 

Bà Trần Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Ninh đã đăng ký sản xuất giống siêu nguyên chủng và phục tráng nếp cái hoa vàng. Từ đó, thông qua tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho người dân để sản xuất đại trà nếp cái hoa vàng tại địa phương.

Hiện nay, gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều được tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, hệ thống bán hàng OCOP, các đại lý ở Quảng Ninh và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Nhờ việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu kết hợp với xúc tiến thương mại, nên sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, đang rất được ưa chuộng trên thị trường, nhu cầu lớn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại giá trị cao cho người nông dân, bởi cung luôn không đủ cầu.

Để mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm truyền thống đặc trưng, TX Ðông Triều đã triển khai hàng loạt dự án cải tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm.

Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và đã đạt được nhiều kết quả đáng mong đợi.

Tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm tham gia các hội chợ trong và ngoài nước nhằm kết nối tiêu thụ. Tỉnh tập trung áp dụng công nghệ sau thu hoạch, tư vấn và hướng dẫn đăng kí tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng chất lượng theo chương trình quản lý tiên tiến như: ISO, GMP, HACCP, VietGAP... cho các sản phẩm OCOP thế mạnh địa phương. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của TX Đông Triều đạt trên 75 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn còn 0,49%.

Đặc biệt, tiếp tục củng cố 4 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản là thế mạnh của thị xã; tiếp tục nâng cao chất lượng 150ha nếp cái hoa vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại 3 xã Yên Đức, Hồng Phong, Hưng Đạo.

Nông nghiệp phát triển ổn định, môi trường được người dân quan tâm, đời sống người dân được nâng cao cả về vật chất, tinh thần… Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế nông thôn của TX Đông Triều tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của thị xã như gạo nếp cái hoa vàng, sữa tươi, na, vải, cam...

Cụ thể, trên địa bàn thị xã hiện có các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp gồm nếp cái hoa vàng, khoai tây Atlantic, lúa ĐT37 cho thu nhập, năng suất cao... Ngoài ra, Đông Triều đã tổ chức thực hiện được 22 vùng sản xuất tập trung thông qua việc dồn điền, đổi thửa tạo ra những "cánh đồng mẫu" phù hợp với đất đai thổ nhưỡng, thuận lợi trong việc cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Nguyễn Thành
Trọng Toàn
Nguyễn Thành